Tớ đã xóa ứng dụng 'Money lover'
Mỗi người đều có cách quản lý tài chính khác nhau. Có người hợp với việc đầu tư. nhưng nếu đầu tư khó quá, thì có thể bắt đầu từ việc dễ hơn là tiết kiệm.
Trên hành trình khám phá bản thân, tớ nhận ra 1 điều rằng: Chúng ta giống bố mẹ chúng ta hơn những gì chúng ta tưởng.
Đơn cử trong câu chuyện hành vi tài chính.
Nói sơ qua một chút thì tớ sinh ra ở vùng quê nghèo, gia đình tớ cũng không mấy khá giả gì.
Từ hồi tớ còn rất nhỏ, tớ có nhớ rằng, mẹ tớ đi làm từ sáng đến tối muộn mới về đến nhà. Mẹ tớ để phần cơm cho 2 anh em tớ (thực ra chỉ có cơm trắng và mỡ lợn và đường) vào trong 1 chiếc chậu nhỏ đổ nước vào bên trong, sau đó cho nồi cơm vào trong để tránh kiến.
Rồi những lần mà ăn tối nhà chỉ có rau muống luộc, 3 mẹ con tớ cõng nhau ra hiện nhà để múc tương, pha cùng chút đường để chấm với rau muống luộc. Tớ cũng không nhớ lần cuối mẹ mua quần áo mới cho tớ là khi nào nữa.
Lớn hơn 1 chút, khi tớ bắt đầu lên thành phố học đại học. Kỳ học đầu tiên tớ đi học quân sự và ở chung ký túc xá với những bạn khác - các bạn xuất thân là con gái phố cổ hoặc đều là gia đình có điều kiện: trong khi các bạn dùng iphone thì thứ duy nhất tớ có là điện thoại cục gạch 1280, khi các bạn đi ra ngoài chơi, đi mua đồ ăn vặt dưới căng tin thì việc tớ làm là đi dạo xung quanh khuân viên trường, những lúc các bạn bàn luận về những món đồ đắt tiền, những bộ phim mới ra rạp - tớ chỉ ngồi lắng nghe.
Nhớ có lần vào gần dịp Tết, nhà tớ có một chút chuyện. Năm đó tớ cùng mẹ phải đi dọn nhà cho người ta đến 28 Tết: Lúc đó khoảng gần 10 giờ tối, tớ đạp xe qua Ngã Tư Sở, tớ nhìn thấy vài người bạn đại học của tớ đang ngồi ăn quán ốc ven đường, cười nói vui vẻ. Nhìn lại bản thân mình, tớ - trên người đầy bụi lấm lem.
Lúc đấy, tớ có buồn không? Có chứ. Tớ có tủi thân không? Có chứ.
Có lẽ vì vậy nên ngay từ sớm tớ đã có áp lực rất lớn về tiền và việc quản lý chi tiêu.
Mẹ chỉ là một người lao động phổ thông nên mẹ không bao giờ nói với tớ về đầu tư hay làm giàu. Cả đời mẹ tớ chỉ đi làm và tiết kiệm. Nên tớ chịu nhiều ảnh hưởng từ tư duy tiết kiệm của mẹ.
Từ những năm đại học tớ đã giữ cho mình thói quen ghi lại chi tiêu hằng ngày của mình. Lúc đó chỉ đơn giản là 1 quyển sổ và 1 cái bút rất thô sơ

Hồi xưa chữ tớ đẹp ha, giờ đỡ nhiều rồi^^
Sau đó ra trường đi làm thì tớ biết đến ứng dụng 'Money lover' tớ vẫn tiếp tục ghi lại chi tiêu hằng ngày của mình, cuối tháng thì tổng hợp lại thành file excel theo các hạng mục: Tiền nhà, điện nước, ăn uống, ăn vặt, đi lại, quần áo, sức khỏe, quà tặng,... Tớ đã duy trì được thói quen này 3 năm.

Cuối năm 2023 vừa rồi, khi 'Money Lover' giới hạn 1 số tính năng cho bản free. Một phần khác do làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin nên tớ hơi nhạy cảm với việc các công ty sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng, nên tớ đã tự xây dựng cho mình 1 chiếc Google app sheet để quản lý dữ liệu cá nhân và theo dõi chi tiêu.

Appsheet mobile- phiên bản nhà trồng được. Tớ dùng để ghi lại chi tiêu, thói quen, nhật ký
(Google appsheet là một ứng dụng của google giúp xây dựng app mà không cần sử dụng đến code)
Cách tớ xây dựng Google appsheet: Tớ giữ lại những tính năng mà tớ thấy hữu ích nhất của 'Money lover' là ghi lại chi tiêu. Nhưng thay vì trước đây cuối tháng tớ phải mở app 'Money lover' để tổng hợp lại rồi điền vào file excel, thì giờ đây tất cả đã được tích hợp vào làm một. Và khi mở trang tính ra , tớ cũng có cái nhìn tổng quan hơn về chi tiêu của mình qua các tháng và qua các năm.

Hicc, mình ghi lại bằng appsheet nè ^^
Thỉnh thoảng, tớ cũng có suy nghĩ: làm như này có phải là chi li quá không? Nhưng tớ cũng nghĩ: Mỗi người đều có cách quản lý tài chính khác nhau. Có người hợp với việc đầu tư. nhưng nếu đầu tư khó quá, thì có thể bắt đầu từ việc dễ hơn là tiết kiệm.
Bước đầu tiên trên hành trình này là phải biết tiền của mình đi đâu về đâu, sau đó mới tính đến những chuyện khác được.
Nhờ việc theo dõi chi tiêu hằng ngày mà tớ biết được: để duy trì được cuộc sống ở thành phố thì cần bao nhiêu tiền một tháng. Từ đó có thể xây dựng được quỹ dự phòng cho mình, xa hơn có thể là mục tiêu Tự do tài chính.
Một lý do khác để tớ giữ lại thói quen ghi chép lại chi tiêu: cũng giống như viết nhật ký, mỗi lần nhìn lại giống như nhìn lại khoảng khắc và cảm xúc khi chi tiêu đó.
Cuối năm 2023 vừa rồi tớ có review lại chi tiêu 1 năm vừa qua của mình và cũng nhận ra bản thân mình có một số khoản 'Tiền ngu' kha khá đến từ những việc: Đặt sai vé máy bay, mua 1 món đồ không đem lại nhiều giá trị tương xứng với giá tiền, và những sai lầm khác phải trả giả bằng tiền. Nhờ vậy, có thể tớ sẽ rút ra những bài học và hy vọng sau này không mắc phải nữa (cái này là chưa chắc nha *cười).
Hy vọng trong hành trình này tớ không cô đơn. Chúc các cô gái và các chàng trai của tớ sớm đạt tự do tài chính.
LOVE

Tài chính
/tai-chinh
Bài viết nổi bật khác
1. Tạo các ví theo đúng các tài khoản mà bạn đang dùng, ví dụ: Ví ATM, Ví Thẻ tín dụng, Ví Tiền mặt, Ví Binance, Ví đầu tư cổ phiếu...
Khi minh phát sinh giao dịch, mình sẽ thêm các giao dịch vào các ví tương ứng nên lúc nào mình mở app ra là biết mỗi ví mình đang còn bao nhiêu, nợ bao nhiêu.
2. Tự điều chỉnh, phân chia các khoản thu chi thành các nhóm theo nguyên tắc 3 chiếc lọ hay 5, 6 chiếc lọ thì tùy bạn. Như mình thì chỉ cần 3 nhóm, trong từng nhóm sẽ có các đầu mục lớn:
Nhóm 1: Chi tiêu thiết yếu bao gồm: Tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền điện nước, tiền đi lại
Nhóm 2: Mục tiêu tài chính bào gồm tiền tiết kiệm, đầu tư,
Nhóm 3: Chi tiêu cá nhân bao gồm các khoản mua sắm, cà phê, ăn ngoài, mua quần áo, cho người thân, hiếu hy..
3. Lập ngân sách cho từng nhóm vào mỗi tháng
Cuối tháng mình sẽ kiểm tra các báo cáo trong tháng xem xét từng nhóm mình chi tiêu bao nhiêu so với mức thu nhập, từ đó phân bổ lại, điều chỉnh lại các khoản và lên ngân sách cho tháng tiếp theo, từ đó theo dõi được mình đã chi bao nhiêu trong từng ngân sách, có vượt hay chưa.
Ví dụ đến ngày 20 mà ngân sách cho chi tiêu thiêt yêu của mình còn 2tr thì mỗi ngày mình không tiêu quá 200k đến lúc nhận lượng chẳng hạn, hoặc mình định mua quần áo nhưng mà ngân sách cho việc đó mìnhkhông còn thì mình sẽ để tháng sau mua...
Về việc để đạt được tự do tài chỉnh thì ngoài quản ly thu chi ra thì cần tăng thu nhập bằng cách đa dạng nguồn thu: thu nhập từ lương, thu nhập từ đầu tư cổ phiếu, thu nhập tù tiền quảng cáo các video youtube, thu nhập từ việc tiếp thị liên kết,...mỗi thứ một ít nhưng gộp lại và đi kèm với lãi kép sẽ giúp bạn nhanh đạt tự do tài chính.