Tôi không muốn lớn lên
Ngày bé tôi luôn ước mình lớn nhanh nhanh chút để sớm được làm "người lớn". Khi còn học mầm non tôi hay bị bạn bè trêu chọc nên tôi...
Ngày bé tôi luôn ước mình lớn nhanh nhanh chút để sớm được làm "người lớn". Khi còn học mầm non tôi hay bị bạn bè trêu chọc nên tôi muốn lớn nhanh để sớm khỏi gặp lại lũ trêu chọc đó nữa. Khi mới bắt đầu Tiểu học tôi muốn lớn lên để khỏi phải làm bài tập. Đến tuổi dậy thì, tôi muốn sớm trưởng thành để được tự do, không bị giám sát bởi bố mẹ nữa, vì khi đó tôi có lướt cái nick Facebook mới lập lén tuần trước cả ngày cũng không sao :). Và tôi tin rằng làm "người lớn" rất oai, tôi sẽ thay đổi "luật của những người lớn khác" như cho phép học sinh thoải mái nói chuyện trong giờ mà không bị phạt hay là miễn bài tập về nhà. Đã vậy tôi còn có tiền và có thể mua cả thùng Lego xịn mà chơi xả láng. Và khi những người lớn nói: " Tuổi học trò là tuổi đẹp nhất trong đời", tôi thường bĩu môi và nói họ có sướng mà không biết hưởng.
Nhưng khi qua độ tuổi đó, tôi không còn suy nghĩ đơn giản như vậy nữa. Và tôi dù chưa hết tuổi học trò giờ đây cũng phải thừa nhận tuổi học trò quả nhiên là sướng nhất. Hình ảnh về "người lớn" mà tôi từng dựng lên khác xa với thực tế. Làm một người lớn thực sự vất vả và khó khăn. Họ vẫn phải làm "bài tập" như học sinh bọn tôi nhưng tôi không thấy họ làm chẳng qua vì họ không để nước đến chân mới nhảy như tôi mà làm xong từ trước rồi. Ví dụ như mẹ tôi, mẹ chỉ mang "bài tập" về nhà làm vào giữa tháng và cuối tháng vì khi đó mẹ phải làm báo cáo, rất nhiều việc không thể xong sớm được. Và những người lớn mà không có "bài tập" thực sự không có sung sướng như học sinh được miễn bài. Không có "bài tập" họ cũng chẳng có tiền hoặc chỉ có chút ít và khi đó tôi không nghĩ họ sẽ hạnh phúc (trừ một số trường hợp đặc biệt). Làm người lớn tôi được tự do, không bị ai quản lí nhưng tôi cũng không còn được nhắc nhở, khuyên bảo như trước nữa. Tôi có thể lướt Facebook cả ngày nhưng khi đó liệu tôi có đảm bảo mình vẫn cân bằng giữa việc học, làm việc và chăm sóc sức khoẻ khi mà thiếu đi lời nhắc nhở của mẹ?
Tuy tôi ghét việc lớn lên nhưng tôi đã học cách để chấp nhận nó. Nhưng vẫn có một vài điều tôi lo.
Tôi sợ tôi sẽ lãng quên tuổi thơ của mình khi trưởng thành. Có một câu nói này trong cuốn The little prince của Antoine de Saint-Exupéry làm tôi phải suy nghĩ:
All grown-ups were once children... but only few of them remember it.
Ngày còn nhỏ tôi hay sang chơi với cụ. Nhưng về sau tôi đã hoàn toàn quên mất điều này cho đến khi mẹ kể với tôi về cụ vào ngày cụ mất. Hay là lúc trước tôi có một người họ hàng xa làm người giúp việc trong nhà tôi. Bà đã trông tôi từ năm 2 tuổi đến khi 8 tuổi thì bà phải về trông cháu bà. Khi đó tôi nhớ bà lắm, bà bảo đến khi cháu bà được 5 tuổi bà mới lên trông tôi tiếp được mà lúc đó thì tôi lớp 8 rồi đâu cần bà nữa. Tôi đã bắt bà phải hứa với tôi đến lớp 8 vẫn cứ đến trông tôi vì tôi khi đó đã lớn đâu, vẫn cần bà. Nhưng chỉ một thời gian sau tôi đã làm quen với cuộc sống mới. Và suốt những năm học cấp 2, tôi chẳng nhớ đến bà nữa và khi mọi người nhắc đến bà có lần tôi còn ngớ người ra một lúc mới khơi dậy được những kí ức đẹp về bà. Tôi chỉ nhớ lại những điều này trong một đêm khó ngủ và quá rảnh nên suy nghĩ vu vơ. Và đây chỉ là một số trong vô vàn những điều tôi đã quên. Liệu đến khi lớn hơn nữa, sống bận rộn hơn tôi có thời gian để mà hồi tưởng về tuổi thơ đẹp của mình, không để nó chìm vào quên lãng...?
Tôi sợ khi thành người lớn, tôi mất dần khả năng tưởng tượng và để những suy nghĩ của mình bị bó hẹp trong khuôn mẫu và định kiến. Liệu tôi khi đó có nhận ra cái mũ thực ra là con voi trong bụng con chăn? Hay là tôi sẽ tặc lưỡi và nghĩ đó quả là một ý tưởng ngớ ngẩn, và đứa trẻ đó vẽ xấu quá, mai sau chắc nó không nên theo con đường hội hoạ.
Lớn lên tôi cảm thấy khó khăn hơn trong việc thể hiện tình cảm. Ngày còn nhỏ tôi có thể thoải mái ôm hay nói chuyện với bố, nhưng giờ đây tôi thấy khó hơn để biểu đạt những điều đó. Tôi vẫn hay nói chuyện với bố nhưng không phải là chuyện bạn bè hay tâm tư mà cả hai chỉ cùng bàn luận về những chủ đề khoa học hay các vấn đề xã hội và cùng xem Vfacts. Chỉ còn mẹ là tôi vẫn thoải mái kể những tâm sự. Nhưng vì lí do nào đó tôi vẫn thấy khá ngượng khi nói yêu với mẹ. Và tôi thấy buồn khi nghĩ về một ngày tôi chẳng thể tâm sự gì với bố mẹ, chẳng thể ôm hay nói những lời yêu thương một cách dễ dàng. Và cả với bà ngoại tôi cũng vậy. Tôi yêu bà, thương bà lắm nhưng tôi vẫn chẳng thể nói một lời ngọt ngào nào...
Và trên tất cả, tội sợ lớn lên mình sẽ là một người lớn thất bại dù từng là đứa trẻ thành công. Lúc tôi còn học Tiểu học tôi là người rất tự tin, năng động, thích được thách thức và có được sự chú ý từ bạn bè. Tôi còn có rất nhiều mục tiêu và ước mơ nữa.Sau khi lên trung học cơ sở, tôi mất dần những điều đó và trở thành kẻ vô hình trong lớp học (nhưng chí ít những ước mơ vẫn còn đó). Tôi là một người có tâm lý ngại sự thay đổi. Mà cuộc sống thì bất biến và khó đoán, vậy thì tôi biết ứng biến thế nào đây. Tôi không phải một người có các kỹ năng xã hội tốt. Tôi không đọc Đắc nhân tâm và không biết lấy lòng, thuyết phục người khác cho đúng cách. Tôi không có đủ sự tự tin để nói trước đám đông hay là một con người phù hợp để bắt đầu những cuộc trò chuyện "mặn mòi". Tôi đã thử chủ động bắt chuyện hay nhắn tin với vài người bạn mới nhưng họ không có vẻ muốn đáp lại sự chủ động của tôi. Liệu tôi có thực sự "nhạt" như vài người bạn hay nói về tôi hay là tôi chỉ không biết cách bắt đầu một cuộc trò chuyện phong cách thế hệ trẻ ngày nay. Nhiều lúc tôi cảm thấy mình như thể "boomer" vậy. Tôi không thích và hứng thú với những trào lưu Tiktok, tôi cũng không biết đủ nhiều trend và nhiều khi còn thấy "dị ứng" với những thứ đó. Chị tôi hay bảo là tôi "tối cổ" vì không biết những thứ đó, và chị nói nếu tôi muốn cải thiện sự tự tin, muốn "mặn" hơn, muốn kết bạn trước tiên phải học cách "bắt trend" cho nhanh đi :'(. Chả nhẽ tôi lại lớn lên làm một người lớn thiếu những kỹ năng mềm (và "tối cổ").
Càng lớn hơn tôi càng cảm thấy ít niềm vui đi. Tôi thấy buồn khi nghĩ đến việc những người thân của tôi sẽ già đi và số đám tang tôi đi dự sẽ tăng đều đều. Lớn lên tôi nhận thấy xã hội không có tốt đẹp, con người cũng không có tâm hồn thánh thiện như tôi từng nghĩ. Tôi biết ước mơ của tôi tuy đẹp nhưng con đường đến với nó thì lại rất xấu, rất khó khăn và có thể tôi sẽ vỡ mộng.
Tương lai của tôi rất mù mờ. Tôi thấy khá hứng thú với tâm lý học và đang suy nghĩ không biết có nên theo học ngành này trong tương lai. Nhưng qua tìm hiểu, tôi biết rằng ngành này không phổ biến ở Việt Nam, nếu muốn "có ăn" thì tôi phải vươn lên thật xuất sắc. Hoặc tôi có thể đi du học mà du học thì đắt lắm, nếu có đi tôi chỉ có thể xin học bổng mà chắc cũng phải xin được học bổng từ 70% trở lên mới được. Và nhiều khi đó chỉ là những thích thú nhất thời nên nhiều người khuyên không nên nghe theo. Khi đó tôi có thể đi con đường an toàn nhưng không đảm bảo sẽ vui vẻ: học một ngành thuộc khối kinh tế và tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Lớn lên tôi sẽ phải đối mặt với tất cả những điều không hay kể trên.
Tuy nghĩ đến việc lớn lên đã thấy tệ rồi nhưng tôi cũng phải thừa nhận nó có mang lại những điều giá trị cho tôi. Tôi đã bớt cư xử "trẩu tre" nên không phải xấu hổ nhiều nữa. Tôi tin rằng mình là một con người tử tế và có đạo đức, có lý tưởng. Tôi đã biết trân trọng mọi thứ xung quanh hơn, trân trọng những khoảnh khắc hạnh phúc nhỏ nhoi (như cùng xem Vfacts với bố chẳng hạn) và làm một người biết nghĩ hơn, biết cảm thông hơn. Tôi vẫn luôn lớn lên và khôn hơn mỗi ngày. Mẹ cũng bảo với tôi rằng làm người lớn cũng có cái hay của nó nên tôi hãy cứ yên tâm trải nghiệm và tận hưởng. Tôi cũng tin những gì mẹ nói và cầu mong việc lớn lên không làm tôi quá vật vã...
( Tôi thừa nhận làm người lớn oai thật. Học lớp 5 nhìn mấy đứa lớp 1 thấy mình ngầu vãi, học lớp 9 nhìn mấy đứa lớp 6 thấy mình thật là trải đời :)))
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất