Đừng đợi qua ngưỡng đau!
Một điều dớ dẩn mà trước đây mình nghĩ mình học được từ cái gọi là "chủ nghĩa khắc kỷ": kể cả khi bị đau, mình cũng không kêu. Đó là...

Một điều dớ dẩn mà trước đây mình nghĩ mình học được từ cái gọi là "chủ nghĩa khắc kỷ": kể cả khi bị đau, mình cũng không kêu. Đó là "khắc kỷ pha ke".
Khắc kỷ pha ke bảo mình, hãy trở thành một đạo sĩ bình ổn, ít nói, luôn bình tĩnh trước mọi sự và cứ để mọi thứ chảy qua như hoa trôi. Mình đinh ninh rằng đó là bài học mà một người lớn phải học: khi bạn lớn, chẳng ai quan tâm cái chân đau của bạn đâu mà kêu; những người kêu đau là những kẻ yếu đuối và thích sự chú ý. Điều đấy làm cho mình vừa buồn vừa tự mặc định rằng ngay cả bản thân mình đau mình cũng không quan tâm, thì nỗi đau của người khác người ta đi mà chịu. Rằng "Ai cũng phải học bài học cuộc đời và đời khó khăn lắm." Mình gói ghém cảm xúc tiêu cực và ôm chúng nó chạy vào một góc để tự xử lý - mình tự vỗ ngực nhận đó là sự trưởng thành, đó là một tâm lý vững vàng. Mình tự cô lập bản thân khi mình thấy tệ, và cho rằng làm điều đấy sẽ tốt hơn cho tất cả.
Mình đã sai. Mọi suy nghĩ trên đều phải trả giá bằng nước mắt, máu và tiền của mình cũng như của người khác. Chẳng có cái khái niệm gì gọi là "chịu đau đồng nghĩa với trưởng thành". Chẳng có cái khái niệm gì gọi là "một người vì mọi người". Chẳng có cái khái niệm gì gọi là "để người khác đau vì họ phải học được những bài học". Đã thương một ai, không nên cho họ roi vọt. Roi vọt chỉ để lại vết thương và những cách xử lý cuộc sống sai lệch. Một người chỉ bắt đầu lớn lên khi họ nhận được tình yêu thương đúng cách và sự dịu dàng ngay cả lúc họ nghĩ họ không xứng đáng. Một em bé không thể nào phát triển khỏe mạnh về tinh thần trong môi trường mang cho em toàn cảm xúc tiêu cực. Em bé phải được nâng niu, chăm sóc và bế thật nhẹ nhàng, để ý từng cử chỉ, từng nhu cầu nhỏ của em để mà lớn.
Mình nhận ra với cảm xúc của bản thân, mình cứ phải đợi tới khi bị thoái trào mới bắt đầu chăm sóc cho sức khỏe tâm thần. Mình phải đợi buồn lắm, đau lắm, tuyệt vọng lắm mới đi tìm sự giúp đỡ. Nếu điều này áp dụng với một đôi tay chạm vào ấm nước sôi, mình chắc sẽ bị bảo là ngu. Ai lại đợi tay bỏng rộp hết lên rồi mới rút khỏi nguồn nóng?
Khắc kỷ pha ke và tư tưởng "thương cho roi cho vọt" là nguồn cơn của việc mình khó đặt ranh giới của bản thân—sau này khi biết đến thuyết gắn bó, mình mới có thể hiểu tại sao mình hành xử theo một hướng nhất định. Mình chưa nhận biết được đâu là thực sự quan tâm và đâu là không, thậm chí chấp nhận những hành động độc hại vì nghĩ người khác làm thế vì họ yêu quý mình. Mãi đến sau này khi xem một video của Teal Swan về các mối quan hệ xã hội mình mới biết, lý do mình chưa thể có mối quan hệ ổn định với người khác, lý do mình vẫn thấy không hài lòng và chưa thể gắn bó lâu dài với bất cứ thứ gì kể cả đồ vật lẫn con người, là mình chưa có mối quan hệ lành mạnh với bản thân. Mình đối xử gai góc với bản thân, người đáng lẽ ra mình nên trân trọng. Mình tự coi bản thân không xứng đáng với sự chú ý, không xứng đáng được yêu đúng cách. Mình chấp nhận sự quan tâm ít ỏi, hờ hững, không ra hình ra dạng vì mình nghĩ nhu cầu của mình không đáng được chú ý. Mình chạy theo những người không chọn mình, cố cứu vãn vì nghĩ lỗi là do mình "không thể đỡ nổi".
Nhưng mà nếu những điều này đem đi áp dụng với cái chân gãy, chắc mình thành người ngoài hành tinh mất.
Ảnh từ phim "It's okay not to be okay".

Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Myping
Mình thích góc nhìn của bạn về sự khắc kỷ 1 cách cực đoan. Rằng cứ trưởng thành là sẽ phải coi nhẹ và giấu nhẹm đi những góc khuất của mình, là phải hờ hững với mong muốn, nhu cầu và giá trị của bản thân, và cho rằng như vậy là tốt cho mình và mọi người xung quanh, như vậy mới là "khắc kỷ".
Một thời gian dài mình cũng lớn lên với suy nghĩ như vậy. Nhưng đến hiện tại, khi đã có một chút trải nghiệm, thì mình nhận ra suy nghĩ đó thực ra lại không hề tốt cho mình và cả những người quanh mình. Mình coi thường và hờ hững với bản thân, kết quả là mình cũng mang theo tâm thế đó khi tiếp xúc với người khác. Một người tự ti, nghĩ mình không xứng đáng thì làm sao đối xử với người khác theo một cách lành mạnh, tích cực và mang tính xây dựng, đem lại giá trị cho cả hai bên, khi chính họ còn không tin rằng mình có giá trị. Rồi lại tự hỏi bản thân tại sao mình quan tâm đến người khác như vậy mà lại không thể gắn kết với họ. Hóa ra chính mình đang tự làm tổn thương mình và tổn thương mối quan hệ với người khác mà không hay biết.
Đến giờ khi đã qua "ngưỡng đau" rồi, mình mới nhận ra điều đó, và mình đang cố gắng mở lòng nhiều hơn để xây dựng lại lòng tự trọng và mối quan hệ với mọi người xung quanh. Tuy mới chỉ là bắt đầu, nhưng thay đổi suy nghĩ cũng khiến mình nhẹ lòng đi rất nhiều 

- Báo cáo

Tú Anh

Mình thấy vui vì cậu đã vượt qua thời gian đấy, vì mình hiểu cảm giác đóng hết cảm xúc để tự cho rằng bản thân ổn nó khó khăn thế nào. Bản thân mình cũng phải trả "giá" đắt cho thói quen này. Nhưng sau cùng thì ai cũng là con người và cần nhiều bài học để lớn lên, nên chúng mình cứ cùng nhau học hỏi và sửa sai thui hehe
- Báo cáo

Lương Nhật Long
Mình xin lỗi nếu bình luận này đưa đến cho bạn sự hổ thẹn, xấu hổ và hơi "phát cáu" :
-bạn hơi yếu về kiến thức khắc kỉ đó
Mời bạn về đọc thêm cuốn "chủ nghĩa khắc kỷ " của William B.Irvine để hiểu thêm nhé
- Báo cáo

Tú Anh

Mình cảm ơn bạn nhiều vì đã góp ý với mình. Mình đã nhấn mạnh là trước đây mình tin vào một thứ "khắc kỷ pha ke" tức là tưởng là khắc kỷ nhưng mà không phải đó ạ 😚
- Báo cáo

Lương Nhật Long
Thực ra chủ nghĩa khắc kỉ đúng với thế hệ già hơn, chứ nếu đã còn trẻ, còn bồng bột , còn đam mê , sức khoẻ thì không nên, tốt nhất phải hơi dấn thân 1 chút, hiểu một hay nhiều thứ cặn kẽ hơn chút, có gì đó ám ảnh, cưỡng bức nhiều hơn chút thì cuộc sống mới có màu sắc tươi mới ( mà nhớ là cũng nên giữ gìn sức khoẻ , k có là một bước lên văn điển ngủ với giun đó trước đó 🤣🤣)
- Báo cáo

Tú Anh

Đa tạ lời khuyên của cậu ạ 🙏
- Báo cáo
Wasabi
Mình thì chưa đọc Chủ nghĩa khắc kỉ, nhưng về vấn đề của chủ nghĩa khắc kỉ như bạn nói - "Kể cả đau cũng ko được kêu, trở thành 1 đạo sĩ ít nói, luôn bình tĩnh trước mọi sự" có thể hiểu theo 1 cách khác và áp dụng theo 1 cách khác hợp lý hơn. Đó ko phải là cố gắng kiểm soát cảm xúc và dồn nén cảm xúc để trông như 1 nhà khắc kỉ, mà là học cách thay đổi cách nhìn nhận vấn đề, từ đó cảm xúc tự nó sẽ thay đổi tích cực theo. Qua thời gian, khi trưởng thành hơn, mình đã học được cách "chấp nhận những chuyện tồi tệ sẽ đến", mình coi những chuyện tồi tệ cũng giống như thời tiết xấu vậy. Hẳn nhiên, ai cũng muốn những ngày trời đẹp để ra đường yêu đời hơn, đi lại thuận tiện hơn. Chẳng ai muốn những ngày mưa gió bão bùng, rét cắt da thịt, hay nắng như đổ lửa cả. Nhưng mặc cho những điều mình mong muốn thì thời tiết xấu vẫn sẽ cứ đến, đan xen vào những ngày thời tiết đẹp. Nếu ko phải là hôm nay thì có thể là ngày mai, tuần sau, tháng sau... Khó khăn, hay những chuyện tồi tệ cũng sẽ như thế, chẳng ai biết nó sẽ đến vào lúc nào, chỉ biết là nó nhất định sẽ đến, ko thể khác được, và khi mình biết điều đó, khi nó đến, sẽ vẫn có đôi chút khó chịu, nhưng mình đã chấp nhận được và cảm xúc cũng nhẹ nhàng hơn nhiều
- Báo cáo

Thu Phương
Dạo gần đây mình cũng mới đọc về attachment theory. Mình nghĩ mọi người nên biết đến học thuyết này nhiều hơn để hiểu mình hiểu người, bớt phán xét cũng như bớt than vãn con người sao mà khó hiểu 

- Báo cáo

starlucky
Mình lấy làm tiếc khi biết bạn đã tiếp xúc với khắc kỉ "pha ke" như bạn nói nhưng chẳng phải nhờ thứ "pha ke" đó mà bạn đã ngộ ra nhiều điều hay sao. Cảm ơn sự chia sẻ trải nghiệm của bạn
- Báo cáo