Tình yêu lãng mạn đ*o đẹp như bạn nghĩ
Lưu ý: với mục đích truyền tải một cách chân thật nhất ý nghĩa của bài viết gốc mà tôi dịch nên trong bài viết sẽ có các từ ngữ nhạy...
Lưu ý: với mục đích truyền tải một cách chân thật nhất ý nghĩa của bài viết gốc mà tôi dịch nên trong bài viết sẽ có các từ ngữ nhạy cảm. Bạn đọc lưu ý khi đọc bài, xin cảm ơn! :D
Có một vài sự thật bạn nên biết về tình yêu:
1. Trong quá trình tiến hóa từ một con vi khuẩn trở thành Bon Jovi, loài vượn người đã tiến hóa và có được khả năng cảm nhận tình cảm gần gũi với cá thể khác. Chính cảm xúc này được gọi là "tình yêu", và quá trình tiến hóa đã sản sinh ra một ca sĩ nổi tiếng tới từ New Jersey, anh đã kiếm được hàng triệu đô nhờ những ca khúc sến sẩm nói về thứ tình cảm này.
2. Con người tiến hóa và có được sự gần gũi tình cảm này - khả năng yêu người khác - bởi vì nó giúp loài người sống sót. Một lý do chẳng có gì lãng mạn hay thú vị cả, nhưng đó là sự thật.
Con người chúng ta không có những bộ nanh hay vuốt khổng lồ, không có sức mạnh kinh khủng của khỉ đột; thay vào đó chúng ta trở nên gắn bó với nhau thành các cộng đồng và gia đình, ở trong đó chúng ta cảm thấy dễ chịu để hợp tác với nhau. Quá trình tiến hóa chứng minh rằng những cộng đồng và gia đình này hiệu quả hơn rất nhiều so với những bộ nanh vuốt khổng lồ. Và thế là con người trở thành loài thống trị hành tinh (planet of the a̶p̶e̶s̶ humans).
3. Bản năng con người giúp ta trở nên chân thành với những người chân thành nhất với chúng ta. Và đấy chính là tình yêu: một sự chân thành đến phi lý đối với một ai đó - đến mức mà chúng sẵn sàng làm điều xấu hay chết vì người đó. Nghe có vẻ hơi điên rồ, nhưng chính thứ tình cảm cộng sinh này đã giúp con người tồn tại đủ mạnh để chống lại những con hổ ăn thịt hung dữ, sinh sôi nảy nở trên khắp Trái Đất và phát minh ra Netflix.
4. Hãy dừng lại một chút và thầm cảm ơn quá trình tiến hóa vì đã sinh ra Netflix.
5. Nhà triết học Hy Lạp Plato nói rằng tình yêu cao cả nhất là thứ tình yêu không có dục vọng, không lãng mạn - đó là "tình huynh đệ". Plato lý luận (một cách chính xác) rằng vì sự lãng mạn và say mê và dục vọng thường khiến chúng ta làm những thứ ngu ngốc đến khó tưởng khiến chúng ta ân hận, thứ tình cảm không-lãng-mạn giữa những thành viên trong gia đình hay giữa những người bạn thân mới chính là đỉnh cao đức hạnh của con người. Sự thực là Plato, cũng như nhiều nhà triết học cổ, đều rất hoài nghi về "tình yêu lãng mạn" nếu không muốn nói là cực kì sợ hãi.
6. Plato là người đã đi trước thời đại và chiêm nghiệm đúng rất nhiều thứ. Vì vậy mà thứ tình cảm không lãng mạn thường được gọi là "platonic love".
7. Trong phần lớn lịch sử loài người, thứ tình yêu lãng mạn mà các bạn trẻ hay mơ mộng ngày nay từng được coi là một thứ bệnh hoạn. Bạn cứ nghĩ thử xem, bạn sẽ thấy điều đó là đúng: tình yêu lãng mạn thường khiến con người (nhất là những người trẻ) làm những thứ ngu ngốc. Tin tôi đi.
Và đây là kinh nghiệm của bản thân tôi (không phải của tác giả bài gốc nhé, nhưng mà cũng tương tự): hồi đại học, có lần tôi nói với ex của tôi là tôi muốn gặp lại cô ấy, cô ấy cũng nói là muốn gặp tôi, thế là tôi mua vé tàu, rời HN vào ngày chiều thứ sáu để sáng thứ bảy gặp lại ex trong vài tiếng đồng hồ (gặp nói chuyện thôi, không làm gì khác cả nên các bạn đừng nghĩ bậy :v), sau đó chiều thứ bảy lại lên tàu và về đến HN và chiều chủ nhật :D. À nói thêm là chi phí cho chuyến "tàu nhanh khứ hồi" đấy đã làm bốc hơi 1/2 số tiền tôi được cấp cho tháng ấy. Nghe lãng mạn nhỉ, nhưng bây giờ khi tôi nhớ lại, tôi thấy mình như thằng ngu vậy (mà bây giờ người ta hay gọi là "óc chó" ấy).
Chính vì sự yếu kém khi quyết định các vấn đề quan trọng cho nên người cổ đại không đề cao sự hữu ích của tình yêu lãng mạn. Thay vào đó, một số nền văn hóa cổ đại coi đó là một loại dịch bệnh mà họ đều phải trải qua nó, giống như thủy đậu vậy. Sự thực là những câu chuyện như The Iliad hay Romeo và Juliet không phải nhằm mục đích đề cao tình yêu. Chúng là những cảnh báo về những hậu quả tiêu cực của tình yêu, của việc tình yêu có thể hủy hoại mọi thứ như thế nào.
Bạn thấy đấy, trong phần lớn lịch sử loài người, người ta cưới nhau không phải vì họ yêu nhau. Tình cảm không có chỗ trong thế giới thời bấy giờ.
Bạn thắc mắc là vì sao ư?
Bởi vì "yêu đương cl, ra ngoài kia mà cày ruộng và chăn bò kìa, không thì cạp đất mà ăn nhé".
Chẳng ai có thời gian cho sự lãng mạn cả. Và chắc chắn là cũng chẳng có ai muốn chịu đựng hậu quả của sự ngu ngốc phát sinh từ thứ tình yêu lãng mạn đó cả. Có quá nhiều thứ nằm giữa ranh giới của sự sống và cái chết. Việc cưới xin là để sinh con đẻ cái và ổn định tài chính. Tình yêu lãng mạn, nếu có, cũng chỉ dành cho các cậu ấm cô chiêu quý-xờ-tộc mà thôi (điều này hiện giờ vẫn đúng thì phải?).
Đối với hầu hết số đông loài người lúc đó, sự sống còn của họ như chỉ mành treo cân vậy. Tuổi thọ trung bình của họ còn thấp hơn con mèo trong nhà bạn. Tất cả những gì họ làm là đảm bảo rằng hôm sau họ vẫn có thứ để ăn. Cưới xin được sắp xếp bởi các gia đình không phải vì họ thích nhau, tất nhiên là cũng không phải vì họ yêu nhau, mà vì họ có thể cùng nhau trồng hoa màu và chia sẻ lương thực khi bão lũ hay hạn hán.
Cưới xin chỉ đơn thuần là một sự sắp đặt kinh tế được thiết kế để thúc đẩy sự sống còn và thịnh vượng của cả 2 gia đình. Vì vậy, nếu một thằng con trai cảm thấy "nứng" và muốn bỏ trốn với cô gái vắt sữa bò ở trang trại bên cạnh khỏi thì trấn thì điều đó không chỉ đơn giản là một sự bất tiện thông thường mà nó còn là một sự đe dọa trực tiếp tới sự sống còn của cộng đồng đó. Sự thật là một số xã hội cổ xưa coi hành động như thế nguy hiểm đến mức họ "cắt dái" của mấy thằng con trai đó để khỏi phải lo nghĩ về vấn đề đấy. Ngạc nhiên hơn nữa, điều này đã giúp sản sinh ra một dàn đồng ca nam chất lượng cao (LOL).
Điều này kéo dài đến thời kì công nghiệp thì chấm dứt. Mọi người bắt đầu làm việc ở các trung tâm thành phố và nhà máy. Thu nhập của họ, vì vậy, không còn bị ràng buộc bởi đất đai nữa, tương lai kinh tế của họ cũng vậy; họ không còn lệ thuộc vào gia đình để kiếm tiền nữa. Họ không còn phải nhờ vào việc thừa kế hay quan hệ gia đình như trong xã hội cổ đại nữa, vậy nên yếu tố kinh tế và chính trị trong các cuộc cưới xin dần mất chỗ đứng.
Hiện thực kinh tế mới ở thế kỉ 19, kết hợp với những ý tưởng về quyền con người và sự theo đuổi hạnh phúc từ Thời kì Khai sáng, đã sản sinh ra Chủ nghĩa lãng mạn. Kệ mẹ mấy con bò, bỗng dưng tình cảm con người trở nên quan trọng vào thế kỉ 19 - "anh yêu em", "em cũng vậy". Lý tưởng mới không chỉ là cưới vì yêu mà còn là yêu để sống hạnh phúc trọn đời - "chúng ta sẽ bên nhau đến đầu bạc răng long em nhé!". Vì vậy, cái lý tưởng "hạnh phúc mãi mãi" thịnh hành này mới chỉ xuất hiện cách đây 150 năm thôi.
Thế kỉ 20 đến, đan xen giữa các cuộc chiến tranh thế giới và diệt chủng là thời kì của Hollywood và các công ty quảng cáo nắm lấy lý tưởng "hạnh phúc mãi mãi" và vắt cạn sữa từ nó trong 100 năm tiếp theo.
Ý ở đây là sự lãng mạn mà chúng ta coi trọng là một phát minh mới đây, được quảng bá chủ yếu bởi những thương gia - những người mà họ biết rằng bạn sẵn sàng vì nó mà bỏ tiền ra để mua vé xem phim hay mua một món đồ trang sức đắt tiền. Như Don Draper đã từng nói, "thứ mà các bạn gọi là tình yêu được phát minh bởi kẻ như tôi để bán nylon".
Sự lãng mạn là một món hàng quá ngon để bán. Chúng ta đều thích được thấy anh hùng cứu mĩ nhân. Chúng ta thích cuộc sống "hạnh phúc mãi mãi". Điều đó thật tuyệt vời. Và vì vậy những chương trình quảng cáo trong thế kỉ 20 đều lợi dụng nó triệt để.
Nhưng tình yêu lãng mạn nói riêng, hay tình yêu nói chung, đều phức tạp hơn rất nhiều những gì chúng ta thấy trên phim ảnh Hollywood hay những banner quảng cáo trang sức. Tình yêu cũng có lúc phiền toái và nhàm chán. Tình yêu cũng có lúc khó chịu hay thậm chí đau khổ, đến mức chúng ta không muốn nó, ghét bỏ nó. Tình yêu cũng có lúc cần nỗ lực hàng tháng, hàng năm trời hay thậm chí cả đời người. Chúng ta chẳng thể nghe thấy những điều như thế từ những thứ chúng ta thấy hàng ngày.
Những mặt tối đó của tình yêu chẳng có gì là thú vị cả, và người ta không thế bán chúng được.
Sự thật phũ phàng của tình yêu là mối quan hệ chỉ thực sự diễn ra khi tấm màn của vở kịch khép lại. Mối quan hệ thực sự bao gồm tất cả những thứ nhàm chán, ảm đạm, kém hấp dẫn mà không phải ai cũng thấy hay quý trọng. Cũng như hầu hết mọi thứ xuất hiện trên truyền thông, tình yêu trong văn hóa hiện đại chỉ được xuất hiện với những giật tít. Tất cả những thứ phức tạp, rườm rà của một mối quan hệ đều bị giấu nhẹm để dành chỗ cho những tiêu đề như "bạn trai đi quân sự, bạn gái có người yêu mới" hay "vợ đánh ghen bồ ngay tại nhà nghỉ" hay "chàng trai hẹn hò với cô chị để cưới cô em", v.v... và tất nhiên không thể thiếu những câu chuyện "hạnh phúc mãi mãi" kiểu như "mối tình cảm động của 2 người ở 2 đầu thế giới"...
Hầu hết chúng ta đều bị oanh tạc hàng ngày bởi những thông điệp như thế nhiều đến mức chúng ta nhầm tưởng sự thú vị hay kịch tính của tình yêu là chính tình yêu. Khi chúng ta đắm chìm trong sự lãng mạn, chúng ta không thể tưởng tượng được rằng có gì đó có thể thay đổi được tình yêu đôi lứa của chúng ta. Chúng ta không thể thấy điểm yếu hay sự thất bại của người chúng ta yêu, tất cả những gì chúng ta thấy là tình yêu có thể làm mọi thứ.
Đấy không phải tình yêu, đấy chỉ là ảo giác. Và vì là ảo giác, mọi thứ thường sẽ không có kết thúc êm đẹp. Vì vậy, chúng ta có sự thật thứ 8.
8. Chúng ta yêu người đó không có nghĩa là chúng ta nên ở bên người đó.
Chúng ta hoàn toàn có thể yêu một người đối đãi với chúng ta không ra gì, không tôn trọng chúng ta, khiến chúng ta cảm thấy tệ hơn, hay là một kẻ bệnh hoạn và điên rồ tới mức có thể vứt chúng ta xuống sông cho chết đuối.
Chúng ta hoàn toàn có thể yêu một người có những lý tưởng sống hay mục tiêu trái ngược với chúng ta, có cách suy nghĩ hay góc nhìn trái ngược với chúng ta, hoặc chỉ đơn giản là đi một con đường khác chúng ta.
Chúng ta hoàn toàn có thể yêu một người khiến chúng ta mất đi hạnh phúc thực sự.
Đó là lý do vì sao bố mẹ thường sắp đặt chuyện cưới xin cho con cái xuyên suốt phần lớn lịch sử loài người. Bởi vì họ là những người có cách nhìn khách quan, có thể đánh giá được là thằng/con người yêu kia có phải là thằng đầu b***/con mặt l** hay không (!).
Nhưng trong vài thế kỉ trở lại, khi mà những người trẻ đã có thể tự chọn bạn đời cho mình (đây là một điều tốt), theo bản năng, họ đánh giá quá cao khả năng thần kì của tình yêu trong việc hóa giải mọi vấn đề xảy ra đối với mối quan hệ của họ (và đây là một điều xấu).
Và đấy chính là định nghĩa của một mối quan hệ không lành mạnh: những người yêu nhau không phải vì bản chất của họ, mà họ yêu nhau vì họ hi vọng rằng những tình cảm của họ sẽ lấp đầy những chỗ trống trong tâm hồn.
9. Càng có nhiều tự do cá nhân đồng nghĩa với yêu cầu về trách nhiệm và sự thấu hiểu bản thân càng lớn hơn. Và chúng ta mới chỉ nắm sơ qua những trách nhiệm đó sau 100 năm.
Những người trong một mối quan hệ không lành mạnh không yêu nhau. Họ yêu những ý tưởng của nhau. Họ yêu thế giới tưởng tượng tuyệt vời trong đầu của họ. Và thay vì loại bỏ thế giới tưởng tượng đó ra khỏi đầu, họ dành tâm trí và năng lượng để cố gắng làm người trước mặt họ trở thành một phần của cái thế giới tưởng tượng đó.
Vì sao chứ?
Bởi vì họ chẳng còn biết cách nào khác. Hoặc là họ sợ phải bộc lộ những điểm yếu cần thiết để yêu ai đó một cách lành mạnh.
Hàng chục thế kỉ trước, con người ghét tình yêu lãng mạn. Họ nghi ngại nó, sợ nó sẽ làm ảnh hưởng tới người khác, khiến người khác đưa ra những quyết định không sáng suốt.
Vài ba trăm năm trước, khi con người không còn phải lệ thuộc vào nông nghiệp và ý kiến của phụ huynh, họ liền đánh giá quá cao tình yêu. Họ lý tưởng hóa nó và mong muốn nó sẽ xóa đi tất cả những vấn đề và nỗi đau mãi mãi.
Nhưng bây giờ con người bắt đầu nhận ra rằng, mặc dù tình yêu tuyệt thật đấy, nhưng tình yêu không phải tất cả.
Rằng tình yêu không sinh ra mối quan hệ mà tình yêu là kết quả của mối quan hệ. Rằng tình yêu không nên định nghĩa cuộc sống chúng ta mà tình yêu là sản phẩm phụ của cuộc sống. Rằng ai đó giúp bản cảm thấy đáng sống hơn không có nghĩa là bạn phải sống vì người đó.
Chẳng ai nói cho bạn biết rằng càng có nhiều tự do cá nhân, bạn càng dễ phạm sai lầm. Điều đó cũng có nghĩa là bạn càng dễ làm tổn thương người khác. Sự giải phóng cho tình yêu lãng mạn đã mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho mọi người. Thế nhưng nó cũng mang đến sự cần thiết của một cách nhìn nhận chân thật, thực tế về mối quan hệ để có thể chấp nhận sống cùng nhau trong thực tại đầy khổ đau.
Vài người nói rằng trong thời đại của Tinder và những buổi hẹn hò chóng vánh, sự lãng mạn đã chết. Nhưng sự lãng mạn không chết. Nó chỉ ẩn mình ở một nơi an toàn nào đó, cho đến khi 2 người cảm thấy đủ tin tưởng và thoải mái với nhau trước khi có thể yêu nhau điên cuồng.
Và có lẽ đó là một điều tốt.
Nguồn:
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất