Mua Xe Sang Ở Việt Nam Mắc Gấp 3 Lần Ở Châu Âu, Người Mua Xe Nghĩ Gì?
Có nhiều người nói rằng khi có tiền rồi thì họ sẽ vẫn sống bình dị, vẫn sẽ chi tiêu ăn uống như trước đây. Nhưng họ không nhận ra rằng...
Có nhiều người nói rằng khi có tiền rồi thì họ sẽ vẫn sống bình dị, vẫn sẽ chi tiêu ăn uống như trước đây. Nhưng họ không nhận ra rằng trong quá trình làm việc và kiếm tiền, họ sẽ phải tiếp xúc nhiều hơn với những con người mới mà họ không bao giờ nghĩ sẽ được gặp, được trải qua những điều họ tưởng chỉ có trong sách báo và khám phá ra những niềm vui mới cuộc sống. Dần dần họ sẽ bị cuốn theo các niềm vui đó từ khi nào mà họ không biết, nó ngấm vào máu họ và khiến họ mê đắm.
Đó là lí do ngoài những kẻ học đòi khoe mẽ, có những người mua những món hàng mắc tiền như xì gà Cuba, túi xách Hermes, rượu vang hảo hạng, đồng hồ Audemar Piguets hay siêu xe Ferrari với sự thích thú không tả được. Anh bạn tôi cũng là một người như vậy. Sau hơn 8 năm lăn lộn buôn bán hàng cao cấp nhập khẩu ở Sài Gòn, anh từ một người đeo đồng hồ Casio anh đã nâng cấp lên Hublot và từ con SH anh đã lên đời bốn bánh. Niềm đam mê với đồ xa xỉ của anh lớn dần theo cùng nhịp điệu với lợi nhuận của công ty, từ việc có chiếc xe để đi làm cho thuận tiện, tiếp khách dễ dàng, anh đã chuyển qua mua xe vì đam mê tốc độ.
Cuối tuần trước anh dẫn mình và nhóm bạn anh quen đi ăn. Đậu ngoài nhà hàng là chiếc Range Rover Discovery Sport màu xám anh mua "full option" với giá hơn 4 tỷ. Với con xe to như thế đậu ngay sát nhà hàng, cộng thêm việc nó là chiếc xe thứ 2 anh mua chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi anh mua chiếc xe sang đầu tiên là BMW 3 320i hơn 2 tỷ, không khó để mà đoán được chủ đề buổi nói chuyện ngày mưa hôm đó là về gì. Trong cả đám chỉ có mình anh là có ô tô, còn lại chỉ đi Grab, cao cấp thì có đi Harley Davidson. Lý do là vì tiền họ nhét vào bất động sản rồi.
Các câu nói của mọi người đã được viết lại theo dạng tổng hợp cho dễ theo dõi.
Mình: Sao anh lại chuyển qua đi SUV rồi, chạy con BMW 3 chạy không đã à?
Anh: À đi gầm thấp ở đường Việt Nam khá là sợ, đường không bằng phẳng, đi dễ hỏng gầm, rồi vấp đủ thứ. Rồi mấy đợt mưa ngập vừa rồi hên là nó mưa trước khi mình ra khỏi nhà, chứ mình đang đi mà nó ngập chắc chết chiếc BMW luôn. Mua SUV thì chạy nội thành dễ chịu hơn, nhất là buổi tối mình ngồi trên cao mình dễ thấy ổ gà để né. Khi nào đi đường xa và đường tốt như cao tốc thì đi BMW sẽ thích.
Mình: Thấy đường bây giờ đi là đỡ lắm rồi đó.
Anh: Cũng được, hi vọng mình mua xe này đóng thuế cho nhà nước nhà nước làm đường tốt hơn.
Mình: Anh đóng thuế nhiều lắm hả?
Anh: Ừ em. Em nghĩ đi, bản anh mua ở bên Anh họ bán chỉ chưa tới 2 tỷ, gồm cả đủ mọi phí. Về Việt Nam nó đến 4 tỷ. Ngay cả bản cao cấp nhất bên đó cũng chưa tới 3 tỷ rưỡi, còn ở Việt Nam phải 7, 8 tỷ. Thuế đóng quá trời đóng rồi còn gì. Đó là anh còn chưa mua Porsche. Porsche ở bên Đức bán ra chỉ cỡ 100 nghìn đô, khoảng 2 tỷ hơn. Về Việt Nam đánh thuế lên thành 6, 7 tỷ. Trời mình là mình đóng góp cho nhà nước nhiều lắm luôn á.
Một người khác: Thuế đó là thuế gì mà dữ vậy anh?
Anh: Anh không rõ nhưng nặng nhất là thuế tiêu thụ đặc biệt, Việt Nam mình không khuyến khích người dân mua ô tô. Sau đó là thuế môi trường nè, xe càng mạnh, động cơ càng bốc, dung tích xy lanh càng cao thì mức thuế áp vào càng lớn. Mấy mức thuế đó có khi cao hơn 100% giá trị xe. Em biết Minh Nhựa ấy (một người hay chơi siêu xe ở Việt Nam), con siêu xe Pagani của ổng 80 tỷ mà anh đoán thực chất nó chỉ có giá tầm 20 tỷ thôi. Tính ra em chơi đồng hồ thì sẽ ổn hơn siêu xe đấy. Vì đồng hồ ở Việt Nam chỉ bị đánh thuế VAt 10% và một vài thuế nhỏ khác. Nên em mua đồng hồ Rolex 10.000 USD ở Việt Nam rồi em qua mấy nước bị đánh thuế cao như Brazil, Ấn Độ em bán thì sẽ có lời. Hoặc mua đồng hồ bản hiếm thì ngon, bán lại giá tốt.
Mình: Vậy anh đóng nhiều thuế như vậy anh thấy sao? Kiểu có cảm thấy bất công gì không?
Anh: À không anh không khó chịu vì bị đánh thuế. Anh chỉ khó chịu cách người ta dùng thuế thôi. Bởi vì thực sự kinh doanh ở Việt Nam đóng thuế không nhiều mà, có nhiều lỗ hổng doanh nghiệp dễ lách được, bản thân mình cũng tự biết là mình không đóng thuế nhiều, dù mình chẳng trốn thuế vì có những khoản chi tiêu thu nhập mà Việt Nam không có cách nào kiểm tra và thu được. Thì bên nhà nước họ cũng biết thế, cục thuế cũng không lắm chứ, thu không được kiểu này thì thu kiểu khác. Không thu trực tiếp thì thu gián tiếp. Anh thấy ổn với điều đó, coi như mình trả lại cho chính phủ.
Nhưng mà cái anh chỉ không thích là mình đóng tiền như vậy nhưng sự thay đổi tạo ra là quá ít. Nói chung là cảm thấy mình bị thiệt thòi.
Ví dụ như đợt tai nạn 3 tháng trước ấy (giải thích: 3 tháng trước vợ anh chở anh đi nhậu về, trời mưa to khiến tầm nhìn bị hạn chế, chị lại tay lái không vững nên tông vào lan can giữa đường. Chỉ hỏng xe, không ai bị thương). Đợt đó nhé bị phạt chục triệu vì tội gây tai nạn và chục triệu khác vì làm hỏng tài sản công cộng. Ngày đó đến đồn CSGT đóng phạt thì quay lại lén nhìn thấy anh bên cầu đường đưa tiền cám ơn bên cảnh sát, làm mình tự hỏi mức tiền mình đóng có thực sự đúng như quy định không, hay bị nâng lên. Rồi hả cái lan can đó thì cũng đâu có khó sửa gì mà đã 3 tháng rồi đi qua vẫn thấy y xì, vẫn bị trống hoắc 1 bên, chả ai sửa. Vậy tiền của mình đi đâu?
Nói chung mọi người hay bảo nhà nước mình ổn định chính trị, ai mà được lợi từ sự ổn định đó thì ngon lành, còn ai mà bị thiệt là chết luôn. Ví dụ nói lại chuyện cầu đường. Em nhìn cầu Thủ Thiêm 2 trên đường Tôn Đức Thắng ấy. Năm 2015 người ta quyết định chặt hết hàng cây ở đó để xây cầu qua Thủ Thiêm. Cũng tiếc chứ, Sài Gòn nắng nóng vậy có hàng cây đó che nắng là đã nhất, mà chặt đi. Chặt đi thì cũng ok thôi, xây cây cầu đi cho đỡ tắc đường. Nhưng mà người ta chặt xong để đó 4 năm trời không xây, đến năm ngoái mới xây. Xây được gần xong cái lại dừng. Mà dừng có phải là vì doanh nghiệp hết tiền đâu, dừng là vì bên quân đội không giao đất để xây. Năm năm rồi giao miếng đất cũng không xong.
Mà em cứ biết thi công công trình càng để lâu thì càng đội giá, giá tăng vù vù. Thế rồi ai giúp nhà nước kiếm tiền để bù cho sự tăng giá đó, thì là mấy người như tụi anh nè. Đi kinh doanh đóng đủ loại thuế phí, rồi mua xe thì đóng thuế cao gấp 3 cái xe. Giá đất thì bị đẩy lên, người mua nhà như tụi anh bị thiệt. Mấy người ăn tiền ở khu Thủ Thiêm thì tẩu tán tài sản, giờ Thành phố muốn bù tiền bị thất thoát nên đè doanh nghiệp ra hành, doanh nghiệp bị hành thì nâng giá bán nhà lên, cuối cùng người mua nhà gánh hết. Có một cây cầu 5 năm xây không xong, doanh nghiệp xây nhà thì làm đủ hết mọi thủ tục 3 năm không có giấy phép để bán nhà, không có giấy phép xây dựng. Trong khi đó tiền lãi vay ngân hàng doanh nghiệp vẫn phải trả, rồi chuyển phần chi phí đó qua người mua nhà gánh.
Người chưa mua nhà hay nghĩ giá nhà ở Việt Nam cao do đầu cơ chứ 2 năm ở lại đây doanh nghiệp không xây nổi nhà, có nhà đâu mà đầu cơ. Ai buôn bán bất động sản mấy năm nay đều điêu đứng gặp khó hết. Không xây được nhà nhưng chi phí vẫn cứ tăng vì lãi vay tăng, nên giá nhà cứ tăng đều đều.
Đó thì ổn định là vậy á, đường cứ xấu đều không thay đổi, chạy xe xóc, hỏng mâm xe, vấp ổ gà giấy phép kinh doanh vẫn bị cấp chậm, thuế vẫn thu đều đều. Em đi cao tốc Sài Gòn - Trung Lương sẽ thấy, cao tốc siêu tệ. Dân lái xe hay bảo đường đó hết thu phí là xuống cấp, đúng thật. Trước nó còn thu phí đi còn đỡ, giờ hết thu phí rồi chạy rất dở. Đường cao tốc mà chỉ chạy được 80km/h thôi.
Cho nên về việc đóng thuế anh thì không cảm thấy khó chịu gì, sở thuế bắt mình đóng gì thì đóng đó thôi, miễn họ để cho mình yên ổn làm ăn và giúp đỡ mình. Nếu mà đóng thuế cao mà đường mình đi tốt như bên Đức thì anh đóng thêm cũng được. Đường rộng, mình đi thích mà cũng an toàn hơn, bớt tai nạn, bớt rắc rối.
Bài viết cùng tác giả:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất