Bài này tôi định gửi một báo để muốn đăng rộng rãi, chạm tới nhiều người hơn. Nhưng thấy báo không đăng. Mà sáng nay lại nhận được tin nhắn của một người bạn. Bạn nói bạn cũng nghĩ đến chuyện từ bỏ như Sulli. Tôi phải đăng vội bài này lên đây. Tôi biết nhiều người cũng đang có suy nghĩ đó, cái chết của Sulli thật sự ảnh hưởng rất nhiều đến chúng ta theo một cách rất kì lạ. Tôi không phải là người thích nhai đi nhai lại những vấn đề nóng hổi trên mạng, cũng càng không phải là người thích nói lại chuyện đau thương của người khác. Nhưng vấn đề này dường như không còn là của riêng Sulli và nước Hàn nữa rồi.

"Nhưng suy cho cùng thì có vẻ muốn sống là bản năng tự nhiên của loài người. Dù sống là một việc rất vất vả và khó khăn, thì tôi cũng vẫn muốn sống."
Tôi không phải là Fan của Sulli, cũng không có theo dõi cô ấy nhiều trên mạng xã hội. Tất nhiên tôi cũng chưa bao giờ để lại những lời bình luận khiếm nhã về cô ấy trên bất cứ đâu. Tôi không nghe nhạc Kpop, không xem phim Hàn và theo dõi Showbiz Hàn cũng đã từ lâu rồi. Thế nhưng cái chết của cô ấy vẫn ảnh hưởng tới tôi theo một cách tiêu cực. Những ngày này tôi chỉ thấy trên đầu một đám mây đen. Tôi thấy mình mệt mỏi, thấy mình cũng muốn tự kết liễu cuộc đời.  
Có thể nhiều người sẽ xông vào nói, tôi có quyền gì mà được cảm thấy tệ nếu lúc Sulli còn sống tôi chưa bao giờ quan tâm tới cô ấy? Thật ra thì tôi không đau khổ khi Sulli mất đi đâu. Tôi chỉ biết khi còn sống cô ấy có nhiều scandal, nên đến lúc nghe tin thì tôi bất ngờ nhưng cũng không ngạc nhiên. Bởi làn sóng Netizen Hàn đáng sợ như vậy, Showbiz Hàn năm nào cũng có người tự vẫn, Sulli đã chịu quá nhiều khổ cực rồi. Tôi thương cảm thay cho phận một cô gái quá xinh đẹp nhưng lại chọn cách ra đi ở cái tuổi 25 ấy. Trên mạng xã hội luôn tràn ngập những bức ảnh cô ấy cười tươi. Làm người nổi tiếng không có gì sung sướng. Sống trong sự ồn ào, chết đi cũng trong sự ồn ào. Tuy nhiên kể cả có đến hàng ngàn người dòm ngó vào cuộc sống của mình thì người ta cũng không thật sự quan tâm. Ở trong nội bộ Showbiz cũng không phải là đơn giản. Nhiều chuyện người ngoài không bao giờ biết nhưng chúng ta đều biết ở đó việc người ta chèn ép nhau, chà đạp nhau, lợi dụng nhau để đi lên là có thật. Sulli có thể chịu áp lực từ cả bên ngoài, lẫn bên trong. Không có ai giúp được cô ấy, cô ấy chọn lối thoát như vậy, tôi cũng không có ý kiến gì thêm.

Vậy thì tại sao tôi lại mệt mỏi chứ? Nỗi buồn của tôi há chẳng phải là nỗi buồn ăn theo hay sao? Tôi không dám thể hiện là mình buồn, mình mệt. Vì lúc này người ta sẽ nói, cuộc sống của tôi thì có gì khủng khiếp? Người nổi tiếng mới gọi là áp lực kìa. Tôi thì có gì mà đòi buồn, đòi mệt.
Thế nhưng có một từ khoa học dùng để miêu tả cho việc một người bị ảnh hưởng bởi cái chết của người khác thông qua việc phương tiện truyền thông đưa tin quá nhiều; hoặc được truyền cảm hứng từ việc đọc về cái chết của người khác hoặc có một người bạn hoặc thành viên trong gia đình đã tự tử. Đó là Hiệu ứng Werther.
Werther vốn dĩ là một nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết “Nỗi đau của chàng Werther” do Johann Wolfgang Goethe viết năm 1772. Goethe đã lấy cảm hứng từ cái chết của một người bạn mình mà viết nên cuốn tiểu thuyết trong vòng chỉ 6 tuần. Sau đó cuốn tiểu thuyết đã gây được tiếng vang lớn trên thế giới, tạo ra một cơn bão trong lòng người trẻ thời bấy giờ. Tỉ lệ tự sát gia tăng nhanh chóng sau khi cuốn tiểu thuyết được lan rộng. Nhiều người sau khi đọc nó đã tự tìm đến cái chết. Nhiều đến nỗi các thành phố phải cấm xuất bản và sau này thì tái xuất bản nhưng có sửa đổi.
Hiệu ứng Werther miêu tả xu hướng tự sát do bị ảnh hưởng bởi cái chết của người khác
Hiện tượng này được đưa vào trong các bộ môn khoa học nghiên cứu về truyền thông, xã hội và tâm lí. Một người có thể bị ảnh hưởng bởi cái chết của một người thân, hoặc một nhân vật không có thật, hoặc một người nổi tiếng. Điều đó hoàn toàn lí giải cho việc tại sao tôi đã cảm thấy tệ hại sau khi biết tin Sulli chết, mặc dù cuộc sống của tôi bao lâu nay không hề có sự có mặt của cô ấy. Chỉ vì truyền thông đã đăng tải quá nhiều về chuyện Sulli nói riêng, về chuyện tự tử nói chung mà tôi đã bất giác nhìn lại vào cuộc đời của mình.
Tôi là một du học sinh. Trên mạng có rất nhiều vụ việc du học sinh tự tử. Nguyên việc sống xa gia đình từ khi mới chân ướt chân ráo vào đời cũng đã là một lí do để du học sinh cảm thấy thiệt thòi hơn các bạn đồng trang lứa rồi. Áp lực khi phải sống ở những đất nước xa xôi lạ lẫm, không hòa nhập được, tủi thân và cô đơn, áp lực cuộc sống, áp lực cơm áo gạo tiền, vừa học vừa làm,… hết thảy những điều đó đều khiến du học sinh dễ tìm đến cái chết. Ít người dám quay đầu về nước lắm bởi không trụ được thì người khác sẽ chê là yếu đuối, không đủ bản lĩnh, không mạnh mẽ, học không đủ giỏi, không đủ khả năng. Nhưng ai đã từng đi du học, đã từng ở vào những hoàn cảnh khó khăn của du học sinh thì sẽ hiểu cho nhau và chẳng ai lại muốn nặng nề với nhau cả.
Con người thì không thương nhau
Cũng như nhiều bạn du học sinh khác, tôi cũng nhiều lần nghĩ đến cái chết và định tìm tới cái chết để giải thoát. Tôi sẽ không nói lý do tại sao tôi thấy mệt mỏi hay áp lực ở đây bởi tôi không muốn bất cứ ai phải so sánh lý do của mình với người khác. Không có vấn đề gì là nặng hơn hay nhẹ hơn. Bất kể điều gì làm bạn mệt mỏi thì đều là nghiêm trọng. Tôn trọng lý do của người khác cũng là một cách tôn trọng lý do của chính mình. Tất nhiên không phải chỉ du học sinh thì mới có quyền được cảm thấy tệ. Mà bất cứ ai cũng có quyền được cảm thấy gục ngã, cảm thấy muốn từ bỏ chứ không riêng gì du học sinh.
Tôi cũng không hiểu tại sao phải cố gắng sống lâu đến thế để làm gì? Môi trường thì ô nhiễm, trái đất thì đang tức giận, con người thì không thương nhau. Nhưng suy cho cùng thì có vẻ muốn sống là bản năng tự nhiên của loài người. Dù sống là một việc rất vất vả và khó khăn, thì tôi cũng vẫn muốn sống. Vậy nên lần nào tôi cũng cố gắng tìm cách vượt qua những sự tiêu cực.
Việc đầu tiên tôi làm là ngồi xuống, bình tĩnh suy nghĩ. Có những lúc có thể khóc được tôi sẽ khóc. Nhưng có những lúc tôi chẳng thể khóc được, chỉ thấy lòng cứ nặng trĩu, đầu óc thì rối như tơ vò, không biết tại sao mình lại thấy tệ hại, không biết tại sao mình lại thấy tiêu cực. Có điều tôi luôn biết, chỉ cần tìm hiểu được nguyên nhân gây ra mọi thứ thì đã đi được nửa đường rồi. Trong phim Conjuring 2, cặp vợ chồng thầy đồng Lorraine và Ed Warren đã gặp phải một con ma khó nhằn. Suốt cả phim đôi vợ chồng không tìm được nguồn gốc của con ma đó nên vụ việc trở nên rất khó điều tra. Tới phút cuối cùng của phim thì Lorraine đã tìm ra được tên của con ma và gào lên: VALAK. Thế là con ma bị đuổi về địa ngục. Vậy nên tôi luôn cố gắng tự mình xâu chuỗi lại các sự việc để tìm ra nguyên nhân gốc. Tìm được lí do cũng là hiểu được tại sao mình lại thấy tệ hại, từ đó mới có thể đối mặt và tìm ra cách giải quyết.
Sẽ luôn tốt hơn nếu có người ở bên cạnh
Việc tiếp theo tôi làm là tìm đến người khác. Thật ra trong mỗi cơn tuyệt vọng, người ta thường có xu hướng nghĩ rằng họ chỉ có một mình, họ cô đơn và không có ai ở bên cạnh họ cả. Nhưng vấn đề là sẽ luôn có người muốn giúp họ, chỉ là họ có chịu đưa tay hay không thôi. Có thể việc tìm đến người khác sẽ thể hiện là mình yếu đuối. Nếu kể với người khác về vấn đề của mình thì sẽ bị họ đánh giá, họ coi thường. Những nỗi sợ họ sẽ cười vào nỗi buồn của mình hay nhìn thấu được mình cũng là một rào cản khiến chúng ta không muốn đi tìm sự giúp đỡ. Có điều khi đã quyết định mở lòng thì không nên nghĩ „người A không làm được gì cho mình cả, người B không giúp được cái gì, người C không hiểu được mình,…“. Nếu cứ tiếp tục nghĩ như thế thì tôi lại chui lại vào cái kén kín bưng tự tôi tạo ra mất. Tôi chỉ muốn tìm một cánh tay nâng đỡ, tiếp sức để tôi có thể tự đi được trên đôi chân của mình chứ không muốn dựa dẫm hoàn toàn vào người khác, bởi tôi biết cũng không có ai đủ khả năng gánh vác hoàn toàn cuộc đời người khác trên lưng.
Việc thứ ba tôi sẽ làm nếu hai việc trên vẫn chưa giúp được tôi. Đó là tìm đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ bác sĩ tâm lí. Việc này đòi hỏi một sự gạt bỏ lòng tự trọng ở mức cao cấp, và phải chấp nhận là mình có bệnh thì mới đến bác sĩ tâm lí. Nhưng trong nhiều trường hợp, bác sĩ tâm lí đã trở thành những người bạn của bệnh nhân. Việc tâm sự với một người lạ về những vấn đề của bản thân cũng sẽ giúp người bệnh tự nhiên hơn, thoải mái hơn mà không sợ bị đánh giá, bị phán xét. Đồng thời góc nhìn của bác sĩ tâm lí cũng sẽ là từ một người ngoài, khách quan hơn và chuyên nghiệp hơn.
Tôi đã vượt qua cái chết của Sulli bằng việc tìm đến nguyên nhân – những áp lực mà tôi không tiện kể, và hiệu ứng Werther - sự ảnh hưởng từ việc đọc quá nhiều các bài viết về tự tử, trầm cảm,… Sau đó nói với người khác rằng tôi không ổn. Tôi đã nhận được nhiều sự quan tâm, và tôi cũng chỉ cần biết họ có quan tâm là đủ. Phần còn lại tôi sẽ tự giải quyết được. Tôi không trách truyền thông đưa tin tràn lan, bởi truyền thông cần lượt xem, có lượt xem thì mới có tiền. Nhiều người chỉ có thể kiếm sống bằng việc viết báo, đăng tin. Tôi chọn cho mình cách đọc ít đi, né tránh những bài báo có thể làm ảnh hưởng đến tâm lí. Sulli xinh đẹp chắc chắn đã yên nghỉ rồi. Bài này tôi viết ra chỉ với mục đích chia sẻ, đồng thời hi vọng nhỏ nhoi rằng nó sẽ giúp được ai đó phần nào. Mong sao mỗi chúng ta đều tìm được giải pháp cho chính mình.