Ngày còn là người yêu của nhau (chưa cưới), vợ tôi và tôi đều có chung suy nghĩ khá đơn giản: Lấy nhau rồi thì tiền của anh cũng là của em. Vậy nên tôi cũng không phản đối gì việc đưa hết tiền cho vợ. Thế nhưng càng gần ngày cưới, và đặc biệt sau khi cưới thì tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này. Nếu nghĩ nó đơn giản thì nó chẳng có gì đáng bàn. Ở bài viết này tôi muốn nói 1 vài điều mà những kẻ "thích phức tạp hóa mọi thứ" sẽ quan tâm, và đứng trên góc nhìn của 1 người đàn ông nhé. Cùng bàn luận xem những gì ẩn chứa bên trong nó nào.

Thứ 1: Thế nào là đưa hết tiền cho vợ

Đa số hay hiểu đơn giản là: có bao nhiêu tiền lương thì đưa hết cho vợ.
Nghĩ thế là chị em sai lầm đấy. Bởi với cánh đàn ông, thu nhập từ Lương chỉ là phụ thôi, còn khả năng kiếm thêm ngoài lương (hay Lậu) lại khá lớn (có khi gấp mấy lần lương). Vậy nên nếu chỉ tính "đưa hết tiền lương" cho vợ thì rất nhiều anh em sẽ hô to: Đồng ý, chắc chắn, đảm bảo... có khi vỗ cả 2 tay 3 chân ấy chứ.
Nhưng nếu bảo là: "Công khai toàn bộ thu nhập và đưa nó qua tay vợ trước" thì đảm bảo nhiều anh sẽ "thụt vòi" ngay. Không nhiều anh zai làm được điều này. Có 2 loại đàn ông làm được:
- Loại 1: gà, phụ thuộc vợ, bám váy vợ. Đưa hết tiền cho vợ xong phải ngửa tay xin vợ từng đồng.
- Loại 2: cao thủ, kiếm tiền đủ sức nuôi cả mấy cô bồ, thế nhưng vẫn đưa hết cho vợ và vẫn ngửa tay xin vợ tiền cà phê.
Hình thái cuối cùng thì cả 2 loại đều giống nhau. Nhưng bản chất thì khác nhau nhiều. Đọc tiếp nhớ.

Thứ 2: Quỹ đen để làm gì?

Mục đích chính của hành động: "Không đưa hết tiền cho vợ" chính là "lập quỹ đen". Nếu biết quỹ đen dùng để làm gì, bản chất ra sao thì sẽ dễ hình dung hơn về bản chất của 2 loại đàn ông ở trên.
Với cá nhân tôi, quỹ đen là để chi tiêu vào những việc "đột xuất hoặc bí mật" mà vợ không nên biết. 
Hẳn có rất nhiều chị em tò mò: vợ chồng rồi thì có cái gì đột xuất? có cái gì bí mật mà không thể cho nhau biết? Nếu hỏi thẳng cánh mày râu thì thường câu trả lời rất chung chung, ỡm ờ và ko thật. Không phải ông nào cũng giống nhau, vậy nên quan niệm về quỹ đen cũng ko giống nhau đâu. Ý kiến cá nhân tôi không đại diện cho tất cả cánh đàn ông, chỉ xuất phát từ góc nhìn của 1 thằng con trai mà thôi. Ví dụ nhé:
- Đột xuất: như anh em rủ đi nhậu đột xuất, hay khi xe hỏng, khi bị tai nạn... những cái này cần khoảng 1-2 triệu đề phòng. Lớn hơn thì nó cần có kế hoạch về tài chính nên không còn là đột xuất nữa, có thể vay mượn thêm được.
- Bí mật: những khoản ko phải là đột xuất nhưng lại hay phát sinh kèm theo việc đột xuất, ví dụ như ăn nhậu xong đi tăng 2, tăng 3... hoặc đi đám cưới nyc chẳng hạn =))) . Nói chung đã là bí mật thì không tiện bật mí hết. Có chăng chị em tự hiểu, anh em thì chắc biết thừa.
Ngoài ra còn 1 lý do nữa là Quỹ đen để nuôi 1 thứ gì đó mà vợ không cho phép. Ví dụ như nuôi thú cưng 2 chân biết nói tiếng người.
Vậy nên bản chất Quỹ đen là để chi tiêu cho những cái "đen tối" bên trong của người đàn ông. Thật khó mà đòi hỏi anh ta phải phơi bày 100% ánh sáng cho bạn đời được, bởi vì chắc gì chị em đã phơi bày 100%? Tôi ko phải phụ nữ nên ko rõ điều này, nhưng mạnh dạn đoán là lòng vả cũng như lòng sung, nồi nào thì vung nấy. Đàn ông thế nào thì bạn đời của anh ta cũng như thế. Nhưng thường không thấy phụ nữ có quỹ đen, mà khi đã "đen" thì họ đem hết tiền nhà ra luôn, chẳng cần lập quỹ riêng làm gì.

Thứ 3: Những kẻ ít lo nghĩ, họ nghĩ gì?

Tôi thì không thuộc diện ít lo nghĩ. Thế nhưng cũng có thời kỳ tôi lập quỹ đen. Đến giờ tôi đã bỏ quỹ đen rồi, và ngẫm lại thì thấy thời kỳ đó tôi ít lo nghĩ thật. Vậy thì tôi đã nghĩ gì khi ấy?
- Đưa hết tiền cho vợ nhưng vẫn lập quỹ đen, bởi vì chưa thật sự tin tưởng nhau. Làm quái có chuyện yêu nhau cả 5-6 năm trời, biết hết về nhau rồi mà tin tưởng nhau hoàn toàn? Đến bản thân mình tôi còn chẳng tin tưởng được cơ mà, lấy cớ gì tin tưởng người khác. Tôi đã nghĩ thế, bởi dính nhiều "đòn" từ cuộc đời, từ người yêu cũ, người yêu mới rồi. Thế nên dù quyết định đưa hết tiền cho vợ thì tôi vẫn nghĩ chuyện có quỹ đen.
- Mục đích của việc đưa hết tiền cho vợ là suy nghĩ đơn giản: Cùng góp vào xây dựng tổ ấm. Điều đó thể hiện trách nhiệm, thể hiện năng lực tài chính cá nhân, thể hiện "sự tin tưởng nhau" (ko hoàn toàn).
- Đa phần việc lập quỹ đen vì tôi nghĩ mình sẽ cần tiền cho những việc đột xuất và bí mật. Bởi làm gì có chuyện 1 thằng đàn ông, bước ra xã hội, giao tiếp đủ loại người, lại không có những lúc nhậu nhẹt, không có những bí mật kinh doanh? Thử nói không hoàn toàn xem? thử xin tiền vợ những việc đó xem? thử từ chối bạn bè, đối tác làm ăn vì "không có tiền" xem? Không hẳn là họ thích có những bí mật, mà họ buộc phải có những bí mật, để có thể giữ được mối quan hệ, để có thể giữ được nguồn thu nhập. Nhưng chắc chắn nếu nói ra, người vợ sẽ không thích điều đó (thậm chí là ghen tuông, giận dỗi, hay nghiêm trọng hơn là theo dõi họ và chờ thời cơ "bắt quả tang"). 
Vậy nên đọc đến đây, chị em đừng vội nghĩ xấu cho cánh đàn ông. Tôi cũng không ưa chuyện đàn ông lập quỹ đen nuôi tiểu tam, nhưng việc có quỹ đen cho bí mật thì chưa hẳn đã xấu.

Thứ 4: Những kẻ nghĩ nhiều

Hầu hết những gì người ta nghĩ về chuyện này đã thể hiện hết ở 3 điều trên rồi, nên khi nói tới điều thứ 4 này, chắc chắn khối anh em sẽ bảo: "đm ông này chém gió kinh vãi", hay "ông này xem lại giới tính đê". Biết trước sẽ có thể có anh em nghĩ thế, nên mạnh dạn chém gió bay nóc luôn:
- Đưa tiền cho vợ để thử (và dạy) vợ cách giữ tiền, tiêu tiền. Mình bị khắc sâu khái niệm "Kiếm tiền, giữ tiền, tiêu tiền" rồi, nên mình rất muốn vợ mình cũng phải biết về điều đó. Kiếm tiền là thứ dễ, không dạy cũng làm được, và vợ mình thuộc loại "máu kiếm tiền" nên không cần lo lắng việc đó. Tuy nhiên khả năng giữ tiền và tiêu tiền cần xem lại. Cần chắc chắn cô ấy biết cách giữ tiền, tiêu thì thì mới dám đưa tiền cho vợ giữ lâu dài. Vậy nên trước khi cưới (khoảng 3 tháng) mình đã bắt đầu đưa tiền cho cô ấy giữ. Phải nói lúc đầu cô nàng thích lắm, bởi tự nhiên được cầm số tiền lớn, lại được người yêu tin tưởng.
Chị em hẳn nghĩ "được chồng/người yêu đưa tiền cho giữ" là thích lắm nhỉ? Xem lại đi nhá.
 Đưa tiền cho cô ấy giữ, đồng thời mình bắt đầu hỏi han cô ấy về việc "đã tiêu những gì, tiêu hết bao nhiêu". Mình gợi ý cô nàng lập hẳn 1 cuốn sổ ghi chép các khoản chi tiêu để "dễ nhớ, dễ kiểm tra" nhằm tránh việc "tiêu quá nhiều, hay bị mất tiền". Thời kỳ đầu cô nàng cũng vui vẻ làm theo, nhưng dần dần bắt đầu lười.
Tiếp đến là các khoản cần chi tiêu cho gia đình, cho việc chuẩn bị đám cưới. Do biết số tiền trong tay chỉ có đến thế (mình công khai tài chính rồi, nên chắc chắn không có thêm khoản nào khác) mà việc chi tiêu cứ xảy ra liên tục khiến cô nàng "đau đầu". Bởi vì lo nghĩ cái gì cần tiêu, mà tiêu thì tiêu bao nhiêu. Mỗi việc cần chi tiêu lại quay ra hỏi mình. Mình bảo "tùy em cân đối, anh có giữ tiền đâu mà biết". Thấy cô nàng loay hoay với việc kiểm đếm, cộng sổ, tính toán... cũng tội, mà thôi cũng kệ. Hồ hồ =))))
Một thời gian sau (không rõ được mấy tháng) cô nàng kêu: "giữ tiền mệt lắm, em không giữ nữa đâu" và đòi trả lại tiền cho mình giữ. Nhưng đâu có được. Mình động viên, cổ vũ, khơi dậy những lợi ích của việc giữ tiền, và nhất quyết không cho cô nàng từ bỏ. Chẳng qua là lười thôi. Từ đó những khoản chi tiêu lớn, cần nhiều tiền thì hai vợ chồng cùng bàn tính, còn những chi tiêu nhỏ thì mình không hỏi nữa, để cô nàng tự quyết. Cô nàng thấy cũng đỡ áp lực và quen dần nên không thấy nhắc lại chuyện đó nữa.
- Mục đích thứ 2 của việc đưa hết tiền cho vợ là muốn "kỷ luật bản thân". Bởi nếu trong túi có nhiều tiền thì mình cũng dễ tiêu xài hoang phí lắm. Túi có ít tiền thì sẽ hạn chế hơn, nó nhắc nhở mình về điểm dừng của các cuộc đi chơi, của các mối quan hệ. Việc có quỹ đen thực ra là 1 biện pháp "dễ dãi với bản thân", đi ngược với mục đích "kỷ luật" này mà thôi. Vậy nên dần dần mình nghiêm khắc với bản thân hơn, sau một thời gian tự đấu tranh thì đã bỏ hẳn quỹ đen. Thấy nó không cần thiết nữa khi mình không còn gì là bí mật nữa. Một là triệt tiêu nó, hai là công khai nó, cái gì không công khai được thì triệt tiêu. Thế thôi.
- Mục đích thứ 3 là "phá vỡ các rào cản tâm lý". Việc 2 vợ chồng không hoàn toàn tin tưởng nhau là 1 thứ "không tốt" mà mình muốn xóa bỏ. Quan điểm gia đình cần được xây dựng từ những điều nhỏ nhặt nhất, bất kỳ lỗ hổng nào cũng phải được lấp đầy, bất kỳ nguy cơ nào gây ra sự rạn vỡ cần được sửa chữa ngay. Vậy nên việc "đưa tiền cho vợ giữ" sẽ giúp tạo lòng tin từ phía cô ấy, đồng thời xóa bỏ quỹ đen cũng khiến mình phải hoàn toàn tin tưởng vào cô ấy. Việc có quỹ đen thì dễ, nhưng bỏ quỹ đen thực sự khó. Nó không nằm ở việc "quỹ đen có bao nhiêu" mà là từ bỏ nó hoàn toàn, ngay cả trong suy nghĩ. Khi đã tuyệt đối tin tưởng vào nhau, mọi chuyện dù lớn hay nhỏ trong gia đình, trong đời sống vợ chồng đều được đem ra bàn luận, chia sẻ và tìm giải pháp. Không thể kỳ vọng mọi chuyện luôn luôn tốt đẹp, tình cảm vợ chồng luôn luôn yên ấm, mà nó sẽ thay đổi từng ngày. Và nếu đã coi nó là điều quan trọng nhất, là thứ mình muốn bảo vệ nhất, thì mình phải chấp nhận kỷ luật với bản thân, sống trung thực và ngay thẳng. Bản thân mình không làm được như thế thì sao có thể bảo vệ được gia đình.
Vậy nên gia đình là tế bào của xã hội, mỗi cá nhân là tế bào của gia đình. Muốn xã hội tốt thì mỗi gia đình phải tốt lên. Muốn gia đình tốt lên thì mỗi cá nhân trong gia đình đó phải tốt lên. Muốn bản thân tốt lên thì phải có sự uốn nắn, kỷ luật. Đã mất công uốn nắn, kỷ luật thì phải cố sống sao cho thẳng.