Tinh thần nhân văn chủ nghĩa trong tác phẩm "Vua Lear" của William Shakespeare
Chủ nghĩa nhân văn hay "Humanism" chính là một trào lưu tư tưởng đã soi rọi cho thời kỳ Phục hưng ở các nước phương Tây vào thế kỷ...
Chủ nghĩa nhân văn hay "Humanism" chính là một trào lưu tư tưởng đã soi rọi cho thời kỳ Phục hưng ở các nước phương Tây vào thế kỷ XV - XVI và cũng như các thời kỳ về sau. Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa nhân văn chính là nó lấy con người làm "bản vị". Nói một cách khác, chủ nghĩa nhân văn đã nâng của con người trong mối tương quan với thế giới lên vị trí trung tâm của mọi vấn đề. Hơn thế nữa, chủ nghĩa nhân văn cũng có thể hiểu như là một sự giải phóng của con người khỏi những quan niệm khắt khe được hình thành ở thời kỳ Trung cổ và cả thời Hy Lạp cổ đại.
Vấn đề đặt ra chính là nếu chủ nghĩa nhân văn đề cao, ca ngợi các giá trị thuộc về con người thì "con người" ở đây phải được hiểu như thế nào? Ở thời kỳ Trung cổ, người ta cho rằng con người rất nhỏ bé, mỏng manh vì số phận của con người luôn bị sắp đặt sẵn. Con người phải tuân theo số mệnh đã có, không được làm trái. Sang đến thời kỳ Phục hưng, dưới ánh sáng của chủ nghĩa nhân văn, quan niệm ấy bị thay đổi. "Con người" được khắc họa là con người với cách là một cá nhân. Điều này có nghĩa là các tác phẩm nghệ thuật sẽ đặc tả con người như là một thế giới riêng biệt, đặc biệt là thông qua các cung bậc trong thế giới nội tâm. Cuộc sống với những hạnh phúc và khổ đau chắc chắn không phải là do một bàn tay thần thánh nào sắp đặt cả. Tất cả đều do sự lựa chọn của mỗi con người. Bên cạnh đó, "con người" theo tinh thần nhân văn chủ nghĩa là con người thế tục, tức là con người sống bằng xương bằng thịt trong đời sống trần gian ngay trước mắt. Vì vậy con người có thể có cho mình bao khát khao, đam mê cũng như vẻ đẹp rất trần tục - những điều bị xem là tội lỗi trong thời kỳ Trung cổ. Cuối cùng, đặc trưng quan trọng nhất chính là chủ nghĩa nhân văn đề cao sức mạnh trí tuệ, tiềm năng lý trí của con người. Thời kỳ Trung cổ suy yếu kéo theo con người đã có một sự chuyển đổi niềm tin từ những thế lực thần thánh dần sang chính bản thân con người. Bởi lẽ con người dù vẫn nhỏ bé trước thế giới nhưng với sức mạnh trí tuệ to lớn, con người sẽ dần khám phá ra những bí ẩn trong cuộc sống. Điều đó ắt hẳn giúp cho con người mạnh mẽ và tin tưởng sức mạnh và vị trí của mình trong sự tương tác với thế giới bên ngoài.
Tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa nhân văn rất rộng lớn với mọi lĩnh vực trong đời sống của con người: văn học, nghệ thuật và khoa học. Ở đây bài viết sẽ làm rõ sự ảnh hương của chủ nghĩa nhân văn trong văn học thông qua một đại biểu xuất sắc William Shakespeare với vở kịch "Vua Lear". Vở kịch kể có mạch truyện trung tâm kể về vua "Lear" muốn chia tất cả quyền lực, đất đai cho ba cô con gái của mình: Goneril, Regan và Cordelia. Goneril và Regan thay phiên nhau buông những lời ca ngợi hết mực cho cha mình và điều này làm cho vua Lear rất hài lòng. Tuy nhiên Cordelia không thể làm như hai chị của mình mà chỉ nói lên sự thật trong lòng mình, rằng nàng thương cha "đúng theo đạo nghĩa làm con". Vua Lear tức giận vì nghĩ rằng Cordelia không hề thương mình nên khước từ người con gái út của mình. Sau đó, vua Lear bị chính Goneril và Regan ruồng bỏ để rồi hóa điên dại vì nỗi thất vọng, căm phẫn và hối hận. Vở kịch này kết thúc với cái chết của tất cả các thành viên trong gia đình vua Lear.
Nhìn chung, tinh thần nhân văn chủ nghĩa được thể hiện trong tác phẩm "Vua Lear" sẽ được phân tích dựa trên ba đặc trưng chung của chủ nghĩa nhân văn đã nêu ở trên.
1. Tác phẩm "Vua Lear" thể hiện con người cá nhân.
Các tác phẩm ở các thời kỳ trước quan niệm con người luôn bị ràng buộc bởi vòng vây của số phận, bởi một bàn tay sắp đặt từ một thế lực vô hình. Chúng ta hãy hồi tưởng lại một vở bi kịch xuất sắc từ thời Hy Lạp cổ đại: "Oedipus làm vua". Ngay từ lúc sinh chàng Oedipus đã bị ấn định vào một số phận đầy bi kịch đã được sắp đặt - cái được thể hiện trong tác phẩm là lời sấm truyền của thần Apollo: giết cha và lấy mẹ mình. Cha mẹ ruột của chàng là vua Laius và hoàng hậu Jocasta đã ra quyết định giết Oedipus để ngăn cho lời sấm truyền trở thành sự thật. Tuy nhiên Oedipus đã tiếp tục sống sót và được vua và hoàng hậu của thành bang Corinth nuôi dưỡng. Sau này thần Apollo cũng đã nói lên tương lai đen tối mà chàng phải nhận lấy. Oedipus cũng đã nỗ lực để thoát khỏi số phận đã được định sẵn đó: chàng bỏ chốn khỏi thành Corinth. Nhưng cuối cùng chàng đã không thể chiến thắng số phận bởi vì lời nguyền vẫn diễn ra và chàng phải chấp nhận nó. Chàng đã giết cha lấy mẹ.
Sang đến chủ nghĩa nhân văn - trào lưu tư tưởng đưa con người lên vị trí trung tâm - đã làm thay đổi góc nhìn mối quan hệ giữa con người và số phận. Từ số phận quyết định con người đến con người làm chủ số phận. Số phận đó ra sao, tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ, giàu sang hay bần hèn đều phụ thuộc vào chính con người cá nhân ấy với những quyết định, sai lầm. Cuộc đời vua Lear từ đỉnh cao của vinh quang, quyền lực trở thành "cái bóng của vua Lear", rơi vào bi kịch bị ruồng bỏ và trở nên điên dại. Nguyên nhân cho sự biến chuyển trong cuộc đời này của vua Lear hoàn toàn là do quyết định của ông ấy, chứ không phải được một vị thần sắp đặt cả. Vua Lear đã mắc sai lầm khi đặt trọn niềm tin và giao hết những gì mình có được cho hai cô con gái đầu , Goneril và Regan, và cho rằng hai cô yêu thương người cha này hết mực chân thành. Nhưng sự thật là tất cả chỉ là những lời nói dối trắng trợn ẩn đằng sau những ngôn từ mỹ miều, được thốt ra từ miệng của những người con vị kỷ, chỉ nghĩ quyền lợi của mình. Kết quả cho quyết định sai lầm này là ông bị chính Goneril và Regan nhẫn tâm đuổi đi, ruồng bỏ. Vua Lear cũng đã đánh mất đi người con gái yêu thương mình thật lòng cũng chỉ vì chính ông đã khước từ Cordelia do nàng không thốt lên những đường mật như hai người chị của mình.
Không chỉ thể hiện tinh thần con người cá nhân làm chủ cuộc đời của chính mình, chúng ta còn nhận thấy những chi tiết cho sự phủ định gay gắt cho quan niệm số phận làm chủ cuộc đời con người. Bá tước Gloucester có hai người con: con chính thức là Edgar và con người của người tình là Edmund. Do sa vào âm mưu do Edmund bày ra, bá tước Gloucester đã hiểu lầm Edgar và ra lệnh truy tìm người con ruột đang có ý định hại mình.Trước tình cảnh bế tắc như vậy, Gloucester đã đổ cho số phận: "Những kỳ nhật thực, nguyệt thực gần đây báo triệu thực không có gì tốt! Lý trí con người có thể giải thích nó ra thế này thế nọ, nhưng con người vẫn không tránh thoát những quả báo theo sau" (trang 513). Khi nghe như thế, Edmund đã nói sau khi Gloucester đã đi khỏi: "Hễ cứ gặp phận hẩm hiu - có khi do dại dột của chính mình - là y như người ta đổ riệt cho mặt trời, mặt trăng với các ngôi sao gây nên tai họa! Làm như mình khốn nạn là vì số mệnh; ngu ngốc là tại thiên cơ; lường đảo, trộm cắp, gian phi là do quyền năng tự các áng thiên cầu; rượu chè, dối trá, đĩ bợm là bất đắc dĩ phải vâng theo sức chuyển vận của tinh tú! Làm như bao nhiêu cái ta làm bậy cũng chỉ là do sự dun dủi của lòng trời! Thực tiện lợi biết bao" (trang 513). Từ đây chúng ta nhận sự một sự xung đột giữa tư tưởng của hai nhân vật trên. Bá tước Gloucester thì cho rằng những tai họa mình đã phải gánh chịu là do "nhật thực, nguyệt thực", nói chung là do số mệnh. Nhưng Edmund thì không cho rằng như vậy. Tai họa nói riêng và cuộc đời là do chính ban thân mỗi người mà Edmund đã gọi nó là "dại dột của chính mình". Ở đây, chúng ta có thể đồng ý với quan điểm của Edmund. Đúng thực Edmund đã bày mưu tính kế hãm hại cha ruột và người anh cùng cha khác mẹ của mình. Chắc chắn đây là nguyên nhân dẫn đến tai họa cho Gloucester. Tuy vậy, ngay cả khi Edmund đã lên kế hoạch một cách chắn chắn nhưng nếu bá tước Gloucester vẫn tin tưởng vào người con trai ruột của mình - Edgar thì liệu tai họa có xảy ra với ông không? Vì vậy cho nên tai họa mà Gloucester cho rằng bản thân đang gánh chịu: bị con trai ruột cố tính hãm hại (sự thật đây chỉ là âm mưu của Edmund) xảy ra cũng chính là do ông, do lòng nghi hoặc của ông đối với con trai của mình, chứ không do một thế lực nào cả. Hơn thế nữa, Edmund đã có lời thoại thể hiện rõ ràng hơn quan điểm của mình: "Bố tôi ngủ với mẹ tôi nhằm cung sao Long vĩ chiếu, và mẹ tôi đẻ tôi dưới cung sao Thần nông; thành thử tôi cứ phải là thô bạo và dâm đãng. Mẹ kiếp! Tôi vẫn cứ là tôi như thường, dù cho ngôi sao trinh bạch nhất của vòm trời có chiếu xuống cái bản mệnh con hoang của tôi" (trang 514). Edmund cho rằng bản tính của mình - "thô bạo và dâm dảng" - không phải do các sao trên trời tạo ra và thậm chí nó càng không thể nào bị thay đổi cho dù đó là "ngôi sao trinh bạch nhất của vòm trời". Lí do chính là: "Tôi vẫn cứ là tôi như thường". Như vậy, chúng ta thấy số phận đã không còn được nhận thức với sức mạnh chi phối hoàn toàn con người: số phận, tương lai và bản tính bên trong. Bởi lẽ chủ nghĩa nhân văn đã khiến cho con người nghĩa khác về chính mình với tư cách là một người cá nhân có sức mạnh làm chủ số phận của bản thân.
2. Tác phẩm "Vua Lear" thể hiện các nhân vật với tư cách là những con người tính chất thế tục, đời thường.
Con người đời thường nghĩa là con người sống ngay ở trong thế giới trước mắt, chứ không ở một thế giới siêu nhiên, thần thánh. Còn con người mang tính chất thế tục ở đây để chỉ con người sống đúng với bản chất của mình. Con người có thể mang những vẻ đẹp cao quý của phẩm chất và tâm hồn. Tuy nhiên con người cũng có thể có những góc khuất trong đời sống của mình. Từ đây, chúng ta sẽ có một cái nhìn đầy đủ hơn về chủ nghĩa nhân văn. Xét theo gốc từ Hán Việt, "nhân" là người, "văn" là vẻ đẹp. Cho nên chúng ta sẽ dễ dàng hiểu chủ nghĩa nhân văn là trào lưu tư tưởng tôn vinh vẻ đẹp con người. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần tìm hiểu thuật ngữ gốc trong tiếng Anh: Humanism. Hậu tố "ism" mang nghĩa là chủ nghĩa. Còn gốc từ "human" là con người. Như vậy chúng ta nên hiểu Humanism là trào lưu tư tưởng vì con người, thể hiện và tôn trọng các giá trị thuộc về con người nói chung, chứ không chỉ là vẻ đẹp của con người. Sự xác định nội hàm ý nghĩa của Humanism sẽ giúp chúng ta không cảm thấy mâu thuẫn khi các tác phẩm nhân văn chủ nghĩa cũng thể hiện những góc khuất của con người. Vì thế con người thế tục, đời thường trong các tác phẩm mang tinh thần của chủ nghĩa nhân văn cũng có thể là những con người đứng giữa lằn ranh giữa cái tốt - cái xấu, cái thiện - cái ác, tức có nghĩa không tốt mà cũng không xấu hoàn toàn.
Vua Lear là một nhân vật như vậy. Lúc đầu, nhân vật này hiện lên với những tính cách xấu. Chẳng hạn ông ấy thật mê muội khi nghe và tin tưởng hoàn toàn vào những lời xu nịnh, giả dối của Goneril và Regan. Từ đó vua Lear đã mắc một sai lầm lớn tới mức khiến cho ông mất tất cả: đất đai, quyền lực và quan trọng hơn cả là Cordelia. Ngoài ra, vua Lear còn hết mực độc đoán. Chỉ vì những lời nói trung thực, chân thành của Cordelia không đủ để làm cho mình hài lòng. Vua Lear đã sẵn sàng cắt đứt mối quan hệ cha - con với nàng. Sớm nhận ra bộ mặt giả dối của Goneril và Regan, sớm nhận thấy vua Lear đã sai khi "uy quyền chúa thượng đến cúi mình trước giọng lưỡi nịnh thần" (trang 505) và đưa ra quyết định khước từ người con gái yêu người thật lòng, vị trung thần - bá tước Kent đã ra sức can gián nhà vua. Mặc vậy Lear vẫn không nghe và thậm chí còn ra lệnh trục xuất bá tước Kent khỏi nước Anh. Bên cạnh những tính xấu trên, thật ra Lear vẫn là một nhân vật đáng thương và đáng quý. Sau khi bị chính hai người con gái của ruồng bỏ, vua Lear đã hóa điên dại. Hình ảnh một người cha lớn tuổi phải đau đớn mà oán thán với trời đất giữa một đêm mưa bão khủng khiếp đến mức, theo lời của bá tước Kent: "Những loài vốn thích ban đêm cũng không giống nào ưa những đêm như đêm nay được...Thể chất loài người thực không sao đương nổi hãi hùng" (trang 551). Việc Lear hóa điên, theo cá nhân người viết, là biểu hiện cho thấy Lear đã và đang dằn xé lương tâm của chính bản thân mình. Đó có thể là lúc Lear đang rất căm ghét, phẫn uất với Goneril và Regan qua bao lời nguyền rủa cay độc, nhưng rất có thể đó cũng chính là lúc Lear cũng đang nguyền rủa mình do trước đây đã tin vào miệng lưỡi nịnh thần. Đó cũng có thể là lúc mà Lear đang cảm thấy hối hận và hỗ thẹn khi nghĩ về Cordelia và những gì mình đã nhẫn tâm làm với nàng. Cuối cùng, ta vẫn thấy Lear đáng quý khi nhân vật này hiện lên hình ảnh một người cha thật sự khi đã được gặp lại Cordelia và nhận lấy sự bao dung của cô con gái này. Sau khi quân Pháp do Cordelia khởi binh với mục đích chính vì vua Lear thua quân Anh, cả hai người đều bị bắt. Điều bất ngờ ở đây đó là tâm trạng của vua Lear. Ta dường như nhận thấy ở đó là niềm vui và hạnh phúc khi vua Lear nói với Cordelia rằng: "...hai cha con ta cùng đi vào ngục, rồi cả hai cha con ta cùng hát như đôi chim trong lồng. Khi con xin cha ban phước cho con, cha sẽ quỳ xin con tha tội. Ta sẽ cứ thế mà sống với nhau, và nguyện cầu và ca hát, và nói chuyện cổ tích, và cười cợt với bướm vàng óng ánh..." (trang 595, 596). Tâm trạng của vua Lear như vậy vì ngay chính giờ phút hiện tại nay, người cha từng trải qua bao đau khổ, dằn vặt và hối hận cuối cùng đã có được cho mình điều quý giá nhất trên đời, không có gì sánh được: Cordelia. Giờ đây không có gì có thể chia rẽ người cha và người con gái luôn yêu thương mình với biết sự bao dung và vị tha. Người cha nhất quyết không bao giờ ruồng bỏ người con gái này nữa. Đến đây, chúng ta thấy có sự đối lập giữa một vua độc đoán, mê muội với một người cha đáng quý trong chính nhân vật Lear. Nhìn ở một mức độ khái quát, đó cũng là sự đối lập giữa những điều trong sáng và những góc khuất tối trong một con người thế tục, được thể hiện trọn vẹn trong những tác phẩm nhân văn chủ nghĩa.
Một nhân vật mà tôi rất tâm đắc (thậm chí còn hơn nhân vật trung tâm là Lear) chính là Edmund. Nếu phân chí các nhân vật trong tác phẩm này thì tôi đề xuất chia chúng thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là các nhân vật hoàn toàn tốt như Cordelia luôn yêu thương cho cha, Kent là một vị trung thần phò tá vua Lear dù bị chính vị vua ấy trục xuất, Albany luôn có mâu thuẫn, bất bình trước hành động và thái độ với Goneril. Nhóm hai là các nhân vật hoàn toàn xấu như Goneril và Regan luôn hành động và suy nghĩ vì lợi ích riêng. Còn nhóm thứ ba là các nhân vật khó xác định rằng chúng là hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu bởi lẽ hai đối cực của phẩm chất đều xuất hiện trong cùng một nhân vật. Nhân vật thuộc vào nhóm ba chính là Lear. Vậy chúng ta sẽ xếp nhân vật Edmund vào đâu đây? Nhân vật này lộ rõ những hành vi và suy nghĩ cho thấy hắn ta là một nhân vật mưu mô, gian xảo và thâm độc. Edmund đã lập ra âm mưu để hãm hại biết bao nhiêu người. Trước hết chính là cha hắn - bá tước Gloucester và anh trai cùng cha khác mẹ - Edgar. Rơi vào âm mưu do Edmund tạo ra, bá tước Gloucester đã tưởng Edgar muốn hãm hại mình để giành lấy tài sản nên ra lệnh truy nã con trai ruột của mình. Edmund còn nhẫn tâm và vô tình đến mức bán đứng cha mình khi ông muốn giúp cho vua Lear với Regan và công tước Cornwall. Để rồi sau đó Gloucester bị họ móc mắt trong đau đớn và hối hận khi biết được sự thật: mình và Edgar đã bị Edmund hãm hại. Với mục đích củng cố lợi ích của mình, Edmund cùng một lúc đã có tư tình với cả hai chị em Goneril và Regan. Hậu quả cho hành động này là Goneril đã trở nên ghen ghét đến mức đầu độc Regan và tự sát. Cordelia dù chẳng có âm mưu gì với Edmund nhưng hắn cũng ra tay với nàng bằng cách cùng Goneril ra lệnh cho một tên quan thắt cổ Cordelia. Tuy nhận định đã nêu ở trên đã đủ cơ sở để được kết luận một cách chắc chắn nhưng thiết nghĩ chúng ta nên xem xét thêm về cách nhận định trên. Ở đây tôi không có ý định "tẩy trắng" hay ca ngợi những việc làm rõ ràng thể hiện sự xấu xa, mưu mô của Edmund. Cái tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta nên tìm hiểu nguyên nhân sâu xa khiến cho hắn ta trở thành ra như vậy, nhằm tránh cái nhìn phiến diện, định kiến. Chúng ta hãy chú ý lời thoại sau của Edmund: "Ta việc quái gì phải tuân theo thói đời hủ bại để cho cái thiên hạ bo bo luân thường đạo lý tước đoạt quyền lợi của ta, chỉ bởi lẽ ta ra đời muộn hơn một thằng anh độ mươi mười hai tháng" (trang 510). Từ đây nguyên nhân thứ nhất khiến Edmund phải tranh giành quyền lợi bởi lẽ, việc dựa vào sự phân chia thứ bậc, lớn nhỏ để phân chia quyền lời giữa hai anh em, theo Edmund trong lời thoại trên, là một không đáng được chấp nhận. Hơn thế nữa, còn một nguyên nhân có động lực mạnh hơn: Edmund là con hoang (con với người tình) của bá tước Glocester, mà đã là con hoang thì phải chịu nhiều bất công, ô nhục. Chính Edmund cũng đã thốt lên rằng: "Sao lại là con hoang? Sao lại là ti tiện? Khi mà chân tay ta cũng đầy đặn, tâm trí ta cũng không ngoan, dáng bộ ta cũng rất là hẳn hoi như được bất cứ một hiền đức phu nhân nào sinh hạ? Sao lại gieo cho bọn ta tiếng xấu xa, ô nhục, là giống hoang thai? Xấu? Xấu cái nào?" (trang 510). Vì sao chỉ vì là "con hoang" mà mình lại không được đối xử như con chính thức? Thậm chí chính bá tước Gloucester cũng đã rất tự hào về đứa con hoang này của mình trong đoạn đối thoại với bá tước Kent ngay lúc mở đầu vở kịch. Hiểu được hai nguyên nhân sâu xa trên, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ không phê phán gay gắt Edmund. Chúng ta sẽ vẫn không đồng tình với những gì mà hắn đã làm nhưng đâu đó thấp thoáng là một cái nhìn thấu đáo và sâu sắc cho nhân vật này. Bên cạnh đó, tận sâu bên trong những góc khuất tăm tối, những tia sáng vẫn le lói trong bản tính của Edmund. Sau khi bị Edgar phơi bày sự thật và lắng nghe câu chuyện mà anh trai và cha của mình đã hứng chịu do những âm mưu mà mình đã sắp đặt, Edmund đã nói: "Câu chuyện của anh thật xúc động lòng tôi; nó sẽ làm nảy ra một đôi điều thiện cũng nên" (trang 601). Cuối cùng trước khi chết, Edmund cũng đã làm một điều thiện: nói mọi người hãy đến giải cứu cho vua Kear và nàng Cordelia khỏi chính âm mưu mà mình và Goneril đã thực hiện: thắt cổ nàng rồi phao tin Cordelia đã tự sát. Cho nên đối với cá nhân tôi, Edmund là một nhân vật đặc biệt, xấu và tốt đã đồng thời hiện hữu trong một con người.
3. Tác phẩm "Vua Lear" gợi đến vấn đề liên quan đến sức mạnh trí tuệ của con người: Hành trình đi từ giả dối đến sự thật.
Cảm hứng ngợi ca sức mạnh trí tuệ, tiền năng lý trí đã có từ thời Hy Lạp cổ đại. Chúng ta có thể thấy điều này được thể hiện thông chuyện về Icarus trong thần thoại Hy Lạp. Trong bi kịch "Oedipus làm vua" cũng mang đậm cảm hứng này. Dù những người xung quanh ngăn chặn nhưng Oedipus vẫn nhất quyết phải truy tìm cho ra sự thật về danh tính của chính bản thân, bất chấp hậu quả có to lớn đến đâu. Cảm hứng này không được hoan nghênh thậm chí là bị dập tắt trong thời kỳ Trung cổ bởi vì nó tạo ra sự xung đột với ý chí của giáo hội nhà thờ lúc đó. Cảm hứng ấy cuối cùng cũng được phục hồi và chấn hứng trong thời kỳ Phục hưng. Người ta đã đặt niềm tin vào chính bản thân, đặc biệt là sức mạnh trí tuệ. Dù con người vẫn nhỏ bé trước thế giới nhưng sức mạnh trí tuệ có thể giúp con người tiến đến có những nhận thức sâu sắc hơn, để rồi cải tạo thế giới này. Trong tác phẩm "Vua Lear", bên cạnh những chủ đề như sự rạn nứt trong tình cha - con, cái thiện - cái ác..., thì hành trình giải thoát khỏi sự giả dối để đến với sự thật là chủ đề không thể nào bỏ qua. Hành trình này chủ yếu xoay quanh nhân vật Lear.
Goneril và Regan ngay từ đầu đã buông những lời nói dối trắng trợn nhằm làm đẹp lòng của vua Lear. Hai người ấy không hề yêu thương gì cha mình. Đặc biệt bản chất trái với luân thường đạo lí thể hiện khi vua Lear bị đuổi đi một cách nhân tâm và vô tình trong một đêm mưa bão khủng khiếp. Bá tước Gloucester muốn giúp cho vua Lear nhưng bọn chúng lại trừng phạt ông ấy vì một hành động trung nghĩa hết mực. Từ đây chúng ta có thể nhận định Goneril và Regan là những đại diện cho sự giả dối và vua Lear, lúc đầu, đã tin vào đó. Dù bá tước Kent có can gián cũng không nghe. Để rồi cuối cùng vua Lear bị chính những người con gái đã từng nói những lời yêu thương mình ruồng bỏ. Đó cũng chính là lúc mà vua Lear nhận ra sự thật: Cordelia mới là người yêu thương mình thực sự. Hành trình nhận thức chân lý của vua Lear không hề dễ dàng vì ông đã phải trải qua bao nhiêu sai lầm. Nó đau đớn vô cùng. Bởi lẽ người cha tội nghiệp ấy đã nhận ra sự thật trong cơn điên dại đến từ sự dằn vặt bản thân khôn xiết. Hành trình ấy buộc vua Lear trả cái giá rất đắt: sự thật đến với vua Lear khi ông không còn lại thứ gì cho mình cả, đã mất hết mọi thứ. Nhưng sau tất cả, hành trình lại rất đáng quý. Chúng ta nhìn thấy hình ảnh người cha nhẹ nhàng nâng niu Cordelia - đứa con gái mà mình đã khước từ - khi được gặp lại nàng. Mặc cho hoàn cảnh khốn cùng (bị bắt trói bởi quân Anh do Goneril và Regan làm chủ), người cha vẫn bộc lộ niềm sung sướng và hạnh phúc vì lúc này không điều gì có thể chia rẽ hai cha con Lear nữa.
Chủ nghĩa nhân văn là trào lưu tư tưởng bao trùm suốt thời kỳ Phục hưng ở phương Tây. Giá trị cốt lõi của chủ nghĩa nhân văn là sự tôn trọng mọi giá trị thuộc về con người, là sự tôn vinh con người nơi trần thế với tất cả sự phức tạp trong thế giới nội tâm và ca ngợi vào sức mạnh trí tuệ của con người. "Vua Lear" là một trong những vở bi kịch xuất sắc của William Shakespeare, mang đậm tinh thần nhân văn chủ nghĩa.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất