Tây Du Ký là một trong “tứ đại kỳ thư” của Trung Hoa. Bộ phim Tây Du Ký cùng những ấn phẩm đi liền với tác phẩm vĩ đại này đã gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ. Tuy nhiên, chính vì rơi vào trong giai đoạn tuổi thơ nên đã dẫn đến trong suy nghĩ của đại bộ phận mọi lớp người thì Tây Du Ký là giải trí, là chính nghĩa đánh phi nghĩa. Nhưng lưu ý cho hai chữ vĩ đại không phải bừa bãi mà dùng. Giá trị Tây Du Ký ẩn tàng nhiều triết lý xuyên suốt, cùng cả tiếng lòng của người dân bị áp bức để mỉa mai sự thối nát của chính quyền đương thời. Hãy nhớ vì sao yêu quái luôn là “con ông cháu cha”, hãy nhớ ở Thiên Âm Tự còn chi tiết hối lộ.
Bài viết hôm nay của tôi cũng chỉ cắt một đường nhỏ trong cái tác phẩm đồ sộ và vĩ đại ấy! Có thật tình thầy trò giữa Đường Tăng và Tôn Ngộ Không luôn là tốt đẹp, có thật những hiểu lầm mà Đường Tăng luôn dành cho Ngộ Không là chỉ vì Bát Giới gièm pha mà ra, có thật Đường Tăng đẹp không tì vết? Và vì sao Tôn Ngộ Không đã dặn, mà Đường Tăng luôn làm sai?
Ngay từ đầu chúng ta phải công nhận rằng Tôn Ngộ Không và Đường Tăng là hai phiên bản đối lập nhau như mặt trăng và mặt trời. Tôn Ngộ Không sôi nổi, Đường Tăng trầm lặng. Tôn Ngộ Không tháo vát, Đường Tăng chậm lụt. Tôn Ngộ Không tài ba biến hoá, sức mạnh hàng long phục hổ, Đường Tăng yếu ớt, trói gà không chặt. Và quan trọng nhất là Tôn Ngộ Không thông minh lanh lợi, mưu kế, chỉ đạo đều là của người đi đầu. Còn Đường Tăng mang danh là sư phụ nhưng toàn “phá team”. Chính từ xuất phát điểm này, mà trong lòng Tôn Ngộ Không luôn thầm coi thường sư phụ, có cơ hội là mỉa mai Đường Tăng. Còn Đường Tăng thì luôn ghen tị với Tôn Ngộ Không, và dùng Bát Giới để “cân bằng” lại lực lượng đôi bên. Câu chuyện nổi tiếng về sự thiên vị này là vụ án Bạch Cốt Tinh.
Nhiều người sẽ vội vàng phản bác rằng Đường Tăng là bậc thánh tăng, tu vi thâm hậu, đã vốn từ bỏ cái tham sân si ra khỏi người, cớ sao lại còn đi sân si, đố kỵ với Tôn Ngộ Không? Đó hoàn toàn là “thấy cây mà chẳng thấy rừng”. Hành trình đi Đông Thổ thỉnh kinh không chỉ có chiều dài địa lý, vượt núi leo đèo để gặp Phật Tổ Như Lai, mà hành trình 14 năm ròng ấy còn là sự rèn luyện tính cách con người, gột bỏ tham sân si để trở thành Phật, tu thành chính quả. Tôn Ngộ Không cũng vậy, mà Đường Tăng cũng thế.
Một chi tiết điển hình để cho thấy bản chất con người Đường Tăng có đủ tham sân si, sợ chết, đổ lỗi, tiểu nhân,…tức có đầy đủ mọi tính xấu của con người là ở Hồi thứ 56. Đường Tăng bị mấy tên cướp cỏ chặn đường và bị đánh. Để giữ được tính mạng, Đường Tăng đã cung khai Ngộ Không ra. Tôn Ngộ Không biết chuyện chỉ cười nhạt “Tốt, tốt, tốt, ơn thầy cắt đặt”. Sau khi Tôn Ngộ Không giải thoát được thì Đường Tăng một ngựa chạy vút, không nhìn lại. Tôn Ngộ Không đánh chết 2 tên cướp thì Đường Tăng buông lời oán hận. Bắt Trư Bát Giới chôn cất đàng hoàng và ông thì cầu siêu. Cầu siêu không nói làm gì, đấy là việc người tu hành nên làm. Quan trọng là lời cầu siêu của Đường Tăng mới là vấn đề, cụ thể Đường Tăng khấn: “Các ngươi đến điện Sâm La kiện cáo thì nhớ y họ Tôn ta họ Trần. Mỗi người một họ, oan có đầu nợ có chủ, chớ bảo nhà sư đi lấy kinh văn.”
Có lẽ lúc đó, Đường Tăng vứt cái gọi là “ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục”về phía sau rồi. Hành Giả nghe xong cười lớn “Bố già nhà mình không một chút tình nghĩa. Vì thầy đi lấy kinh, con phải phí bao nhiêu công sức. Ngày nay đánh chết vài tên giặc cỏ, lại bảo chúng đi kiện cáo lão Tôn đây. Tuy là con đánh, nhưng cũng vì thầy.”
Chi tiết này thì không có trong phim nên chúng ta lớn lên luôn mặc định Đường Tăng sạch sẽ.
Đường Tăng cũng nhiều lần để cái tính sợ chết vượt qua cái tính chính nghĩa của bản thân. Nhiều lần nhận lời giúp, vào thấy yêu quái dữ quá thì bàn lùi với Ngộ Không là hay đổi công văn đi cho lành. May nhờ tính Ngộ Không cương quyết chính nghĩa mới cứu được người. Ngộ Không mấy lần cản Đường Tăng không được, cứ đâm đầu vào cho yêu quái bắt cũng đôi khi bực quá nói thẳng “Ông sư phụ nhà tôi không nghe tôi khuyên giải thì mặc quách cho ông ấy chết. Còn cái người tìm cách đưa ta ra đi” (hồi 65 về chùa Lôi Âm giả). Tình nghĩa thầy trò có bền lâu?
Tuy nhiên, đúng là Đường Tăng có cái xấu, nhưng cái tốt thanh bạch là phần nhiều, và hào quang ông toả ra, chân lý ông hướng về, sự son sắt của ông tronh hành trình thỉnh kinh đã dẫn lối cả 3 người đệ tử yêu quái đi đến chân thiện mỹ của cuộc đời. Vì vấn đề ở đây là gì? Tôn Ngộ Không và Đường Tăng hoàn thiện mình cho nhau, cả hai không bỏ được ai. Tôn Ngộ Không nhờ có Đường Tăng mà giảm bớt tính cách thiên lôi ác sát để dần đi về cái chánh thiện, trừ gian diệt bạo. Nhờ ở cạnh Đường Tăng mà Tôn Ngộ Không tìm thấy chân lý cuộc đời. Trong lần Tôn Ngộ Không dứt áo ra đi rồi sau đó từ trên mây mà nhỏ lệ “Phận ta chỉ ở cạnh thầy thôi.” Về phía Đường Tăng, bao nhiêu lần đuổi Tôn Ngộ Không là bấy nhiêu lần nhỏ nước mắt đợi Ngộ Không về cứu, bao nhiêu lần không nghe lời là bấy nhiêu lần hối hận. Về lý mà nói, Đường Tăng vừa ghét vừa phục Tôn Ngộ Không. Tình cảm này là một thứ tình cảm rất mâu thuẫn của con người, vừa muốn thoát ra, lại vừa phải dựa vào, vừa muốn tìm tự do lại vừa ràng buộc sống chết.
Vậy vì sao lại có câu chuyện này, ẩn ý của Ngô Thừa Ân là gì?
Hãy nhớ phía bản thân Tôn Đại Thánh rất hay tranh luận với Tam Tạng, nhưng đặc biệt là có lý lẽ, thậm chí luôn khiến cho Đường Tăng nhiều lần đuối lý. Đây là một ví dụ:
“Đường Tăng dừng ngựa nói: Đồ đệ à, đêm nay yên nghỉ ở đâu?”
Hành giả đáp:
-Người xuất gia không nói cái kiểu người tại gia.
Tam Tạng nói:
-Thế nào là người tại gia? Thế nào là người xuất gia?
Hành Giả trả lời:
-Người tại gia lúc này phải giường êm chiếu ấm, trong lòng ủ con, sau lưng bận vợ, tự do giấc tốt ngủ yên. Chúng ta là người xuất gia, gặp sao hay vậy, đội trăng mặc sao, ăn giá ngủ mưa, có lối thì đi, không đường mới nghỉ.”
Hay:
“Đồ đệ, núi cao trước mặt, có lối đi hay không? Cần phải cẩn thận.
Hành Giả cười nói:
-Xưa có câu: Trèo núi không ngại đường, đường sẽ thông qua núi. Sao lại nói có đường hay không có đường”.
Đọc mấy đoạn đáp như thế, chúng ta cũng không biết ai dạy đạo pháp cho ai? Nhưng vì sao Tam Tạng và Ngộ Không luôn cãi lý như vậy? Ồ, chúng ta đã bị cái Phật Pháp của Tây Du Ký phủ lên một chi tiết quan trọng. Gốc của Tôn Ngộ Không thực tế là Đạo! Vâng, vị thầy đầu tiên của Tôn Ngộ Không chính là Bồ Đề Tổ Sư. Khi dạy Tôn Ngộ Không 72 phép biến hoá, Bồ Đề Tổ sư nói:
-Trong đạo có 360 môn bàng, môn bàng nào cũng có chính quả, không biết ngươi muốn học môn nào?
Cùng cái phất trần và hướng học trò tu tiên, ông thuộc về một thế giới khác với Phật Tổ Như Lai.
Vậy là mâu thuẫn giữa Tôn Ngộ Không và Đường Tam Tạng là cái mâu thuẫn của việc đi mưu cầu chân lý chung của Đạo và Phật. Tây Du Ký là tác phẩm hoà quyện của Đạo và Phật. Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng Lão Quân, Bồ Đề Tổ Sư là đạo. Phật Tổ Như Lai, Quan Âm Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát là Phật. Và ở giữa có một Tôn Ngộ Không đi hành trình từ Đạo đến Phật. Cả Ngộ Không và Đường Tăng vừa là hai bản thể trong một con người, lại vừa là hiện thân của người với người trong xã hội khác biệt tư tưởng. Một đời sống là hành trình vượt qua những xấu xa của bản chất, hoà giải mâu thuẫn trong ngoài để tìm bắt chân lý. Một hành trình đi tìm sự hoàn thiện và mưu cầu cái hoàn hảo.
Hành trình đi đến Đấu Chiến Thắng Phật!
(Dũng Phan, 13/6/2022)