Đây không phải là lần đầu tiên và sẽ không phải là lần cuối cùng mình nói về chương trình This American Life (TAL) - (Cuộc sống Mỹ) của nhà báo Ira Glass.
Mình thường giới thiệu bạn bè nào mà nghe được tiếng Anh thì nghe TAL để không bỏ sót một viên ngọc quý trong cuộc sống. Trong 2 năm trở lại đây mình lúc nào có thời gian rỗi là lại nghe ngược trở lại những kỳ trước của chương trình này. Nghe về người mà hiểu về mình, vì hóa ra tên chương trình là Cuộc sống Mỹ nhưng hóa ra khi nhìn nhận kỹ lại thì con người ở đâu cũng có nhiều điểm giống hơn là điểm khác. Những câu chuyện về người nhập cư, cơ hội cho người nghèo, sự khác biệt giữa các văn hoá, gia đình - tuổi thơ và nhiều vấn đề xã hội khác. TAL đều nói đến và những câu chuyện của ông ta mở mang rất nhiều cái nhìn có phần hạn hẹp của mình về xã hội. Cái nhìn này là của một người văn minh và nhân hậu có hiểu biết nhiều về xã hội.

Một điều mình nhớ rất rõ là hồi năm 2014 với sự kiện thanh niên Michael Brown bị một viên cảnh sát da trắng bắn chết ở St. Louis, Missouri cách nơi mình ở chỉ vài tiếng đồng hồ. Điều này làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối dữ dội của những người da đen ở Mỹ. Cái nhìn đầu tiên của mình là sự thờ ơ vì đó không phải là việc của mình. Sau đó mình có đi tìm hiểu thì có thấy cậu thanh niên này có đi ăn cắp gì đó thật. Lúc đó mình đơn giản nghĩ, cái kẻ đi ăn cắp như vậy chắc chẳng hay ho gì cho xã hội. Vậy còn đi bênh làm gì, và bạn bè mình cũng nhiều người nghĩ vậy. Sau đó trên đường đi xe có lần tình cờ mình nghe TAL, kỳ có tên là "The Problem We All Live With," (Vấn đề mà tất cả chúng ta phải đối mặt) thì thấy câu chuyện không đơn giản là đúng sai ở một trường hợp cụ thể như vậy nữa. Câu chuyện mà TAL kể là của một cô bé da đen học giỏi đứng đầu trường ở St. Louis, nhưng tất cả những sự kiện xảy ra đều dồn cô bé đến hoàn cảnh phải bơi ngược dòng nước để có được một ngôi trường ở mức bình thường. Câu chuyện của mẹ cô bé kể, kể đến chuyện người Mỹ da trắng, họp cả thị trấn lại để bầu thống nhất để vào học sớm hơn để người da đen ở xa không thể đi học được trường tốt để làm "ảnh hưởng" đến con cái họ. Bà mẹ vừa kể vừa khóc. Việc này xảy ra ở thế kỷ 21. Sau đó thái độ của mình với sự kiện này có thay đổi và đó là lần đầu tiên mình nghe một chương trình ấn tượng như thế, rồi biết rằng nó tên là TAL. Đó là một chân trời mới, vì trước đến giờ mình ở một môi trường toàn người da trắng, thỉnh thoảng có một người da đen vô cùng xuất chúng hoặc gia đình rất khá giả lạc vào đó. Mình có rất ít có cơ hội tiếp xúc với những người da đen và trước khi lắng nghe từ Ira Glass thì không hiểu được những khó khăn của họ. Kết quả sau khi nghe kỳ đó là từ chỗ đi đổ lỗi cho những người da đen, mình cố gắng làm gì có thể khi nào có thể để bù đắp sự thiệt thòi này cho họ.
Những câu chuyện về người nhập cư cũng vậy. TAL nói rất nhiều về người nhập cư, nhưng một kỳ mình thích nhất là "Abdi and the Golden Ticket" (Abdi và tấm vé độc đắc) nói về một người dân Somali trúng tấm vé độc đắc để được nhập cư vào Mỹ và anh ta đã phải trải qua những gì trong cuộc sống của mình. Mình cũng tâm đắc kỳ "How I Got Into College" (Làm sao tôi đậu đại học) kể về câu chuyện của một bài đạo văn của một đứa trẻ dẫn đến con đường trở thành một Giáo sư tại đại học Chicago. Kỳ "Our Town" (Thành phố của tôi) đi sâu vào chuyện những người nhập cư làm ảnh hưởng gì đến văn hóa, kinh tế của dân bản xứ, và những câu nói kiểu "người nhập cư phá giá" thị trường lao động có đúng hay là sai? Những điều này làm thay đổi cái nhìn của mình về những người nhập cư, hợp pháp lẫn bất hợp pháp, vào Mỹ.
Ngoài ra, TAL còn có câu chuyện về sự ngờ vực -- kể về một cô bé mồ côi nói rằng bị hiếp dâm mà không ai, kể cả mẹ nuôi tin, rồi phải đi xin lỗi tất cả mọi người. Kỳ này có tên "Anatomy of Doubt" (Giải phẫu sự nghi hoặc). Điều đó làm cho mình nghĩ lại việc phán đoán dựa vào bản năng, phỏng đoán, định kiến mà không nhìn nhận vào các bằng chứng rồi đi đổ lỗi cho nạn nhân.
Điều mình không nhận ra khi mình không biết luôn là việc mình không biết điều mình không biết. Trước đó mình luôn nghĩ mình đã ở Mỹ cả chục năm, biết nhiều người, làm ăn đàng hoàng thì cái gì về Mỹ, cái gì đúng cái gì sai mình cũng biết. Sự thật là mình đã mở mang được rất nhiều từ Ira Glass, bằng việc nhận ra mình chỉ tiếp xúc được với một phần rất nhỏ của nước Mỹ và của thế giới. Và câu chuyện học được ở đây có lẽ là mình nên để một khoảng trống lớn để mình sai và nhìn nhận người khác là người lương thiện và để đồng cảm với những khó khăn của họ và giúp họ vượt qua những khó khăn đó.
Gần mực thì đen gần đèn thì rạng. Khi nghe chuyện của Ira Glass nhìn thì mình nhận ra con đường sáng thay vì con đường tối, nhận ra cái gì mình có thể làm để giúp ích cho người khác thay vì chỉ thấy sự bế tắc, sự ngu dốt, và sự độc ác của người ta. Và trước khi mình kịp mở mắt thì những vấn đề của TAL là TVL. Bây giờ mình cũng có những người nhập cư, chỉ là ở phía bờ bên kia của chiếc rào chắn.
Luôn luôn có người sẽ không nghĩ là mình cần lắng nghe, nhưng mình vẫn hy vọng rằng mình có thể giới thiệu con đường sáng đến cho những người đang ở hoàn cảnh như mình và muốn lắng nghe. Con đường sáng đó là This American Life.