Ngày nhỏ, có lẽ từ lúc nhất mà tôi có thể bắt đầu biết ghi nhớ, tôi đã luôn (lặng thầm) tin mình là một đứa trẻ đặc biệt.
Những ngày cấp 1, tôi cứ hồn nhiên mặc nhiên như thể tôi sinh ra đã giữ trong mình 1 năng lượng diệu kì hay một cái gì đại loại như vậy, nên nếu tôi tham gia một cái gì đó… tôi sẽ đứng trong top đầu; Nếu tôi tham gia đội nào đó trong một trò chơi, đội tôi sẽ thắng; Và bất kể tôi học lớp nào, lớp bình thường hay lớp chọn, lớp tôi sẽ có thành tích tốt.
Đây là lần đầu tiên tôi (đủ dũng cảm để) nói ra điều này, nhưng ngày xưa tôi đã… hồn nhiên đến thế đấy! Haha. Ờ thì đương nhiên các đội chơi tôi tham gia có lúc thắng, lúc thua nhưng mà lúc nào thua là tôi lại nghĩ… đây đâu phải game cuối, mai đội mình sẽ thắng (tôi của ngày bé cố đầu cũng cứng đó chứ – haha). Tôi nhớ hồi lớp 5, lớp tôi có lúc đứng chót bảng xếp hạng khối và còn được.. nêu danh dưới cờ vì nghịch ngợm, nhưng tôi lại tự nghĩ.. phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi!.. Hơn nữa bị nêu tên thế với mấy đứa trẻ con.. thế cũng.. cool ngầu mà :”>.
Nhưng có lẽ nhờ suy nghĩ tôi đặc biệt như vậy và… vì sự tò mò, thích thú mà tôi chưa bao giờ coi việc học là 1 gánh nặng. Uh, thì nó cũng rất thử thách (hay dùng từ khác: khó khăn) với một đứa học sinh chuyển trường từ một vùng quê miền núi hẻo lánh ra thủ đô lại chẳng bao giờ được mơ kèm thêm tại nhà như tôi (tôi là thế hệ đầu trong gia đình vào đại học – first-generation college student), nhưng tôi vẫn tin rằng mình có thể làm tốt, mình sẽ đạt điểm cao vì… mình đặc biệt mà! (Thực tế, với tôi việc được đi học đã là một sự may mắn – một món quà mà tôi cần học tốt để xứng đáng với nó rồi! Tôi hồi nhỏ… rất lo mình là con gái nhà nghèo, không học giỏi bố sẽ cho nghỉ thì sẽ tôi sẽ không biết làm thế nào mà chấp nhận sự thật.)
Thật ngây thơ! – Có thể bạn sẽ nghĩ thế. Nhưng có lẽ cũng phần nào nhờ sự ngây thơ ấy mà tôi mới dần có thể bước qua các dấu mốc quan trọng của thời niên thiếu để được vào học tại trường cấp 3 được đánh giá là tốt nhất của huyện.
Tới lúc này, trước bao nhiêu hồi hộp, háo hức thì tôi mới chợt vỡ lẽ ra rằng… Mình chẳng có gì đặc biệt! Mình cũng bình thường như bao bạn bè khác và thậm chí… điều kiện còn kém hơn khi nhiều bạn được đi học thêm còn mình sau giờ học thì phải về phụ giúp gia đình. Nhưng may là cô bé tôi phiên bản 15 tuổi của tôi hồi ấy không vì thế mà nản, ngược lại còn nghĩ: tôi không có gì đặc biệt, tôi cũng giống các bạn, thì tại sao tôi lại được nỗ lực 5 phần khi các bạn đang nỗ lực 7-8 phần?
Tới sau này, những năm cuối đại học, tôi lại nghĩ rằng: Uh, tôi không đặc biệt. Chẳng có phép nhiệm màu hay kì diệu nào có sẵn trong tôi khi tôi được sinh ra (ngoài điều kì diệu nếu bạn biết xác suất để chúng ta được sinh ra như bản thân của chính chúng ta hiện tại là 1/400 triệu tỷ (400 và 12 con số 0 – nghĩa là gần như bằng 0!) – theo diễn giả Mel Robbins trong 1 bài diễn văn trên Ted Talk năm 2011) – nhưng tôi có thể nỗ lực để trở nên đặc biệt! Dù việc trở nên đặc biệt ở đây không phải là việc nổi trội và hô hào về sự nổi trội đó – chỉ đơn giản là việc tin rằng mình có khả năng làm những điều mình muốn và tạo ra được 1 sự thay đổi tốt đẹp nào đó!
Khi viết những dòng này đây, là khi tôi đã ra trường và đi làm được 1 thời gian, va vấp đôi chút với cuộc đời và… đôi khi cảm thấy nghi ngờ chính mình, rằng liệu tôi có thể đạt được điều mình mơ ước và tạo ra được chút thay đổi tốt đẹp nào đó cho xã hội? Hay tôi đang quá mơ mộng và nên nghe theo lời khuyên để sống một cuộc đời “ổn định” hơn? Hay tôi cứ như lúc bé, tin vào việc mình nỗ lực rồi sẽ thành công giống như việc tôi tin tôi sinh ra đã đặc biệt?
Không! Tôi biết lúc này để thực sự có thể làm nên điều gì đó, tôi không thể lựa chọn tin một cách ngây thơ như ngày xưa: Tôi cần lựa chọn một cách dũng cảm!
Không phải cứ nỗ lực là thành công, nỗ lực vẫn thất bại như thường (không tin thì mời bạn xem bóng đá Việt Nam sẽ rõ ^^)nhưng tôi vẫn sẽ lựa chọn tin vào ước mơ của bản thân. Không thành công thì cũng thành nhân! Hơn nữa, tôi vẫn còn hơn 30 40 năm nữa để tiếp tục cống hiến – và chẳng phải bất cứ lúc nào trên hành trình đó tôi cũng có thể lựa chọn từ bỏ và “sống thực tế” hơn sao? Vậy tại sao phải chọn điều đó vào lúc này khi tôi vẫn còn ngày mai để cố gắng?
Tuy vậy có một điều tôi luôn nhắc nhở mình phải học cô bé tôi của ngày hôm nao đó là… sự tò mò và niềm yêu thích! Hạnh phúc không phải là điểm đến mà là hành trình. 
Tôi có làm nên được điều gì đó đặc biệt cho cuộc đời hay không (chứ không còn là tôi có phải là người đặc biệt hay không? – điều đó không còn quan trọng)? Chưa ai có thể biết. Nhưng bản thân việc được sống và làm việc mỗi ngày đã là một sự may mắn – một món quà mà tôi nghĩ mình cần cố gắng để xứng đáng với nó!
Hà Nội, tháng 6 năm 2018
Tâm Tâm
17/05/2019/699 Lượt Xem