Tôi chia tay rồi
Không còn ẩn dụ, không còn văn nghệ hoá, tôi muốn một lần thẳng thắn đối mặt. Tôi chia tay rồi.
Hôm nay thành phố này mưa đêm. Cơn mưa kỳ dị cuối hạ đầu thu. Người ta cứ gán những cơn mưa thuộc về mùa nào đó, nhưng có mùa nào không mưa. Sống lưng lạnh buốt, tôi lại nghĩ về truyện ngắn “Gáy người thì lạnh" của Nguyễn Ngọc Tư. Văn cô Tư đến với tôi đúng lúc. Thâm tâm tôi biết chẳng mấy ai tôi sẵn lòng chia sẻ điều này. Đếm trên bàn tay cũng vỏn vẹn được hai ngón.
Mưa lạnh, bia cũng lạnh. Tôi nhẩn nhơ “diệt mồi" chẳng chờ ai, chẳng đợi ai, cũng chẳng mong mưa tạnh. Trí nhớ tôi gọi về câu thoại trong 5 To 7: “Life is a collection of moments". Chúng ta có lẽ chẳng mấy khi nhớ toàn thể câu chuyện, điều đọng lại chỉ là những khoảnh khắc. Khoảnh khắc không thật trước mắt tôi lúc này là một bàn tay quen cuốn cho tôi chiếc nem gọn ghẽ. Ừ thì tôi vẫn thích những bàn tay đẹp. Bàn tay vững mà tôi muốn nắm, đời có mấy. Tôi cười nhạt. Hẳn đó là điệu cười mà anh ghét. Anh cho rằng tôi đẩy anh ra xa. Nhưng kỳ thực, tôi chỉ đang bảo vệ bản thân một cách vô thức. Tôi tỏ ra không ai hiểu mình, vì tôi sợ ai hiểu mình và cũng khao khát ai đó hiểu mình.
Dạo này hiếm khi nào tôi rời khỏi chiếc tai nghe. Tôi cần sự va dội của âm thanh. Tôi từng nói với một người bạn: “Tao thà nghe nhạc còn hơn nghe họ nói chuyện". Âm nhạc ôm ấp tôi dịu dàng hơn những lời khuyên khuôn sáo. Hoặc đơn giản là tôi chỉ đang bức tử giọng nói dội lên trong lòng mình. Đời tôi có hai lần nghe rõ tiếng vọng trong tâm. Đều là những khoảnh khắc lượn lờ trên xe máy giờ tan tầm. Tiếng còi xe, tiếng cằn nhằn, tiếng giục giã trở thành âm thanh nền. Chỉ còn tiếng thét vỡ vụn trong câm lặng. Khó mà bật ra.
Trong một lần xem bói nào đó, thầy phán tôi long đong với số tuổi đuôi 2. Năm 12, năm 22, đúng là có sự. Chỉ một năm trước, tôi vẫn còn ngây ngây thơ thơ - phiên bản tôi vừa chán ngán vừa luyến tiếc. Đến tầm này, tôi mới bắt gặp mình ngây ra, dại đi, thẫn thờ, giật thót khi có người hỏi: “Mày đang nghĩ gì đấy?”. Câu hỏi này hay những câu hỏi kiểu này lần đầu tôi được nghe là từ anh. Tôi của năm cũ đã rùng mình. Tôi của năm nay nghe lòng quặn lại. Những lần đầu luôn là một cái gì đó.
Anh là lần đầu tôi mở lòng và mở miệng kể câu chuyện đã giấu kín từ năm 12. Một vòng tay xa lạ năm đó đã khiến tôi muốn dựa vào. Đến giờ thì tôi giận, giận anh đã tra khóa vào một chiếc ổ nào đó mà tôi không thể tự mình đóng lại. Khó mà thấy điều gì thiêng liêng nữa. Một cái ôm, một nụ hôn hay một cuộc làm tình cũng tầm thường như nó vốn vậy. Tại sự trẻ dại năm xưa trót gắn ý nghĩa lên những điều dĩ nhiên sẽ trôi qua.
Lại là một đêm say "nhớ đời". Cũng đã nửa năm trôi qua, tôi không còn để bản thân nuông chiều cảm xúc bằng những cuộc gọi cho anh nữa. Mà nhấc máy lên thì biết nói gì đây? Rằng tôi vẫn là kẻ thua cuộc? Tôi vẫn âm thầm ước rằng trong cái đêm say mật xanh mật vàng, anh còn ở nhà mở cửa đón tôi về. À thì ra đấy là cảm giác an toàn mà tôi vẫn thèm khát. Khát như người say khát nước. Cảm giác an toàn đó (như một người em nói) người khác không thể cho tôi. Cái dại dột lớn nhất của tôi là để anh xâm lấn quá sâu vào cuộc đời mình và cảm thấy thoải mái với sự đột nhập ấy. Đứng trước anh, tôi trở về nguyên dạng là một đứa trẻ năm ấy đọc trộm tin nhắn từ điện thoại mẹ. Đã có lúc tôi nghĩ, giá như tôi có nhiều hơn từ nơi gọi là gia đình. Có thể tôi đã không tìm kiếm tình yêu từ chốn khác một cách âu lo đến thế.
Sau anh, tôi có gặp một người khác. Đó là người tôi vẫn luôn suy tưởng về. Lần đầu gặp gỡ, tôi gục trên vai anh khóc vì một cuộc tình mới kết. Lần thứ hai gặp lại, anh ôm tôi rơi nước mắt chắc cũng bởi lý do tương tự. Sự kết nối giữa tôi và anh là điều khó có thể phủ nhận. Tôi biết và anh cũng hiểu. Những khoảnh khắc im lặng cạnh nhau, tôi hay nghĩ đến câu thoại trong Bojack Horseman: “We’re just two lonely people, trying to hate ourselves a little less". Trong quán pub quen, chúng tôi nói về âm nhạc, về điện ảnh, về ngôi trường cũ và về cảm giác lạc loài.
Đối với tôi, anh - người mới bước vào cuộc đời tôi là nước. Tình cảm của anh nhẹ nhàng và ngọt lành cho tâm hồn thiếu thốn của tôi lúc đó. Tôi đã từng muốn nói với anh: “He is red. You’re blue". Khoảnh khắc khiến tôi rung động là khi anh nhắm mắt, thở hắt ra và nói: “Em có cả một cuộc đời. Anh là người đến trễ. Anh không tò mò. Anh chỉ muốn tìm hiểu em”. Ngay tại lúc đó, anh đã thoa một loại thuốc giảm đau lên trái tim chảy máu của tôi. Nhưng tôi không còn thấy bản thân của năm 20 cuồng nhiệt và cháy bỏng lao vào tình yêu nữa. Đã trải qua một cuộc tình sâu đến cắt cứa như thế, tôi vẫn không thể gọi tên được tình cảm này. Vậy thì, tôi và anh chỉ là hai con người cô độc ngồi cạnh nhau giữa cuộc đời (với đủ cả phần con và phần người).
Thứ tôi gọi là tình yêu (có lẽ vì tôi khắt khe) đến giờ chỉ có một. Đau đớn nhất chính là lúc tôi nhận ra: “Tôi không chỉ mất người yêu, tôi còn mất một người thân, một người bạn, một người đồng hành". Anh - người yêu cũ là từng đấy khái niệm trong cuộc đời tôi. Tôi đã từng nói với anh: “Nếu đơn giản chỉ là yêu đương thì dễ dàng quá”. Ngay bây giờ, khi viết ra những dòng này, tôi thấy môi mình run lên, giọng mình đặc lại, tay mình co quắp. Một phần trong tôi đã chết. Để làm dịu cơn đau này, tôi đã dành lời cuối cho anh để tự an ủi mình: “Coi như đoạn đường sắp tới mình không đồng hành. Nhưng em tin sẽ còn gặp lại nhau ở một thời điểm khác".
“Meet me in Montauk”
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất