Vụ việc về quân khu 7 mấy hôm nay đã khiến một đứa từng bị xâm hại như tôi suy nghĩ rất nhiều. Đám đông cuồng nộ, dắt mũi dư luận, lòng yêu nước, một nửa của sự thật. Là gì cũng được, trước hết, tôi cảm ơn chân thành cộng đồng mạng đã làm quá tốt mấy ngày qua. Nhờ vậy mà không một sự thật nào được che giấu.
Quan điểm của tôi với việc này chính là, cư dân mạng đã không sai khi đẩy mọi chuyện đi thật xa để truy cầu sự thật. Một số thành phần quá khích đến mức công kích trường học dù chưa rõ thực hư thì đồng tình rằng đây là một hành động không chính đáng. Nhưng việc chia sẻ đòi một lời giải thích tôi cho rằng là hợp lý.
Thật ra chẳng ai  muốn sự việc trong đoạn video đó là thật, nhưng từ bao giờ yêu cầu sự thật lại là một điều quá đáng?
Tại sao chúng ta không có quyền tin là có chuyện gì tồi tệ đã xảy ra với cô bé trong video, khi nghe tiếng thét thảm thiết của em ấy vào lúc nửa đêm? Dù là cãi nhau hay bất kỳ một vấn đề gì, thì việc hét thảm thiết như thế cũng là một lời kêu cứu cần được nhận sự giúp đỡ.
Tại sao hành động xóa bài, yêu cầu không được chia sẻ vì danh dự của một tổ chức, răn đe luật an ninh mạng thay vì một lời giải thích rõ ràng và đầy đủ bằng chứng lại không cho phép chúng ta được nghi ngờ độ thực hư của sự việc?
Những gì mà dân mạng muốn, chính là “sự thật”, “minh bạch” và sự lên tiếng bảo vệ từ phía nhà trường và pháp luật. Tại sao lại không có một bên thứ ba mang tính công bằng điều tra và làm rõ vấn đề? Tại sao chúng ta không được chọn tin tưởng những gì chúng ta cho rằng có nguy cơ và yêu cầu làm rõ?
Có thể vấn đề không nghiêm trọng như chúng ta tưởng tượng.
Có thể mọi chuyện không như những gì được chia sẻ trên mạng.
Nhưng đôi khi chính những hành động mạnh mẽ đòi hỏi một lời giải đáp đó lại có thể cứu một nạn nhân, hoặc những người có thể là mục tiêu trở thành nạn nhân.
Tôi thà là một phần của người bị dắt mũi, còn hơn là để một nạn nhân vì sự thờ ơ của xã hội mà bị hại.
Tôi thà tin một lời nói dối để chứng mình rằng đó là lời nói dối, hơn là để nạn nhân gào thét trong tuyệt vọng.
Chúng ta không có thẩm quyền, chuyên môn để phân tích đâu là đúng đâu là sai của vấn đề. Đó là lý do vì sao cái mà dân mạng có thể làm là chia sẻ thông tin để truy cầu một lời giải thích công tâm, và sự thật rõ ràng từ phía người liên quan và cơ quan chức năng.
Tôi hy vọng ít nhiều trong số những người đọc bài viết này đã từng coi bộ phim Unbelievable. Một câu chuyện đau lòng từ nạn nhân bị xâm hại, nhưng sau đó cô không được tin tưởng chỉ vì trong lúc lấy lời khai có những sự việc bị thay đổi do sang chấn khiến cho trí nhớ không rõ, và không tìm được thêm bằng chứng từ hiện trường. Kết quả là cô còn bị phạt tiền vì khai sai sự thật. Trong khi đó hoàn toàn là sự thật.
Vì không tin vào một lời nói của nạn nhân, kết quả là rất nhiều cô gái xấu số đã trở thành nạn nhân. Và đây là bộ phim dựa trên một bộ phim có thật. Vấn đề trong câu chuyện này là không phải lời nói dối đó tệ đến đâu, mà là tại sao chúng ta không đi tìm hiểu thực hư từ lời nói đó?
Sẽ ra sao nếu đoạn video trong quân khu 7 là sự thật, và thật sự có một nạn nhân nhưng ai cũng chọn cách im lặng?
Sẽ ra sao khi sau này vì những lời chỉ trích rằng dân mạng chỉ đòi cái “sự thật” mà họ mong muốn khiến cho ai cũng trùng bước khi chia sẻ những trường hợp cần phải có cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra?
Sẽ ra sao khi chúng ta tin vào lời nói của quân khu 7 mà không có bất kỳ một bằng chứng nào được đưa ra? Và đó lại là một lời nói dối?
Luật pháp được sinh ra để đòi công băng cho người dân. Và cơ quan pháp lý là nơi để chứng minh đâu là thật, đâu là giả. Vậy thì tại sao sự đòi hỏi minh bạch từ người dân lại trở thành một trò cười?
Chẳng có gì là “xấu hổ” hay “nhục mặt” khi chia sẻ thông tin sai, vì quan trọng là chúng ta đều muốn chứng minh nó SAI. Là chúng ta MUỐN CHỨNG MINH. Để chắc chắn rằng không có nạn nhân nào ở đây cả, và đảm bảo quyền lợi được biết sự thật của mình.
Một nạn nhân sẽ trở nên sợ hãi khi không được tin tưởng.
Những nạn nhân tương tự sẽ chọn cách im lặng để không bị đám đông tổn thương và bảo rằng mình đang nói dối.
Những người có quyền lực sẽ lựa chọn lấp liếm bằng một vài lời ngụy biện hay răn đe vì biết chắc rằng chẳng ai còn đòi cái SỰ THẬT nữa.
Rất nhiều câu chuyện khó tin đều có thể là sự thật. Tại sao chúng ta không tin tưởng một sự bất thường để chứng minh rằng nó bình thường, thay vì chỉ trích hành động đó để chẳng còn ai dám lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chung?
Kẻ xấu không hoàn toàn tự nhiên được sinh ra, họ đều được tạo ra vì chính chúng ta lựa chọn chấp nhận điều đó.
Nếu người dân hiền lành và tin tưởng vô điều kiện. Kẻ lợi dụng quyền lực để che giấu sự thật sẽ thật sự xuất hiện.
Nếu chúng ta cho rằng ai cũng nói dối, thì chẳng một ai chọn nói thật.  
Tôi đã từng lên tiếng vì chuyện của mình và người nhà chọn không tin tưởng, chọn bỏ qua sự việc. Và tôi chết chìm trong nỗi đau đó dai dẳng cho đến tận bây giờ. Nên tôi thật lòng rất biết ơn những người chịu tin tưởng vào nạn nhân, hoặc sự việc bất thường để đòi hỏi một sự minh bạch.
Hành động quá đà có thể gây thiệt hại, nhưng ít nhất nó giúp cho những sinh viên đang sợ hãi có lòng tin về dư luận, về công bằng xã hội, về việc mình ít có khả năng trở thành nạn nhân.
Sự việc vừa qua, nó thể hiện rõ ràng sự thiếu xót trong việc xử lý thông tin từ nhà trường và cả cơ quan pháp luật. Đồng thời cũng thấy rõ cư dân mạng cũng có những thành phần quá khích. Sự thay đổi này sẽ được thay đổi hằng ngày nếu chúng ta chấp nhận nhìn nhận rõ điểm sai của mình.
Nhưng cũng đừng vì vậy mà công kích những người đã chia sẻ thông tin sai, vì cái họ cần chính là sự CHỨNG MINH rằng thông tin đó là SAI một cách MINH BẠCH, CỤ THỂ, RÕ RÀNG. Không ai trong chúng ta hy vọng một nạn nhân nào thật sự xuất hiện ở đây cả.
Và lần nữa, tin tưởng một lời nói dối để chứng minh đó là một lời nói dối vẫn tốt hơn là tin tưởng rằng sự thật là giả dối ngay từ đầu để tạo cơ hội cho những kẻ xấu hành động.
-Lâm Duệ Nghi-