Vài suy nghĩ vụn vặt (7)
Vài thứ trong phần review tuần mình muốn chia sẻ lại cùng các Nhện! Hope you enjoy it :)
Ở Toastmasters tuần này mình có một bài luyện về cách đối mặt với khán giả khó tính, hay thậm chí khi khán giả làm loạn. Cảm giác thú vị phết, khi mọi người nhảy vào cắt ngang bài nói, rồi thì giả vờ tranh cãi nhau, xong còn mượn cơ hội tranh thủ bán hàng đủ cả. Những thành viên nhiệt tình trong câu lạc bộ tìm đủ mọi cách để mình có một trải nghiệm khó khăn nhất có thể. Việc được luyện tập vào tình huống thế này khiến mình thấy lời nói của Seneca thực sự sâu sắc đến mức nào: Sẽ chẳng có gì có thể làm ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát của ta, nếu ta có chuẩn bị trước cho nó. Chính vì biết trước mình sẽ gặp phải những thử thách từ phía khán giả, nên việc bị cắt ngang, ngắt lời, hay thậm chí bị phản đối đều không quá khó để đối mặt và xử lý. Và mình nghĩ chính vì cái tâm thế bình thản ấy mà mình mới nghiệm được điểm cốt lõi trong việc đối mặt với những tình huống như thế: chính là sự tôn trọng. Tôn trọng khi một người có ý kiến bất đồng với mình, để không quá vội vã ngắt lời người ta, nhưng cũng tôn trọng tất cả khán giả khác, để biết đến một lúc nào đó - vừa phải, không thể quá lâu - mình cần phải xen vào với một câu nhẹ nhàng "Excuse me", để ít nhất tỏ thái độ của mình và để cho họ biết họ cần phải kết thúc sớm phần chen ngang. Tuy vậy, từng bước từng bước một, để có thể xử lý được một cách có tình có lý nhất, thực sự là cả một vấn đề. Ngay cả những thứ rất nhỏ, như sau khi bị gián đoạn cần phải nhắc lại ý mình đã nói ngay trước đó, để khán giả không bị mất mạch của bài nói - một cách khác thể hiện sự quan tâm đến khán giả, cũng là một thứ rất cần được lưu ý và thực hiện.
Trước đây mình cứ nghĩ đi theo public speaking chỉ là để bổ trợ cho việc giảng dạy trên trường thôi. Nhưng không ngờ càng vào sâu càng có nhiều thứ đáng để mình học hỏi đến thế. Vậy nên cực kỳ khuyến khích mọi người đi thử xem sao nhé. Toastmasters cũng được, nếu không thì cũng có rất nhiều những câu lạc bộ khác, như Impromptu speaking, hay ngay cả Improvisation (hình như tiếng Việt là kịch ứng tác hay sao ấy) nữa. Mình đảm bảo sẽ rất có lợi cho cả sự phát triển bản thân cũng như công việc của bạn đấy.
À, còn một bài nói nhỏ cũng khá thú vị mình nghe được hôm thứ 7 trong câu lạc bộ Impromptu speaking của mình, từ một cô già (tầm 45 50) dù ăn mặc khá ấn tượng, nhưng không phải kiểu loè loẹt mà là kiểu có sắc thái, đủ để được chú ý ấy. Lúc cô chia sẻ mới biết hoá ra cô thực sự làm về thời trang. Nhưng bạn biết không, sự nghiệp ấy đến từ một lý do rất đặc biệt. Cô kể ngày bé cô được nuôi dưỡng bởi ông bà, và vì vậy mà những bộ đồ của cô thường là cũ sờn giản dị, và hiếm khi cô được tự chọn quần áo cho mình. Vậy nên mỗi khi có chút tiền cô thường mua mấy cuốn tạp chí thời trang, và thui thủi trong phòng nằm tưởng tượng mình được khoác lên người những bộ đồ mà mình ưng trong tạp chí. Để từ đó cô tự đặt ra một sứ mệnh cho bản thân, rằng cô muốn truyền cảm hứng cho mọi người qua thông điệp rằng thời trang hoàn toàn không phải là những món đồ hiệu, mà thời trang thực sự là cách kết hợp, phối đồ để có thể thể hiện tính cách của mình một cách chân thực nhất, để có được sự tự tin từ bên trong khi khoác lên những bộ đồ đó.
(Ngoài lề: Cô nói xong tự dưng quay ra nhìn lại mình - sơ mi xám, quần kaki xám xắn ống luệt quệt vào đôi giày bụi đi mưa chẳng ăn nhập, đâm tự hỏi ơ thế tính cách của mình là gì? Ah, đó là mù thời trang. Đích thị là mù thời trang. *gật gật gù gù* - cũng unique ra phết).
Nói vui vậy chứ, câu chuyện của cô nghe thấm lắm, và mình cứ ấn tượng mãi về ảnh hưởng của tuổi thơ đến cuộc đời của một con người như thế.
Tuần này mình đọc hơi ít, vì công việc nặng quá, với lại đúng đến đoạn đám cưới máu trong GoT 3. Dù là đọc lại mà cái chết của Robb và Catelyn vẫn khiến tâm trạng trùng xuống khá nhiều...
Ah, có một thứ khá hay trong cuốn "Minh triết trong ăn uống phương Đông" của cụ Ngô Đức Vượng mà chẳng hiểu sao lần đọc trước mình bỏ qua mất, khi cụ bàn về cách ăn chậm rất được khuyến khích cho tinh bột hay rau củ lại không tốt cho thịt, vì thịt cần acid trong dạ dày để tiêu hoá và chuyển thành protein, nhưng khi nhai kỹ như nhai rau củ hay cơm thì nước bọt là thứ có tính kiềm được tiết ra nhiều, vậy nên khi xuống dạ dày nó sẽ trung hoà acid và vì vậy mà lại không tốt cho việc chuyển hoá thịt thành protein cho cơ thể.
Vậy mới thấy, cái gì cũng có hai mặt, và có lẽ không sai khi nói rằng chẳng có một lời khuyên nào là tốt tuyệt đối hết. Và cũng vì vậy mà thấm được tầm quan trọng của việc có kiến thức sâu rộng cùng với tư duy phản biện (critical thinking), để có thể đánh giá đúng đắn về những gì mình đọc hay nghe được, và có sự cảnh giác trong việc áp dụng chúng vào cuộc sống.
Cuối cùng là về nghe: vì đã chán ngấy mấy podcast video về kinh tế nghe ra rả mỗi ngày, nào là lạm phát sẽ tăng rất cao sau đại dịch, nào là cả cái chuỗi supply chain đang sắp nát bởi đại dịch cũng như Brexit, hay khả năng mấy ông thạc sĩ tiến sĩ (như mình) sắp tới chắc phải đi mổ lợn với lái xe tải vì những thay đổi lớn trong phân phối việc làm giữa các ngành...
nên cuối tuần mình quyết đổi gió chút, và may mắn tình cờ mình tìm được 1 cái video khá hay về cụ ông giáo sư triết ở tuổi 97 nói về cuộc đời và cái chết. Cảm động phết, khi một người ở tuổi ấy nói về sự phù du của những kiến thức mà trước đó ông nghiên cứu, và cả việc viết sách, để đến tuổi ấy rồi, thứ còn lại chẳng phải cái tôi, hay những cuốn sách, mà chỉ là cảm giác chấp nhận, và thừa nhận rằng mình cần giúp đỡ, chăm sóc, cần những người xung quanh; cùng những phút giây sống trọn vẹn với thực tại trong cuộc đời.
...
Vậy nên, thay lời kết, chúc mọi người một tuần mới sống thật sự trọn vẹn với bài nhạc này nhé:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất