1.
Vào cái ngày Lễ Quốc Tế Lao Động là dịp đáng ra mọi người ở nhà hay ra đường nghỉ ngơi vui vẻ, ba bạn tôi phải nhập viện vào sáng sớm vì cơn tăng huyết áp. Tôi nhận tin bạn qua Facebook. Nghĩ rằng mọi thứ vẫn ổn, và có lẽ bác sẽ khỏi thôi, và có cái hẹn hẹn học chung với người bạn cũ, tôi bảo ngày sau sẽ chạy qua mua sữa thăm ba bạn.

Nhưng mọi thứ diễn tiến bắt đầu không ổn, các triệu chứng nặng kèm với tăng huyết áp không bớt, em phải đưa ba mình chuyển qua cấp cứu ở bệnh viện lớn.

Tối đó phải đợi một lúc lâu mới vào nhà, đang ăn thì chuông điện thoại reo lên liên tục. P. (tôi gọi tắt tên bạn cho dễ) gọi tôi với giọng hết sức bình tĩnh, chậm rãi. Chưa bao giờ tôi thấy em như vậy, vì mọi hôm có chuyện gì cần hỏi P. nói rất nhanh. Nhiều lúc đứng trước biển lặng người ta không biết có rất nhiều đợt sóng dữ dội đang chuẩn bị dâng lên và cuốn đi tất cả. Tình hình chuyển cực xấu, người bác sĩ đến khám chỉ đến nói hai phương án: một là 80 triệu, hai là 25 triệu. Do gia đình khó khăn nên bạn chỉ dám chọn 25 triệu. Ba bạn không có bảo hiểm y tế, vì vậy đó là lý do khiến số tiền lớn đến vậy. Gia đình P. là lao động nghèo. Vị bác sĩ khi tư vấn cho bạn tôi về chuyện điều trị, anh ta lạnh lùng, thờ ơ nói về số tiền rồi bỏ mặc cậu lại ở chỗ cấp cứu. Cũng nhờ trước đây hay đi trực cấp cứu ở bệnh viện này, nên các anh bác sĩ mới nói thêm với bạn về số tiền 80 triệu ấy: nếu không dùng can thiệp ấy, với nguy cơ tổn thương lớn vậy, ba bạn sẽ tử vong. Nghe đến lúc này tôi buông luôn tô bánh hỏi đang ăn, chạy vội vào phòng lấy laptop soạn ngay lời kêu gọi quyên góp từ Facebook rồi mới hỏi ý kiến bạn mình. Trong khi đó, P. vẫn đang chờ kết quả chụp CT của ba.

Khi vừa mới viết vận động mọi người quyên góp, chính tôi cũng vừa mới từ chối cho một người thanh niên xa lạ kia mười nghìn để anh ta có tiền đổ xăng. Trước khi vào nhà, lúc này điện thoại hết tiền, không gọi cho bà được. Tôi chạy đến Vinmart để mua thẻ nạp tiền điện thoại. Đối diện Vinmart có một anh thanh niên mặc đồ khá tồi tàn, mặt rất đau khổ hỏi tôi có 10 nghìn để anh đi đổ xăng không. Lúc không đồng ý quay đi, ngoảnh lại nhìn mặt anh mới thấy anh đau khổ thế nào. Có khi nào ảnh nói thật? Tính đưa cho anh 10 nghìn, nhưng một thẻ cào mất 20, mà mình chỉ còn vẻn vẹn 20 nghìn trong ví.

Không biết sau đó có ai đưa cho anh không, chắc anh cũng phải dắt xe đi một quãng rất xa để đến chỗ đổ xăng. Tôi không đưa anh vì ở các trạm xe buýt, hay đi ở một con đường bất chợt có người đến hỏi hai nghìn, năm nghìn, mười nghìn. Mà họ hỏi người này xong lại hỏi tiếp người khác y chang vậy. Nên dần dà người ta cũng không cho bất kỳ ai tiền để đi bus hay đi chợ cả.
Có lẽ anh thanh niên đó khó khăn thật. Giống như tôi, vài lần đi bus mang đúng tờ hai trăm nghìn, nhân viên không thối được và có người mặc áo lam đi chùa đóng tiền luôn cho tôi. Rồi có những hôm không để ý, trong bóp có đúng cái thẻ để đến nơi thanh toán quên mang tiền cũng có người giúp. Lúc tiền rách người thu vé không nhận, rồi trong bóp còn một ngàn rưỡi.
Họ hiểu rằng tôi ở đường cùng nên mới giúp vậy.

Vậy mà tôi không giúp người thanh niên đó. Giờ lại mong mỏi sự giúp đỡ của một cộng đồng. Lúc viết những dòng kêu gọi, tôi biết mình đang đánh liều bản thân vào điều trước giờ chưa bao giờ làm. Thậm chí đang lao vào thứ mà mình gần mất niềm tin vào nó. Đó là từ thiện. Thực ra hồi lớp 7 cũng có làm vài lần trong lớp như quyên tiền cho một em khoá dưới chữa bệnh ung thư máu, quyên cho lũ lụt. Nhưng có một chuyện xảy ra vào hè khiến tôi không quên được. Đó là một người cha đã lợi dụng bệnh tật của con gái mình - chân chị có khối u khổng lồ, để lấy tiền quyên góp uống rượu đánh bài. Báo chí không ghi, nhưng tôi quen người trong bệnh viện mổ cho chị thì biết điều đó. Phụ huynh của bạn tôi cũng làm từ thiện, chứng kiến việc ăn chặn ở các hoạt động. Điều này khiến tôi dần mất niềm tin vào việc quyên góp cho bất kỳ ai, vì hai vấn đề: 1. số tiền ấy có được chuyển nguyên vẹn đến người nhận, 2. gia đình họ có sử dụng tiền đúng cách không, vì rất hoàn cảnh có những nguyên nhân khiến họ rơi vào vòng lặp đói nghèo. Vì vậy tôi chỉ muốn giúp cho những người thân quen, vì mình muốn họ thực sự phát triển và khá hơn.
Nhưng lần này, em là người thân quen của tôi, nhưng tôi và em lại là người xa lạ với rất nhiều người khác khi đọc tin chia sẻ. Chính qua việc này, tôi mới hiểu các dự án huy động đóng góp từ cộng đồng như Spiderum, Việt Sử Kiêu Hùng, những dự án làm vì cộng đồng khác, những người kêu gọi đã rất nỗ lực và phấn đấu ra sao để người ủng hộ có thể bỏ tiền quyên góp để tiếp sức mạnh cho các dự án tiếp theo được thành công.

Vì mỗi lần người ta quyên góp, luôn kèm theo rất nhiều hy vọng và mong mỏi. Họ mong những điều tốt đẹp nhất đến với người không may ấy. 
Sau khi đăng ở Facebook cá nhân, tôi chia sẻ ở mọi group mà mình nằm vùng - như group lớp em, Hội nghị bàn tròn của Hiệp Sĩ Bão Táp, offline Spiderum. Thậm chí ở cả một tập thể bản thân không muốn ngó ngàng gì, chỉ trừ thông báo học hành: group lớp.

Những tin nhắn đến từ khắp nơi hỏi han, xác nhận quyên góp, từ những người tôi quen thân, hay admin trang blog nọ mà tôi cứ lần lữa cho có bài về Doraemon và manga. Thông báo số dư trong ngân hàng cứ nhảy lên liên tục. Có người quen trong lớp, có người thân trong gia đình, thầy cô cũ và cả những người vô danh. Mỗi lời chuyển kèm theo lời chúc và nhắn nhủ. Tất cả đều cầu mong cho mọi thứ được diễn ra tốt đẹp nhất. 

Bạn tưởng tượng trong một đêm mà biết bao người nhắn tin, từ bạn bè lớp cấp ba, cấp hai của em, đến những top writer mà tôi vẫn quen ở các buổi off. Mọi người hỏi tôi đã nhận được chưa, hỏi rất chi tiết về bệnh tình, điều trị của ba em, thậm chí còn muốn đề xuất hỗ trợ lâu dài cho em. Thậm chí có rất nhiều bạn đứng trước cổng bệnh viện nhắn tôi hỏi tại sao gọi em không bắt máy (do quá nhiều người gọi em cùng một lúc). Họ đến trực tiếp đưa tiền đủ để em lo tạm ứng suốt mấy ngày. Bản thân tôi còn chưa làm vậy được, còn không lên cùng với em ngay tin ba em nhập viện. Rồi rất nhiều cuộc nhắn dồn dập hỏi tôi đã nhận tiền chưa, và do quá nhiều thông báo đến cùng lúc, mãi khi xong chuyện tôi mới công khai sao kê ở ngân hàng.

Có cô đồng nghiệp cũ chuyển cho em 100 nghìn còn tiếc rằng mình chỉ giúp em được với sức ngắn hạn thôi.

Có những bạn du học sinh (lạ và cả quen - bạn bè em) nhắn gửi và nói họ tin tưởng từ người kêu gọi quyên góp. 

Thậm chí một người bạn cùng khoá với tôi, gia cảnh rất khó khăn không đóng góp được gì, nhưng học cực giỏi có nhã ý chia sẻ tất cả bí thuật gia truyền trong học tập cho em. 

Điều lạ lùng là cả những người tôi đã ngắt liên lạc, unfriend từ rất lâu do không còn nói chuyện với nhau nữa, họ lại hỏi han rất nhiều. Đó là những người bạn cấp 3 mà em không thân lắm, hay bạn đại học không hợp với tôi. Có rất nhiều người không thích mình trong friendlist, nhưng họ vẫn tin tưởng, theo dõi từng cập nhật của tôi về gia đình em. Chính sự khó khăn đẩy mọi thứ gần nhau hơn.

“Em không nghĩ rằng những đứa bạn em từng nghĩ là tụi nó không thích em hồi cấp 3 lại giúp em nhiều như vậy”.
 “Chị chỉ nghĩ là do mình bình thường không hợp nhau về tính cách và lối sống thôi. Nếu có gặp chuyện khó khăn chắc chắn vẫn giang tay với nhau mà.”
“Em cũng nghĩ vậy.”
Và chúng tôi hiểu được, ở cái thế giới hỗn loạn này, rất rất nhiều lúc, kể cả khi chúng ta không hợp nhau, vẫn còn tồn tại trong nhau sự tử tế và hy vọng vào điều tốt đẹp. 

2. Nhưng rồi, ở đâu đó cũng có những người nghi ngờ về độ xác thực thông tin. Bạn thân cấp 3 của tôi đã bị kha khá người hỏi rằng có nên tin vào điều này không.

Thậm chí, có một bạn add tôi, trước đó hỏi một đứa em mới quen về độ tin cậy ở lời cầu cứu này.
Đây đúng là sự tử tế mà tôi cần và trân trọng hơn bao giờ hết. Những sự tử tế thực tâm.

Tôi kết bạn lại với người này, nói rằng mọi thông tin sẽ được công khai minh bạch bằng bất cứ giá nào. Chính bạn này sau này cũng bảo khoản tiền quyên góp để lại cho em tôi lo gia đình và ăn học.

Bởi vì những người như vậy, họ quan tâm sâu sắc hơn hẳn những người chuyển tiền thông thường. Họ, cùng với những người nhắn tin hỏi chi tiết về bệnh tình, hướng điều trị và cập nhật tình hình, thực sự mong muốn số tiền được đến tay người nhận đúng, và được sử dụng đúng cách.

Họ khiến tôi nghĩ đến mẹ mình. Trong đợt này, mọi việc suôn sẻ cũng là nhờ mẹ hướng dẫn. Bản thân mẹ đi lên từ nghèo khó, chị em tôi lớn lên trong sự sung sướng cũng do mẹ ý thức về đồng tiền mình làm ra. Mẹ tôi là một trong những người không ủng hộ vấn đề làm từ thiện của Thuỷ Tiên trong việc miền Trung bão lũ, do chị nghệ sĩ không minh bạch khi công khai ngân sách. Ngay từ năm lớp 7, mẹ đã từng không muốn tôi đóng từ thiện cho quá nhiều người, bởi vì nhiều lúc “mình không biết hoàn cảnh họ ra sao, biết số tiền được sử dụng thế nào.” 

Cảm ơn mẹ, vì đã dạy con khi tử tế, hãy tử tế cho trót. Để con được gặp những người có cùng suy nghĩ như thế này. 

3. Dù bác sĩ đã cố gắng hết sức để phẫu thuật, ba bạn tôi không may không qua khỏi được. P. có nhã ý muốn trả lại cho tất cả mọi người. Đến lần này, khi đăng câu hỏi về việc sử dụng số tiền còn lại để lo hậu sự cho ba em, mọi người đều đồng ý cho đi, miễn em học hành được, tốt nghiệp được. 

Tôi học được sự tử tế lần này từ gia đình em và mọi người. 

 Tôi chợt nhận ra, số tiền quyên góp ấy cuối cùng thực sự người cho họ cũng đã lường đến tình huống xấu nhất. Nhưng thực sự, nó lại mang sức mạnh khác. Ở thời điểm khốn cùng nhất cuộc đời, thứ người ta cần bấu víu lại là niềm tin và hy vọng. Cũng như bao người trẻ ở độ tuổi này, tôi và những người bạn mình đều có một nỗi lo lắng muôn thuở: sự tin tưởng và sự bền vững của các mối quan hệ. Ở một môi trường mà có rất nhiều sự cạnh tranh lành mạnh lẫn không lành mạnh, chơi với nhau vì lợi ích, những người trẻ mất dần niềm tin vào người khác. Rất nhiều lúc hai đứa sém toang nhau vì giao tiếp thi thoảng lại cứ ngắt quãng. Lớn lên trong một môi trường mà chứng kiến sự toan tính làm hại của người lớn lẫn nhau (ít hay nhiều), thậm chí lên cả đứa trẻ, thậm chí với tính cách khác biệt, việc lớn lên hoà nhập với mọi người là một điều khó khăn. Thậm chí duy trì mối quan hệ cũng thế. Đến giờ phải công nhận việc cả hai vẫn làm bạn là sự chấp nhận, chia sẻ không toan tính.

Và có lẽ nhờ chung giá trị này mà chúng tôi có dịp được gặp thêm những người có chí hướng như thế. 

4. Tôi chợt nhớ đến những lần gặp chị chủ quán An Xanh. Suốt năm bốn đại học tôi dành rất nhiều thời gian để học bài và viết ở đấy. An Xanh mở rộng và ôm ấp tôi vào mọi lúc, kể cả những lúc chỉ còn năm nghìn trong túi thì tôi vẫn có thể ngồi, nhâm nhi ca cao ngon cho những ngày học thi, chạy deadline. Đầu tháng khi có lương về, tôi đều cố gắng chạy ra ATM để rút 100, 200 để bỏ vào thùng tiền. Có khi góp lại sách và tạp chí tiếng Anh để chị dạy cho tụi nhỏ hay người lớn đi làm cần học tiếng Anh. Tôi nghĩ mọi thứ cần có qua có lại. Kể cả khi quán đã đóng cửa, chị vẫn mời tôi một ly nước lọc. Nhớ lại những buổi trưa nhìn ra cửa để cảm nhận sự dễ chịu của cơn mưa, lòng lại xuyến xao đến mấy.

An Xanh giờ đã qua quận 4, không còn ở Trương Định như trước đây. Lúc vận động quyên góp cho bạn, chị inbox hỏi tôi kỹ về bảo hiểm y tế và cách để gia đình bạn bớt tiền viện phí hết sức có thể. Tôi còn nợ chị hẳn một kèo đi dạy học từ thiện ở chùa. Năm trước khi qua quán chơi với con Xám nhà chị bị nó cào cho một cú nhỏ, chị đã lo lắng và gửi tiền để tôi có thể đi chích ngừa năm mũi dại. Không biết chị đã dành dụm như thế nào, khi An Xanh là nơi khách hàng trả tiền món nước tuỳ tâm. Tất cả những nhân viên ở quán sau này đều làm công quả. Hơn tôi hai tuổi, tôi thắc mắc một người trẻ như chị đang tràn trề nhựa sống và có cả những tham vọng lại đi sâu vào Phật pháp và tâm huyết với việc mở không gian học và tuỳ tâm. Và cả những bữa buffet tuỳ tâm ở quán chay Mãn Tự Vegan, nơi những buổi trưa tôi được ăn cùng và nói chuyện với những người lao động đến từ mọi tầng lớp ở xã hội nữa.

5. “No man is an island” - John Donne
Đây là trích ngôn mà tôi đã nghiền ngẫm và suy nghĩ về nó từ lúc 21 tuổi đến tận bây giờ. Nó đến bất chợt từ một đoạn nhạc (soundtrack) trong bộ phim hoạt hình Inside Out. Trong phân đoạn ấy, Joy đã nhảy múa rất vui, tự chân cô trượt trên nền của sàn điều khiển như trượt patin vậy khi nhìn Riley tận hưởng việc nhận biết thế giới xung quanh qua màn hình. Ở nơi đó, chỉ có Joy và Riley. Việc của Joy là làm Riley hạnh phúc. Những cảm xúc khác không quan trọng, nhất là Sadness (Buồn bã). Joy nghĩ rằng chỉ cần cô là đủ. Cho đến khi Riley bước vào tuổi 12, phải cùng ba mẹ sang nơi ở mới với biết bao cú shock và cơn trầm cảm đầu đời, Joy mới nhận ra mình đã hiểu sai về cô bạn Sadness của mình như thế nào, Bing Bong và cả những người bạn cảm xúc khác. Cô mới hiểu rằng ai cũng đóng một mắt xích quan trọng trong việc giúp Riley lớn lên và thể hiện bản thân tự do hơn.

Đoạn nhạc tưng bừng ấy có tên là “Nomanisone Island/National Movers”. Ban đầu tôi thắc mắc tại sao một hòn đảo có tên ngộ vậy. Chỉ đến khi có một comment giải thích là đây là cách chơi chữ ở câu đầu bài, tôi mới á à ra. Hòn đảo này một lần nữa lại xuất hiện trong The Incredibles - một bộ phim về siêu anh hùng. Và điều trớ trêu thay, đây là căn cứ địa của Syndrome, nhân vật phản diện đấu với gia đình Incredibles. Syndrome thực ra là một nhân vật đáng thương. Ở tuổi mới lớn, cậu cố bắt chuyện với Bob với hy vọng được cùng ông bắt cướp để rồi không nhận lại gì, mà còn bị bắt nữa. Lớn lên trong sự cô độc và cay nghiệt và mất niềm tin, Syndrome trở thành kẻ phản diện không thực sự có ai để tin tưởng, để rồi cuối cùng chết trong đau đớn.

Nomanisone Island gợi cho tôi rất nhiều suy nghĩ. Rằng à hoá ra con người mình không ai hoàn hảo cả. Không ai thực sự là một thể thống nhất trọn vẹn riêng. Rằng vẫn phải dựa dẫm vào một ai đó ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Khi mọi thứ ở ngoài kia sụp đổ, hãy bước khỏi đống đổ nát ấy với một niềm tin. Vì còn rất nhiều người muốn đến với mình. 

Tôi lại nhớ về cuộc trò chuỵện cách đây gần ba năm, một người bạn cũ của tôi lúc đó đang đi du học bên Hà Lan kể về việc cậu không hoà nhập được với mọi người. Cậu nhìn lại những người ở bên mình và cảm thấy không còn sự tin tưởng ở đó. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng cậu làm quá lên, vì ở năm bốn đại học, tôi luôn có sự kết nối ở bất cứ nơi đâu. 

Cả hai đứa đều có cái tôi rất mạnh. Đó là thứ hút hai đứa gần nhau, nhưng rồi chúng cũng đẩy chúng tôi xa nhau. Vì thời điểm ấy, tôi sợ cảm giác ngộp thở khi phải nói chuyện quá nhiều, phải liên tục nghe nhiều. Và cậu ở giai đoạn cuộc đời khác với tôi rất nhiều khi đi học ở một nơi xa lạ, phải hoà nhập với một nền văn hoá mới. “Mở lòng luôn đi kèm với những rủi ro không thể dự đoán trước.”, bạn tôi đã từng sợ sệt khi nói vậy. Ai cũng muốn mở lòng, nhưng rồi họ lại sợ tiến xa thêm nhiều bước nữa. Vì trên đường bước đi có quá nhiều những nghi ngờ, mệt mỏi, mâu thuẫn và không nhận lại tình cảm tương xứng. Nhưng ở tình huống ngặt nghèo, thách ai không dám mở lòng mình ra?

Sau khi bước khỏi lừa dối, không nhận lại điều xứng với điều cần nhận sẽ có một cánh cửa tử tế khác mở ra. Cứ đi và bước tiếp. 

Bởi vì:

"No man is an island, entire of itself; every man is a piece of the continent, a part of the main; if a clod be washed away by the sea, Europe is the less, as well as if a promontory were, as well as if a manor of thy friend’s or of thine own were; any man’s death diminishes me, because I am involved in mankind, and therefore never send to know for whom the bell tolls; it tolls for thee."
(Không một người nào là hòn đảo cô đơn trong cuộc đời, đơn độc bơ vơ giữa biển khơi; mỗi người đều là một phần của lục địa, một phần của đất liền. Nếu một hòn đá bị đại dương cuốn đi, thì cả châu lục sẽ chịu sự mất mát ấy, cũng như một mũi đất, như trang viên của bạn của bạn, hay của chính bạn, hay của tôi. Tương tự, cái chết của bất cứ ai cũng khiến tâm hồn ta hao hụt, vì ta là một phần của nhân loại, và bởi vậy ta không bao giờ cần biết chuông nguyện hồn ai; vì chuông nguyện hồn của chính ta (trong sự kết nối với người đã mất trong cái toàn thể của nhân loại)

Kỳ thực, cách đây 8 năm trước, nếu P. không bóp thắng gấp để chiếc xe đạp ngã xuống, đến bên an ủi tôi khi tôi không làm được bài trong kỳ thi học sinh giỏi môn Sinh thành phố, mọi thứ tuyệt diệu kế tiếp sẽ không bao giờ xảy ra.

Vĩnh Anh