Tôi mong muốn tâm lý học và “xã hội học” được tập trung nhiều hơn
Trước khi vào bài tôi chỉ muốn nói là, tôi không phải là một giáo viên hoặc nhà tâm lý học, tôi chỉ là một đứa hay quan tâm về vấn...
Trước khi vào bài tôi chỉ muốn nói là, tôi không phải là một giáo viên hoặc nhà tâm lý học, tôi chỉ là một đứa hay quan tâm về vấn đề tâm lý và xã hội mà thôi.
1: Tại sao?
Về vấn đề tâm lý, hiện nay ở Việt Nam cũng như thế giới đang có rất nhiều đứa trẻ và học sinh gặp vấn đề về tâm lý và stress. Và tôi tin rằng chỉ có một số nói ra và đa số không thể hiện vấn đề của chúng, đôi khi các bạn trẻ đấy còn chẳng biết mình có vấn đề tâm lý nữa. Ở mọi độ tuổi đều có áp lực riêng, và nhất là ở độ tuổi từ 10-18 thì những áp lực đấy không bao giờ được xem trọng và thường bị xem nhẹ, cho rằng những bạn đấy chỉ đang cố tỏ ra đáng thương. Nếu áp lực quá nhiều và không được giải tỏa, sẽ có rất nhiều bạn nghĩ đến cái chết, tự tử đã không còn xa lạ gì đối với giới trẻ nữa, có rất nhiều người có suy nghĩ về nó mà không nói ra, đó là một vấn đề rất nghiêm trọng và cần được chú ý, giải quyết.
Về “xã hội học”, môn học tôi muốn nói đến ở đây không phải là môn “xã hội học” ở đại học, mà là một môn học bao gồm về giáo dục giới tính, phổ cập thêm cho học sinh về những vấn đề xã hội, tệ nạn xã hội, giúp các em có được cái nhìn khách quan và thực tế hơn. Về môn này, tôi cũng muốn nó sẽ giúp các bạn học sinh có thêm được một số gợi ý về định hướng nghề nghiệp sau này. Sao tôi muốn để môn này vào chương trình giáo dục là vì có một số bạn trẻ bây giờ có góc nhìn rất độc hại về cuộc sống và đó là vấn đề không được người lớn chú trọng. Lý do nó không được nhận ra sớm hơn là vì nó chỉ xuất hiện gần đây khi facebook và tik tok quá phổ biến, và người lớn chỉ cho rằng “nó còn nhỏ mà, chấp làm gì?”
Tôi không biết nên gọi môn trên là gì nên tôi sẽ quy chung lại là môn "xã hội học" nhé. Nó không phải là môn xã hội học mà các bạn đã biết đâu!
2: Những lí do tâm lý học và “xã hội học” cần được tập trung hơn:
Tâm lý học:
Như tôi đã nói ở trên, các bạn học sinh bây giờ gặp rất nhiều vấn đề về stress và tâm lý, nó không được bọc lộ ra vì sẽ chẳng có mấy ai hiểu được các bạn ấy. Không chỉ về vấn đề tâm lý và stress, sẽ có một số bạn có cái nhìn sai về cuộc sống do có tâm lý không ổn định, bị ảnh hưởng từ nhỏ. Tôi cho rằng, môn học này sẽ giúp ích được định hình cái nhìn đúng đắn hơn về thế giới và giúp đỡ những bạn đang có vấn đề về tâm lý. Và nó cũng sẽ giúp các bạn tinh tế hơn, biết cách nắm bắt tâm lý của người khác để dễ dàng thuyết phục cũng như nói chuyện với người khác. Tôi biết có rất nhiều bạn đang gặp khó khăn về giao tiếp, cư xử, học tập, nhìn nhận mọi việc, và nhiều hơn nữa, các bạn không biết phải giải quyết nó như thế nào và phải đối mặt với nó ra sao. Không biết cách giải quyết, cũng không thể lơ nó đi và để nó càng lâu trong lòng thì hậu quả sẽ càng lớn, tôi mong muốn rằng bộ môn này sẽ được chú trọng hơn để giúp cho những em như thế.
Và bên cạnh đó, tâm lý học là một bộ môn và ngành nghề rất hấp dẫn khi ở nước ngoài, nhưng khi về Việt Nam, nó lại không được chú trọng chứ không muốn nói là hoàn toàn bị ngó lơ. Hầu hết người Việt Nam sẽ đi than vãn với bạn bè hoặc giữ nó trong lòng, có rất ít người đi tìm bác sĩ tâm lý để giải quyết. Và sẽ dễ dàng hơn cho người lớn để đi tìm bác sĩ để nói về vấn đề của họ, còn đối với những bạn vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường, đó là một việc vô cùng khó khăn, một phần vì lí do tài chính một phần vì bác sĩ sẽ nói lại với phụ huynh các bạn. Nói lại với phụ huynh trên lí thuyết thì không có gì sai, nhưng trên thực tế, một khi một đứa trẻ đã tìm đến bác sĩ hoặc cố vấn tâm lý để giải quyết vấn đề của nó chứ không phải tìm đến bố mẹ thì nhất định sẽ có chuyện gì đó giữa nó và gia đình. Có thể gia đình không thể hiểu được bạn ấy, có thể gia đình sẽ xem nhẹ vấn đề đó. Tuy có cái danh “bác sĩ/cố vấn tâm lý” nhưng những người đó không hề tinh tế một chút nào. Tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện về những bạn trẻ đã đến gặp bác sĩ tâm lý và chỉ nhận lại vài câu nói qua lao cho qua chuyện hoặc là câu “đưa số điện thoại của bố/mẹ đây cho cô/chú”, và việc đó đã làm những bạn ấy càng ngày càng cô lập bản thân khỏi xã hội, xa cách khỏi gia đình.
Tôi cũng tin rằng, nếu tâm lý học được chú trọng hơn, sẽ giảm bớt những câu chuyện đau thương về những bạn học sinh tự tử vì áp lực học tập. Tôi đã đọc được rất nhiều bài báo đau lòng về những bạn chỉ đang học cấp 2 chọn cách tự sát vì áp lực học tập quá nhiều. Cấp 2 là khoảng thời gian các bạn không được xem trọng cũng không bị xem nhẹ, nhưng những áp lực lại đang dần hình thành ở độ tuổi đó, có bạn sẽ có thể giải tỏa nó ra bằng cách nói cho gia đình, bạn bè. Nhưng có những bạn không được may mắn như thế khi không có sự đồng cảm của bố mẹ và những người xung quanh, cả hai trường hợp trên đều cần môn học gọi là “tâm lý học”, nó sẽ giúp các bạn học được các đồng cảm với những người xung quanh cũng như biết cách tự giải tỏa áp lực của chính mình. Tôi tin rằng, môn học này không chỉ dừng lại ở việc các bạn có một tinh thần thoải mái mà có thể giúp các bạn thêm phần trưởng thành và đồng cảm với mọi người xung quanh. Và nếu có môn này, tôi chắc rằng sẽ giảm thiểu được số lượng những cuộc xô xát, cãi nhau vì nếu cả đôi bên biết cách đồng cảm với đối phương và bình tĩnh hơn một chút thì mọi chuyện đều sẽ được giải quyết trong hòa bình.
Tâm lý luôn là thứ bị xem nhẹ, và việc đó dần dần đã trở thành một vấn đề, và vấn đề này cũng không được xem trọng nốt. Đối với các bạn không có ai để chia sẻ nỗi uất ức, hoặc đối với những bạn hướng nội đang gặp khó khăn, tôi muốn bộ môn này sẽ là một chỗ dựa tinh thần cho các bạn. Tôi muốn rằng khi các bạn không thể chia sẻ được với ai, các bạn ấy sẽ tìm đến bộ môn này để giãy bày, tâm sự và tìm những trường hợp giống mình. Tôi tin chắc rằng, một khi các bạn này đã không còn gặp những vấn đề như trước nữa, các bạn ấy sẽ có thể đồng cảm với người khác và vì các bạn đã trải qua nỗi khổ, tôi tin rằng các bạn đó cũng sẽ trưởng thành hơn những bạn còn lại. Và bộ môn này để dành cho các bạn ấy để các bạn có thể tìm cách giải quyết vấn đề của mình để trở nên trưởng thành và đồng cảm với mọi người, bộ môn “tâm lý học” này không chỉ giới hạn người học ở những bạn như thế mà còn cả những bạn chưa bao giờ bị vấn đề như trên, các bạn cũng sẽ có cơ hội để được khám phá thế giới của những người không may mắn bằng mình và các bạn ấy cũng sẽ có cơ hội để học hỏi, đồng cảm và trưởng thành hơn từ bộ môn này. Với bộ môn này, tôi tin chắc rằng sau khi học xong, mọi người có thể kiềm chế lời nói của mình hơn, không thốt ra những lời làm tổn thương người khác hoặc những lời nói quá vô tư đến mức làm đau lòng đối phương, hoặc cũng có thể là không còn những trò đùa quá trớn nữa.
“xã hội học”:
Gần đây, ở khắp nơi trên mạng xã hội, tôi thấy rất nhiều các em chỉ đang ở độ tuổi từ 8-12 tuổi ăn mặc hở hang, cư xử không phải phép ở trên mạng. Tôi thấy đó là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, nhưng tôi chắc chắn một điều rằng, nếu người lớn biết chuyện này thì sẽ chỉ nhận lại câu “trẻ con mà, chấp làm gì?”. Không ạ, tuy không chấp nhưng các em đã có hành động không đúng với độ tuổi và còn đăng nó lên mạng xã hội. Các em còn có những phát ngôn thiếu suy nghĩ, và những hành động thiếu lễ phép với đàn anh đàn chị. Không chỉ các em có lỗi trong việc này mà còn là các vị phụ huynh, các cô chú đó đã quá xem nhẹ hành động của con mình, hoặc là quá yêu con đến mức đổ lỗi cho người khác và cho rằng con mình vô tội. Và vì phụ huynh quá xem nhẹ vấn đề và con em lại có suy nghĩ quá độc hại, Việt Nam đã được khảo sát và kết quả là VN là một trong những quốc gia có bình luận độc hại nhất thế giới!
Tôi tin rằng, với môn này, không chỉ các bạn học sinh có cái nhìn khách quan và đúng đắn hơn về vấn đề xã hội, mà khi các bạn về nhà và kể cho phụ huynh, các cô chú cũng sẽ được ảnh hưởng ít nhiều từ việc đó. Đây được gọi là “một mũi tên trúng hai đích”, và tôi cho rằng, chương trình học hiện này chỉ tập trung vào mảng kiến thức mà hầu như bỏ qua phần nhân cách, tôi biết trong chương trình học hiện nay có môn “đạo đức” và “giáo dục công dân”, nhưng đó lại bị coi là môn phụ, không được chú trọng, và những bài học trong đó quá cứng nhắc, ai cũng biết nhưng ít bạn nào làm theo. Hầu hết học sinh khi học môn đó sẽ đều nói dối và không trung thực, đây không phải là một vấn đề nghiêm trọng đối với những bạn đã có cái nhìn trưởng thành và đúng đắn, nhưng đối với những ai bị ảnh hưởng xấu thì nó lại là một vấn đề khác. Tôi mong muốn môn này sẽ được học đan xen với môn “giáo dục công dân” để tăng thêm phần cuốn hút và tăng thêm lượng kiến thức tiếp thu được.
“Xã hội học”, thứ luôn bị xem là “việc của người lớn, mình quan tâm làm gì?”, tôi tin rằng, đến khi bạn đã là người lớn, bạn sẽ thấy bỡ ngỡ khi phải đối mặt với những vấn đề hoặc những câu hỏi về những vấn đề xã hội này. Tôi muốn rằng, với môn này, các bạn học sinh có thể tiếp cận với những “vấn đề của người lớn và thế giới” ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và các bạn cũng có thể trưởng thành và có cái nhìn thực tế hơn về nó. Các bạn cũng có thể có thêm chuyện để nói khi chẳng biết có gì nói mà không sợ bị hỏi là “tự nhiên nghiêm túc thế?”, các bạn cũng có thể mở rộng thêm tầm nhìn của mình về thế giới muôn màu này, và có cái nhìn khách quan hơn cũng như làm cho tầm nhìn của các bạn không bị bó buộc, hạn hẹp quá. Tôi tin rằng, sau môn học này, những thành kiến cổ hủ sẽ dần biến mất hoặc bị hạn chế, những sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc, giới tính, màu da và việc bắt nạt học đường cũng sẽ biến mất dần. Nó không chỉ là làm bạn trưởng thành hơn mà còn có thể giảm bớt đi những vụ bắt nạt, tẩy chay, …
Với môn học này, tôi tin rằng, không chỉ các bạn sẽ có thêm được cho mình một góc nhìn trưởng thành, thực tế và độc nhất và còn biết thêm nhiều về vấn đề xã hội, và nếu các bạn học sinh ấy có năng lực và đủ động lực, tôi chắc rằng các bạn sẽ chung tay, kêu gọi để làm giảm thiểu hoặc lên án vấn đề ấy. Nếu không được như thế, thì các bạn cũng có được cái nhìn trưởng thành ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, sau khi đi làm, các bạn sẽ có thêm kinh nghiệm để làm việc hoặc đối phó với những câu hỏi hóc búa khi đi xin việc, thậm chí có thể dùng mảng kiến thức và góc nhìn sâu sắc của mình để gây ấn tượng cho những người cần tạo thiện cảm. Không những thế, nếu môn học này được thêm vào chương trình học, tôi chắc rằng số lượng người “hùa” theo những phong trào độc hại sẽ giảm đi đáng kể, và những người “tạo ra” những phong trào ấy cũng sẽ dần biến mất. Cả những ai thờ ơ với thế giới cũng sẽ quan tâm đến nó nhiều hơn, tôi muốn rằng, nếu môn học này được cho vào chương trình giáo dục, có thể không cho vào đi chăng nữa thì mọi người cũng chú ý nhiều đến nó hơn, thì việc đó sẽ giúp ích cho thế giới rất nhiều.
3: Hậu quả thực tế:
Tâm lý học:
Khoảng tháng 12 năm ngoái, đã có một vụ việc về cậu bé 12 tuổi tự tử vì áp lực học hành. Lí do cũng rất đơn giản: áp lực học tập, thi cử, bố mẹ không thấu hiểu được cho con. Năm 2018, một nữ sinh lớp 7 đã để lại hai bức thư tuyệt mệnh, xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút, không được như kỳ vọng của thầy cô, bố mẹ rồi tự tử ngay trong lớp học. Một nam sinh lớp 10 ở TP.HCM nhảy lầu quyên sinh vì áp lực điểm số, áp lực vì bố mẹ muốn con đứng đầu khối.
“Theo một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2020, trẻ em trong độ tuổi từ 12 đến 17 có mức độ lo lắng, trầm cảm và có ý định tự sát cao nhất so với mọi lứa tuổi.
Hơn 60% trẻ em tự sát là do áp lực học tập”
Báo afamily.vn
“Nhiều trẻ bị cha mẹ bắt học hoặc đặt những kỳ vọng quá lớn trên vai, khi áp lực vượt quá giới hạn chịu đựng, có bé đã tìm đến cái chết hoặc rơi vào trầm cảm.”
Báo dantri.com.vn
Những dẫn chứng trên đều là những trường hợp các bạn trẻ tìm đến cái chết do áp lực học tập, kỳ vọng của cha mẹ. Và tất cả đều có điểm chung là “áp lực học tập, kỳ vọng và cuối cùng là không có nơi để giải tỏa”. Tôi chắc chắn rằng, nếu tâm lý học được chú trọng nhiều hơn, thì những bài báo và dữ liệu đã không nhiều và đáng lo ngại như thế này. Các bậc cha mẹ cũng sẽ hiểu được hơn về tâm sinh lý của con trẻ để sớm nhận ra và sửa chữa, tôi thấy thực sự rất đáng tiếc về những vụ việc trên. Và tôi cũng tin chắc rằng nếu môn học này được quan tâm và chú trọng nhiều hơn thì đã không có những vụ việc đau thương về những vụ tự sát như thế này. Tôi mong muốn rằng, các bậc cha mẹ và các bạn trẻ sẽ dừng lại một nhịp và nhìn lại vấn đề và đối mặt với nó, giãi bày nó ra cho một ai đó hoặc ít nhất thì đừng giữ nó trong lòng, đối với những bậc cha mẹ, tôi cũng mong muốn các cô chú sẽ không áp đặt suy nghĩ và ước mơ của mình lên thế hệ sau nữa. Đừng để mọi việc quá muộn màng rồi mới bắt đầu hiểu ra, để đến mức như vậy thì chỉ còn đường thốt lên câu “giá như…”.
“tự sát là nguyên nhân thứ hai hoặc thứ 3 gây tử vong ở trẻ từ 15 đến 19 tuổi và vẫn là một mối quan ngại về sức khoẻ cộng đồng (…) Ở trẻ em và vị thành niên, nguy cơ của hành vi tự sát bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của các rối loạn tâm thần và các rối loạn khác ảnh hưởng đến não bộ, tiền sử gia đình, các yếu tố tâm lý xã hội và các yếu tố môi trường”
msdmanuals. com
“Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên ở Việt Nam lần thứ 2 (do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, WHO tổ chức năm 2000) trên 10.000 thanh thiếu niên, thực hiện tại 63 tỉnh thành: có tới 409 người (4,1%) có ý định tự tử. Theo thống kê khác của Trung tâm phòng chống khủng khoảng tâm lý (PCP), ở Việt Nam thanh thiếu niên thuộc độ tuổi từ 15 – 24 là nhóm lứa tuổi có ý định tự sát cao hơn cả, và tỷ lệ nữ giới có ý định tự sát cao gấp hai lần so với nam. Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (năm 2010) đối với hơn 10.000 người trong nhóm tuổi này cho thấy, 4,1% người nghĩ đến chuyện tự tử, 25% đã tìm cách kết thúc cuộc sống.”
- emsayroi.com
Hai dẫn chứng ở trên đều là về những dữ liệu về tự tử vì những lí do như: áp lực về mặt gia đình, bạn bè, quan hệ tình cảm, học tập, … Và tất cả đều không có cách giải quyết đến nỗi phải tự tử. Tất cả đã nói lên rằng “Làm ơn hãy quan tâm đến vấn đề tâm lý”, nó không được chú trọng, như nó là những vấn đề thực sự rất nghiêm trọng, và nghiêm trọng hơn là có những trường hợp như một đứa bé lúc nào cũng cười, luôn mang lại năng lượng tích cực, bỗng một ngày tìm đến sự tự sát. Tất cả đều không thể hiện vấn đề tâm lý của mình ra và cũng chẳng ai quan tâm, đến lúc “giọt nước tràn ly” rồi thì mọi chuyện mới vỡ lở ra. Lí do mọi người không để tâm đến vấn đề tâm sinh lý của tuổi teen vì mọi người thường nghĩ “làm màu à?” hoặc là những vết thương trong tâm hồn ấy không rõ ràng như những vết thương trên da, nó không dễ để nhận ra, và mọi người cũng chẳng quan tâm đến nó nhiều vì bệnh nhân không thể hiện ra rằng mình bị vấn đề tâm lý (vì chẳng ai muốn lộ điểm yếu của mình ra cả mà!).
Xã hội học:
Về vấn đề xu hướng tính dục:
“Trong hệ thống giáo dục Việt Nam, vấn đề LGBT chưa được quan tâm đúng mức, vì chưa có đủ hiểu biết, các xu hướng tình dục khác nhau chưa được đưa vào các chương trình giảng dạy. Cho nên các thầy cô giáo gặp rất nhiều lúng túng khi nói về chủ đề này. Trong thực tế thì thanh thiếu niên bây giờ cũng khá là mạnh dạn thể hiện xu hướng tình dục của mình, chứ không giấu diếm hoặc lúng túng như trước đây, bởi vì các em bây giờ biết khá nhiều nhờ tìm kiếm trên mạng. Nhưng các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh dường như lại né tránh hoặc là hoảng sợ. Bằng chứng là trong các tư vấn, chúng tôi thấy các thầy cô giáo và rất nhiều phụ huynh thường đặt vấn đề: « Làm sao để cháu nó hết đồng tính? » hoặc « Làm thế nào để không có tình trạng đồng tính xảy ra? ». Những câu hỏi này cho thấy mọi người không hiểu về sự đa dạng của các xu hướng tình dục.” Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA).
Đã có rất nhiều người kỳ thị cộng đồng LGBT không lý do và có những câu hỏi hết sức vô lý như trên chỉ vì có cái nhìn chưa khách quan về cộng đồng này và không có sự đồng cảm với nó. Mọi chuyện đều xuất phát từ việc các bậc cha mẹ không được chỉ bảo về những vấn đề như thế này, nên đâm ra có những tình trạng như thế. Tôi tin rằng, đối với môn này, mọi người sẽ có được cái nhìn khách quan và có thêm được nhiều sự đồng cảm với mọi vật xung quanh và lượng người kỳ thị/ phân biệt đối xử người khác cũng sẽ giảm đi đáng kể.
Về nạn kỳ thị/ phân biệt đối xử sắc tộc, màu da, ngoại hình:
“COVID-19 không phải là rắc rối duy nhất hiện đang ảnh hưởng đến giáo dục đại học. Năm 2020 là năm cho thấy sự thức tỉnh về thực trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt về xu thế cực đoan tồi tệ của chủ nghĩa kỳ thị người da đen. Những tiêu đề báo chí thế giới về phản ứng kém cỏi của Hoa kỳ trước COVID-19 nhanh chóng được nối tiếp bởi tin tức về tình trạng bất ổn dân sự ở các thành phố lớn, phản ứng trước vụ giết hại George Floyd, Breonna Taylor và nhiều người Mỹ da đen khác dưới bàn tay của cảnh sát. Phong trào bắt đầu trong phạm vi hẹp như một phản ứng trước sự tàn bạo của cảnh sát Hoa Kỳ, đã lan rộng toàn cầu, thu hút sự chú ý đến những biểu hiện mang tính hệ thống của việc phân biệt đối xử, ngược đãi – và đặc biệt là sự kỳ thị người da đen – không chỉ ở Hoa Kỳ, mà trên khắp thế giới.”
fpt.edu.vn
Vấn đề phân biệt chủng tộc từ xưa đến nay vẫn luôn là vấn đề nóng hổi trên toàn cầu, thế nhưng, giới trẻ Việt Nam hiện nay lại quá vô tâm. Các bạn trẻ đã có những phát ngôn hết sức vô tình, tình trạng này xảy ra vì các bạn ấy chưa có đủ nhận thức để nhận ra việc này quan trọng và rắc rối như thế nào. Có thể những bạn trẻ mà tôi nói trên chỉ là một phần nhỏ trong cộng đồng Gen Z, thế nhưng, một “góc nhỏ” như thế cũng đủ “một con sâu làm rầu nồi canh”, việc này sẽ làm cho các thế hệ khác có cái nhìn xấu về Gen Z và việc này không tốt một chút nào.
4: Nếu một trong hai môn (hoặc cả hai) thực sự được đưa vào chương trình học, đây là cách dạy:
Tôi sẽ gợi ý ra cách dạy luôn cho bộ giáo dục đỡ phải đau đầu, phòng trường hợp một trong hai môn thực sự được đưa vào chương trình học.
Tâm lý học:
Đối với môn này, tôi muốn giáo viên sẽ nghĩ ra một trường hợp một bạn bị vấn đề tâm lý hoặc có áp lực gì đó, và xong đó hỏi học sinh là:
Theo anh/chị, người có vấn đề … đã gặp phải những gì?
Nếu anh/chị gặp phải trường hợp như thế, anh chị sẽ giải quyết như thế nào?
Nếu anh/chị là bạn của người này, anh/chị sẽ làm gì để giúp?
Anh/ chị sẽ cư xử với người này ra sao nếu …?
Môn này, tôi muốn nó sẽ là học sinh nói – giáo viên nghe, tôi muốn để cho các bạn học sinh tự suy nghĩ và nghiền ngẫm về vấn đề chứ không phải ngồi học một cách thụ động. Tôi biết nó sẽ khá khó cho những bạn suy nghĩ đơn giản hoặc ít nói, sợ phát biểu trước đám đông. Nhưng với môn này, nó không chỉ giúp được những bạn đang bị stress hoặc gặp vấn đề tâm lý mà còn rèn thêm cho các bạn tính tự tin, nói ra ý kiến của bản thân và rèn cho các bạn cách phát biểu trước đám đông. Tôi muốn thêm một số bonus nhỏ cho môn học này để nó cuốn hút hơn một chút với những bạn thích tâm linh, là thầy cô sẽ cho một số tips nhỏ giúp các bạn nắm bắt tâm lý người khác, tự tin hơn trong mắt người khác, làm cho họ nói ra sự thật, …
Xã hội học:
Cũng như tâm lý, giáo viên sẽ đưa ra vấn đề xã hội và để học sinh tự tranh luận. Như đối với môn này, nó sẽ không bị gò bó chỉ là giáo viên hỏi, tôi muốn rằng các bạn học sinh cũng có thể đem vấn đề/ tệ nạn xã hội vào lớp để tranh luận cùng các bạn học về việc này. Nếu một học sinh có suy nghĩ không ĐÚNG về một vấn đề, giáo viên có thể khuyên bảo hoặc nhắc nhở. Tại sao tôi lại viết hoa chữ “đúng” là vì có một số người sẽ nhầm lẫn giữa “khác biệt” và “không đúng”, tôi muốn rằng những giáo viên dạy môn này có thể kiên nhẫn lắng nghe và xem xét xem suy nghĩ đó là khác biệt hay không đúng. Vì nếu như nhầm lẫn giữa hay định nghĩa đó, bạn học sinh bị nhắc nhở sẽ giảm sút đi sự tự tin và sợ khi phải phát biểu trước lớp.
Bài của tôi vẫn có rất nhiều sai sót, mong các vị nương tay!
@Nathalie
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất