...sau khi đọc xong "Tôi nói gì khi nói về chạy bộ" của Haruki Murakami
Khác với các cuốn sách thấm đẫm yếu tố kỳ bí của bác Murakami, "Tôi nói gì khi nói về chạy bộ" có cách tiếp cận khá "dễ thở". Đọc một cuốn tự truyện, chỉ đơn thuần mô tả lại những cuộc chạy bộ, những đấu tranh "cam go" trên những chặng đua, nhưng mình đã có những chiêm nghiệm mang tính cá nhân đặc biệt.
Với một cây viết như Murakami, việc ngồi bàn giấy và hoạt động trí óc không hề nhàn hạ như nhiều người tưởng. Sự song hành, tương hỗ tưởng chừng xa rời giữa một bộ môn thể thao và công việc trí óc, hóa ra lại gần gũi đến thế.
Khi viết lách, hoặc làm bất cứ một công việc trí óc nào, những tưởng ta chỉ cần có một bộ não tỉnh táo, sáng suốt, đầy kiến thức là đã đủ. Thế nhưng đằng sau bàn giấy của một cây bút, là một cơ thể dễ hao mòn. Và để bộ não có thể hoạt động hiệu quả, là cả một "bộ máy'' chăm chỉ cần mẫn để duy trì sức khỏe thể chất.
Dù không phải nhà văn nhưng mình cũng trải qua những ngày tháng làm việc liên quan viết lách, phải nhìn đồng hồ chờ tan làm nhiều hơn chờ tin nhắn người yêu (giờ đã thành cũ), mình đã ngấm hơn những cái đau thể chất. Con người có thể khác nhau đủ thứ trên đời, nhưng bệnh văn phòng thì chẳng chừa một ai. Nếu có cuộc thi thắng giải bệnh văn phòng, thì chắc mình sẽ đạt vương miện "mít ren bệnh tật". Trào ngược dạ dày, rụng tóc, mỏi mắt, béo bụng, cổ vai gáy,...đủ cả.
Bác Murakami chạy bộ, thêm cả ba môn phối hợp. Còn mình, do điều kiện, nên chỉ có thể đi bộ. Đi bộ cũng có cái thú của nó, mình cũng thích những buổi sáng tinh mơ dậy sớm, dạo 1 vòng quanh hồ, đeo tai nghe và thả trôi bước chân. Nhưng giả thử nếu có điều kiện đáp ứng, mình sẽ chọn bơi lội là môn thể thao mà mình yêu thích và có thể tập mỗi ngày.
Nói đến đây thì ai cũng nghĩ rằng mình là đứa bạo nước. Nhưng sự thật thì hồi bé tí xíu, biển và mình đã "không đội trời chung". Hồi 4 tuổi, do bất cẩn, mình đã bị sóng đánh sặc nước, mất đôi khuyên tai bằng bạc mà mẹ ngâm mãi mới mua cho. Cú sốc đầu đời làm nên "lửa hận thù" với biển cả đã khiến mình nghĩ, chắc chỉ có trong mơ, mình mới biết bơi được.
Thế nhưng, bơi lội, cũng như bao thứ mình từng ghét, từng sợ khác, vẫn tìm cách vồ vập lấy mình, bắt mình phải làm quen với nó, vượt qua nó, và thành bạn thân với nó.
Và thế là mình đi học bơi. Bạn nghĩ rằng mình bơi trong hồ bơi dễ thương, sâu 2m, có thầy giáo đẹp trai 6 múi đúng không?
Nhưng lớp học bơi của mình lại là 1 chiếc hồ rộng hơn 5000 ha, độ sâu nhất là 18m - Hồ Quảng Bá
Đương nhiên, khỏi phải nói, mình đã ba hồn bảy vía khi lần đầu đi học bơi. Và không phải những thầy giáo đẹp trai, mà là các thầy giáo đẹp lão, đã dạy cho mình những bước ngụp lặn vỡ lòng.
Những ngày đầu tiên, mình mặc áo phao và chỉ dám đứng ở gần bờ. Với sự sợ hãi tột đỉnh và chiều cao 3m bẻ đôi thì mình đã tự hào khi dám thả mình xuống 1 cái hồ sâu gấp 12 lần cơ thể . Mấy buổi này, mình phải tập khoát tay sao cho đúng trong bộ môn bơi ếch. Động tác tay trong môn này không giúp cơ thể di chuyển, chủ yếu là giúp cơ thể trồi lên mặt nước, kịp lấy hơi trước khi lại nín thở.
Sau khi tay đã ổn, mình bắt đầu bám vào thành cầu thang xuống hồ để tập chân. Cũng dễ hiểu thôi, động tác chân sẽ mô phỏng động tác giống con ếch. Động tác này quan trọng bởi nó sẽ giúp cơ thể di chuyển nhanh hay chậm. Người ta có thể đạp 1, hoặc 2 nhịp cùng 1 lúc. Mình thì lười nên thường chỉ đạp 1.
Xong xuôi, mình bắt đầu phải sang phần khó nhất: thở. Nếu như so sánh thì chắc nó quan trọng cỡ nước dùng trong phở, hay cánh quạt máy bay - đây là kỹ năng sẽ quyết định bạn có bơi được hay không! Hít 1 hơi thật sâu, và úp mặt xuống nước, nín thở vài giây để cơ thể như 1 quả bóng nổi, rồi lại thở ra bong bóng, trồi mặt lên để tranh thủ hớp 1 vài giọt không khí, để rồi lại trở lại mặt nước.
Giờ mô tả lại thì thấy dễ như ăn kẹo, nhưng lúc ấy, mình thấy khó đến "xịt keo''. Ấy thế mà, chỉ cỡ 10 ngày, sau khi ghép tất cả các động tác vào với nhau nhịp nhàng, mình đã bơi được! Khoảng cách giữa 2 cây cầu thang xuống hồ tự dưng gần hơn bao giờ hết.
Thế rồi 15 ngày, mình bơi ra đến hàng rào bóng bảo vệ.
Rồi sau đó, mình vượt rào luôn...(nguy hiểm, mình khuyến cáo không ai làm theo cả)
Nhưng lúc đó, có các "sư phụ" từng là vận động viên đi kèm ra khơi, mình chẳng sợ gì nữa.
Và thế là mình vượt rào, đi đến ra giữa hồ, rồi 2/3 hồ. Mình khởi động kỹ, và buộc 1 cái phao nhỏ (1 cái lốp xe tự chế) vào chân để bơi. Lúc nào mệt quá thì cứ ôm phao mà nằm giữa hồ lênh đênh.
Và đó là sự tích học bơi của 1 đứa nhát nước chúa như mình.
Và từ "sờ sợ", ''là lạ", "thích thích" rồi "thương thương". Bơi lội cũng "tán đổ" và chinh phục mình không khác mấy so với người yêu (cũ). Đến giờ, với mình việc học bơi, không chỉ giúp mình khỏe mạnh hơn, mình còn nghiệm ra đc nhiều điều mà cuộc sống giống hệt với quá trình con người ta bơi lội.
1. Nỗi sợ có thể sẽ trở thành 1 thành tựu/ đam mê 1 khi ta vượt qua nó. Đôi khi cần đối mặt với nỗi sợ để thấy nó cũng không sợ lắm.
2. Chỉ khi thả lỏng người, mình mới có thể nổi. Nếu run, cứng người, mình chắc chắn sẽ chìm. Tương tự, quá căng thẳng khi làm việc gì đó, thường sẽ hỏng việc
3.Nếu có lúc nào bơi mệt quá, thì học cách dừng lại, nổi trên nước lênh đênh mà ngắm trời mây, chứ không phải chìm. Nếu có lúc nào mệt mỏi vì cuộc sống, thì mình cần học cách nghỉ ngơi, dừng lại, nhìn ngắm mọi thứ xung quanh để lấy sức "chiến" tiếp.
4. Mọi thứ đều cần một sự khởi động kỹ càng. Nếu không bạn sẽ dễ gặp tai nạn như chuột rút. "Giục tốc bất đạt", nếu đốt cháy giai đoạn, bạn dễ thất bại trên nhiều mặt trận.
5. Cần lường trước mọi tình huống, như phao cứu hộ, mũ bơi, kính bơi. Lúc tai nạn, nếu không có cứu hộ, thì chí ít mình cũng tự tin hơn với cách hành trang cá nhân và có xác suất để thoát nạn. Trong cuộc sống, sẽ có những lúc mình phải đối diện nỗi cô đơn và độc hành, và chỉ có mình mới giúp được mình.
6. Đôi khi những sự việc đột xuất, như cơn mưa, lại không hề cản trở, mà nó còn là một điều thú vị bởi trời mưa, đi bơi không sợ ướt thêm, mà cũng chẳng ra mồ hôi. Cuộc sống cũng có nhiều điều bất chợt tới, mình không thể ngăn, không thể đoán trước, nhưng có thể sẽ có những điều bất ngờ có thể khám phá trên chặng đường.
Và đó, là những tản mạn, những bài học mà mình đã chiêm nghiệm ra trong suốt hơn 10 năm "kết thân'' với bơi lội. Mình biết ơn nỗi sợ, đã khiến mình trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Và hy vọng rằng, dù mình và bạn, có tập môn thể thao gì đi chăng nữa, thì hãy luôn quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của mình, để có thể thật sự tận hưởng cuộc sống, yêu mình, yêu người và yêu đời, như cách mà bác Murakami đã truyền cảm hứng trong suốt hơn 20 năm cần mẫn chạy bộ.