Thế rồi thì nhà tôi cũng có em bé. Đó là quyết định cả hai vợ chồng đều đồng lòng, và sau hơn 9 tháng chờ đợi đầy hồi hộp cũng như sự háo hức, thì em bé cũng đến với gia đình. Chúng tôi đã bàn với nhau về nhiều thứ: tên của con là gì, sẽ đi thăm khám ở đâu, sanh thường hay sanh mổ, chọn gói sanh nào ở bệnh viện nào, con sinh ra thì ngủ chung hay ngủ riêng với ba mẹ, ai sẽ phụ chăm sóc con, con bú mẹ trực tiếp hay bú bình, con uống sữa mẹ hay sữa công thức.
Rồi em bé lớn hơn một chút thì chúng tôi bắt đầu bàn những thứ xa xôi hơn ngoài việc chăm sóc con: mình sẽ dạy con như thế nào, sẽ cho con học gì, sẽ cho con chơi ở đâu, sẽ cho con đi học lúc bao nhiêu tháng tuổi, học ở quận mấy, học chương trình gì.
Đó là những quyết định quan trọng với cuộc đời của đứa bé, được đưa ra bởi chúng tôi mà không hề được nghe hay biết ý kiến của con. Bé nhà tôi không chọn sinh ra trong căn nhà này, không được tự chọn giới tính, cũng không chọn sữa được uống, tã được mặc, không được chọn đi dạo công viên lúc mấy giờ, không được tự chọn thực đơn ăn dặm.
Tất cả mọi quyết định đều là do chúng tôi, kể cả việc quyết định bé tồn tại trên cuộc đời này. Chẳng có gì là ngẫu nhiên hay "tai nạn" cả. Ấy vậy thì tôi tự hỏi, tại sao tôi lại bắt bé nhà tôi phải báo hiếu cho mình?
Theo quan điểm của tôi, khái niệm "hiếu thảo" có nhiều điều phức tạp hơn so với "yêu thương cha mẹ". Sự khác biệt lớn nhất là nó mang tính chất bắt buộc, thể hiện qua câu "cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Khi chúng ta gán cho một đứa trẻ trách nhiệm phải hiếu thảo, chúng ta không hề nhẹ nhàng. Ngay từ khi sinh ra, một đứa trẻ đã phải đối mặt với một ràng buộc vô hình, một sợi dây liên kết chặt chẽ nó với cha mẹ, và cái ràng buộc ấy mang tính chất thuần phục.
Tức chúng ta chọn tạo ra một đứa bé để nó thuần phục mình.
Dù cha mẹ có yêu thương hay hành hạ, đứa trẻ không được "phép" phản kháng. Sức nặng của từ "phải" dẫn đến sự hiểu lầm đau lòng rằng nếu cha mẹ tức giận và hành hạ mình, thì đứa trẻ phải tự trách bản thân vì đã không thể trở thành đứa con hiếu thảo như mong đợi. Từ đó nó cứ trở thành một người bất an và cố gắng làm được mọi thứ để có sự yêu thương, công nhận từ cha mẹ.
Tôi hiểu cái cám dỗ của việc ép một đứa trẻ theo ý muốn của mình. Khi tôi cứ nghĩ xem con lớn lên sẽ như thế nào, tôi dễ dàng rơi vào vòng xoáy của những ham muốn: con mình sẽ học chỗ này, sẽ được thế này, sẽ giỏi cái kia, sẽ hơn con nhà người khác chỗ này. Cái cảm giác đó như mình là một đấng tạo hóa vậy, mình sẽ tùy ý "cá nhân hóa" đứa con theo ý muốn của mình.
Do đó không lạ gì khi tôi gặp nhiều ông bố bà mẹ hay chia sẻ các triết lý nuôi con do họ tự nghĩ ra. Con phải làm thế này, con phải làm thế kia, con phải học trường này, con chỉ được chơi với người này, không được tiếp xúc với nhà nọ, không được làm cái này, con trai phải thế này, con gái phải thế kia, tất cả những yêu cầu đó thường được che giấu dưới một lý do mang tính giáo dục, nhưng tôi biết nhiều lúc nó chỉ là vì ba mẹ muốn vậy. Nhiều lúc vì sĩ diện với họ hàng, với hàng xóm mà cha mẹ cứ bắt con phải làm những điều ngớ ngẩn. Một lời nhận xét ác ý của họ hàng cũng khiến đứa trẻ phải hứng chịu những trận quát mắng mà không có cơ hội bày tỏ.
Có thể sẽ có những người cho rằng quan điểm này của tôi quá bi quan. Tuy nhiên, tôi tin rằng trong mọi quan hệ giữa con người, khi một người nắm quyền lực tuyệt đối trên người khác, việc lạm dụng quyền lực ấy là điều không thể tránh khỏi. Khi những người cha mẹ biết rằng con cái của họ sẽ không thể phản kháng và họ có thể sử dụng "hiếu thảo" để ép buộc con yêu thương, chăm sóc họ bất kể hoàn cảnh, thì đôi khi, những gì mà đứa trẻ nhận được lại không phải là tình yêu thương mà là sự la mắng, đánh đập, và thậm chí trở thành nơi đổ lỗi cho những thất bại của cha mẹ.
Những chuyện cấm đoán, chửi mắng cứ tưởng như đã là của quá khứ nhưng hóa ra vẫn đầy rẫy ở hiện tại. Tôi đã nghe tâm sự của nhiều bạn bè, có người trẻ hơn nhiều tuổi, về những nỗi buồn mà bạn phải hứng chịu trong gia đình, những cảm xúc tiêu cực tích tụ lâu năm thấm sâu trong người mà dường như không có cách nào gạt bỏ. Có bạn vẫn khóc khi nhớ về việc ba mẹ nói mình sinh ra mang lại xui xẻo cho gia đình, có bạn vẫn nhớ như in lúc bị chửi, thậm chí là đánh vì trót quý mến một bạn trai trên lớp nắm tay bạn ấy, rồi bị cô giáo thấy cô "méc" ba mẹ. Hay là cậu nhóc chỉ vì không vào được trường chuyên như ba mẹ mong đợi mà bị coi như "dự án thất bại" và ba mẹ dồn sự yêu thương cho cô em gái, với hi vọng nó sẽ tốt hơn người anh trai. Hoặc là một bạn khác, trong lúc mệt mỏi và buồn bã thì buột miệng bất lịch sự với người họ hàng, để người họ hàng đó phàn nàn với ba mẹ và thế là bị chửi té tát. Cậu bị chửi vì ba mẹ bị thấy mất mặt, và không bao giờ được lắng nghe.
Ấy vậy mà tất cả các trường hợp đó, tôi được biết rằng các phụ huynh đều cảm thấy tức giận vì đứa con đã hỗn láo, nó không biết nghe lời, nó không "hiếu thảo", và đứa con dù đã hơn 20 thì vẫn cố suy nghĩ làm sao để mà báo ơn gia đình.
Tôi cho rằng nhiều người sẽ bối rối, thậm chí tức giận nếu tôi nói họ rằng con của họ không có nghĩa vụ phải yêu thương họ nếu suốt hàng chục năm trong nhà họ chỉ bạo hành nó. Khái niệm "hiếu thảo" giúp tạo ra niềm tin rằng họ có thể làm mọi thứ với đứa con mà chẳng bao giờ phải nhận hậu quả, bởi vì làm sao một đứa con lại dám phản kháng lại với cha mẹ chứ? Làm sao mà con cái lại có thể chọn không yêu thương cha mẹ nó được? Cái suy nghĩ đó là không tưởng, là đồi bại. Rốt cuộc điều tồi tệ nhất có thể đến là gì nếu tôi cứ chửi mắng đứa con của tôi, tất nhiên là không có gì bởi vì nó có thể trốn đi đâu để ở được chứ? Làm sao nó có thể dám từ mặt cha mẹ nó được?
Đứa bé khi sinh ra đời hầu như không có ý thức, chỉ có bản năng sinh tồn, nó sẽ làm mọi thứ để có thể sống sót. Môi trường xung quanh nó với nhiều tiếng ồn và ánh sáng chói chang làm nó bối rối. Não em bé vì hoảng sợ mà luôn tiết ra các hormone căng thẳng như cortisol và adrenaline. Những hormone này giúp chuẩn bị cơ thể cho những tình huống nguy hiểm: bơm máu nhiều hơn tới các cơ bắp làm tăng huyết áp, kích hoạt các cơ chế tự vệ như đạp, đập tay, la hét. Sự căng thẳng chị dịu đi khi đứa bé cảm nhận được hơi ấm tình thương, tiếng nói nhẹ nhàng của những người yêu thương nó, để nó bình tĩnh lại và não của nó có thể thư giãn và phát triển.
Những hormone này chính là cơ chế tự vệ của cơ thể, kích thích huyết áp tăng lên, dẫn đến việc máu lưu thông nhanh hơn đến các cơ bắp, đồng thời kích hoạt các phản ứng tự vệ như đạp chân, vẫy tay, hay la hét. Nhưng khi đầu bé được vuốt ve nhẹ nhàng, tiếng nói dịu dàng và hơi ấm của tình yêu giúp nó dần bình tĩnh lại. Sự nhẹ nhàng này giúp não bé lấy lại sự thư giãn, tạo điều kiện cho quá trình phát triển vượt bậc.
Những đứa trẻ không may phải trưởng thành trong đau đớn mà không có lối thoát thường phát triển một bộ não luôn trong tình trạng căng thẳng, dễ dàng phản ứng mạnh với những lời nói tiêu cực. Những vết thương tâm lý này hằn sâu trong họ, tạo nên một nhu cầu mãnh liệt để được yêu thương và công nhận. Đây là những sang chấn tâm lý mà thời gian có thể không thể làm lành hoàn toàn, nó thâm nhập sâu vào tâm trí và cảm xúc, hình thành nên một phần không thể tách rời của cá nhân họ.
Để đảm bảo đứa bé sinh ra sẽ nhận được sự yêu thương chứ không phải những nỗi đau về tinh thần, tôi nghĩ rằng chúng ta phải thừa nhận một điều sau: lý do đúng đắn để có con là vì chúng ta muốn yêu thương một thứ lớn hơn bản thân mình, và điều đó giúp chúng ta có động lực để sống.
Tất cả những lý do khác hầu như sẽ dẫn đến các bi kịch gia đình: có con vì sức ép của họ hàng, có con vì đó là điều phải làm, có con vì sợ về già sẽ cô đơn, có con là để nối nghiệp gia đình, có con là để hàn gắn mâu thuẫn vợ chồng, có con vì hi vọng sẽ thay đổi tâm tính của người vợ hoặc chồng,...Tức đủ thứ lý do ngoại trừ việc muốn yêu thương đứa bé.
Khi chúng ta có con vì những áp lực ở bên ngoài, hoặc là vì đó là nghĩa vụ, chúng ta có rủi ro sau này sẽ oán trách đứa con ấy, bởi vì sâu trong thâm tâm chúng ta biết đó không phải là điều chúng ta thực sự muốn. Con người chúng ta sâu bên trong luôn căm ghét những ai bắt mình làm gì đó và hậu quả chỉ có mình gánh chịu. Sự oán trách đó, nếu không được thể hiện qua đòn roi, lời nói, thì cũng sẽ ngầm thể hiện qua những sự thờ ơ sau này. Khi đứa bé dần lớn lên và công sức để nuôi đứa bé càng ngày càng tăng, những hạt giống căm tức sẽ càng dễ nảy nở trong môi trường căng thẳng, và chúng ta sẽ làm tổn thương đứa bé.
Nhưng khi chúng ta chọn có con vì chúng ta muốn có một đứa con để yêu thương, chúng ta sẽ khác. Khi tâm trí ta chủ động chọn suy nghĩ này, ta ngầm thừa nhận rằng đây là trách nhiệm của mình, và đứa con không có tiếng nói trong chuyện này, và do đó nó không có nghĩa vụ phải yêu lại ba mẹ nó. Theo góc nhìn đó chúng ta hiểu rằng chúng ta không có ban ơn cho đứa con, và ngược lại phải biết ơn vì đứa bé đã đến với mình. Nếu bạn không tin, bạn hãy thử gặp những người có em bé thành công sau khi chữa trị hiếm muộn, bạn sẽ thấy họ cám ơn trời phật và bác sĩ nhiều như thế nào. Ngoài ra khi chúng ta hiểu rằng đứa con có quyền lựa chọn, thì chúng ta hiểu rằng nó chỉ chọn yêu ba mẹ nó khi nó nhận được đúng sự yêu thương từ chính ba mẹ nó. Như vậy sự yêu thương, tôn trọng của đứa trẻ trong tình huống này không phải là được đảm bảo, và ba mẹ phải cố gắng để có được nó, thông qua những hành động có trách nhiệm, sự quan tâm chăm sóc tử tế.
Tôi hiểu rằng những gì tôi viết ở đây rộng hơn là chữ "hiếu", bởi vì ở những quốc gia khác nơi khái niệm "hiếu thảo" không tồn tại một cách rõ ràng như ở Việt Nam, việc bạo hành và lạm dụng trẻ em vẫn diễn ra. Điều đó cho thấy vấn đề này đến từ bản năng của con người chứ không phải là do một khái niệm nào đó gây ra. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng khái niệm "hiếu thảo" đang là một công cụ hữu ích để giúp người ta biện minh cho những sự bạo hành lên con cái.
Tôi kết thúc bài viết bằng việc chia sẻ quan điểm của Naval Ravikant, một doanh nhân và là nhà đầu tư thiên thần ở Thung lũng Sillicon:
"Tôi nghĩ rằng trẻ em mang lại cho bạn một cơ hội độc đáo để yêu thương một thứ gì đó nhiều hơn cả bản thân mình. Và tôi nghĩ điều đó rất quan trọng để trở nên hạnh phúc, bởi vì trong khoảnh khắc bạn yêu thương một thứ gì đó hơn chính mình, bạn không còn bị ám ảnh với bản thân; bạn không còn nghĩ về chính mình suốt thời gian dài. Và nguồn gốc của sự đau khổ chính là việc suy nghĩ về bản thân mình quá nhiều.
[....]Bạn cần phải tìm ra điều gì đó lớn hơn bản thân mình trong cuộc sống cuối cùng, và nếu bạn không làm được điều đó, bạn sẽ tự hủy hoại bản thân mình - có thể không phải về mặt thể chất và trực tiếp nhưng có lẽ là về mặt tinh thần... Điều lớn hơn đó có thể là trẻ em, có thể là Thượng Đế, có thể là một mục đích, có thể là một hình thức tâm linh cá nhân, có thể là một phong trào, có thể là một hội nhóm. Điều đó cũng có thể chỉ là sống cùng 20 con mèo trong căn hộ của bạn và bạn yêu chúng hết mực. Nhưng dù là gì đi nữa, bạn cần phải yêu thương một thứ gì đó nhiều hơn bản thân mình, bởi vì nếu không, não của bạn sẽ mục ruỗng."
Tôi nghĩ nhìn rộng ra, chấp nhận yêu thương hết mình cho một ai đó, lập gia đình và chọn gắn bó với một ai đó là một rủi ro lớn. Tôi biết rằng khi em bé đến nhà tôi, tôi phải chấp nhận rằng mình sẽ có thể phải nhận lấy đủ các nỗi đau trong cuộc đời. Không có gì đảm bảo rằng niềm vui gia đình tôi đang có hiện tại sẽ kéo dài mãi mãi, rằng sẽ có lúc tâm hồn của mình sẽ bị xé toang và mình cảm thấy cuộc sống như đang ở trong địa ngục. Đó là những sự thật tàn nhẫn trong cuộc sống. Nhưng không phải vì như vậy mà chúng ta trốn tránh và không dám yêu thương, bởi vì như vậy chúng ta cũng đang chọn một lối sống khổ sở khác: khổ sở trong cô đơn và sợ hãi.
Yêu thương có nghĩa là chấp nhận, và bé có nhà tôi hẳn sẽ có một cuộc sống như ý muốn của nó và hoàn toàn khác với những gì tôi tưởng tượng. Có thể sau này lớn lên, nó sẽ vì lý do nào đó mà phải xa gia đình, quên mất gia đình, và tôi sẽ phải sống với những nỗi buồn một mình. Nhưng tôi thấy như vậy thì vẫn là tốt hơn là ép một đứa trẻ phải thuần phục mình theo khái niệm hiếu thảo, bởi tôi không tin rằng làm như vậy tôi cũng sẽ hạnh phúc hơn.
Hình ảnh trong bài được tạo bởi AI