Để đi tới quyết định chia sẻ vấn đề này, mình đã thật sự đắn đo, suy xét không biết bao lần. Chia sẻ về “tỉnh thức”, một cụm từ nghe qua có chút mĩ miều, đao to búa lớn. Bởi thế, nói không khéo có khi còn bị cho là thể hiện, thượng đẳng.

Nhưng xung quanh mình lúc này đây, cả ngoài đời lẫn mxh, đều có những người bạn bị mắc kẹt trong những nghĩ suy, lo toan, chán chường rồi toả ra một đống năng lượng tiêu cực, thứ mà mình cũng đã từng trong quá khứ. Điều họ cần lúc này, mình nghĩ, gói gọn trong hai tử “tỉnh thức”, và vì thế có mình ở đây, có bài chia sẻ này.

Người tỉnh thức trong khoảnh khắc thức tỉnh, họ đột nhiên khởi lòng biết ơn sâu sắc, đột nhiên yêu đời, thương chính mình lẫn thương người, muốn cho đi hết thảy,... Nhưng không phải vì thế mà trạng thái tỉnh thức là một cái gì đó thần thánh cao siêu, tỉnh thức luôn ở đó, cạnh mỗi chúng ta, chỉ cần ngoái đầu lại sờ soạng trong màn sương của bất lực, của khủng hoảng hiện sinh, sẽ có lúc ta tìm được sự thật về cuộc đời. Có khi bạn đã từng chạm vào nó, có điều không biết rằng nó còn có một cái tên kêu như thế. Và nếu đã chạm vào, hãy tìm lại nó, vuốt ve nó, sử dụng nó để cảm nhận trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống.

Năm 2020 được dự đoán là khởi đầu cho một thập kỷ long trời lở đất, và quả thực covid đã đảo lộn mọi thứ trong thế giới của chúng ta. Năm 2020, cái tết cổ truyền Việt Nam được kéo dài hơn bao giờ hết, chúng ta có thời gian dừng lại nghỉ ngơi, tạm rời xa vòng quay không hồi kết của chặng đường mưu sinh. Không hướng ra ngoài nữa, nhiều người chọn cách quay ngược vào bên trong, để rồi, đạt đến cái gọi là tỉnh thức, không chỉ một vài mà hàng loạt.

Tôi tư duy, nên tôi tồn tại.”

 - một câu nói vô cùng nổi tiếng của triết gia Descartes.
Nhưng mình lại nghe đâu đó một câu cũng nổi không kém:

“Hãy sống, đừng tồn tại”


Vậy phải chăng ta thực sự sống khi ta biết ngừng tư duy?

Câu chuyện Adam ăn trái cấm - thứ trái cây có thể đem lại trí tuệ (hay lý trí tuỳ theo cách dịch) và ngay lập tức bị đuổi khỏi vườn địa đàng phần nào làm sáng tỏ nhận định đó. Rằng lí trí, cái tôi, tư duy, suy nghĩ, giọng nói văng vẳng, chính là thứ trái cấm đem đến khổ đau cho con người. Đẩy chúng ta ra khỏi thiên đàng thực tại, dấn ta đến miền quá khứ đớn đau hay miền tương lai bất định...

Đó cũng chính là nội dung căn cơ của “tỉnh thức”.

Tách rời cái tôi ra khỏi cái ta, không đồng nhất nó với chính ta. Thậm chí ta phải quan sát được suy nghĩ, tâm tưởng, giọng nói trong đầu, quan sát được những biến chuyển về cả tâm lẫn thân của ta. Đối mặt với lý trí của chính ta, từ đó quản trị nó, giáo dục nó, chữa lành nó.

Vậy làm sao để tách rời? Trước hết hãy thử hít thật sâu tập trung vào hơi thở, cảm nhận hơi thở ra vào trong cơ thể, từ đó tự nhiên bạn sẽ tạm dừng được dòng suy nghĩ miên man ấy. Thực hành nhiều lần như thế, chắc chắn bạn sẽ thấy cái tôi, cái lí trí của ta xấu xí, bất kham nhường nào. Chính cái tôi đó đã giới hạn bạn, làm bạn ngại ngùng, hồi hộp, làm bạn tức giận, mất kiểm soát, làm bạn buồn rầu, khổ đau, cô đơn. Chỉ cần tách ra mà thấy nó xấu xí, dần dà bạn sẽ nắm chắc được dây cương mà điều khiển con ngựa bất kham ấy một cách thuần thục.

Nói thì nói vậy nhưng không phải cứ tách ta ra khỏi lý trí là ta tỉnh thức. Tỉnh thức thường là khoảnh khắc thức tỉnh thật sự, là lằn ranh giữa <khủng khoảng hiện sinh, giữa ý thức trăn trở tôi là ai, tôi sống trên cuộc đời có ý nghĩa gì> với <thiên đường thực tại, hạnh phúc tối cùng>. Bước qua lằn ranh đó ta tỉnh thức.

Vì thế hay là hãy tự hỏi tôi là ai thật nhiều, rồi một ngày nào đó bất lực trong việc tìm câu trả lời, bạn sẽ yêu thương tất cả những gì mà bạn có, tỉnh thức, và trả lời câu hỏi đó. Rằng: “tôi là bạn, là chúng ta, là vạn vật xung quanh ta”.

Tuy nhiên không nên hiểu nhị nguyên rằng tỉnh thức  là 100% phải tuyệt vời như những thứ kể trên. Tỉnh thức là nhận ra nó và hướng đến nó, hướng đến 100% từ cái 0% của vòng luẩn quẩn vô minh.