Tôi là một người hay đu theo các trào lưu yêu nước, mà trên mạng người ta gọi những người như tôi là "bò đỏ". Trào lưu yêu nước nào tôi cũng tham gia không hề bỏ lỡ: ví dụ như trào lưu giải cứu nông sản Việt mỗi năm diễn ra vài lần, trào lưu xuống đường nẹt bô hò hét khi đội tuyển Việt Nam vô địch giải AFF, trào lưu vào Facebook trọng tài để chửi khi đội tuyển Việt Nam thua, trào lưu mua kit xét nghiệm Việt Nam làm vì người Việt tin tưởng dùng hàng Việt.
Đã yêu nước đến mức đó thì tại sao khi Vinfast, một công ty thuần Việt 100%, cho ra mắt chiếc xe điện thông minh của riêng họ thì tôi lại không tham gia ủng hộ chứ. Nghĩ đến mỗi sáng thức dậy trong căn hộ Vinhomes, thay bộ đồ mua trong Vincom, lái xe Vinfast đi làm là tôi lại sướng run cả lên.
Đó là hình ảnh của tôi hiện lên trong tâm trí của nhiều người dùng Internet khi họ nghe đến việc ai đó đặt xe Vinfast. Họ gọi những người như tôi là "vin nô", hoặc là "bị dắt mũi", "chuột bạch" để Vinfast thử nghiệm.
Có lẽ việc đan xen lòng yêu nước trong các chiến dịch truyền thông được thực hiện bởi Vinfast và các kênh truyền thông trong nhiều năm qua đã gây ra phản ứng ngược. Nó tạo ra nhiều người cuồng nhiệt ủng hộ Vingroup bao nhiêu thì cũng tạo ra bấy nhiêu người ngầm phản đối, tẩy chay. Việc hô hào ủng hộ nhưng không nhận lại được dịch vụ hậu mãi tương xứng, một vấn đề thường xảy ra cho một công ty non trẻ, đã khiến nhiều người thất vọng, dẫn đến cảm xúc căm ghét.
Tôi đặt cọc xe Vinfast VF 8 trước khi triển lãm CES ở Los Angeles diễn ra một ngày, tức ngày 05/01. Và lý do cọc xe của tôi thì là tổng hợp bởi nhiều thứ, nó bao gồm trải nghiệm thực tế, góc nhìn doanh nghiệp của cá nhân, và sự lạc quan.
Trải nghiệm với xe Vinfast Lux A2.0
Tôi không có thiện cảm với Vinfast từ lúc công ty thành lập, bởi cái tên của nó. Tôi không đồng tình với việc gắn tên doanh nghiệp ở khắp mọi nơi để tăng độ nhận diện thương hiệu, ví dụ như Vinhomes, Vinfast, VinUni, đối với tôi những cái tên vậy không đẹp và nó như cho thấy một đứa trẻ sợ người ta không nhận ra nó nên phải tìm mọi cách để ai cũng biết đến nó. Khi đặt tên trường đại học là VinUni, nó cho thấy rằng tự bản thân trường đó không thể tạo dựng được thương hiệu riêng và mãi mãi phải núp dưới bóng thương hiệu VinGroup.
Nó cũng thể hiện lối mòn trong suy nghĩ, đến cái tên cũng chẳng thể sáng tạo được.
Ngay cả ở nước láng giềng Trung Quốc, các công ty khởi nghiệp mới của họ đã biết cách đặt tên nghe sao sáng tạo và có tính tương lai hơn, ví dụ như hãng xe điện nổi nhất của họ hiện nay có tên là NIO, Enovate và BYD (viết tắt của Build Your Dreams - xây dựng giấc mơ của bạn). Còn tại Đức, Daimler, chủ sở hữu của dòng xe Mercedes-Benz, đã thành lập công ty xe điện mới tên là Smart. Ở Mỹ cũng có start-up xe điện mới thành lập có tên là Rivian.
Còn Vinfast? Có lẽ người ta chọn cái tên đó vì nghĩ nhanh được vậy.
Rồi họ cũng nhanh chóng ra mắt được sản phẩm xe của riêng mình và họ cũng chọn những cái tên thật lạ để đặt cho chúng là Lux A 2.0 và Lux SA 2.0. Có lẽ họ sợ người ta không biết họ làm xe sang nên phải để chữ Lux vào.
Tôi được một người bạn cho trải nghiệm lái xe Vinfast Lux A2.0 vài lần, chủ yếu là đi trong phố chứ chưa đi liên tỉnh. Tôi đã nghe nhiều người khen xe này lái hay và đáng tiền mua trong tầm giá 1 tỷ. Tôi còn nhớ ban đầu nhiều người Việt thất vọng khi vào năm 2019, Vinfast công bố giá hai mẫu xe Vinfast Lux A2.0 và Lux SA2.0 ở mức trên 1 tỷ và sát 2 tỷ. Họ đã rất mong chờ xe giá rẻ của người Việt dành cho người Việt. Ít ra họ cũng được xe Fadil giá vừa phải, nhưng là xe nhỏ.
Nhưng sau đó sự thất vọng đã chuyển sang tâm lý tích cực vì mọi người đều khen xe lái hay, rất đáng tiền, vượt trội hơn so với các xe của Nhật Bản và Hàn Quốc trong cùng phân khúc. Do đó tôi đã rất tò mò khi được lái thử chiếc xe này, xem nó có đúng chất như lời đồn hay là bị người ta thổi phồng lên.
Về bản thân tôi thì tôi đã từng lái xe Nhật của hãng Toyota và Mazda, xe Đức của BMW và Mercedes. Tôi không nói rằng tôi sành sõi về xe nhưng tôi cũng hiểu được sự khác nhau giữa các xe, và đâu là các vấn đề mình cần quan tâm khi lái một chiếc xe.
Do đây không phải là một bài đánh giá xe nên tôi sẽ chỉ viết ngắn gọn các ý chính. Tôi nghĩ chiếc Lux A2.0 của Vinfast là một chiếc xe ổn. Do nó được cấu tạo từ động cơ, khung gầm và hộp số từ xe BMW 5 của Đức nên xe chạy có cảm giác chắc chắn, đầm, cách âm tốt và tăng ga nhanh. Tôi viết vậy mọi người đừng hiểu nhầm rằng Vinfast bưng nguyên xi các linh kiện này ráp lại thành cái xe rồi bán, không hề. Vinfast có đều có tinh chỉnh lại các thiết bị này để nó phù hợp hơn với thị trường và thói quen sử dụng xe của người Việt. Ví dụ chiếc Lux A 2.0 chạy rất êm đến mức hơi bồng bềnh, khác hẳn các dòng xe BMW vốn không êm như vậy.
Điểm tôi không hài lòng về chiếc xe là nội thất và các thiết bị điện của nó. Bản thân tôi nghĩ chiếc xe có nội thất xấu, và Vinfast đã sai lầm khi đã bỏ đi hầu hết các nút bấm, khiến người dùng muốn tinh chỉnh tính năng là phải dùng màn hình cảm ứng: ví dụ như chỉnh điều hòa, xem camera 360. Khi lái xe xe lúc nào cũng rung và không ổn định, do đó vừa lái xe vừa bấm trên màn hình cảm ứng là rất khó, phần lớn trường hợp tài xế sẽ bấm sai.
Màn hình cảm ứng trên xe mình thấy cũng xấu, camera 360 thì mờ và canh không đúng nên đậu xe phải canh bằng mắt chứ không thể trông cậy vào camera. Loa xe thì nghe không hay, nhưng có thể hiểu được vì Vinfast chưa bắt tay được với công ty âm thanh nào nổi tiếng để làm loa xe hơi cho riêng mình.
Về vô lăng xe thì nhiều người bảo ổn, nhưng riêng tôi thì cảm thấy vô lăng này rất kỳ, lái cảm giác không tự nhiên.
Nhìn chung tôi có thể hiểu được tại sao nhiều người khen chiếc xe này. Với những ai lái xe lâu năm, cỡ 5-10 năm, và đã trải qua các dòng xe Nhật Bản, Hàn Quốc trong tầm giá 900 triệu tới 1 tỷ thì rõ ràng chiếc Lux A 2.0 mang lại trải nghiệm rất khác biệt về lái. Những tài xế trung niên lớn tuổi thường không quan tâm quá nhiều đến các tính năng điện tử, thậm chí họ đi xe không cần nghe nhạc, do đó những thứ mà tôi coi là phiền phức đó, đối với họ chỉ là bất tiện nhỏ. Muốn đỗ xe thì cứ lấy nhìn gương là đủ, không cần cảm ứng hay camera hỗ trợ gì cả.
Qua trải nghiệm của tôi với chiếc Lux A 2.0 cũng như đọc về các trải nghiệm hậu mãi, tôi nghĩ Vinfast thực sự nghiêm túc làm xe. Tôi cũng đồng ý rằng cách định giá xe của họ khiến người dùng đời đầu cảm thấy thiệt thòi vì giá bán xe đã giảm mạnh chỉ sau một năm ra mắt thị trường. Tuy nhiên về mặt kinh doanh tôi có thông cảm cho họ vì định giá xe không phải là điều dễ dàng cho một tập đoàn mới thành lập và phải luôn thay đổi giá bán để tăng sức cạnh tranh là điều dễ hiểu.
Tôi nghĩ rằng việc đã mua xe Vinfast là phải chấp nhận chịu thiệt một chút về tài chính, coi như là giúp doanh nghiệp sản sẻ rủi ro. Bởi vì họ đã chấp nhận rủi ro đổ cả trăm triệu đô xây dựng doanh nghiệp kinh doanh trong một lĩnh vực vô cùng khó nhằn ở Việt Nam, mọi thứ đều rất khó khăn, do đó các dịch vụ, lợi ích của họ mang lại không thể bằng các hãng xe lâu đời được.
Nỗi buồn người lái xe sang
Tôi cọc xe Vinfast sau khi đã trải nghiệm lái xe sang ở Việt Nam
Thật sự mua xe sang ở Việt Nam rất thiệt thòi, bởi vì người dùng xe phải mua xe đắt gấp 2, gấp 3 ở nước ngoài mà chất lượng xe lại không bằng. Với những người mua xe chỉ để đi lại, để có thứ che nắng che mưa họ sẽ không quan tâm lắm với các tính năng cao cấp, nhưng cũng có nhiều người như tôi, muốn trải nghiệm các công nghệ tiên tiến nhưng không được.
Chính phủ Việt Nam đánh thuế bảo hộ rất cao với xe nhập từ châu Âu và Mỹ, cộng với thuế bảo vệ môi trường, khiến cho xe ở Việt Nam vô cùng mắc, so với khu vực thì chỉ thua mỗi Singapore. Mục tiêu của chính phủ khi đánh thuế là để bảo hộ nền công nghiệp xe hơi trong nước và hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên môi trường thì vẫn ô nhiễm, ngành sản xuất xe hơi trong nước thì bèo bọt, hệ thống giao thông công cộng thì kém, kết quả là người dân cứ phải gồng gánh trên xe máy và hứng chịu bao nhiêu bụi đất hằng ngày.
Thuế cao khiến ít người mua ô tô, ít người mua ô tô khiến quy mô thị trường nhỏ, quy mô thị trường nhỏ khiến giá thành nhập xe về hoặc lắp ráp rất cao, nó cứ thành một vòng tròn luẩn quẩn. Vì giá thành rất cao nên xe nhập về chỉ được trang bị các tính năng rất cơ bản, xoàng xĩnh, người chịu thiệt là người dùng, đặc biệt là những người mua xe sang.
Ví dụ như trường hợp hệ thống An Toàn Phòng Ngừa Va Chạm (CPA Plus - Collision Prevention Assist Plus) bị cắt bỏ trên dòng xe Mercedes Benz ở Việt Nam sản xuất năm 2018, 2019. Sự việc này chỉ được phát hiện sau khi một chiếc xe Mercedes Benz dòng S trị giá hơn 4,5 tỷ bị tai nạn trong tình huống mà CPA có thể can thiệp và giúp phòng tránh.
"Hệ thống phòng ngừa va chạm CPA Plus trở thành trang bị tiêu chuẩn trên hầu hết các xe ô tô Mercedes-Benz từ tháng 10/2015. Hệ thống CPA Plus sẽ đánh giá tình trạng giao thông phía trước qua dữ liệu thu thập từ các cảm biến radar và phát đi các cảnh báo cho lái xe bằng tín hiệu hình ảnh và âm thanh khi xuất hiện nguy cơ xảy ra va chạm với vật cản hay với xe chạy cùng chiều ở phía trước.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Thời Đại tại thị trường Việt Nam hàng loạt các mẫu xe sang của Mercedes-Benz thậm chí cả dòng đắt tiền S-450...đời 2019 - 2020 không còn được trang bị tính năng này. Trên diễn đàn của những người sử dụng dòng xe sang Mercedes đã có nhiều thành viên bày tỏ sự ngạc nhiên khi biết thông tin này. Những người có kinh nghiện sử dụng đã chia sẻ rằng tính năng này có thể nâng cấp riêng nhưng phải chi thêm tiền, chứ không thực hiện trong đại lý chính hãng."
Xe Mercedes Benz dòng S450 bán tại châu Âu những năm đó có giá khoảng 80,000 Euro (cỡ 2 tỷ VND), tại Mỹ có giá khoảng 80,000 USD (1,8 tỷ). Ở Việt Nam có giá bán là 4,5 tỷ, thêm các phí mua xe nữa thì lúc lăn bánh là 5 tỷ, tức cao gấp 2,5 lần so với bên Mỹ và châu Âu, nhưng lại thiếu đi tính năng cơ bản là CPA, và tôi tin chắc là còn thiếu hàng loạt tính năng cao cấp khác nữa như hiển thị thông tin kính lái (HUD), hệ thống loa cao cấp. Để nâng cấp những thứ đó người dùng Việt phải thực hiện dịch vụ ngoài hãng, chi phí không dưới 500 triệu.
Tại sao xe Mercedes Benz ở Việt Nam không được trang bị các tính năng cao cấp đó? Mình nghĩ nguyên nhân chủ yếu là vì chi phí, thêm các tính năng đó thì chi phí lên quá cao, dẫn tới ít ai mua được.
Một ví dụ khác là dòng xe Audi A6 ở Việt Nam. Chiếc Audi A6 có giá bán hơn 2.5 tỷ ở Việt Nam (ở Đức thì có giá 50,000 Euro, tức khoảng 1,3 tỷ) nhưng với giá đó bạn chỉ mua được bản yếu nhất, không có buồng lái ảo (virtual cockpit) cũng như kết nối Apple CarPlay. Trong khi ở các quốc gia khác thì buồng lái ảo và kết nối Apple CarPlay là tính năng tiêu chuẩn trang bị trên mỗi xe Audi A6, từ bản thấp nhất đến cao cấp nhất từ nhiều năm trước, thì qua năm 2022 này nó vẫn là thứ xa xỉ ở Việt Nam. Muốn gắn thêm hai thứ này thì bạn phải sử dụng dịch vụ ngoài và tốn không dưới 100 triệu đồng.
Như vậy trong khi xe ở các quốc gia khác liên tục được bổ sung các tính năng thông minh giúp lái xe an toàn hơn như hỗ trợ phanh khẩn cấp tránh tai nạn, cảnh báo nguy hiểm khi chuyển làn, hệ thống hỗ trợ nhìn đêm giúp né vật cản khó nhìn, cảm biến áp suất lốp theo từng bánh, thì các tính năng đó ở Việt Nam tiếp tục là xa xỉ.
Nếu bạn muốn biết sự khác nhau giữa tính năng tiêu chuẩn của một xe bán ở Việt Nam và ở thị trường nước ngoài, ví dụ như Úc, thì hãy nhìn vào danh sách dưới đây. Đây là danh sách tính năng tiêu chuẩn của một chiếc Porsche Cayenne bản S bán ở Việt Nam với giá khởi điểm 5,65 tỷ đồng và ở Úc với giá khởi điểm 166,000 đô Úc (khoảng 2,7 tỷ đồng).
Đây là tính năng hỗ trợ tiêu chuẩn trên Cayenne S bán cho thị trường Việt Nam
Đầy là tính năng hỗ trợ tiêu chuẩn trên Cayenne S bán ở thị trường Úc, tiêu chuẩn tức không cần bỏ thêm tiền để mua.
Ở Việt Nam, xe Cayenne S không thể trang bị thêm:
- Tính năng hệ thống điều khiển hành trình (cruise control) và giới hạn tốc độ (speed limiter).
- Hệ thống điều khiển hành trình thông minh kết hợp thắng khẩn cấp (adaptive cruise control with emergency assist)
Các tính năng còn lại có thể mua thêm với giá không dưới 300 triệu đồng. Chỉ riêng hệ thống camera quan sát toàn cảnh hỗ trợ đỗ xe (ParkAssist including Reversing Camera and Surround View) đã tốn thêm 95 triệu.
Và tồi tệ hơn là đây chỉ là một hạng mục nhỏ của xe, còn vô vàn các hạng mục tiêu chuẩn khác bị giảm đi, ví dụ hệ thống đèn chiếu sáng ở Úc là loại PDLS thông minh tự điều chỉnh khoảng cách chiếu sáng, ở Việt Nam chỉ là đèn LED thông thường, muốn nâng lên loại PDLS thì tốn thêm 60 triệu.
Nhiều người bảo bên nước ngoài khinh thường nhu cầu và tính mạng người tiêu dùng Việt Nam, dù tôi không đồng ý hoàn toàn nhưng trong thâm tâm nhiều lúc tôi cũng có cảm giác như vậy. Tôi không đồng ý hoàn toàn vì cũng hiểu rằng chi phí là vấn đề lớn, những người rành về bán xe đã chia sẻ với mình rằng hãng cũng muốn gắn các tính năng cao cấp cho xe nhập về Việt Nam nhưng làm như vậy giá thành bị đội lên rất cao, rất khó bán. Giá xe cao thì dân tình chửi là "ngáo giá", nhưng bỏ tính năng an toàn thì bị nói là "khinh thường dân Việt", "ăn dày".
Với thực tế như vậy, không tránh khỏi chuyện nhiều người mua xe sang ở Việt Nam có thể thấy rằng họ chỉ là một cây ATM để chính phủ rút thuế và công ty nước ngoài móc túi. Nói là móc túi là bởi vì ngay cả khi phải chấp nhận bỏ ra số tiền rất cao thì họ vẫn chỉ được hưởng dịch vụ loại hai, loại ba, bởi vì hãng không coi họ xứng đáng được hưởng dịch vụ hạng nhất.
Vài người có thể tranh luận lại rằng giá xe ở Singapore còn cao hơn ở Việt Nam, nhưng thuế của người mua xe ở Singapore giúp đường sá bên họ tốt hơn cả bên Mỹ. Còn thuế của người mua xe ở Việt Nam thì sao?
Trông mong được gì từ Vinfast
Tôi chỉ trong mong rằng Vinfast có thể dành được dịch vụ tốt nhất có thể cho tôi.
Điều tôi thấy vui nhất khi Vinfast mở bán xe ở hai điểm:
- Xe tôi mua ở Việt Nam không mắc hơn quá nhiều so với ở Mỹ và châu Âu, tôi biết họ làm vậy là đang chịu lỗ nặng vì thuế ở Việt Nam rất khủng khiếp.
- Xe tôi mua ở Việt Nam có đủ các tính năng giống như phiên bản ở Mỹ và châu Âu. Nếu có sự khác biệt thì nó sẽ phần nhiều là do luật pháp hơn là do chính sách. Ví dụ tôi được biết xe của Đức phải loại bỏ một số loại đèn xe vì không hợp tiêu chuẩn đường sá ở Mỹ.
Tôi đã coi qua danh sách các tính năng an toàn và tính năng tự lái mà Vinfast công bố và đó là các tính năng tôi rất mong muốn người tiêu dùng Việt được trải nghiệm trọn vẹn. Nó được cung cấp cho người tiêu dùng một cách đàng hoàng, chứ không phải là mua xe xong rồi phải mang ra ngoài tiệm để nâng cấp thêm, vừa tốn tiền vừa tốn thời gian. Tôi nghĩ khi xe chính thức mở bán thì các tính năng đó có thể thiếu một vài phần, nhưng nó là phần mềm, và phần mềm thì luôn có thể nâng cấp dễ dàng. Ví dụ như các dòng xe Tesla luôn được nâng cấp phần mềm để thông minh hơn.
Có thể bạn sẽ thắc mắc sao tôi dễ tin vậy, thấy người ta quảng bá có tính năng gì là nghĩ sẽ có sao? Tôi có niềm tin cao vì tôi có quen một vài kỹ sư trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam, có người trong đó từng làm ở VinAI. Qua những buổi nói chuyện với họ tôi hiểu rằng dự án của họ làm là rất lớn và nghiêm túc, và họ thực sự đã kiểm thử các tính năng họ quảng bá trên đường.
Đối với tôi hiện nay, có một hãng bán xe chấp nhận chịu lỗ để người dùng Việt hưởng thụ đủ các tính năng an toàn như tiêu chuẩn của châu Âu và Mỹ là tôi đã rất cảm kích.
Còn những vấn đề mà mọi người bàn tán như chính sách thuê pin (battery-as-a-service) của xe Vinfast, tôi không nghĩ đó là vấn đề lớn. Chính sách này không mới như mọi người nghĩ, nó đã được áp dụng bởi hãng xe điện NIO bên Trung Quốc hơn một năm nay và cũng đang được áp dụng bởi một số hãng xe châu Âu như Daimler AG và Renault (Pháp). Có rất nhiều start-up xe điện trên thế giới hiện nay đang đánh mạnh vào mảng này như Rejoule ở Mỹ hay Swobbee ở Đức.
Một thứ khiến nhiều người cảm thấy tức giận là việc Vinfast dừng sản xuất xe động cơ đốt trong từ cuối năm 2022, họ coi đó như là hành động đem con bỏ chợ và nhắc đến dòng điện thoại VSmart hay TV như một ví dụ. Tôi chỉ không hiểu rõ họ tức giận vì Vinfast dừng sản xuất xe xăng hay vì Vinfast dừng sản xuất xe xăng quá sớm?
Nếu họ phản đối vì Vinfast dừng sản xuất xe xăng thì như vậy họ hẳn sẽ tức giận với mọi hãng xe khác bởi vì Huyndai đã tuyên bố ngừng nghiên cứu động cơ đốt trong trong năm 2021 vừa rồi, và chỉ vài năm nữa thôi họ cũng sẽ dừng sản xuất xe xăng.
Gần hơn thì có tập đoàn Daimler, chủ thương hiệu của Mercedes-Benz cũng tuyên bố dừng sản xuất xe xăng từ năm 2025:
Tôi nghĩ mọi người thấy tức giận vì Vinfast dừng sản xuất xe xăng quá sớm, và tôi thấy điều đó hợp lý. Mặc dù hiểu rằng để phát triển được thì một tập đoàn phải thích nghi nhanh và thay đổi liên tục, nhưng việc dừng sản xuất xe xăng chỉ sau 3 năm ra mắt như vậy là không hay. Không thể cứ coi người dùng là những cuộc thử nghiệm cho họ. Tôi trước đây đã mong chờ ít nhất Vinfast đưa ra được bản nâng cấp giữa vòng đời (facelift) cho các mẫu xe của họ.
Còn mối lo về việc ngừng sản xuất xe xăng rồi thì việc bảo trì bảo dưỡng sẽ như thế nào, tôi nghĩ rằng mọi người đang làm quá lên. Thứ nhất là ở mức tối thiểu, mức cơ bản nhất thì một công ty sẽ luôn bảo dưỡng cho xe của họ. Việc này không hề khó và mang lại thu nhập cho họ, họ không có lý lo gì lại từ chối kiếm thêm cả. Tôi đã từng đem xe BMW mua năm 2009 ra chính hãng BMW để họ sửa chữa, bảo trì, và họ vẫn làm. Người nhà của tôi cũng mang chiếc xe Toyota Vios mua năm 2007 ra chính hãng Toyota để bảo dưỡng, sửa chữa. Bạn có thể nói rằng đó là hãng nước ngoài, không có gì đảm bảo Vinfast sẽ thực hiện cam kết như thế. Nhưng câu hỏi tôi đặt ra là tại sao Vinfast không muốn kiếm thêm tiền từ dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa xe?
Nếu bạn chưa rõ thì so với xe xăng, xe điện tốn rất ít công sức và chi phí bảo trì vì hệ thống động cơ điện đơn giản hơn động cơ đốt trong rất nhiều.
Thứ hai là về linh kiện, Vinfast sử dụng khung gầm động cơ và nhiều linh kiện của BMW 5 và BMW X5, là hai dòng xe phổ thông trên toàn cầu và linh kiện rất phổ biến, cũng không hề đắt. Do đó sẽ khó có tình trạng khan hiếm hết linh kiện sửa chữa trong tương lai gần.
Chấp nhận rủi ro
Tôi không muốn mọi người hiểu nhầm rằng tôi có niềm tin vững chắc vào Vinfast. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi chấp nhận các rủi ro có thể gặp phải khi chọn cọc xe Vinfast: có thể là xe họ sản xuất bị lỗi, có thể là dịch vụ hậu mãi của họ sẽ khiến tôi thất vọng, có thể họ không bán được nhiều xe như mong đợi và sớm phá sản. Vinfast gặp đủ mọi loại rủi ro giống như bao start-up khác.
Nhưng ít ra tôi nghĩ họ thật sự cố gắng, và những sự thay đổi liên tục của họ trong chính sách bán hàng tôi coi đó là điều mà công ty non trẻ nào cũng phải trải qua. Chính công ty của vợ tôi khi mới thành lập cũng phải thay đổi liên tục và có những chính sách gây ức chế cho nhân viên. Cái quan trọng là mọi người luôn cố gắng để trở nên tốt hơn.
Tôi nghĩ rằng chúng ta cũng có phần may mắn vì ở Việt Nam có một tập đoàn dám làm một thứ gì đó để giúp người dân Việt tham gia giao thông sạch hơn và an toàn hơn.
Ô tô
/oto
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất