21 Ngày Làm Bimmer Và Ngẫm Nghĩ Về Cảm Xúc Con Người
Tại sao lại là 21 ngày? Đó không phải là số đẹp theo lịch Phật Pháp hay theo niềm tin gì cả. Đó là quãng thời gian anh bạn của mình...
Tại sao lại là 21 ngày? Đó không phải là số đẹp theo lịch Phật Pháp hay theo niềm tin gì cả. Đó là quãng thời gian anh bạn của mình phải cách ly tại nhà hồi đầu năm do tiếp xúc với người bay chung với bệnh nhân Covid-19. Sáng hôm đó anh gọi cho mình lúc mới ngủ dậy báo tin rằng ảnh phải ở nhà làm công dân tốt và nhờ mình đi chăm sóc cho "vợ ba" của ảnh, là chiếc BMW G20.
- Ê Tuấn, giúp cái nha, xe đó đang định đi bảo dưỡng để chơi Tết mà giờ ở nhà rồi, 29 Tết mới được ra lận.
- Ok, mày. Chiện nhỏ, vậy cho mượn đạp vài vòng tới 29 Tết luôn nha.
- Ừ đi đi.
Thế là trưa đó mình ăn mặc bảnh bao đưa vợ ba của ảnh đi spa ở quận 7. Đi với người đẹp mình cũng phải đẹp. Mình không hề biết rằng 21 ngày sau đó, cô gái thông minh nóng bỏng này đã khai sáng cho mình rất nhiều thứ về cuộc sống. Một bimmer đã được khai sáng.
------------------------
Giới thiệu một chút về việc lái xe của mình. Năm ngoái sau khi vật vã ôn thi trong mùa dịch, mình cũng có được cái bằng lái sau 9 tháng kể từ ngày đăng ký. Lúc đó mình chưa có xe hơi gì cả, mọi người bảo sắp lập gia đình rồi thì nên biết lái xe để chủ động đưa đón vợ con không sợ mưa gió cũng như đi thăm hai bên nội ngoại cho dễ dàng. Cũng may mình đăng ký học trước khi dịch bùng phát nên còn thi được trong năm 2020 vừa rồi, có nhiều người đăng ký hè năm ngoái mà hết hè năm nay vẫn chưa được thi.
Mình thì thời gian đầu cũng như bao lái mới khác, chủ yếu thuê xe để lái, tất cả các xe đó là xe Nhật và Hàn. Khi đã tự tin hơn thì mình có lái xe gia đình là chiếc Suzuki Celerio nhỏ bé, chạy vòng vòng trong phố. Về kinh nghiệm lái thì trước khi được giao chăm sóc dùm xe của anh bạn, mình đã lái hơn 10,000km với các cung đường Sài Gòn - Vũng Tàu, Sài Gòn - Cần Thơ, Sài Gòn - Đà Lạt và Sài Gòn - Nha Trang. Mình cũng đã trải nghiệm nhiều loại xe khác nhau từ 4 chỗ đến 7 chỗ, từ Toyota Vios, Mazda 3, Mitsubishi Expander cho đến Peugeot 3008 nên cũng coi như được biết "mùi đường" là gì.
Mình cũng tự nhủ rằng nếu sau này mua xe thì tốt nhất là đi xe châu Á của Hàn và Nhật vì:
- Các xe này có giá thành phù hợp với mục đích sử dụng. Mình khi đó cho rằng xe chỉ là phương tiện di chuyển từ A đến B và thấy không hợp lý khi phải chi 2 tỷ, 3 tỷ để đạt được mục đích đó, trong khi chỉ cần 500, 600 triệu là đủ.
- Chúng thường bền bỉ hơn các xe châu Âu, tức ít bị lỗi hơn, đi đường xa an tâm.
- Chúng có chi phí bảo trì thấp hơn các xe châu Âu, cụ thể là xe Đức.
Nói tóm lại qua việc tự tìm hiểu trên Quora và các bài học tài chính, mình cảm thấy vô lý khi nhiều người bỏ tiền ra gấp đôi, gấp ba lần để mua một chiếc xe để chạy "cho sướng". Cảm thấy họ đã bị "tẩy não" một cách khôn khéo bởi những chuyên gia marketing, mua những thứ xa xỉ để thỏa mãn cái tôi của mình và cho người đời thấy mình có tiền. Hoặc đơn giản là họ không kiềm chế được cảm xúc của mình trước những thứ xa xỉ.
Mình nghĩ anh bạn của mình là nhóm cuối cùng đó, vì ổng có kha khá xe. Đó là lý do mình nói chiếc BMW kia là "vợ ba" vì "vợ hai" của ổng là Mercedes GLC 300 4matic mua trước đó nửa năm. Nhưng anh này giấu kỹ, thường mua xong vài tháng sau mọi người mới biết. Ảnh tự bỏ tiền mua (doanh nhân thành đạt kín tiếng là đây) mà không nói cho bố mẹ biết, và khi ổng đi ăn với mọi người thì thường nhắc rất ít về xe.
Tuy vậy mình vẫn thấy ảnh khá là phung phí, và cũng thấy kỳ lạ là tại sao một người tính toán tài chính kỹ lưỡng như vậy lại mua nhiều xe cao cấp như vậy?
Thật là ngây thơ.
------------------------
“But feelings can't be ignored, no matter how unjust or ungrateful they seem.”
Đừng bỏ mặc cảm xúc, cho dù nó bất công và bội bạc như thế nào.
Cô bé Do Thái xấu số Anne Frank đã viết như vậy trong quyển nhật ký nổi tiếng của mình. Và mình cũng không thể không nhận thấy được cảm xúc của mình đã dâng lên khi chiếc G20 lướt đi xe gió nhưng rất mềm mại giữa phố phường Sài Gòn, giống như những cơn gió lao vút, gạt qua những ngọn cỏ, ngọn lúa trên đường đi của chúng. Đột nhiên giá tiền của chiếc xe trở thành một con số trên giấy.
Và điều đặc biệt mình cảm nhận được là chính bản thân mình là người điều khiển ngọn gió đó. Chiếc xe khiến đầu óc người lái như hòa nhập với chúng, và lần đầu tiên khi lái xe mình cảm thấy mình hoàn toàn làm chủ nó, tin tưởng nó, biết rằng nó sẽ làm bất cứ điều nào mình muốn.
Khi mình ngồi lên một chiếc xe Nhật và lái, mình thường sẽ nghĩ tới việc tiếp theo phải làm gì, hồi tưởng lại những chuyện cũ, về những nỗi lo bạn đang có. Tức việc lái xe rơi vào chế độ "tự hành" của não. Tuy nhiên cô nàng G20 này như muốn nói với mình rằng:
- Hey, đừng nghĩ tới chuyện khác nữa, nghĩ tới em này. Em đang ở đây. Tập trung vào em này.
Lần đầu tiên tâm trí của mình đã vượt ra khỏi khái niệm lái xe và biết đến khái niệm tận hưởng trải nghiệm lái.
Mọi người hay nhầm lẫn rằng xe tốc độ cao ở Đức không thể phóng nhanh ở đường Việt Nam được, nên người lái sẽ không trải nghiệm đã như ở Đức. Nhưng phần lớn trải nghiệm đó không đến từ việc lái tốc độ cao, nó đến từ những khoảnh khắc nhỏ trong lúc lái từ trong phố đến cao tốc. Chiếc xe như một người đồng hành liều lĩnh luôn khuyến khích mình trở nên liều hơn, phá cách hơn: vào cua tốc độ cao hơn đi, tăng tốc nhanh hơn đi, đừng giảm tốc khi né ổ gà. Hãy tận hưởng đi, đừng lo lắng, đừng ngại nữa.
Rồi mình chợt nhận ra rằng những cảm xúc đó rất khó cưỡng lại được. Khi bạn ra ngoài cuộc sống, phải đối mặt với stress công việc, gia đình, với những vấn đề ập đến bất ngờ, và trở nên cô đơn vì có ít bạn bè hơn, thì việc có một thứ giúp bạn tận hưởng từng phút ở bên nó sẽ khiến bạn rất khó dứt điều đó ra được. Sẽ có lúc bạn chỉ muốn ngồi lên đó và lái vòng vòng không mục đích, vì bạn muốn tận hưởng nó. Cuộc sống càng căng thẳng và tẻ nhạt hơn, bạn càng cần những chất kích thích như vậy hơn.
Giờ mình cũng hiểu tại sao anh bạn mình dùng chiếc xe như phòng họp di động. Có lúc khi quản lý cấp dưới của ảnh có vấn đề căng thẳng cần gặp nói chuyện, hoặc ảnh có suy tư trong công việc, ảnh sẽ lấy xe chở quản lý đi lòng vòng họp trên xe. Có thể chuyện sẽ chưa được giải quyết, nhưng tâm lý cả hai thường trở nên tốt hơn theo như ảnh nói. Ảnh gọi là "therapeutic meeting" (họp trị liệu).
Sức Mạnh Của Cảm Xúc
Có lẽ khi mọi người bắt đầu tìm hiểu về logic và tư duy phản biện, đa số sẽ nghĩ rằng cảm xúc là thứ cần phải gạt đi hoặc chế ngự. Chúng ta sẽ sống tốt hơn nếu dùng logic để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống, và càng ít bị cảm xúc chi phối thì mình sẽ đưa ra quyết định càng tốt hơn. Sự lan tràn của suy nghĩ sai lầm này dẫn tới ngày càng nhiều người tỏ ra coi thường khía cạnh cảm xúc hơn, dễ dàng nhận thấy điều đó qua các bài viết chỉ trích sự ngây ngô, dân trí kém của một nhóm người, đồng thời đề cao bản thân và tự nhận mình là người có lý trí.
Những suy nghĩ này là bước đầu trong việc tự gây ra tổn thương cho bản thân. Thay vì tìm hiểu cảm xúc con người đến từ đâu, và hiểu được tác động của nó lên hành vi của chúng ta, chúng ta đơn giản là kìm nén nó lại, hoặc cố ý chôn dấu nó đi vì nghĩ rằng không nghĩ tới nó nữa thì sẽ không còn bị tác động bởi nó.
Nhưng thật ra cảm xúc là thứ không thể tác rời được khỏi con người. Cảm xúc là thứ đã được hình thành trong não bộ của động vật và con người từ hàng triệu năm và đã trở thành một hệ thống cực kỳ tinh vi. Điều oái ăm với con người là phần nhận thức và phần cảm xúc dường như là hai thứ tách biệt. Các sách nghiên cứu về tâm lý, hành vi con người như The Elephant In The Brain, Predictably Irrational, The Laws of Human Nature đều chỉ ra rằng chúng ta thường coi thường cảm xúc và tin rằng chúng ta hành động hoàn toàn theo lý trí, trong khi thực chất đó chỉ là những phản ứng với cảm xúc của chúng ta.
Để minh họa cho điều này, tác giả Kevin Simpler và Robin Hanson của quyển The Elephant in the Brain đã ví von sự tương tác của nhận thức với cảm xúc giống như giữa người phát ngôn Nhà Trắng và Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nó giống như là:
Sarah Sanders bắt đầu buổi họp báo. Phóng viên hỏi: - Thưa cô, Tổng thống Donald Trump đã nói rằng truyền thông là kẻ thù của nhân dân. Điều này có nghĩa là thế nào? Trong đầu Sarah Sanders: - Ôi vãi, mình có biết gì về việc này đâu. Bộ ổng nói vậy thật hả? Nhưng mình không thể nói mình không biết gì được Ngoài miệng Sarah Sanders: - Rõ ràng truyền thông hiện nay là kẻ thù của nhân dân bởi vì cách họ đưa tin rất xúc phạm Tổng thống và....
Phần lớn chúng ta khi không dành thời gian tìm hiểu về cảm xúc sẽ không nhận ra điều này, rằng những gì chúng ta nghĩ là hành động logic hợp lý, thực chất chỉ là phản ứng của chúng ta đối với cảm xúc. Sự khác biệt giữa cảm xúc và lý trí thể hiện qua những gì chúng ta nghĩ về bất công thu nhập và hành vi chúng ta ngoài đời thực.
Trong quyển sách Skin in the game, tác giả Nassim Nicholas Taleb đã chỉ trích những nhà kinh tế học xây dựng các lý thuyết về bất công trong xã hội mà không thực sự hiểu cảm xúc của những người mà họ nghiên cứu. Hãy lấy trường hợp bạn đi làm. Bạn biết rằng các sếp của bạn có thu nhập cao gấp 10 lần của bạn. Bạn cũng biết rằng các sếp đó thường ít khi đến công ty, chỉ xuất hiện trong các buổi họp, hay giao việc rồi biến mất, ít khi làm việc quá thời gian. Bạn có bao giờ cảm thấy bất công vì người sếp đó lương gấp 10 lần bạn không? Hay bạn sẽ chỉ khó chịu nếu người sếp đó kém cỏi hoặc đối xử với bạn không tốt? Phần lớn thời gian khi chúng ta bất mãn về sếp, chưa bao giờ chúng ta bất mãn vì thấy ghen tị với thu nhập của sếp cả.
Nhưng hãy tưởng tượng một ngày nọ, bạn vô tình biết được rằng người đồng nghiệp bạn rất thân, hay đi ăn và tâm sự cùng bạn, giúp đỡ bạn khi khó khăn, lại được trả lương cao hơn bạn đáng kể, dù trình độ bạn cho là ngang nhau. Bạn liệu có chắc rằng bạn sẽ không cảm thấy một chút khó chịu, một chút e dè, một chút ghen tức, một chút tự ti? Liệu lần sau nhắc đến người đồng nghiệp đó, bạn sẽ không nghĩ đến sự khác biệt về thu nhập đó chứ, ngay cả khi bạn biết rằng người đó xứng đáng vì họ làm tốt hơn?
Theo Nassim, lý do có sự khác biệt này là vì chúng ta không phản ứng với một khái niệm nhưng chúng ta có phản ứng cảm xúc với con người. Theo logic đáng lẽ chúng ta sẽ thấy tức giận vì ông sếp có làm gì đâu mà lại được hưởng lương cao, thì chúng ta sẽ không để ý nhiều vì người sếp đó có khoảng cách lớn với chúng ta. Với chúng ta cái đó chỉ là con số. Nhưng chúng ta sẽ cảm thấy khác với đồng nghiệp vì đó là người chúng ta gặp, tiếp xúc hằng ngày. Do đó khi chúng ta nói đến bất công trong công ty, thường sự bất công đó là sự so sánh giữa đồng nghiệp hoặc với người làm chung với chúng ta, những người tạo cho ta cảm xúc, chứ ít khi là sự bất công giữa nhân viên ở dưới và sếp cấp cao ở trên.
Tuy nhiên, giống như phát ngôn viên của Nhà Trắng, chúng ta sẽ cố gắng không biểu lộ điều đó công khai. Chúng ta sẽ nói lý do chúng ta không ưa đồng nghiệp A vì người ấy có hành động này nọ không tốt. Nhưng thực chất lời nói đó chỉ là sự biện minh cho những cảm xúc ghen tị, sự tự ti, sự bất an mà chúng ta không thừa nhận với bản thân.
Việc cho rằng mình suy nghĩ logic dẫn đến việc đánh giá thấp cảm xúc của bản thân, và từ đó chúng ta cũng đánh giá thấp cảm xúc của người khác, thậm chí là không nhận thức được cảm xúc của họ. Hãy nói về vấn đề thần y trên mạng ngày nay. Tại sao bất chấp những lời cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, rất nhiều người vẫn tin vào các quảng cáo về trị bệnh trên mạng? Đây là điều mình hay tự hỏi, nhiều lúc mình có cảm giác mình và những người đó đang sống ở các thế giới khác nhau.
May mắn là đã có bài chia sẻ đây của bác sĩ Phạm Nguyên Quý giúp giải thích rõ điều này:
Là một quản trị viên của nhóm, tôi thường tự hỏi tại sao bệnh nhân và người nhà họ lại dễ dàng bỏ bác sĩ và bệnh viện, tìm tới những liệu pháp "lang băm" như vậy. Phải chăng họ thiếu kiến thức? thiếu niềm tin vào bác sĩ và y học hiện đại?Sau thời gian dài tìm hiểu, tôi nhận ra nguyên nhân quan trọng: nhiều bệnh nhân và bác sĩ không thể gặp nhau vì đang sống ở hai "thế giới" khác nhau.Trong khi các bác sĩ thường cố gắng giảng giải cho bệnh nhân hiểu về điều trị tiêu chuẩn trong tình huống căn bệnh, với nhiều bằng chứng khoa học nhất, mang lại khả năng thắng lợi cao nhất thì nhiều người bệnh lại nghĩ rằng "tiêu chuẩn" chỉ là kiểu "trung bình", kiểu "đại trà". Và họ muốn phương pháp nào đó đặc biệt hơn, thần kỳ hơn.Các bác sĩ hay dự đoán tiên lượng theo xác suất và dữ liệu thống kê, ví dụ "tỷ lệ thuốc giúp teo nhỏ khối u là 40% - 45%, thời gian thuốc giúp giữ bệnh không tiến triển thêm là 8-12 tháng". Những con số này đôi khi không "đi vào đầu" người bệnh.Đơn giản, bệnh nhân và người thân của họ muốn đi tìm niềm tin chữa lành chứ không phải là những con số khô khan mà bác sĩ cung cấp. Các bác sĩ với thói quen từ môi trường đào tạo thường ít dám tuyên bố chữa lành như mong mỏi của người bệnh.Trong khi đó, ngược lại, các "thần y" thường tuyên bố như đinh đóng cột "100% khỏi bệnh nan y", "không khỏi không lấy tiền". Đó chính là điều bệnh nhân đang tìm kiếm.
Nói ngắn gọn, các bác sĩ đã không tạo được cảm giác an tâm cho bệnh nhân. Bệnh nhân luôn mong có hi vọng sống và họ cần người đáp ứng được hi vọng đó cho họ. Xu hướng này cũng đúng và góp phần giải thích cho việc tại sao bất chấp cảnh báo của chính phủ, người dân vẫn đầu tư vào các công ty đa cấp, có dấu hiệu lừa đảo, tham gia các cơn sốt bất động sản để rồi bị mất trắng.
Bạn có thể đọc bài tương tự dưới đây nói về việc đánh vào cảm xúc của người nghe.
Nếu bạn đọc bài này xong và nghĩ rằng bạn sẽ không bị như các bệnh nhân được nhắc đến, thì đó là dấu hiệu của sự tự tin thái quá của một người chưa đối mặt với sự tuyệt vọng, lo âu kéo dài.
Trốn Chạy Và Đối Mặt
Series phim Mad Men trên Netflix là một series rất thú vị. Series này xoay quanh những drama bổ phổi (dù ngập tràn khói thuốc) ở trong công ty quảng cáo Sterling Cooper ở nước Mỹ trong thập niên 1960. Qua những drama đó, chúng ta khám phá ra được những cảm xúc của những nhân vật trong phim, những gì dẫn đến các quyết định của họ, cách họ giải quyết các xung đột nội tâm và cũng như đương đầu với sóng gió trong cuộc sống.
Phim để lại nhiều phân đoạn rất đáng nhớ nhưng với mình thì đoạn này để lại nhiều suy nghĩ nhất. Nếu bạn chưa coi phim và muốn coi, hãy bỏ qua đoạn dưới này.
<Bắt đầu tiết lộ nội dung phim>
Ở cuối mùa 1, nhân vật nữ Peggy, là một nhân viên sáng tạo xuất sắc của công ty, đã sanh ra một em bé sau một lần mây mưa ngắn ngủi với anh đồng nghiệp. Đứa bé hoàn toàn là ngoài mong đợi của cô. Vào thời điểm cô đang sống đó, làm một người mẹ đơn thân nuôi con ngoài giá thú là quyết định chắc chắn dẫn đến sự xa lánh của xã hội và nghèo khổ. Nhưng rồi cô phải làm gì đây? Mùa 1 kết thúc với một câu hỏi mở.
Ở mùa 2, bối cảnh phim diễn ra khoảng 1 năm sau khi kết thúc mùa 1. Người xem được biết rằng Peggy đã quay lại làm việc. Trong lúc cô vắng mặt vì nghỉ đẻ, gia đình đã phải bịa ra một chuyện về việc cô bị ốm để che dấu sự thật. Người xem sẽ không biết được chuyện gì xảy ra cho đến giữa mùa 2, trong một phân cảnh hồi tưởng của Peggy. Don Draper, người sếp của cô cũng là nhân vật chính của phim, đã không tin vào câu chuyện gia đình cô kể và quyết tìm ra sự thật.
"Anh đấy sao?", Peggy hỏi khi mở mắt và thấy Don đang nằm bên cạnh giường bệnh. "Anh thật sự ở đây sao?" "Đúng tôi đây", Don trả lời. "Anh làm gì ở đây?" "Cô được thăng chức và rồi cô biến mất. Quà Giáng sinh của cô thì nằm trên bàn. Tôi gọi điện đến nhà cô. Bạn cùng phòng của cô cho tôi số điện thoại của mẹ cô." "Ôi trời", Peggy ngồi dậy. "Mẹ cô nói cô đang bị cách ly. Bệnh lao phổi. Tôi đoán nói như vậy là để làm tôi bớt lo lắng." "Tôi xin lỗi." "Cô bị làm sao vậy?" "Tôi không biết." "Họ muốn cô làm gì?" "Tôi không biết."
"Có, cô có biết." Don nhìn thẳng vào mắt cô gái. "Làm đi. Làm như những gì họ nói." Peggy lặng im. "Peggy, nghe tôi này", anh ấy tiếp tục, "hãy ra khỏi đây và tiến lên phía trước. Chuyện này chưa bao giờ xảy ra." Sau một khoảnh khắc ngưng lại, anh nói, "Rồi cô sẽ cảm thấy rất sốc vì việc này chưa bao giờ xảy ra." Và cảnh phim dừng ở đó. Người xem sẽ không biết chuyện gì đã xảy ra tiếp trong 6 season nữa.
<Hết tiết lộ nội dung phim>
Đoạn hội thoại ở trên (sẽ ấn tượng hơn nếu bạn theo dõi phim từ đầu) tóm tắt bản chất của những nhân vật trong phim đó: đó là sự trốn chạy khỏi bản thân, với cảm xúc, bằng cách tự kể cho mình những câu chuyện. Thay vì đối mặt với cảm xúc, chúng ta gạt nó qua và lấp vào chỗ trống ấy bằng những câu chuyện chúng ta tự tạo nên trong đầu, để tự trấn an bản thân mình.
Và đó có lẽ là cách phổ biến nhất mà chúng ta hay làm để đối đầu với những cảm xúc đau khổ: che dấu chúng, chôn vùi chúng và thay thế chúng bằng những câu chuyện khác. Bản thân mình cũng đã trải qua như thế, cố gắng trấn an bản thân bằng cách cố gắng đưa những ý nghĩa khác vào trong câu chuyện, tự biện minh cho các sai lầm hoặc né tránh nhắc về sự vô trách nhiệm của bản thân. Nhưng những điều đó chỉ như thuốc an thần trong ngắn hạn, tác dụng phụ là những sự đau đớn về tinh thần lại bật quay trở lại và hành hạ tâm trí.
Chính bản thân mình cũng đã quên rằng muốn vượt qua đau khổ thì phải đối đầu với nó, như trong bài viết Suy Nghĩ Đơn Giản Không Giúp Cuộc Sống Của Bạn Đơn Giản của chính mình.
Tuy nhiên mình cũng không cho rằng phải chiến đấu với cảm xúc là một giải pháp. Bởi nếu ngày nào cũng phải chiến đấu thì con người sẽ rất mệt mỏi, ngoài ra việc chiến đấu có hàm ý rằng cảm xúc là kẻ thù phải bị loại bỏ, không thì cũng là một con ngựa hoang cần bị kiềm chế. Các hình ảnh ẩn dụ này với mình đều không phù hợp.
Giải pháp mà mình thấy hợp lý nhất với bản thân mình, và với nhiều người, đó là coi cảm xúc như một đối tác. Nói ngắn gọn là chúng ta phải sống đa nhân cách, một nhân cách lý trí và một nhân cách cảm xúc. Cả hai sẽ ngồi lại với nhau để trò chuyện. Mình làm điều đó bằng cách:
1. Dành thời gian đọc về chủ nghĩa khắc kỷ để hiểu về các nguyên tắc sống. Cám ơn anh Andy Lương đã góp phần giới thiệu chủ nghĩa này ra đại chúng. Bên cạnh đó đọc và tìm hiểu về tâm lý, cảm xúc con người qua sách báo, quan sát hành vi của trẻ nhỏ. 2. Tập đối diện với bản thân và chia sẻ những cảm xúc thật, có thể là chia sẻ cho bản thân mình đọc, có thể là cho người khác. 3. Lắng nghe chuyện của người khác để hiểu về cảm xúc của người khác. Cái chính là phải lắng nghe câu chuyện của càng nhiều người khác nhau ở nhiều lĩnh vực, đội tuổi khác nhau càng tốt. 4. Phải luôn thừa nhận rằng bản thân còn yếu kém trong giao tiếp, trong việc hiểu mọi người, để từ đó có thể vươn lên.
5. Mua nhà, chơi coin, mua xe hơi
Khi kiên trì thực hành những điều này trong một thời gian dài, có thể là cả năm, bạn sẽ dần dần tách rời được những ước mong, những viễn cảnh tưởng tượng trong đầu ra khỏi thực tế. Ví dụ về bản thân mình thì:
1. Mình đã tách được con người của hiện tại với quá khứ. Trước đây khi nhìn lại những khoảnh khắc đau lòng, mình luôn nhìn với góc nhìn thứ nhất, tức mình là người trong cuộc. Nhưng bây giờ mình đã nhìn với góc nhìn thứ ba, tức mình trong quá khứ là một nhân vật khác. Điều đó giúp mình thoát khỏi việc chìm đắm trong quá khứ, giúp não bộ ý thức được rằng việc này đã chấm dứt rồi và nó không quan trọng nữa. 2. Nhận thức được rằng có những chuyện chỉ ảnh hưởng 0.00001% đến cuộc sống của bản thân nhưng lại khiến bản thân dành 80% thời gian để nghĩ về nó. Một người nào đó nói lời gì đó khiến mình đau lòng, hoặc là một sự hiểu nhầm, hoặc là một lỗi lầm trong quá khứ. Những cảm xúc đó sẽ sinh sôi như nấm sau mưa, bám lấy hết tâm trí của mình. Ban đầu mình cố gắng chống lại, nhưng sau đó mình để cho nó phát triển tự nhiên và cố gắng tìm hiểu gốc rễ. Khi mình đã hiểu rõ được cảm xúc, các ngọn nguồn gốc rễ, mình nhận ra nó như kẹo bông vậy. Nhìn thì to nhưng bên trong trống rỗng. Và nó không ghê gớm như ấn tượng ban đầu. Dần dần những chuyện đó trở nên phai nhạt đi. 3. Chuyển qua góc nhìn tích cực hơn. Mình coi mỗi sự đau khổ là một cơ hội để khám phá bản thân, để hiểu được nguồn gốc sự đau khổ đó đến từ đâu, từ đó hiểu về bản thân cũng như thu thập thêm kiến thức về tâm lý con người. Sau đó biết giao tiếp tốt hơn và duy trì được mối quan hệ lâu bền hơn. Một ví dụ của phản ứng tích cực là mình đã dành thời gian để viết bài này cho mọi người.
Mục tiêu cuối cùng của mình không phải là để thoát hoàn toàn khỏi sự đau khổ gây ra bởi cảm xúc, mà là tìm được sự hài hòa giữa ý thức và cảm xúc, để trong tâm trí không còn là những cuộc nội chiến kéo dài vô tận.
Tâm trí khỏe mạnh
Anh bạn mình mua xe vì ảnh muốn tận hưởng cảm giác lái những chiếc xe đó, chứ không phải là vì ảnh cần khoe cho người khác biết. Những gì anh muốn chỉ là để phục vụ giải tỏa cảm xúc bản thân. Liệu điều đó có đáng với con số hơn 2 tỷ bỏ ra. Mình thì không biết, nhưng mình thấy ảnh vẫn kinh doanh tốt, vẫn chịu được áp lực kinh doanh, áp lực trong cuộc sống và đẩy công ty vươn lên. Mỗi tháng anh lái xe phải hơn 1500km, thuộc mức khá cao đối với xe không chạy dịch vụ. Điều đó dường như tỷ lệ thuận với cường độ stress mà anh phải chịu.
Mình viết bài không không phải để nói rằng bạn nên mua xe BMW (tuy vậy bạn nên thử nếu có dịp). Mà là mình hi vọng rằng những ai đang cảm thấy bế tắc, xung đội với bản thân có thể tìm ra được giải pháp cho bản thân mình. Mỗi người sẽ tìm ra được hướng giải quyết khác nhau. Nhưng để tìm được giải pháp, bước đầu tiên đó là bạn phải nhận thức được rằng cảm xúc là một yếu tố lớn trong cuộc sống mà không may là thường bị đánh giá thấp hoặc bỏ qua. Có nhiều lớp và khóa học về nâng cao cải thiện tư duy, nhưng có ít tài liệu và khóa học về quản trị cảm xúc, ít nhất là ở Việt Nam. Học và hiểu về cảm xúc càng trở nên cần thiết hơn trong thời điểm bùng nổ công nghệ thông tin như hiện tại.
Có lẽ trong lịch sử nhân loại chưa bao giờ các vấn đề về tâm lý con người lại phổ biến như thế, góp phần vào đó là sự bùng nổ của công nghệ nghe nhìn, các mạng xã hội. Hãy để ý rằng tất cả các sản phẩm số từ TikTok, Youtube, Facebook, tính năng story trên Instagram đều cố gắng khai thác tối đa cảm xúc của con người, khiến con người luôn rơi vào tình trạng bị hưng phấn. Nó khiến cuộc sống bị tràn ngập và lấn át bởi cảm xúc, khiến cho chúng ta cảm thấy khó khăn trong việc tìm ra đường đi của cuộc đời mình. Mình hay nói đùa với mọi người rằng từ ngày có 2 chức năng này ra đời, số lượng thanh thiếu niên bị trầm cảm tăng cao lên hẳn: đó là chức năng "đã xem tin nhắn" giới thiệu bởi Facebook và tính năng tạo câu chuyện (story) khởi đầu bởi Instagram.
Do đó chúng ta càng cần nhiều thời gian và cần có phương pháp đúng đắn để sống với cảm xúc của con người mình. Mình nghĩ rằng không nên coi đây là một cuộc chiến với mục tiêu là loại bỏ sự đau khổ gây ra khỏi cảm xúc, mà là sống hài hòa với những cảm xúc của bản thân, coi ý thức và cảm xúc như hai cộng sự hợp tác với nhau để giúp đưa ra quyết định phù hợp trong cuộc sống.
Đó là một hành trình dài và gian khó. Chúc các bạn có đủ kiên trì để thành công.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất