Gần đây, tôi bắt gặp khá nhiều status kết án nhân loại. Trên Newsfeed của tôi, người ta viết rằng nhân loại cần bị trừng phạt vì hủy diệt môi trường, vì lãng quên các giá trị tinh thần, vì bóp nghẹt nhau bằng tâm lý đám đông, vì không biết tôn trọng tri thức… Bản thân tôi cũng không nằm ngoài xu hướng đó: tôi suýt kết án nhân loại vì họ có hành vi liên tục kết án nhau, qua đó làm khổ nhau và làm nhức mắt tôi. Tuy nhiên, trong lúc bản án treo này vẫn vang vọng trong đầu, tôi đã quyết định không sắm vai “quan tòa” để kết án. Bởi tôi nhận thấy mỗi lời kết án nhân loại đều có 4 tính chất – là tính phóng chiếu, tính trả đũa, tính vô căn cứ, tính quy ước – và 4 tính chất này khiến cho bản án thiếu tính khách quan.
- Về tính phóng chiếu, có thể thấy những “quan tòa” khác nhau không quy những tội ác giống nhau cho nhân loại. Tội ác mà mỗi “quan tòa” nêu ra được phóng chiếu từ thế giới quan cá nhân của chính “quan tòa” đó. Chẳng hạn, tùy vào ý thức hệ hoặc tôn giáo của mỗi “quan tòa”, tội của “nhân loại” có thể là phá hoại môi trường, sống theo chủ nghĩa tiêu thụ, coi thường tri thức, quy phục tâm lý đám đông, mang tư tưởng vô thần, phá thai, quan hệ đồng tính, hoặc không bỏ phiếu cho người được Chúa chọn là ông Donald Trump… Lối sống mà “quan tòa” này xem là đúng đắn có thể được xem là một tội ác trong mắt “quan tòa” khác. Như vậy, không có một tòa án độc lập và công tâm đứng ngoài và đứng trên nhân loại để kết án nhân loại, chỉ có một nhân loại đang kết án lẫn nhau. Họ tạo nên một vòng trả thù luẩn quẩn, vì trong nhiều trường hợp, sự kết án mà nhân loại dành cho nhân loại được chính nhân loại xem là một tội ác cần được kết án.
- Tính trả đũa ít nhiều là sản phẩm của tính phóng chiếu, như vừa đề cập. Bản án không đến từ việc nhân loại vi phạm các luật lệ và quy ước có tính phổ quát mà nhân loại tự đề ra cho bản thân, bản án đến từ việc nhân loại không sống theo cách mà “quan tòa” muốn. “Quan tòa” không phải là bên thứ 3 trung lập và độc lập với vụ kiện, “quan tòa” chính là nguyên đơn và nạn nhân. Nhiều “quan tòa” từng nói rằng họ cảm thấy lạc lõng vì phải sống giữa một nhân loại có hệ giá trị, cách sống, cách nghĩ quá khác họ. Từ tình tiết này, tôi xin phép đặt giả thuyết rằng sau khi “quan tòa” cảm thấy mình bị loại trừ ra khỏi thế giới vật lý chung của nhân loại, “quan tòa” đã trả đũa bằng cách loại trừ nhân loại ra khỏi thế giới quan vô hình của bản thân. Các status kết án nhân loại chính là biểu hiện trên bề mặt của cuộc loại trừ này:  tôi kết án nhân loại vì họ hành xử phi lý trong thế giới quan của tôi, vì họ không tuân thủ thế giới quan của tôi. Nếu giả thuyết này đúng, thì mỗi bản án là cuộc trả thù của thế giới quan cá nhân này với những thế giới quan cá nhân khác, sau khi chúng va chạm về mặt lý lẽ trong không gian vật lý chung của nhân loại.
- Về tính vô căn cứ, như đã đề cập, bản án cho nhân loại không được ban bởi những quan tòa độc lập và trung lập với vụ kiện, cũng không được soạn dựa trên các luật lệ và quy ước có tính phổ quát mà nhân loại tự đề ra cho bản thân. Tệ hơn, đây là bản án được ban bởi những”quan tòa” không biết mặt bị cáo. Lượng con người cụ thể mà mỗi “quan tòa” có thể gặp gỡ trong đời chỉ chiếm một tỉ lệ quá nhỏ trong nhân loại, và tỉ lệ đó không cho phép “quan tòa” có lượng hiểu biết về nhân loại đủ để phán xét nhân loại. Và bản án này cũng được tuyên dựa trên những bằng chứng không đáng tin cậy: hầu hết ấn tượng của chúng ta về nhân loại xuất phát từ trải nghiệm cá nhân, các sản phẩm văn hóa, giải trí và các kênh truyền thông chính trị, chứ không phải từ những nghiên cứu khoa học chọn nhân loại làm đối tượng để tìm hiểu.
- Về tính quy ước, bản án dành cho nhân loại được viết dựa trên niềm tin rằng mọi cá thể người đều có những đặc điểm chung mang tính phổ quát. Vài đặc điểm chung trong số này tạo thành những tội ác mà vì nó nhân loại bị kết án, trong khi những đặc điểm chung khác cung cấp luận cứ để bào chữa theo hướng làm nhẹ tội cho nhân loại. Chỉ cần một cá thể người không chia sẻ tất cả những đặc điểm chung đó, bản án sẽ trở thành bất công – vì nó quá mạnh tay với kẻ ít tội hơn “người bình thường”, hoặc quá mạnh tay với kẻ ít tình tiết giảm nhẹ hơn “người bình thường”. Nếu tôi không tin vào những đặc điểm chung mang tính phổ quát của toàn nhân loại, thì tôi không thể quy cái đống ô hợp gọi là nhân loại thành một đối tượng thuần nhất để kết án. Như vậy, việc kết án nhân loại phụ thuộc vào các quy ước về nhân loại. Vì quy ước là một sản phẩm của nhân loại thay vì của tự nhiên, quan tòa nợ bị cáo về bản án.
Bốn tính chất vừa nêu – tính phóng chiếu, tính trả đũa, tính vô căn cứ, và tính quy ước – khiến các phát ngôn kết án nhân loại có một độ hư ảo nhất định. Chúng vừa tầm phào như việc con chó đuổi bắt cái đuôi của mình, vừa vô ích như việc người ta giận cá chém thớt. Ta không nên kết án người khác về cái tội mà chính mình cũng phạm, ta cũng không nên uổng công kết án cả 7 tỉ người chỉ vì vài nghìn người đã chọc tức ta.
Nhưng để hóa giải những lời kết án nhân loại đang vang vọng trong đầu mình, thay vì chỉ kết án chúng, có lẽ tôi nên nghĩ xem vì sao mình lại muốn thốt lên chúng.
Dù chưa có thời gian tìm hiểu để khẳng định chắc chắn, tôi xin phép giả định rằng các diễn ngôn kết án nhân loại hiện nay chịu ảnh hưởng đáng kể từ 3 yếu tố, bao gồm:
- Toàn cầu hóa (thứ khiến cái “nhân loại” xa xôi, mơ hồ trở có thể cùng lúc biến thành một không gian tình cảm, một cơ hội và một mối đe dọa đối với mỗi cá nhân);
- Xã hội sau cách mạng công nghiệp (thứ khiến con người sống chủ yếu trong môi trường nhân tạo thay vì môi trường tự nhiên, và vì thế, cảm thấy mối đe dọa thường trực đối với mình là con người thay vì các con khác); và
- Các tôn giáo đặt vấn đề tội lỗi, phán xét, cứu chuộc và viễn cảnh tận thế (bao gồm các nhánh Thiên Chúa giáo, nhiều nhánh Phật giáo, cùng một số phong trào huyền học và tôn giáo mới, trong đó có Pháp Luân Công);
Hãy xem cái cách mà 3 yếu tố này tương tác với nhau, để giục chúng ta thốt lên những lời kết án nhân loại:
Trước hết, toàn cầu hóa và xã hội sau cách mạng công nghiệp tạo thành một môi trường ngột ngạt, trong đó cái “nhân loại” (mang tính quy ước) gây ngày càng nhiều sức ép lên từng cá nhân. Nó khiến cá nhân ngày càng phụ thuộc, ngày càng mắc nợ, vì thế ngày càng bị nô dịch. Đây là một sự nô dịch không tự nguyện: bản tính đa nguyên của cái môi trường thế tục toàn cầu đó không bao giờ hoàn toàn hòa hợp với thế giới quan nhất nguyên của cá nhân (nơi cá nhân ngầm thủ vai Thiên Chúa để kiến tạo thế giới nội tâm của mình và phán xét người ngoài). Đây cũng là một sự nô dịch không công bằng: trong vòng quay kinh tế và môi trường thông tin toàn cầu, hầu hết các cá nhân có mức sống trung bình trở xuống chỉ có tỉ trọng, tầm quan trọng, và trọng lượng tiếng nói, ngang bằng với một hạt bụi vô nghĩa trên mảnh ruộng lớn. Đây là một sự nô dịch không giới hạn: khi người ta làm việc nhiều hơn và dành thời gian cho nhau ít đi, khi truyền thông đại chúng và mạng xã hội vươn đến mọi nơi; cá nhân không thể dễ dàng lui về các cộng đồng khép kín, cảnh quan thiên nhiên hoặc thế giới nội tâm để tìm ý nghĩa và trọng lượng của riêng mình, như các nghệ sĩ Lãng mạn phương Tây hoặc nho sĩ ẩn dật phương Đông khi xưa từng làm. Vì vậy, trong khi một số cá nhân cố thích nghi bằng cách quy phục những sức ép này, số khác đã phản kháng lại bằng nhiều hình thức, bao gồm những lời kết án “nhân loại”. Để biện minh cho những lời kết án mang tính chủ quan của mình, họ viện dẫn niềm tin tôn giáo, hoặc những tư tưởng thế tục chịu ảnh hưởng từ niềm tin tôn giáo. Theo tôi thấy, thì những lời phán xét nhân loại đã bắt đầu xuất hiện trên Internet nhiều hơn kể từ đợt dịch COVID-19 – khi nhiều người than thở rằng nhân loại đang bị trừng phạt bằng thiên tai, dịch bệnh do thiếu tôn trọng thần thánh hoặc “mẹ thiên nhiên”. Chuyện này dễ hiểu: cảm hứng tôn giáo mở ra những “lối tắt” tư duy mang tính đơn giản, cố định và đem lại ý nghĩa cho đời người; những “lối tắt” này là một lựa chọn hấp dẫn khi cá nhân đang bị chèn ép bởi một môi trường thế tục toàn cầu quá phức tạp, bất định và vô nghĩa.
Nếu chấp nhận giả định vừa nêu, thì tôi nên làm gì với những lời kết án nhân loại của mình? Từ bỏ chúng vì nhận ra sự hư ảo của chúng là chưa đủ: có những động lực vô thức rất thật khiến tôi thốt những lời ấy ra, và tôi sẽ còn thốt ra nhiều lời trái ngang chừng nào những động lực này chưa được thỏa mãn. Giải pháp thực tiễn nhất có lẽ là thu hẹp phạm vi hành động. Chẳng hạn, mỗi người có thể hình thành một gói giải pháp vừa sức như sau:
- Quay lại xây dựng thế giới riêng của bản thân, thay vì kết án thế giới riêng của người khác trong nỗ lực thay đổi một thế giới chung rộng quá sức vóc của mình. Gia cố và mở rộng thế giới riêng bằng những sản phẩm hữu ích mà mình tạo ra và mối quan hệ hữu ích mà mình muốn bảo vệ, thay vì dồn sức công kích sản phẩm và mối quan hệ của người khác.
- Tập trung xây dựng các cộng đồng nhỏ tại địa phương, thay vì dành quá nhiều thời gian cho những xung đột được xem là toàn cầu như “cấp tiến vs bảo thủ”, “tư bản vs cộng sản”, “Mỹ vs Trung Quốc” (vốn có độ hư ảo không kém chủ đề ta đang bàn).
- Trong những trường hợp buộc phải kết án, nên căn cứ vào pháp luật để kết án những đối tượng có danh tính cụ thể và vừa sức với mình, thay vì căn cứ vào hệ giá trị chủ quan để kết án cái “nhân loại” chung chung mà mình không thể tác động. Đặt mục tiêu cụ thể cho mỗi lần kết án.
Những lời kết án “nhân loại” là hệ quả của một tình thế khó chịu, trong đó “nhân loại” là cái ngai vàng thượng tôn duy nhất mà 7 tỉ người phải đánh nhau để tranh giành. Thay vì chấp nhận tuân phục một quyền lực lớn như vậy và tham gia một trò chơi vô nghĩa như vậy, mỗi cá nhân nên khẳng định quyền tự định nghĩa mình, và quyền xây dựng những tiểu hệ sinh thái khác nhau – mỗi cái đáp ứng một phần căn cước trong mình, và khi đồng tồn với nhau, chúng mang lại cho mình một cuộc đời có ý nghĩa. Trong bối cảnh hiện tại, quyền tự chủ về mặt định nghĩa của cá nhân cũng quan trọng không kém quyền dân sự và quyền sở hữu tài sản. Và để “nhân loại” có thể sống yên ổn với nhau trong tương lai, có lẽ một viễn kiến theo kiểu Zootopia cũng quan trọng không kém  những tư tưởng về quyền con người phổ cập.
Do excuse, don't execute.
P/S lần 1: Bài viết này được truyền cảm hứng từ cuốn Cái Thật Và Thực Tại của Otto Rank, mong các bạn quan tâm tìm đọc nó. Đừng đọc Gramsci, hắn sẽ khiến bạn hoài nghi viễn cảnh Zootopia.
P/S lần 2: Nếu bạn hoài nghi những mặt trái của thị trường toàn cầu mà tôi vừa đề cập, hãy xem cách mà Google, kẻ thông thái nhất trong chúng ta, đang định nghĩa “nhân loại”: