Tuổi 25, tôi vẫn là một người thích viết lách mộng mơ.
Tuổi 25, 35, hay 40 thì chúng ta vẫn có quyền được mơ mộng như một đứa trẻ 5 tuổi.


Khi tôi 5 tuổi, tôi đã từng ước rằng mình sẽ trở thành bác sĩ. Vì đó là mong ước của tất cả những người lớn xung quanh tôi, và làm bác sĩ là một cái gì đó rất to lớn và vĩ đại.
Khi tôi 10 tuổi, tôi đã nghĩ hay là mình làm tiếp viên hàng không nhỉ? Vì tiếp viên hàng không là một công việc gì đó rất cao cấp, rất sang trọng và rất xinh đẹp trong mắt tôi lúc đó khi tôi xem được trong mấy bộ phim mà mẹ tôi vẫn hay coi.
Khi tôi 15 tuổi, tôi lại nghĩ tôi sẽ thành nhà thiết kế nội thất. Vì tôi nhận ra tôi thích nghệ thuật đến vô vàn. Khi đó với tôi viết lách là một cái gì đó rất xa vời vì có bao giờ điểm văn tôi trên 6.5 đâu, nên tôi cứ mải mê chạy theo những bộ môn nghệ thuật khác.
Khi tôi 20 tuổi, tôi lại, chẳng biết phải làm gì nữa cả. Tôi đánh mất một đứa trẻ cực kì đam mê, nhiệt huyết và yêu đời trong mình. Tôi lạc lối và mất luôn cả động lực để hít thở. Đọc đến đây thì chắc một số người lại bảo tôi lại là đứa trẻ ranh chưa hiểu sự đời, đòi sống đòi chết.
Nhưng tôi nghĩ cuộc sống là luôn như vậy mà, tại sao phải nặng lời với những đứa trẻ tổn thương đang tập cách trưởng thành chứ nhỉ? Đôi khi sự tuyệt vọng của những đứa trẻ với tâm hồn mỏng manh lại khổ sở hơn những gì bạn tưởng, Với chúng ta để vượt qua đôi khi lại dễ như ăn kẹo, nhưng với chúng, có khi mọi thứ lại khó khăn hơn nhiều. Không phải ai cũng có một tinh thần thép đủ để chống chịu mọi nỗi đau và áp lực, thậm chí là vượt qua cú shock của việc phải ở một mình, và phải chấp nhận những gì mà mình đã từng tin tưởng hoàn toàn là sai và phải thay đổi.
Tôi đã từng là một đứa trẻ vâng lời và nghĩ rằng thương cho roi cho vọt đã giúp tôi tốt hơn. Đến khi tôi biết rằng đó là một lỗi sai của giáo dục, và nỗi đau đứt gãy thế hệ luôn khiến tôi canh cánh trong lòng vì chẳng thể trò chuyện với mẹ một cách bình thường, hay tâm sự những gì buồn nhất với ba đều xuất phát từ những điều đó.
Tôi đã từng nghĩ tình dục thì luôn đi kèm với tình yêu. Nhưng khoa học chứng minh, con trai có thể làm tình dù rằng họ không hề có bất kỳ thứ tình cảm nào với đối tác của họ. Đôi khi những gì thuộc về bản năng sẽ khiến chúng ta đau lòng hơn mình tưởng. Đừng nghĩ rằng đã có thể chung giường là có thể chung đường cả một đời. Thứ tình yêu màu hồng mà tôi vẫn từng tin tưởng từng chút vụn vỡ khi những gì tôi biết được càng lúc càng nhiều.
Và tôi đã từng nghĩ, gia đình là điểm tựa, là người trong gia đình sẽ không bao giờ hại nhau. Nhưng bởi vì cái mác gia đình, tôi lại mất phòng bị và bị hại một cách thảm hại mà đến tuổi 20 tôi mới dần dần nhận ra.
Mọi thứ ào đến như vũ bão. Nào là công việc thì chẳng biết mình thích gì, tình yêu thì lận đận chẳng đi được tới đâu, tiền bạc thì làm gì có đồng nào khi còn chưa ra trường.
Tôi nghĩ ít nhiều gì ai đó trải qua tuổi 20 tới 25 cũng sẽ rơi vào những trường hợp thế này, chẳng biết mình là ai, và mình làm được gì.
Tôi lúc đó chỉ thấy rất chán trường và mệt mỏi, nhưng tôi vẫn đi tiếp. Vì cuộc sống này làm gì cho chúng ta một giây nào để ngừng lại, ngoại trừ chúng ta đã quá chán nản việc hít thở và chọn cách chào tạm biệt với cuộc đời mà thôi.
Và thế rồi từ 20 tuổi,
Mỗi một ngày, tôi lại nhận ra bản thân mình tệ cực kì ở nhiều mảng.
Mỗi một ngày, những người bạn mà tôi yêu quý ngày càng cách xa mà tôi không hiểu vì sao.
Mỗi một ngày, nỗi đau tinh thần càng lúc càng đậm sâu đến từ những mối quan hệ không có sự đồng điệu, cảm thông và độc hại.
Tôi dần cảm thấy kiệt sức, và tôi dừng lại. Quan sát mọi người như một diễn viên quần chúng.
Tôi thấy có người vừa thất nghiệp là sắn tay áo lên tìm tiếp một công việc mới. Hóa ra họ không có thời gian để buồn bã, họ dành thời gian đó để kiểm điểm bản thân.
Tôi thấy những mối quan hệ cực kì thắm thiết nhưng cũng phải nói lời chia tay. Hóa ra họ cũng không quá sâu nặng đến mức thiếu đi một người sẽ sống không bằng chết.
Tôi chợt nhận ra, có lẽ mình nên chấp nhận những gì đang xảy ra với mình.
Tôi có thể không giỏi bất kỳ một lĩnh vực nào, vì tôi cần phải cố gắng với một hai lĩnh vực nào đó tôi thật sự thích thì đó mới trở thành lĩnh vực mà tôi giỏi nhất. Chẳng có gì mà chúng ta có được mà không cần cố gắng. Dù nghe rằng nó self help, nhưng thật sự mà nói, hiểu mình và cố gắng thì làm gì có ai đó dạy mình cách để thực hiện.
Chúng ta sẽ không thể sống mãi trong tuổi thơ, khi mà mọi thứ đều cực kì đơn giản như việc một cây kẹo hay chiếc bánh cũng có thể làm ta vui. Mọi thứ đều theo một quy trình có sẵn của nó, xảy ra vài ba biến cố cho chúng ta một góc nhìn khác, và chúng ta học từ đó như một môn học đau cả tâm trí lẫn nhận thức.
Những mối quan hệ rồi sẽ đến lúc kết thúc, phải thôi, vì dù sao chúng ta đều có những hành trình riêng. Khi quan điểm của hai người ngày càng trở nên khác biệt, thì tại sao lại không thể chia nhau ra để theo đuổi lý tưởng của mình?
Sở dĩ chúng ta còn đau khổ bởi vì chúng ta luôn ôm những kỉ niệm của quá khứ ở hiện tại, và mơ về tương lai có họ cùng đồng hành. Nhưng vốn dĩ kỉ niệm là để khi chúng ta nghĩ lại thì mỉm cười, và tương lai thì phải nhìn vào hiện tại chúng ta có còn đi cùng nhau nữa không.
Và nếu cứ đợi chờ vào một kết quả, thì sẽ chẳng có gì khiến chúng ta vui vẻ hài lòng.
Hai người yêu nhau muốn răng long đầu bạc? Nhưng đầu bạc răng long tốn bao nhiêu năm, kết hôn rồi vẫn có thể ly hôn, vậy thì kết quả mà mình thật sự muốn nằm ở đâu khi ngay hiện tại chúng ta còn chưa rõ ràng bản thân mình.
Những mối quan hệ nghĩ rằng cả đời, nhưng làm sao chúng ta biết được có biến cố gì sẽ xảy ra để rồi chúng ta sẽ quên mất đi đối phương.
Công việc mà chúng ta cực kì yêu thích, một ngày nào đó cũng phải đổi để tìm một hướng đi tốt hơn cho mình.
Cuộc sống vốn dĩ sẽ không có “happy ending” như trong những câu chuyện cổ tích, vì sự buồn bã và vui vẻ vẫn sẽ đan xen và khiến cho chúng ta mệt mỏi với cuộc sống. Và câu chuyện của chúng ta được viết tiếp khi chúng ta chọn ở lại, và chọn hướng tới hạnh phúc mà mình mong muốn dù rằng trên hành trình đó chúng ta vẫn còn đang tổn thương đến vô thường.
Chúng ta rồi cũng sẽ có một hành trình của riêng mình, và đôi khi nó sẽ chẳng giống bất kỳ dự đoán hay kế hoạch nào mà chúng ta đã lập ra từ năm 5 tuổi. Nên hãy chuẩn bị cho những sự đổ vỡ, vì biết đâu chừng nó sẽ giúp chúng ta vững vàng hơn trong tâm lý.
Còn riêng tôi, 25 tuổi, làm một việc mà năm 15 tuổi chưa bao giờ tôi dám mơ về. Viết lách đến điên cuồng, có người bảo tôi mộng mơ, nhưng tôi ưa chất mơ mộng của chính mình và chút sến súa từ câu từ mà tôi viết. Có thể sẽ chẳng phù hợp với một số người, nhưng tôi vẫn viết và học viết hằng ngày. Tôi tin, một ngày nào đó những câu từ của mình sẽ giúp một người nhận ra bản thân họ, giúp họ vui vẻ hơn và tự tin hơn để tìm ra câu trả lời cho bản thân họ.
Vốn dĩ cuộc sống là những điều không thể tưởng, tôi của 25 tuổi cũng không tưởng được bản thân lại có thể tệ đến thế. Nhưng vì những điều tệ đó của mình, tôi mới phải học tiếp và trở thành một bản thể tốt hơn trong tương lai. Và 25 tuổi, tôi lại mộng mơ và viết đôi câu những gì mình đã trải qua, những gì mình chiêm nghiệm được. Tôi hy vọng nó có ích, vì nếu bạn đang lạc lối thì bạn không cô đơn.
25 tuổi, 35 tuổi hay 45 tuổi, dù ở độ tuổi nào, chúng ta cũng đều có quyền để mộng mơ và phát triển bản thân mình từ những nỗi buồn tưởng chừng là cùng cực.
-Lâm Duệ Nghi-

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất