Nhắc đến self-help, có lẽ mọi người nghĩ ngay đến sách self-help.
Lúc mình viết bài này, 15/05/2022, đang tồn tại một phong trào chỉ trích sách self-help rất sôi nổi ở cả Việt Nam và thế giới. Mình là người đọc sách, trong đó có thể loại sách self help, thể loại này mình hay đọc cách đây vài ba năm. Với mình, có vài cuốn sách thể loại này rất hay, đọc đi đọc lại và vẫn còn giữ cho đến giờ. Cũng có những cuốn sách dù rất nổi tiếng nhưng mình không “thẩm thấu” được nên… vẫn còn mới tinh, ý là không đọc hết.
Ở bài này mình nói đến self-help và những gì dạy self help, gồm có sách.

Đức Phật dạy gì mà bảo là dạy self help?

Self help định nghĩa trên wikipedia Self-help hay self-improvement là thuật ngữ chỉ hành động tự phát triển chính mình - về phương diện kinh tế, trí tuệ hoặc tình cảm - thường dựa trên cơ sở tâm lý học.
Một trong những lời dạy thường được nhắc đi nhắc lại của Đức Phật là “hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Lời dạy để nhắc nhở các đệ tử phát triển con đường trí tuệ tâm linh. Nói theo cách ngày nay, cũng là dạy self help.
Mình nghĩ không phải tự dưng mà nhiều người chỉ trích, bài bỏ sách self-help, ngay cả những cuốn sách được cho là best-seller. Nguyên nhân là:
Đầu tiên phải nói là chúng ta đặt kỳ vọng quá lớn vào một cuốn sách (hoặc tiêu đề sách).
Kế đó và rất quan trọng là chúng ta chưa hiểu mình và hiểu đời để ứng dụng những gì sách dạy.
Vậy hiểu mình và hiểu đời là gì?

Bậc thầy self help

Đức Phật không dạy lơ lửng, chung chung.
Trước khi bảo đệ tử hãy thắp đuốc mà đi, Đức Phật đã làm rõ được vấn đề thuộc về tâm trí mà chưa một ai làm được. Đây là 3 gạch đầu dòng tiêu biểu:
- Đức Phật chỉ rõ cho đệ tử bản chất và lộ trình tâm thức. Ngài giảng chi tiết từng thành phần của tâm, bản chất của tâm và lộ trình của tâm. Nhờ vậy đệ tử hiểu rõ tâm mình.
- Đức Phật nêu rõ 5 thứ tâm độc gây nên phiền não, gây nên chướng ngại cho sự phát triển. Nhờ vậy đệ tử ý thức được mà tránh.
-  Đức Phật dạy cách chú tâm, tỉnh giác rất cụ thể. Nhờ vậy đệ tử có kỹ năng để học tập và thực hành.
Dạy về tâm trí như vậy cũng chính là Đức Phật đang dạy hiểu mình và hiểu đời, trước khi dẫn dắt đệ tử trên con đường thành tựu trí tuệ tâm linh. Với giáo lý rất rốt ráo và cặn kẽ đó, nói theo ngôn ngữ ngày nay, Ngài chẳng phải là một bậc thầy self help sao.

Để self help ngày nay có ý nghĩa

Là người đạt đến trí tuệ siêu việt, 45 năm miệt mài dạy dỗ, lời Phật dạy được đệ tử ghi ghép lại là một bộ sách rất đồ sộ, chi tiết mà ai đó đã nói “dành cả đời cũng không nghiên cứu hết”.
Đệ tử của Đức Phật hơn 25 thế kỷ qua cũng dành cả cuộc đời để học tập và thực hành.
Chúng ta cũng thấy: đã là đệ tử của một bậc thầy, lại còn phải học bộ kinh sách đồ sộ, vậy mà vẫn phải dành rất nhiều thời gian để đi đến thành tựu. Vậy ngày nay chúng ta đọc vài ba cuốn sách self help, của những vị thầy chưa rõ thực hư, thì chúng ta đòi hỏi gì hơn được ở thành tựu giàu có, trí tuệ, tình cảm trong vài ba hôm hay vài ba năm đây?
Để self help ngày nay đạt được ý nghĩa thực thụ, hãy kết hợp giáo lý tâm học của bậc thầy self help - Đức Phật.
* Thật trùng hợp là bài viết hôm nay 15/05 theo lịch viết của mình lại nhằm vào ngày Phật Đản 15/04 ÂL. Để chạy kịp cái self-deadline này, mình đã dậy từ 4h30 để viết vì 7h là đến nơi tổ chức Lễ và thời gian còn lại cũng rất hạn chế. Chính nhờ áp dụng giáo lý chánh niệm, chú tâm, tỉnh giác của Ngài mình mới có tâm trọn vẹn để hoàn thành bài viết này.
Nếu bạn là một người đang tìm hiểu giáo lý Đức Phật, hoặc là một người thích self-help, bạn có quan điểm gì?
Link gốc: