Vào năm 2016, gia đình anh trai mình chính thức chào đón thêm một thành viên mới, một bé gái vô cùng khỏe mạnh nặng 3,2 kg khi mới lọt lòng.
Mình vẫn nhớ một trong những lần đầu tiên mình thực sự có một cuộc trò chuyện với cháu gái mình. 
Cô bé hỏi mình rằng: “Chú làm nghề gì ạ?”
Mình trả lời rằng nghề của mình là ngồi viết và vẽ cả ngày.
Ánh mắt của cô bé sau đó sáng bừng lên trong phấn khích, khiến mình vẫn còn phải nhớ mãi cái gương mặt ấy. Có vẻ như cháu gái mình đã tìm ra được công việc ước mơ cho bản thân từ khi còn rất sớm, haha.
Không phải chờ đợi lâu, từ ngày đó trở đi cháu gái mình cũng bắt đầu sự nghiệp làm Graphic Design của riêng cô bé.
Công cụ sáng tạo của cô bé là bút sáp, bút chì màu, đất nặn và mọi mặt phẳng sáng màu mà cô bé có thể tìm được.
Cô bé cũng chỉ nhận job từ những vị khách hàng siêu đặc biệt như là cụ nội, ông bà nội và bố mẹ.
Cô bé là niềm tự hào của gia đình mình và là một trong những nguồn năng lượng tích cực đã giúp mình vượt qua những giai đoạn trầm cảm và căng thẳng trong đời sống cá nhân.
Quan sát cô bé “làm việc”, mình cũng được truyền cảm hứng lây. Mình nhận ra dường như có những nét tương đồng, hoặc có mối liên hệ nào đó giữa các công việc sáng tạo/nghệ thuật với những “trò trẻ con” mà cháu gái mình, cùng với rất nhiều em thiếu nhi khác, đang bày ra mỗi ngày.
Sau đây, mình sẽ chia sẻ với các bạn một số mối liên hệ mà mình đã tìm được giữa việc sáng tạo và “trò trẻ con”, hay cụ thể hơn, chính là những bài học làm sáng tạo mà cô cháu gái 6 tuổi đã dạy cho mình.

1. Rationale

Những người làm sáng tạo chuyên nghiệp có lẽ cũng đã quen với thuật ngữ này rồi ha. Rationale là từ để chỉ tập hợp các lý do hay một cơ sở lý luận logic cho một quá trình hành động hoặc theo niềm tin cụ thể. 
Hay có thể nói dễ hiểu hơn, rationale chính là khả năng lập luận và lý giải để người ta hiểu được sản phẩm sáng tạo của mình.
Câu copy bạn viết ra cho khách hàng có thể rất hay và ý nghĩa dưới góc nhìn chuyên môn nghề viết của bạn, nhưng tiếc là bạn thấy hay thì không có nghĩa là người khác cũng sẽ thấy hay. 
Logo bạn thiết kế ra có thể rất thu hút, tối giản, dễ ứng dụng, dễ nhớ và dễ gây ấn tượng dưới con mắt làm design của bạn, những tiếc là bạn thấy đẹp thì không có nghĩa là người khác cũng sẽ thấy đẹp.
Một trong những kinh nghiệm xương máu nhất mà mình từng có với khách hàng đó là bài học rằng: Khách hàng thường không biết họ thực sự muốn cái gì.
Đây thường là những khách hàng không mang tính chuyên nghiệp. Họ sẽ luôn đưa ra những brief rất chung chung, và khi nhận được sản phẩm thì sẽ luôn tỏ thái độ không hài lòng, bắt bẻ và muốn mình sửa thế này, thêm thế nọ.
Mình hiểu rằng những sản phẩm sáng tạo thì thường mang theo rất nhiều tâm huyết của người làm ra chúng. Vậy nên để có thể bảo vệ sản phẩm của các bạn, hay nói đúng hơn, là bảo vệ tâm huyết của các bạn, mình khuyên các bạn nên rèn luyện kỹ năng lập luận và giải thích cho mọi khía cạnh to nhỏ trong sản phẩm sáng tạo mà các bạn tạo ra.
Và có thể bạn đang tự hỏi không biết kỹ năng nghe có vẻ rất “người lớn” này thì có liên quan gì tới cô cháu gái 6 tuổi của mình?
Phải nói là mình đã rất ngạc nhiên trước khả năng rationale “siêu việt” của cháu gái mình. Mình nhận ra rằng chẳng có thứ gì mà cô bé vẽ ra hoặc nặn ra mà không có lý do hết. Dù cho hình thù có méo mó, nguệch ngoạc, khó nhận biết tới đâu, khi được hỏi “Ở đây con vẽ cái gì đây?”, cháu gái mình có thể giải thích rất rõ ràng, thậm chí là kể ra cả một câu chuyện rất thú vị về cái hình thù kỳ lạ ấy.
Có lẽ những gia đình có trẻ nhỏ cũng đã không ít lần trải qua những cảm xúc bất ngờ tương tự, khi mà người lớn chúng ta phải trầm trồ trước óc sáng tạo ngây thơ của các bạn nhỏ.
Mình tin rằng đây là một kỹ năng mà có thể nhiều bạn trẻ làm sáng tạo/nghệ thuật vẫn còn thiếu sót. Bản thân mình cũng vẫn đang cố gắng trau dồi để có thể sử dụng kỹ năng rationale trong công việc một cách hiệu quả hơn.
Theo quan điểm của mình, đừng thêm vào một từ nào đó trong câu copy mà bạn không giải thích được. Đừng thêm vào một chi tiết nào đó trong sản phẩm design mà khi được khách hàng hỏi thì bạn lại đáp theo kiểu “Em thêm vào vì em thích thôi”. 
Càng có nhiều phần mà bạn thêm vào sản phẩm theo cách ngẫu hứng hoặc không lập luận được, thì những khách hàng “không biết họ muốn gì” cũng sẽ càng có nhiều chỗ để vin vào mà bắt bẻ sản phẩm của bạn.

2. Luôn luôn học hỏi

Trẻ em học hỏi về thế giới xung quanh thông qua quan sát, lắng nghe, khám phá, thử nghiệm và đặt câu hỏi.
Nếu như bạn thử nhìn lại và suy nghĩ thật kỹ, có thể bạn sẽ nhận ra rằng đây đều là những kỹ năng mà người lớn chúng ta thường xuyên thiếu sót.
Người lớn ngại phiền phức nên thường nhắm mắt, che tai. Người lớn thường hài lòng với vòng an toàn (comfort zone) của bản thân nên không dám khám phá, thử nghiệm. Người lớn sợ bị chê cười nên cũng thường không dám đặt câu hỏi.
Người lớn thường nghĩ mình đã biết đủ rồi, nên cũng không còn ham muốn học hỏi.
Nhờ cô cháu gái mà mình nhận ra rằng trẻ em luôn tìm được sáng tạo một cách rất tự nhiên. Mà có lẽ là nói ngược lại cũng đúng, sáng tạo luôn tự nhiên tìm đến với các bạn nhỏ.
Khi nhắc đến chủ đề học tập ở trẻ em, các nghiên cứu đều thường tập trung vào các yếu tố như IQ, EQ, Gen, óc tò mò, độ nhạy cảm, v.v… 
Tuy nhiên, mình tin rằng còn có một yếu tố nữa đã luôn giúp các em nhỏ vượt trội hơn người lớn chúng ta về khả năng học tập, đó chính là trí tưởng tượng.
Khi người lớn trải qua quá trình trưởng thành và phát triển, chúng ta cũng hình thành những khuôn mẫu tư duy và hành động. Đây chính là tiền đề tạo nên thói quen và các kinh nghiệm sống của người lớn.
Thói quen thì còn có thể có cái tốt cái xấu, nhưng kinh nghiệm thì khác phải không? 
Kinh nghiệm là thứ giúp chúng ta sinh tồn, phát triển. Nó giúp giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, là cách giúp chúng ta thích ứng với chuẩn mực xã hội, đáp ứng được nhu cầu việc làm, hỗ trợ chúng ta thăng tiến trong cộng đồng. Vậy thì càng có nhiều kinh nghiệm thì càng tốt phải không?
Mình cũng không dám nói chắc về câu trả lời cho câu hỏi này. Vậy nên mình sẽ thử tiếp tục phân tích 2 yếu tố rất quan trọng sau đây trong ngành sáng tạo, và để các bạn tự quyết định về câu trả lời cho câu hỏi trên nhé.
2 yếu tố mà mình muốn phân tích để làm ví dụ ở đây, chính là “Cảm hứng” và “Ý tưởng đầu tiên”.
Đây là hai yếu tố mà mình tin rằng mọi người làm sáng tạo đều muốn tìm kiếm, thậm chí là cố gắng săn lùng để có được chúng nó.
Tuy nhiên, cá nhân mình lại cho rằng cả hai yếu tố này đều là những con dao hai lưỡi.
Đúng là chúng có thể dẫn lối tới sáng tạo, nhưng trong một số trường hợp, chúng cũng có thể khiến cho chúng ta lạc lối hoặc tự giới hạn bản thân.
Với cảm hứng, nó có thể khiến cho các bạn bị ỷ lại. Các bạn có thể sẽ luôn chỉ nhăm nhăm tìm kiếm nguồn cảm hứng, hoặc chờ cho đến khi cảm hứng tự tìm tới, thay vì bắt tay vào thực hiện sự sáng tạo đích thực, đó là thực hành, làm sai và làm lại.
Còn với ý tưởng đầu tiên, nó khiến cho các bạn tự giới hạn bản thân vào một hướng tiếp cận duy nhất, trong khi thực tế là có vô số góc nhìn khác và hướng đi khác để chúng ta cân nhắc. Cá nhân mình cũng vẫn thường xuyên còn mắc phải lỗi này. Mình hiện đang khắc phục bằng cách luôn chuẩn bị ít nhất 3 ý tưởng tiếp cận cho cùng một vấn đề trong công việc của mình.
Mình hoàn toàn không có ý muốn nói rằng cảm hứng và ý tưởng đầu tiên là vô dụng hay không tốt. Ở đây mình chỉ muốn chia sẻ một sự thật rằng dù cho chúng có thể vô cùng hữu ích, nhưng chúng cũng đồng thời có thể gây ảnh hưởng xấu tới quá trình làm sáng tạo của bạn.
Người làm sáng tạo biết chủ động tìm kiếm cảm hứng và ý tưởng là rất đáng khích lệ, chỉ có điều chúng ta đừng nên để chúng dẫn đi sai đường.
Cô cháu gái của mình đã khiến mình phải tự hỏi rằng phải chăng mình đã luôn thả câu ở nhầm nơi?
Phải chăng “kinh nghiệm” chỉ như một chiếc hồ nhỏ bé? Nó bó hẹp mình trong những lề thói tư duy mà mình luôn chắc mẩm là “thế này là hay nhất rồi, đẹp nhất rồi, nhanh nhất rồi”. Và phải chăng, nó chỉ có thể cho mình những con cá “sáng tạo” giống nhau, lặp đi lặp lại mà thôi?
Trong khi đại dương “trí tưởng tượng” thì lại ở ngoài kia. Nơi mà các em nhỏ hằng ngày đều bơi lội trong những cơn sóng bất tận của sự sáng tạo. Nơi mà sáng tạo đa dạng và phong phú vô cùng, từ đẹp đẽ như san hô cho tới to lớn như cá voi.
Trẻ em thường sở hữu trí tưởng tượng phong phú, tư duy cởi mở (open mind) và tâm trí mới mẻ (fresh mind), vậy nên các em cũng thường không bị ảnh hưởng bởi thiên kiến (bias) và khuôn mẫu có trước đó. Với các bạn nhỏ thì sáng tạo chỉ đơn giản là sáng tạo mà thôi. Vậy nên đối với mình, sáng tạo như những đứa trẻ cũng chính là hình thức sáng tạo thuần khiết nhất. 
Cái mình lo sợ ở đây, với vị trí là một người yêu sáng tạo, không phải là chuyện “cái hồ kinh nghiệm” nó bé thế nào so với “đại dương trí tưởng tượng”. Mình sợ rằng có thể qua việc dựa dẫm vào kinh nghiệm, công thức, khuôn mẫu,... mình cũng đang tự giới hạn bản thân khỏi những tiệm năng bất tận của sáng tạo.
Các bạn cũng hãy thử suy nghĩ về khía cạnh này của kinh nghiệm và trí tưởng tượng xem sao nhé.

3. Không sợ làm sai

Trong phần lớn các trường hợp, cái rào cản lớn nhất ngăn không cho mình phát triển bản thân chính là nỗi sợ làm sai, nỗi sợ thất bại. Nhiều bạn trẻ có lẽ cũng có thể đồng cảm với mình trong khía cạnh này.
Ngoài kia có rất nhiều cây viết tài năng, rất nhiều graphic designer dày dặn kinh nghiệm, và chắc chắn là có rất rất nhiều những con người làm sáng tạo tài giỏi khác. 
Bên trong mình luôn thường trực một thứ áp lực mang tên “phải làm ra được sản phẩm tốt nhất”, và mình tin rằng đây chính là nguồn cơn của nỗi sợ làm sai và nỗi sợ thất bại bên trong mình.
Những nỗi sợ này cũng thường có mối liên hệ với sự tự tin trong kỹ năng và khả năng làm việc của các bạn nữa.
Thật tiếc là mình chưa thể tìm ra được một phương pháp cụ thể nào có thể trực tiếp loại bỏ hoàn toàn được những nỗi sợ này để chia sẻ với các bạn.
Tuy nhiên, có lẽ bản chất của nó là như vậy các bạn ạ. Sợ hãi là một trong những thứ cảm xúc nguyên thủy nhất, có lẽ bản chất của nó là không thể bị loại bỏ. 
Trong khi người lớn chúng ta vật lộn với những nỗi sợ, thì trẻ em – những “người làm sáng tạo bẩm sinh” – lại dường như không hề sợ làm sai, sợ làm hỏng, hay sợ thất bại.
Hay cụ thể như ở trường hợp của cháu gái mình, cô bé cứ làm thôi và cứ sáng tạo thôi, bất cứ lúc nào nảy ra ý tưởng và bất cứ lúc nào cô bé thích. Cô bé đặt bút xuống mà không hề lo nghĩ hay sợ sệt, chỉ có sự tập trung.
Khi đọc đến đây thì có thể bạn đang nghĩ rằng: “Đương nhiên là không sợ rồi. Trẻ em đâu có làm sáng tạo vì miếng cơm manh áo. Trẻ em đâu có sáng tạo ra cái gì quan trọng. Vậy nên trẻ em cũng đâu có gì phải sợ, đâu có phải chịu áp lực.”
Nếu như bạn đang thực sự nghĩ như vậy, thì mình cũng sẽ không bác bỏ quan điểm của bạn. Tuy nhiên, nếu như các bạn đã từng có cơ hội nhìn trẻ em chơi đùa, các bạn có thể sẽ nhận ra trong ánh mắt của các em, rằng những thứ mà các em làm ra rất quan trọng đối với bản thân các em nhỏ.
Trong cuốn sách Cứ làm đi, tác giả Austin Kleon có chia sẻ rằng:
“Trò trẻ con” là một thuật ngữ chúng ta sử dụng để ám chỉ những thứ dễ dàng, nhưng khi thực sự xem quá trình trẻ em chơi đùa, bạn sẽ thấy nó không dễ dàng chút nào.
Quan sát cháu gái mình vẽ vời và nặn đất, mình nhận ra rằng cô bé “đầu tư” rất nhiều vào nhiệm vụ của mình. Ánh mắt cô bé trở nên sắc bén hơn, cô bé cau mày khi tập trung và sẽ nổi trận lôi đình nếu không có đủ vật liệu để thực hiện trò chơi.
Mình nhận ra rằng, trẻ em không sợ làm sai không phải chỉ đơn giản là bởi vì các em không phải lo chuyện áp lực hay trách nghiệm. Bản chất trẻ em không sợ làm sai bởi vì các em không hề quan tâm tới kết quả sản phẩm sáng tạo, trẻ em chỉ quan tâm đến việc sáng tạo mà thôi.
Ví dụ như cháu gái của mình không hề mảy may quan tâm đến việc hoàn thành bức vẽ. Năng lượng của cô bé chỉ hoàn toàn tập trung vào việc vẽ.
Tác giả Austin Kleon gọi trạng thái “sáng tạo khi không còn quan tâm tới kết quả” là trạng thái chơi đùa. Cũng theo tác giả Austin Kleon, các nghệ sĩ vĩ đại có thể duy trì tâm thế “chơi đùa” này trong suốt sự nghiệp của họ.
Vậy bài học mà mình đã rút ra được ở đây là gì?
Người lớn chúng ta có lẽ sẽ khó lòng mà bỏ hoàn toàn suy nghĩ về kết quả ra khỏi đầu được. Tuy nhiên, trong một mức độ nào đó, mình tin rằng chúng ta đều có thể tập trung nhiều năng lượng hơn vào bản chất của các hoạt động sáng tạo. 
Nếu bạn vẽ thì cứ vẽ thôi. Nếu bạn viết thì cứ viết thôi. Nếu bạn chơi nhạc thì cứ chơi nhạc thôi. Nếu bạn thiết kế thì cứ thiết kế thôi. 
Hãy cứ sáng tạo thôi. Làm được theo cách dễ dàng giống như các em nhỏ thì lại càng đáng ngưỡng mộ. 
Lo nghĩ về kết quả thì cũng là điều thường tình, người lớn chúng ta hãy học cách tạm đặt nỗi lo qua một bên để có thể dành năng lượng mà tập trung sáng tạo.
Và chúng ta sẽ làm điều đó như thế nào đây? Mình tin rằng câu trả lời nằm ở lý trí.
Liên hệ với ví dụ về “cảm hứng” và “ý tưởng đầu tiên” mà mình nêu ra ở mục 2, mình tin rằng thứ thúc đẩy cho quá trình sáng tạo của chúng ta phát triển nên là lý trí, chứ không phải là cảm hứng hay ý tưởng.
Hay như nhạc sĩ Trần Tiến đã từng nói:
“Khi nào viết nhạc được bằng lý trí lúc ấy mới thành công.”
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.