Đó là những lời mà thầy giáo của tôi thốt ra trong giờ Kinh tế lượng , cùng với đó là ánh mắt chẳng lóe lên một hy vọng phản hồi nào. Tiết học đó là tiết học ngoài tín chỉ. Chỉ có lác đác độ 10 người đến lớp, dù ai trong 90 người còn lại cũng biết rằng chỉ cần tham gia vài tiếng học là có thể vượt qua kỳ thi học phần dễ dàng hơn. Chắc là sáng nay có người dậy muộn, có người cho rằng họ có thể tự vượt qua kỳ thi mà không cần đến lớp, vài người còn lại thì … chẳng mảy may biết tên môn học là gì. Ấy thế mà hỏi đứa nào cũng muốn qua môn, rồi lại muốn được 3 chấm GPA, rồi sau này cũng mong cầm bảng điểm ấy vào làm ở cho công ty có tiếng nhất cái Hà Nội này.
Lười còn chảnh à.. Đáng buồn là hình như thầy nói đúng!
Sống trong xã hội có quá nhiều sự phân tán, chúng ta bắt đầu biết lười nhiều hơn

Nếu bạn vẫn còn nghĩ sống trong thời đại công nghệ là một lợi thế, đã đến lúc suy nghĩ lại rồi đấy. Công nghệ càng cấp tiến, sự tập trung của con người càng hạ tiến. Ngày trước loài người chê con cá vàng chỉ nhớ có 9 giây rồi quên hết. Bây giờ, có người đến 8 giây còn không tập trung được. Một trong những thời gian kinh khủng nhất thời đi học đại học của tôi là 2 tuần nghỉ ôn thi. Bởi vì dù có cố gắng dặn dò bản thân đến đâu, tôi cũng sẽ không thể rờ đến quyển sách cho đến 2 ngày cuối cùng. Trải nghiệm đáng sợ thứ hai là làm bài tập trên laptop. Vừa mới viết được vài dòng rời rạc, tôi đã muốn bật ngay Facebook lên xem thế giới thay đổi như thế nào rồi. Có khi mở Youtube lên để học, chỉ 1 giây ngay sau đó, tôi đã quên béng cái mục đích mở Youtube để làm gì. Và có khi nào cầm chiếc điện thoại trên tay, bạn thấy phát sợ ma lực của nó chưa? Tôi sợ, chúng ta thật sự nên sợ con quái vật ăn thịt thời gian mang tên công nghệ này. Đôi khi, khoảng cách giữa vị trí của bạn và mục tiêu đời bạn chỉ cách nhau bằng 1 cái hố, cái hố chỉ toàn Facebook, Zalo, Instagram, Youtube và mấy app điện thoại. Sống trong xã hội có quá nhiều cám dỗ của sự phân tán, chúng ta cứ lười dần đi.
Lười trong tư tưởng đã đành, đến hành động chúng ta cũng lười nốt. Tôi không biết người đọc bài viết này là kiểu sinh viên nào mà tôi đã gặp. Có thể bạn là một người ham học, ham đến nỗi chỉ biết đường đến trường rồi rẽ sang thư viện, ngoài chữ và tấm bằng đỏ ra thì … rỗng. Có thể bạn là một người chẳng thích lo lắng về tương lai, thích tận hưởng cảm giác tỉ phú thời gian bằng một vòng khép kín ăn – chơi – ngủ - nghỉ - rồi lại ăn. Nếu bạn thấy mình qua những câu chữ đó, tôi mong bạn nhận ra mình đang ở vùng báo động lười. Chẳng thích học đã đành, ngày nay sinh viên đáng sợ nhất là lười chịu khổ, lười khám phá, lười cống hiến. Chúng ta thường nghĩ rằng, học thì thấm vào thân, chứ làm ba cái trò tình nguyện thì được gì. Đang làm chủ cuộc sống tự dưng đi làm thuê không công, ăn mắng ăn chửi thì ngộ được cái chi. Ở một mình vẫn ổn, tham gia mấy câu lạc bộ quốc tế thì chỉ tổ tốn giời gian. Hóa ra, chẳng cần phần “nhờ” đến công nghệ ma thuật, chính chúng ta cứ tự làm mình lười biếng, tiến về phía trước chậm chạp như một chiếc xe lu nặng nề.
Có phải chúng ta cũng đang quá ảo tưởng vào sức mạnh của mình
Với nhiều người, đặt chân vào giảng đường đại học đã là một thành tích vượt bậc, một cú ngoặt cho tương lai. Nhưng rồi, họ bị trường đại học lừa cho mà không biết! Học ở đại học, chẳng ai thúc ép mình phải làm gì, không qua môn thì nộp tiền học lại. Có phải vì thế mà sinh viên cứ tưởng ra ngoài kia, thích thì làm không thích thì nghỉ, cái gì cũng có thể làm lại từ đầu. Chẳng đối mặt với cơm áo gạo tiền, hay đơn giản là chẳng đối mặt với áp lực nặng nề lên một đứa dính mác “chưa có việc làm”, chúng ta ngây thơ tin vào “lý thuyết” bao dung của trường đại học. Ngoài cửa trường, nếu bạn sai có khi bạn sẽ ngồi sau song sắt. Nếu bạn muốn làm lại, bạn chẳng dám chắc mình đủ nghị lực phi thường như Jack Ma đâu hay bạn sẽ thất bại dần, thất bại mãi mãi.
Hay nếu bạn vẫn còn nghĩ giảng viên khó tính là một điều tồi tệ thì bạn sắp bị đời tát một vố đau đớn vì ra đời, bạn mới nhận ra họ là những người hiền lành nhất. Họ không bắt buộc bạn phải giỏi bằng doanh thu và lợi nhuận. Họ không có quyền đuổi học bạn chỉ vì họ không thích. Họ cũng chẳng bao giờ đặt cuộc sống của gia đình bạn lên bàn cân và bắt bạn chọn lựa.
Bạn của tôi học Đại học Ngoại thương, gia đình tự hào, họ hàng kỳ vọng. Nhưng 3 tháng nay, bạn không hề được nhận vào một công ty nào. Bạn kể rằng bạn rải CV vào rất nhiều công ty ở Hà Nội. Nhưng những công ty bạn kỳ vọng nhất, lại không bao giờ liên lạc. Dù cho những công ty khác bạn có vượt qua đợt tuyển, nhưng bạn cũng chẳng đủ niềm tự hào để cống hiến cho những nơi chọn bạn. Tôi chợt nhớ lại cũng đọc trên YboxConfession nhiều lần câu chuyện của những người ra trường không tìm việc mình-mong-muốn. Cái khái niệm việc mình muốn thật sự không hề có tiêu chuẩn. Bạn nghe quá nhiều lời những bà hàng xóm hỏi đổng: Học ngoại thương ra mà lại làm bán lẻ á? Học báo chí ra sao không đi làm tòa soạn? Học kinh tế không làm cho BIG4 sao lại đi mở mấy cái công ty không tên không tuổi vậy con? Từ bao giờ bạn bắt đầu lập trình bộ não: không biết làm cái gì nhưng ra trường mình phải làm được thế này!
Đặt ra mục tiêu là hoàn toàn đáng khuyến khích, nhưng chỉ khi bạn chuẩn bị đủ cho những dự định của mình. Bạn không thể đòi hòi được làm ở những tập đoàn đa quốc gia chỉ vì bạn học chuyên ngành marketing đại học RMIT trong khi tiếng anh của bạn mấy năm học lơ đễnh. Bạn cũng đừng hỏi tại sao mình trượt suất vào làm tại một tổ chức phi chính phủ trong khi điểm GPA của bạn 3.92 bởi vì bạn còn chưa bao giờ đi một chuyến tình nguyện nào. Và cũng đừng mơ tưởng mình sẽ được làm viên chức Bộ Ngoại Giao chỉ vì bạn mòn đũng quần 4 năm tại Học viện Ngoại giao mà môn đại cương chưa bao giờ được loại giỏi. Khi bạn có thể làm, bạn từ chối vì khổ. Vậy khi bạn bị từ chối, đừng oán thán vì sao đời thất bại quá nhiều. Bạn thử ngẫm lại quãng thời gian vừa qua bạn học ở đại học, bạn đã làm được gì, bạn lên thư viện bao nhiêu lần, bạn tham gia bao nhiêu giờ tình nguyện, bạn giúp được bao nhiêu giá trị cho cộng đồng, bạn cống hiến mấy tháng đi làm thực tập sinh? Bạn có thấy thầy của tôi bây giờ nói đúng, sinh viên gì đâu đã lười lại còn chảnh.
Đừng để trường đại học lừa bạn, đừng thua con cá vàng 9 giây!

Bài học đầu tiên khi vào đời là bị ăn quả lừa. Mà quả lừa lớn nhất chính là từ ngôi trường đại học mà bạn bỏ công tu luyện cả năm trời để được vào. Đừng tin rằng chỉ học thôi là giảng viên cho điểm tốt. Có làm thì mới biết người giỏi chuyên môn nhất chưa chắc là người đứng đầu xuất sắc. Chúng ta cần kỹ năng, cần bạn bè, cần biết ăn nói, cần hiểu sự hòa đồng, cần sự trách nhiệm và cần trái tim nhiệt huyết. Rất tiếc trường học chỉ dạy bạn 1 chút ít. Nhưng nếu bạn tham gia vào hoạt động tập thể, có thể bạn chẳng biết thêm mấy kiến thức về kinh doanh, nhưng sự thấu hiểu cộng đồng, một tâm hồn đẹp và đức tính trung thực, trách nhiệm thì bạn được tặng thừa. Bạn đi làm thêm, làm thực tập từ sớm bạn mới nhận ra kiến thức bạn học mênh mông biển trời mà áp dụng chẳng là bao. Quan trọng là thực tiễn và phản ứng tốc biến của những người có kinh nghiệm. Bạn đi ra ngoài không phải để ấm vào thân. Điều đó là sự thật, bạn sẽ khổ, sẽ mệt, sẽ tốn cả tấn thời gian vào những việc bố mẹ bảo là không-đâu-vào-đâu. Nhưng cuộc sống có quy luật của nó, những giá trị tốt đẹp được cho đi sẽ mang về những thành quả tốt đẹp hơn.
Lời cuối cùng, đừng là con cá vàng 9 giây nữa bạn nhé! Đến Mark Zuckerberg sáng tạo ra đế chế Facebook còn không lướt newfeed nhiều như bạn. Đến ngôi sao nổi tiếng Angelina Jolie cũng chẳng mảy may quan tâm đến thế giới nhìn cô như thế nào qua Twitter. Nếu bạn rời xa mạng xã hội một ngày, thì cuộc sống vẫn xoay và mọi thứ vẫn ổn. Bạn sẽ ổn, và thế giới này chắc chắn cũng ổn. Ngày xưa người ta bắt con đom đóm, bỏ vào ống đèn dầu mà học hóa ra lại hay, chẳng có sự xao nhãng nào thay đổi được tinh thần cũng những người học chân chính. Nếu bạn không muốn là kiểu sinh viên vừa lười vừa chảnh, trước tiên hãy thay đổi thói lười biếng của mình. Thay đổi thói quen ăn thịt thời gian bằng mạng xã hội, thay đổi sự ngại ngùng khi tham gia những hoạt động bên ngoài trường lớp. Có một điều tôi luôn trân trọng trong quãng thời gian đại học của mình. Đó là bạn vẫn có cơ hội để sửa sai.
                                                                                                           Theo Cloudrea.