Không thấy, không nghe, không nói.
Không thấy, không nghe, không nói.
1. Dọc đường tôi đi là những ngã tư -- và ở mỗi ngã tư, là những số phận dang dở. Họ là những người mù bán kẹo cao su, bán tăm xỉa răng, bán những cây bút rẻ tiền. Họ là những em bé không thể hơn mười tuổi, đen nhem nhẻm, đội mưa đội nắng bán những dây cáp USB rẻ tiền, với chiếc loa cũ ra rả lời rao. Họ là những người phụ nữ đầu đội nón lá, khăn trùm kín mặt, dúi vào tay bạn những tờ rơi quảng cáo -- nào vay tiền nóng, nào bán đất ở quê, nào cầm đồ nhanh gọn. Và tôi vẫn luôn đối xử với họ như cách mà tôi vẫn dùng để đối diện cuộc đời -- ngoảnh mặt làm ngơ, không thấy, không nghe, và không nói gì với họ. Họ đứng ở ngã tư, tôi ngồi trên xe máy. Cả hai đều bịt mặt kín mít, và thế giới của chúng tôi chẳng có gì chung với nhau cả.
2. Có một lần như mọi lần khác, tôi ngoảnh mặt làm ngơ khi một người phụ nữ không có tuổi đến đưa cho tôi một mảnh tờ rơi. Tôi -- vẫn là tôi như mọi lần -- không đoái hoài gì đến cô. Cô không đi, và đứng lại trước xe của tôi, và bảo: "Nhìn đây!" Một mệnh lệnh không thể chối từ. Tôi nhìn vào cô hoảng hốt, còn cô chỉ bật cười và bỏ đi. Có lẽ, cái cô cần không phải là việc tôi có cầm tờ giấy vô tri kia hay không. Cái cô cần, chỉ là sự thừa nhận: Thừa nhận rằng cô tồn tại, rằng những mảnh đời dang dở còn tồn tại. Rằng chúng tôi, thật ra vẫn đang cùng sống trong một thế giới.
3. Tôi lại nhớ đến em. Có lần, khi tôi chở em ngồi sau xe và dừng lại ở một ngã tư, cũng có những người đến phát tờ rơi cho chúng tôi. Tôi, vẫn là tôi như mọi lần, ngoảnh mặt làm ngơ, đến một cái lắc đầu cũng không cho. Còn em nhận lấy, không cất vào cũng không vứt ngay xuống đường -- như cách mà những người xung quang vẫn làm, khiến mặt đất phủ đầy những mảnh giấy dở dang. Em nói với tôi, em không muốn làm họ thất vọng; và cũng không muốn xả rác xuống đường. Có lẽ, em không muốn nhìn thấy những mảnh giấy vất vưởng như những mảnh đời kia.
4. Lại một lần khác, một ngã tư khác, tôi thấy hai thanh niên khỏe mạnh, mình xăm long phượng, đầu húi cua, mông cưỡi Exciter dừng lại trước một người bán hàng ven đường trước mặt tôi. Khi đấy là cao điểm mùa dịch ở thành phố, và những người bán hàng rong như họ không thể ở mà cũng không thể về. Về đâu? Ai cho về? Nhưng ở thì lấy gì ăn? Hai thanh niên nọ dừng lại, và một người bước xuống mang theo một hộp xốp đựng đồ ăn, cúi người xuống và không quên nói mấy câu với người bán hàng rong. Của cho không bằng cách cho. Cách họ xuống xe, cúi người xuống, và ân cần cầm tay dặn dò có khiến mắt tôi hơi mờ đi một chút.
Một mảnh đời dang dở.
Một mảnh đời dang dở.
5. Hôm nay, những người phụ nữ đạp xe đạp tồi tàn thu gom phế liệu chất đầy quá khổ ở yên sau đã quay trở lại. Tôi vẫn hay khó chịu với họ, vì họ hay lục tung thùng rác để lấy giấy, nhựa, và kim loại. Sáng hôm nay, một người phụ nữ như vậy va chạm phải một chiếc xe máy và ngã xuống đường. Nào chai nào lọ, nào thùng các-tông rơi cả xuống lòng đường. Người ven đường giúp cô đứng dậy, nhưng một mình cô phải thu dọn mớ rác kia -- nguồn sống của cô. Hai người phụ nữ khác trùm khăn kín mít dừng lại trước mặt tôi. Một người bước xuống, lấy ra vài quả cam trong bọc cam treo trước xe họ, và tiến đến tặng cho người phụ nữ đi xe đạp. Khi quay lại, họ tần ngần một lúc, ái ngại nhìn người phụ nữ tiếp tục thu dọn, rồi lại chú ý thấy một chiếc xe ba-gác đang đậu ở ven đường, người lái xe ngồi thu lu trơ mắt nhìn. Hai người phụ nữ lại quay trở lại với một bọc cam khác và tặng cho người lái xe. Họ lại chần chờ một lúc nữa rồi mới lại rời đi.
6. Cũng ở gần nhà tôi, có một cụ già không đoán được tuổi, tóc bạc trắng, lưng cong như tôm, vận một bộ bà ba cáu bẩn duy nhất ngồi suốt bên vệ đường. Nghe nói, cụ già có vấn đề về tâm thần. Người con mấy lần đón về nhưng cũng mấy lần bà cụ trốn ra, và chỉ ngồi ở đó. Có thể, chỉ ở đó cụ mới cảm giác được yên bình. Không biết dịch dã như thế này, cụ già ra sao?
Tiệm sách cũ.
Tiệm sách cũ.
7. Lại là chuyện một cụ già khác, ở một hiệu sách cũ mà tôi hay lui tới. Hiệu sách be bé nhưng sạch sẽ, sách nhiều cuốn còn rất tốt mà giá lại vô cùng phải chăng. Bà cụ luôn nhiệt tình, ân cần hỏi khách đến mua cần gì. Chỉ thấy có cụ ở đó -- không rõ con cháu cụ đâu. Dịch đến, dịch đi -- hiệu sách cũ dẹp mất. Trơ trơ ở đó là một công trình xây dựng cao tầng, phơi bộ xương cốt thép ra với gió mưa. Có lẽ, hiệu sách cũ của cụ không còn hợp thời nữa rồi -- và những gì không hợp thời thì phải ra đi.
8. Tôi lại nhớ đến Sam trong phim Chúa tể những chiếc nhẫn. Đó là khi Frodo, cậu chủ của Sam, và Gollum tiến gần đến Núi Doom hơn bao giờ hết -- cũng là khi sự ảnh hưởng của chiếc nhẫn quỷ lên Frodo mãnh liệt hơn bao giờ hết. Frodo trở nên cuồng bạo và sở hữu với chiếc nhẫn hơn bao giờ hết, và đã chĩa mũi dao vào cổ Sam khi Sam cố cứu cậu ra khỏi sự ảnh hưởng tàn bạo của chiếc nhẫn. Khi hoàn hồn lại, một Frodo chán chường, mệt mỏi và tuyệt vọng đã hỏi Sam: Chúng ta có gì để mà bám víu lấy chứ? Và câu trả lời của Sam, đến giờ tôi vẫn không thể nào quên được.
"That's there something good in this world, Mr. Frodo. And it's worth fighting for."
"That's there something good in this world, Mr. Frodo. And it's worth fighting for."
Vẫn còn những điều tốt sót lại trên thế gian này, cậu Frodo à. Và chúng đáng để chúng ta chiến đấu vì chúng.
Samwise Gamgee, The Lord of the Rings
9. Những điều tôi sắp viết ở đây, có lẽ bạn đã đọc được không ít lần rồi; và có lẽ, cũng ngần ấy lần bạn đảo mắt, quay đầu ngán ngẩm: "Nói dài nói dai nói dở!" Nhưng mà, bạn ơi. Cuộc sống chưa đủ tiêu cực hay sao, mà trên mạng xã hội của bạn lại toàn những điều tiêu cực? Mỗi ngày bạn mở Facebook lên, và đọc lấy những tin giết người cướp của, đại nghịch bất đạo, loạn luân dâm đãng, đạo cùng pháp mạt -- bạn có mệt hay không? Bạn đắm chìm trong tội lỗi của thế gian như thế, liệu có khi nào quên đi những điều tốt còn sót lại trên thế gian hay không?