Tỉnh thức trong công việc. Ảnh: Annie Ho
Tỉnh thức trong công việc. Ảnh: Annie Ho
Tỉnh thức trong công việc của tác giả Michael Carroll xuất bản gần 20 năm trước, là một trong số những cuốn sách hiếm hoi ứng dụng Phật pháp vào công việc. Hiện giờ đã có những cuốn sách mới mẻ hơn nói về chủ đề này nhưng Tỉnh thức trong công việc của tác giả Michael Carroll vẫn là một cuốn sách đầy giá trị. Đây là cuốn sách được viết bằng trải nghiệm công việc của chính tác giả, không phải ngồi một chỗ suy luận để viết.
Hãy đọc hết bài này để biết tại sao khó đọc mà vẫn nên đọc bạn nhé.

Câu chuyện của tác giả

Tác giả kể rằng muốn xuất gia tu thiền vào năm 26 tuổi nhưng thầy thiền sư đã khuyên ông trở về, “hãy về, và đi tìm việc làm đi”. Ông thất vọng quay lại New York, làm việc tại phố Wall trong hơn 25 năm sau đó và dần nhận ra trí tuệ trong lời khuyên của thầy mình.

Nội dung sách

Tác giả đưa ra 35 bài học thuộc nhiều khía cạnh: quan điểm với công việc, thái độ với công việc, giao tiếp nơi làm việc, hành động trong công việc. Những bài học này là cách ứng dụng giáo lý Phật pháp trong công việc, xoay quanh khái niệm tỉnh-thức.
Những bài học trong cuốn sách này là những kinh nghiệm sâu sắc và bao quát, không phải là những hướng dẫn về cách làm việc hiệu quả, cách tập trung hay cách giảm stress, tuy nhiên, những bài học này vốn hàm chứa hiểu biết để chúng ta giải quyết được những điều đó.
Bài viết này viết về 5 trong số 35 bài học đó:
0. Tỉnh thức trong công việc là gì? 1. Cân bằng hai nỗ lực: giữa mục tiêu tương lai sống trong hiện tại 2. Chấp nhận rằng: công việc luôn bộn bề 3. Sống chân thật với mình. 4. Tĩnh lặng trong lúc nguy nan 5. Giữ vững chỗ ngồi (như một vị Samurai)

Tỉnh thức trong công việc là gì?

Tỉnh thức trong công việc là tham gia vào từng tình huống ngay trước mắt, khi nó đang còn tinh khôi, mới mẻ và đầy bất trắc.
Tỉnh thức trong công việc là ghi nhận, […] rằng công việc chỉ mang đến cho ta khoảnh khắc hiện tại chóng qua, luôn biến đổi, và luôn bất ngờ. Công việc làm, với tất cả những áp lực, thành công và rắc rối, sẽ tự nó khai triển theo nhịp độ của nó, không phải của ta, ta có thể tỉnh thức khi nó khai triển hoặc ta có thể chống đối.
Huân tập chánh niệm trong công việc rất thực tế và đơn giản. Đó không phải chỉ là một ý tưởng; chúng ta không thể chỉ hy vọng rằng mình được tỉnh thức, rồi phú mọi thứ cho may rủi,...
Chánh niệm trong công việc không có nghĩa là biến nơi làm việc của ta thành một khóa tu ở Hy Mã Lạp Sơn hay một chỗ ngồi thiền. Thực ra, chánh niệm trở thành cốt lõi vì cuối cùng chúng ta cũng muốn thực hiện công việc làm của mình cho đúng hơn là bảo vệ bản thân khỏi những tiêu cực của công việc.

Cân bằng hai nỗ lực: giữa mục tiêu tương lai và sống trong hiện tại

Tác giả đã chỉ ra sai lầm oái ăm của việc mải miết với những hoạch định tương lai. Thay vào đó, giải thích ý nghĩa của sự có mặt trọn vẹn với công việc, ngay trong hiện tại. Đây cũng là sự khuyến khích bắt tay vào làm thay vì nghĩ ngợi quá nhiều - “Just do it”.
Công việc khiến chúng ta phải suy nghĩ hoạch định cho tương lai, giờ tới, ngày mai, tuần sau. Nhưng tiếc thay, quá tập trung vào những suy nghĩ tương lai lại chẳng giúp ta đạt được mục tiêu. Bởi vì công việc thường đòi hỏi sự khéo léo, uyển chuyển để đối đầu với bế tắc. Chúng ta chỉ có thể phát triển những khả năng như thế bằng cách buông bỏ những suy nghĩ hướng về tương lai và hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại.
Những âu lo, bồn chồn để đạt cái gì đó trong tương lai thường tước đi sự tại, lòng nhiệt thành, biến công việc trở thành gánh nặng và khiến chúng ta mất tập trung.
Cân bằng hai nỗ lực là dừng lại những tham vọng thành công và có mặt trong từng tình huống công việc, trong thế giới chung quanh. Tác giả đã khẳng định đây là “năng lực cốt lõi của sự tỉnh thức trong công việc”

Chấp nhận rằng: công việc luôn bộn bề

Chúng ta đi làm đều hy vọng làm chủ được công việc của mình. Ta muốn làm một người chủ đầy khả năng, chứ không phải là nạn nhân bất lực trước tình huống bất ngờ. Ta muốn điều khiển công việc, nắm bắt mọi chi tiết, muốn công việc trôi chảy.
Thực tế, dù có cố gắng đến mấy thì công việc cũng không trôi chảy, không giống như những gì mà chúng ta dự định hoàn thành ở cơ quan. Bản chất cố hữu của công việc là khó lường, rắc rối, lộn xộn và đầy bất ngờ.
Vì vậy nếu phải dự đoán cho tương lai thì chúng ta phải thêm tính chất bất ngờ mới đúng. Tinh thần chấp nhận công việc luôn bộn bề giúp ta bình tĩnh và muốn tìm hiểu những bộn bề, bất ngờ đó hơn.
Đây quả thật là một nhận thức đáng thán phục, và có thể khiến nhiều người được khai mở, vì rốt cuộc: làm chủ được công việc của mình lại chính là khi sẵn sàng đón nhận những bất ổn của công việc.

Sống chân thật với mình

“Ta khám phá ra rằng ta sống cuộc sống của mình giống như sự diễn tập sau tấm màn của tư duy, diễn tập những điều mà đáng lý ta có thể đã làm khác hơn và những gì ta sẽ làm khác hơn trong tương lai. […], sống chân thực đòi hỏi chúng ta phải bước ra khỏi buổi diễn tập và dấn thân vào cuộc sống đầy bất trắc, đầy hỗn loạn, nhưng cũng đầy niềm vui một cách trực tiếp”
“Chúng ta khám phá ra rằng không có vị thần chứng khoán, không có ca khúc ngợi khen từ ông chủ, không có đề nghị thăng chức, không có lương tháng hay tiền thưởng, không có việc làm hay dự án mới, không có quyền lực chính trị nào - không có gì có thể thay thế lòng tự tin cơ bản trong quyền lực ban sơ của ta”.
Khám phá bản chất chân thực được tác giả gắn liền với thực hành thiền chánh niệm, và đây có lẽ là phương pháp duy nhất để khám phá bản thân chân thật nơi mỗi người.
Đây là một bài học không dễ để đánh giá. Vì ngôn từ không bao giờ thể hiện được hết trải nghiệm của thân thể cũng như tâm trí, nhất là bản chất “chân thật”.

Tĩnh lặng trong lúc nguy nan

Mọi công việc đều có sự bất trắc, khi gặp khủng hoảng hay đối mặt rủi ro mọi người thường rơi vào hai thái cực, hoặc hoang mang hoặc xem thường.
Để có được sự điềm tĩnh trong lúc nguy nan chúng ta hãy nỗ lực chánh nijêm để buông bỏ các suy nghĩ hoang mang hoặc xem thường, chuyển sự chú ý đến môi trường vật lý xung quanh. Khi chánh niệm trong giây phút ngay trước mắt, cơn lũ cảm xúc hỗn loạn của ta sẽ không đòi hỏi sự chú tâm như những tiếng nói ồn ào của đám đông.
Tác giả cho rằng cảm xúc và cảm giác nơi thân thể sẽ giúp chúng ta quyết định, giúp đánh giá lại trực giác của mình một có chủ tâm và trân trọng.
“Phát triển khả năng lắng nghe cảm xúc của thân tâm trong lúc bất trắc, căng thẳng đòi hỏi chúng ta tập luyện thấu đáo các quy luật chánh niệm”.
Ngoài tọa thiền, tác giả khuyên sử dụng phương pháp Focusing (Sự Tập Trung) để phát huy sức mạnh tĩnh lặng, giúp lắng nghe một cách sâu sắc trí tuệ của thân thể.

Giữ vững chỗ ngồi (như một vị Samurai)

Thật ấn tượng với hình ảnh vị samurai ngồi yên một chỗ quan sát chiến trận dù bất cứ hỗn loạn nào xảy ra.
Vị samurai thiết lập một tâm vững chải để có mặt trước khi tham gia chiến trận được gọi là tâm toàn thắng: “Một tâm mà sự chiến thắng của nó là vô hạn định dầu cuộc chiến có kết cục ra sao”. Cũng giống như khi ngồi thiền, ta vẫn giữ vững chỗ ngồi dầu đang thư giãn hay căng thẳng, nóng hay lạnh, giàu hay nghèo, vui hay buồn, khỏe mạnh hay đau ốm, già hay trẻ.
Không phải hoàn cảnh xung quanh thế nào, chiến thắng được quyết định nơi tâm của chúng ta có giữ vững hay không.

Sách phù hợp với ai?

Theo mình, cuốn sách dễ đọc hơn với những người hành thiền hay thực hành chánh niệm.
Với những người chưa có trải nghiệm với thiền, chánh niệm sẽ rất khó đọc. Tuy nhiên nếu bạn có tính nhẫn nại và tin tưởng thì mình tin rằng cuốn sách sẽ khai mở cho bạn rất nhiều giá trị trong công việc.
Đây không phải là cuốn sách để đọc một, hai lần. Rất nhiều phần trong cuốn sách mình phải đọc đi đọc lại, vừa đọc lướt vừa đọc kỹ cả chục lần. Và thú thực, vẫn còn nhiều phần mình chưa thấm được.
Tỉnh thức trong công việc đáng để trong balo đến nơi làm việc.

Link sách

Sách không còn kinh doanh trên Tiki nhưng vẫn có thể mua ở một số nhà sách. Link đọc online: Tỉnh thức trong công việc - Michael Carroll
Hãy chia sẻ trải nghiệm của bạn về cuốn sách này tại đây nhé.
____________
Bài gốc: