Hôm nay nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh, tôi về quê thăm họ hàng và gặp lại đứa cháu - con của người anh họ mà tôi lâu không gặp.
Con bé năm nay học lớp 5. Trái với sự hoạt bát vui vẻ vốn có của một đứa trẻ 10 tuổi, nó luôn có một vẻ mặt trầm buồn khiến ai nhìn cũng phải chạnh lòng thương hại.
Bố con bé - tức anh họ tôi kết hôn khi mới ngoài 20 tuổi. Hai vợ chồng gặp nhau khi đi làm công nhân và ban đầu cũngsống khá hạnh phúc.
Anh chị sinh được 1 trai 1 gái. Nhưng sau khi bé thứ hai ra đời, gia đình anh chị lục đục. Anh họ tôi cũng đổi hết nghề này sang nghề khác, từ công nhân đến làm xây dựng, đi lái taxi rồi phụ xe đường dài. Nhưng vì không chỉn chu làm ăn nên mỗi lần cũng chỉ được vài năm rồi lại gánh thêm 1 đống nợ, và anh đòi đổi nghề.
Điều tôi lấy làm lạ là ở anh họ tôi luôn có một sự lạc quan vô tư hiếm có. Anh vui vẻ cười đùa, ăn uống, chơi bời mỗi ngày. Anh sống vô lo vô nghĩ như một đứa trẻ ham chơi, không có chút dáng dấp của một người đàn ông đã lập gia đình.
Trong khi đó, hai bác tôi chỉ là nông dân không khá giả gì nhưng suốt ngày nai lưng đi làm thêm, thậm chí bán đất để làm vốn và trả nợ cho con trai.
Nói đến chị dâu tôi thì cũng là người thường xuyên ghen tuông, chỉ biết khóc lóc và la làng mỗi khi chồng lăng nhăng bên ngoài. Công việc và con cái chị cũng bỏ bê không màng tới.
Sau khoảng vài năm thì anh chị ly hôn và để lại hai đứa con cho ông bà nội nuôi. Anh họ tôi thì bỏ vào miền nam biệt tích chẳng mấy khi thấy mặt. Chị dâu tôi thì bỏ về quê ngoại, rất ít khi quay lại thăm con.
Mẹ tôi kể rằng Tết vừa rồi chị dâu cũ của tôi bị tai nạn xe gãy chân phải nhập viện. Thằng bé lớn, giờ đã 14 tuổi, phải vào viện chăm mẹ. Nó vừa xách đồ đến nơi, mẹ nó liền hỏi "Con có tiền không cho mẹ vay?"
Tôi thực sự không hiểu tại sao một người mẹ lại có thể mở lời ra hỏi câu đó với một đứa bé 14 tuổi mà chính mình đã bỏ rơi và không hề ngó ngàng đến. Tôi cũng không tưởng tượng được cảm giác của thằng bé sẽ như thế nào khi ấy.
Nhưng rốt cục, thằng bé cũng xoay xở được để có tiền cho mẹ. Nó về đập lợn lấy tiền lì xì của mình được hơn 1 triệu đưa mẹ nó rồi tiếp tục chăm mẹ đến khi mẹ ra viện.
Khi nghe chuyện, tôi thực sự khâm phục thằng bé và không còn lời nào để nói về anh chị tôi. Nhưng gần đây, tôi lại nghe tin thằng bé vừa quyết định bỏ học đi làm công nhân sau khi học xong cấp 2.
Ông bà thuyết phục thế nào nó cũng không chịu đi học tiếp. Một phần vì học kém, một phần vì chán đời, nên nó xin lên huyện đi làm công nhân sớm. Từ đó, nó bắt đầu chơi với bạn bè xấu, đàn đúm và còn ăn trộm xe bị công an bắt.
Thằng bé hồi nhỏ vốn rất xinh trai và ngoan ngoãn. Nó từng đi thi bóng đá và giành huy chương của tỉnh, cả nhà đã rất hi vọng nó sẽ theo nghiệp thể thao. Nhưng giờ nó bỏ hết và bắt đầu lao dốc không phanh, đi vào một con đường chắc chắn là không có gì tốt đẹp.
Nhưng tôi không ngạc nhiên vì điều đó. Các cụ vẫn bảo "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước." Những gì thằng bé đang chịu là hậu quả trực tiếp của việc nó có một người bố không ra bố và một người mẹ không ra mẹ. Dù nó phá phách và hư hỏng thì cũng khó trách được nó.
Còn con bé thứ hai - đứa học đến lớp 5 thì lại là một thái cực khác. Con bé rất ngoan, nhưng luôn buồn bã và thiếu sức sống. Tôi nhớ mãi Tết 5 năm trước, khi bố mẹ nó mới chia tay và bỏ đi, con bé theo ông bà đến thăm nhà tôi nhưng cứ đứng một mình ôm cột ngoài hiên.
Tôi thấy vậy liền mang ít kẹo ra bảo nó vào. Con bé chậm rãi ngẩng lên nhìn tôi và hỏi với giọng rất nhỏ "Cô ôm cháu được không?" Trời, ánh mắt và giọng nói con bé lúc đó đáng thương đến mức tôi bật khóc. Nhưng vì đang là ngày Tết lại đông người nên tôi giấu nước mắt ôm con bé, động viên nó vào nhà và vui lên.
Nhưng tôi biết tôi không có tư cách gì để bảo nó vui lên. Làm sao mà bảo con bé vui được trong hoàn cảnh đó. Làm sao bảo nó tươi cười được khi bị bố mẹ bỏ rơi ở cái độ tuổi như thế.
Cả bố mẹ tôi và tôi đều rất xót ruột và thương cho hai đứa. Nhưng ngoài việc thường xuyên gửi quà và hỏi thăm hai đứa, chúng tôi không làm được gì nhiều hơn.
Thi thoảng khi gặp anh họ tôi khi anh về thăm nhà hoặc xin thêm tiền, tôi chỉ thấy chán ghét. Bố mẹ tôi ra sức khuyên anh nên tập trung làm ăn mà chăm nom 2 đứa cho tốt, nhưng đều như nước đổ lá khoai. Anh còn vừa tái hôn và có thêm 1 đứa con trong miền Nam.
Nhìn anh họ mình như vậy, tôi nhận ra một bài học sâu sắc là "Đừng làm cha mẹ khi chưa thực sự sẵn sàng." Nếu ai cũng đến tuổi là kết hôn, kết hôn xong là sinh con rồi lại bỏ bê con như anh chị tôi thì ngoài kia sẽ có biết bao đứa trẻ đáng thương như hai đứa cháu tôi.
Một người chưa trưởng thành và thiếu trách nhiệm với bản thân đã có thể tạo gánh nặng rất lớn cho người xung quanh. Nhưng khi họ kết hôn và đẻ con vô tội vạ, cái gánh nặng họ tạo ra cònnặng hơn gấp nhiều lần, và để lại hậu quả khủng khiếp với chính những đứa trẻ họ sinh ra.
Vì vậy, tôi rất mong những người trẻ, dù bạn là ai và đang ở đâu, hãy suy nghĩ chín chắn và đảm bảo mình có thể chịu trách nhiệm cho cuộc đời của chính mình, cuộc đời của một người bạn đời và một đứa trẻ khác thì hãy nghĩ đến chuyện có con. Thế giới này và con của bạn sau này đều sẽ biết ơn bạn vì điều đó.