Giết 1 người để cứu 5 người (Trolley Problem)? Pháp luật Việt Nam nói gì?
Nếu tôi hy sinh 1 người để cứu 5 người khác thì tôi có bị phạt tù không?
Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định tình thế cấp thiết là một trong những trường hợp miễn trừ trách nhiệm hình sự.[1] Vậy giết người trong tình thế cấp thiết có được miễn trừ trách nhiệm hình sự không? Cụ thể là giết người trong tình huống Trolley Problem, Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc câu trả lời.
1. Giới thiệu The Trolley Problem và đặt vấn đề
Trolley Problem hay vấn đề xe điện là một thí nghiệm tưởng tượng về đạo đức lần đầu tiên được giới thiệu bởi triết gia người Anh Philippa Foot.
Tình huống được dựng lên như sau: một chiếc tàu điện bị mất kiểm soát đang lao trên đường ray, bạn - tình cờ xuất hiện ở chỗ bẻ ghi. Bạn nhận ra nếu cứ để chiếc tàu điện lao như vậy nó sẽ giết chết 5 người công nhân ở phía trước. Tuy nhiên nếu bạn bẻ ghi, bạn sẽ cứu được 5 người công nhân đó nhưng con tàu điện sẽ giết chết 1 người công nhân khác. Vậy bạn có bẻ ghi không?
Sau 30s suy nghĩ, bạn quyết định bẻ ghi để hy sinh 1 người và cứu 5 người vì bạn biết trong Bộ luật Hình sự Việt Nam có quy định về một tình huống gọi là ‘tình thế cấp thiết’ và những hành vi phạm tội trong tình thế cấp thiết sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy con tàu điện đổi hướng, giết chết người công nhân kia, 5 người công nhân được cứu cảm ơn bạn rối rít và hứa sẽ làm chứng cho bạn trước tòa. Bạn nhớ về bài đọc này và vội vàng mở điện thoại lên để kiểm tra xem cuối cùng bạn có bị phạt tù không?
2. Bạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) không?
Theo Điều 23 tình thế cấp thiết của Bộ luật Hình sự: “Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa”. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.[2]
Vậy việc bạn bẻ ghi làm con tàu điện giết chết 1 người để cứu sống 5 người có thỏa mãn yêu cầu, điều kiện của tình thế cấp thiết không? Sau đây tác giả sẽ phân tích, mổ xẻ điều luật này thông qua 2 phần. Phần đầu tiên xác định điều kiện tiên quyết của một tình thế cấp thiết hợp pháp. Phần thứ hai, điều kiện khác của tình thế cấp thiết. Để giải đáp câu hỏi cuối cùng là vấn đề The Trolley Problem có thỏa mãn điều kiện của một tình thế cấp thiết không? Và bạn - người bẻ ghi có được miễn truy cứu TNHS không?
2.1 Điều kiện tiên quyết của tình thế cấp thiết hợp pháp
Theo Luật sư Hồng Tâm, điều kiện đầu tiên để áp dụng tình thế cấp thiết là phải có sự nguy hiểm thực tế đang gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại nhất định cho những lợi ích được pháp luật bảo vệ.[3] Sự nguy hiểm đó có thể bắt nguồn từ người, từ con vật, từ sức mạnh tự nhiên, từ những sự cố kỹ thuật....;[4]
Theo ThS.LS Lê Văn Sua, tình thế cấp thiết hợp pháp chỉ khi thỏa mãn điều kiện đầu tiên là điều kiện về tính chất của sự nguy hiểm: sự nguy hiểm này phải thực tế, đang gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại nhất định cho quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân hoặc chủ thể khác.[5] Nguồn nguy hiểm cũng phải thực tế, đang tồn tại khách quan, đang xảy ra và có khả năng gây thiệt hại nếu không được ngăn chặn.[6]
Vậy dựa theo ý kiến và sự phân tích của hai luật sư, tác giả xin đúc kết và tổng hợp điều kiện tiên quyết của một tình thế cấp thiết như sau: nguồn nguy hiểm và sự nguy hiểm phải trong thực tế, đang diễn ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nhất định cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức. Liên hệ với The Trolley Problem, nguồn nguy hiểm là con tàu điện mất kiểm soát, sự nguy hiểm là con tàu điện mất kiểm soát đang lao đến vị trí của 5 công nhân, cả 2 đều là những thứ thực tế, đang diễn ra và đe dọa đến quyền được sống của 5 công nhân. Vậy The Trolley Problem thỏa mãn điều kiện tiên quyết của tình thế cấp thiết.
2.2 Điều kiện khác
Vế thứ hai của Điều 23 tình thế cấp thiết quy định hành vi khắc phục nguy hiểm phải bảo vệ được một lợi ích lớn hơn. Hay hành vi khắc phục nguy hiểm phải hy sinh một thiệt hại nhỏ hơn để ngăn ngừa một thiệt hại lớn. Tuy nhiên theo Ths.LS Lê Văn Sua, hành vi khắc phục thiệt hại phải là biện pháp cuối cùng duy nhất và phù hợp với đạo đức xã hội. Nếu có tồn tại một lựa chọn khác, không cần gây thiệt hại mà vẫn bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể thì tình huống đó không còn là tình thế cấp thiết nữa. Hoặc nếu lợi ích được bảo vệ nhỏ hơn hoặc tương đương lợi ích hy sinh thì tình thế cấp thiết không còn hợp pháp.
Tuy nhiên cũng theo Thạc sĩ, việc so sánh hai lợi ích này không phải lúc nào cũng dễ dàng, mà cần có sự đánh giá, xem xét kỹ lưỡng nguồn nguy hiểm gây ra cho xã hội, thiệt hại mà xã hội gánh chịu, đối tượng bị tác động,… Ví dụ chiếc xe tải bạn lái bị mất phanh và đang lao xuống dốc, bạn chỉ có 2 ngã rẽ, một là đâm vào vị tổng bí thư đang trong chuyến thăm miền nam, hai là một nhóm công dân Việt Nam gồm 10 người. Hãy dừng lại một chút và suy nghĩ cách giải quyết của bạn. Phải, một tình huống rất trớ trêu và khó có thể xảy ra trên thực tế, tuy nhiên ví dụ đang cố tình đặt tình huống với những chủ thể đặc biệt để làm nổi bật sự khó khăn khi so sánh lợi ích và thiệt hại giữa hai lựa chọn. Quay lại vấn đề, ví dụ trên đã cho ta thấy sự khó khăn để đánh giá hai lựa chọn, xem bên nào có lợi ích lớn hơn bên nào. Song xét lại The Trolley Problem với ví dụ trên, vấn đề con tàu điện dễ dàng xử lý hơn rất nhiều. Một bên là 5 người, một bên là 1 người, hy sinh bên nào thì xã hội ít bị tổn hại nhất? The Trolley Problem không cho ta những thông tin bên lề về nhân thân, trình độ học vấn hay chức vụ của mỗi người trong tình huống. Do vậy việc xác định lợi ích nào lớn hơn đã rõ ràng. Hành động bẻ ghi của bạn thỏa mãn điều kiện ‘hành vi khắc phục nguy hiểm gây ra một tổn hại nhỏ hơn’.
Nhưng chưa hết, việc bẻ ghi của bạn còn phải là biện pháp cuối cùng duy nhất và phù hợp với đạo đức xã hội. Trong tình huống xe điện, bạn vẫn còn một lựa chọn là đứng im không làm gì cả. Nhưng lựa chọn đó không được xem là một trong những biện pháp để hạn chế tổn thất, bảo vệ lợi ích lớn hơn, nên không cần xét vào và việc bạn lựa chọn đứng im sẽ liên quan đến một điều luật khác trong Bộ luật Hình sự, Điều 132 Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên tôi sẽ trả lời vấn đề này ở bài viết sau. Quay lại vấn đề chính, hành vi bẻ ghi đã thỏa mãn gần hết các điều kiện trong tình thế cấp thiết, chỉ còn xét đến việc nó có phù hợp với đạo đức xã hội không. Tất nhiên là không, rõ ràng việc giết người bất hợp pháp không bao giờ được xem là phù hợp đạo đức xã hội. Vậy công sức chứng minh hành vi bẻ ghi của bạn là phù hợp với tình thế cấp thiết đổ sông đổ biển? Tác giả không cho là thế, tuy ‘phù hợp với đạo đức xã hội’ là một điều kiện, nhưng xét lại tất cả các điều kiện trước đó, tình huống con tàu điện, hành vi bẻ ghi cứu người đều thỏa mãn tình thế cấp thiết. Yếu tố ‘phù hợp với đạo đức xã hội’ lúc này có thể bỏ qua. Vì vốn dĩ Điều 23 tình thế cấp thiết có tinh thần muốn bảo vệ lợi ích mà đạo đức và lợi ích thì khó có thể trung hòa và đi đôi với nhau.
3. Kết luận
Kết luận lại, hành vi bẻ ghi hy sinh 1 người, cứu 5 người của bạn thỏa mãn những điều kiện của một tình thế cấp thiết hợp pháp. Do vậy bạn sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tất nhiên nhân vật 'người bẻ ghi' trong bài viết này không có lỗi trong việc chiếc tàu điện bị mất kiểm soát.
Dương Tuấn Kiệt - Một sinh viên Luật hay có câu hỏi
TRÍCH DẪN TÀI LIỆU
[1] Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), Điều 51(1)(d)
[2] Bộ luật Hình sự 2015, Điều 23(2)
[3] Ls Nguyễn Hồng Tâm, ‘Thế nào được coi là tình thế cấp thiết?’ LuatVietNamnet (8/6/2021) <https://luatvietnam.vn/luat-su-tu-van/the-nao-duoc-coi-la-tinh-the-cap-thiet-138432-faqs.html> truy cập ngày 10/12/2024
[4] Tldd 3
[5] Ths.LS Lê Văn Sua, ‘Tình thế cấp thiết dưới góc nhìn của pháp luật hình sự’ Bộ Tư Pháp (16/8/2016) <moj.gov.vn/UserControls/News/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/qt/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi&ListId=75a8df79-a725-4fd5-9592-517f443c27b6&SiteId=b11f9e79-d495-439f-98e6-4bd81e36adc9&ItemID=2005&SiteRootID=b71e67e4-9250-47a7-96d6-64e9cb69ccf3> truy cập ngày 10/12/2024
[6] Tldd 5
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất