Lớp 11, tôi gặp anh.
Anh hơn tôi một tuổi và chúng tôi cùng trong đội tuyển thi tiếng Pháp cấp quốc gia.
Anh là người có ngoại hình thú vị. Đầu hướng về trước, các ngón tay gầy guộc. Nổi bật nhất ở anh là gương mặt không biểu cảm, như bây giờ hay gọi là NPC, và tiếng cười thé họng mỗi khi có chuyện vui.
Anh linh hoạt và lắng nghe mọi người, nhưng gần như không nói. Tôi nhớ trong mấy tháng học đội tuyển, không thấy anh nói một từ tiếng Việt nào.
Nhưng trí tuệ của anh thì không thể bàn cãi. Các giờ luyện tiếng Pháp căng thẳng của chúng tôi đối với anh khá nhẹ nhàng. Khi cần nói theo chủ đề, anh cũng nháp giống chúng tôi và nói bằng ngữ pháp chuẩn mực, nhưng với giọng đều đều vô cảm, như một chiếc loa to trong góc phòng đang phát text-to-speech.
Ngồi cạnh, vừa làm bài tập, tôi vừa thấy anh chăm chỉ đọc hết bài này đến bài khác trên Wikipedia bằng iPad. Chiếc iPad là bạn thân của anh, và một cách nào đó cũng là cửa sổ đưa tôi vào thế giới của anh. Chúng tôi xem memes, chơi Tap The Frog, cười với nhau khúc khích mà không cần giao tiếp bằng lời nói.
Sau kỳ thi, chúng tôi không giữ liên lạc. Sau này tôi đoán anh có hội chứng phổ tự kỷ. Lúc đó tôi không quan tâm lắm, chỉ thấy đây là một người khác biệt nhưng khiến tôi thấy dễ chịu.
Trong một thời gian dài, tôi không nghĩ mình khác biệt. Sự thực là tôi không muốn nghĩ mình khác biệt. Học tốt, đỗ đại học điểm cao, tham gia cán bộ lớp, và tôi cũng nhanh nhẹn trong một môi trường mà thành tựu học tập của mình được đánh giá cao.
Nhưng càng ngày sự tồn tại của tôi biến thành một thực tại khốn khổ. Giữa những sang chấn của bạo lực gia đình, cuộc đời bị kiểm soát và mong ước được tự do, một cảm giác xa lạ với toàn bộ con người, toàn bộ thế giới nổi lên trong tôi. Vào một ngày đẹp trời, tôi có thể đứng như trời trồng mà không biết mình đang ở đâu, như xuất thần vậy. Cơ thể tôi tắt ngúm, căng cứng, giống như mọi sự sống đã bị rút cạn, để lại một cái xác với những cơ chế cơ học. Giống như một robot. Trong những khoảnh khắc ấy, tất cả trong tôi là bóng đêm, sợ hãi, hoảng hốt, đau đớn tột cùng. Tôi chật vật để chia sẻ điều ấy.
Hồi đó, không thể nói tôi không có bạn. Tôi cũng có khá nhiều người để lắng nghe và giúp đỡ. Nhưng vẫn có gì đó. Ngồi bên một người tâm giao, nói chuyện, được an ủi, nhưng tôi không thể ngừng cảm thấy như một con robot. Tôi không thể ngừng ghê tởm bản thân. Mỗi khi nghi ngờ có ai đang quý mình, muốn coi mình là bạn, tôi chỉ muốn cắt đứt ngay. Một nỗi sợ chôn sâu và đứng chặn đường tất cả các mối quan hệ giữa tôi và người khác. Nỗi sợ ấy nói:
Đừng để ai biết.
Nhưng biết cái gì? Tôi không thể hình dung ra, chỉ cảm nhận rằng đó hẳn là điều rất khủng khiếp.
Biết trước rằng tình trạng này sẽ khiến mình khó hòa nhập khi đi làm, tôi buộc phải có kế hoạch. Cẩn trọng giữ lấy mình trong môi trường công sở phức tạp, lắt léo, tôi bày cho mình các chiến lược giao tiếp. Những nỗ lực để "diễn kịch" mọi tình huống giao tiếp, từ cơ bản tới phức tạp, từng tiếng cười tới cử chỉ tay chân suốt 8 tiếng hàng ngày, không nhằm gì hơn chỉ để khiến mình "bình thường", "vô hại", vậy mà dường như ai cũng phát hiện điều bất thường.
Ở trường đại học và cơ quan, tôi thường được gọi là người có "cá tính ngầm", điều ấy làm tôi bối rối. Có gì ngầm ẩn trong tôi mà người xung quanh đang nhìn ra, trong khi tôi vẫn chưa thể chấp nhận?
Không thể gạt bỏ điều đó và cũng không thể cải thiện, chỉ có sự tiến bộ chuyên môn mới khiến tôi tạm an tâm. Tôi kiệt sức sau hơn một năm, bèn chuyển sang freelancing và làm việc tại nhà.
Nghỉ làm một thời gian để chăm gia đình, trong môi trường an toàn hơn hết, gần đây tôi mới thả lỏng và nghĩ về bản thân.
Từng bước đi qua hàng lớp cơ chế tâm lý chồng chất, tôi tiến dần tới câu trả lời. Và Đa dạng thần kinh - Neurodiversity dường như là đáp án tiếp theo cho những gì làm nên con người của tôi.
Đa dạng thần kinh (Neurodiversity) được đề xuất như là một khuôn khổ giải thích rằng chức năng và hoạt động nhận thức não bộ có sự đa dạng về bản chất. Trong khuôn khổ này những thứ vốn được gọi là rối loạn phát triển thần kinh thực chất là sự khác biệt và khuyết năng (disabilities), nhưng không nhất thiết là bệnh (pathological). Khuôn khổ Đa dạng thần kinh nổi lên từ phong trào quyền cho người Tự kỷ. (Wikipedia) Neurodiversity thực chất không phủ nhận việc tự kỷ là một dạng khuyết tật, kể cả nếu cá nhân ấy không có khuyết tật trí tuệ. Thậm chí, nó còn nhấn mạnh rằng tự kỷ là một dạng khuyết tật xã hội. Họ gặp những trở ngại đến từ giao tiếp, thái độ, và thậm chí từ những tác nhân kích thích giác quan nhỏ nhặt nhất . Việc tìm kiếm một phương thức để chấm dứt (cure) tự kỷ cũng là một đề tài gây tranh cãi trong cộng đồng tự kỷ. Neurodiversity cho rằng tự kỷ là một phần thiết yếu tạo dựng nên một cá nhân, và do đó việc tìm thuốc chữa là vô lý và thậm chí phi đạo đức. Nếu dựa theo những lập luận của Neurodiversity, người tự kỷ là người sử dụng một hệ trí não khác biệt so với phần đông dân số. Do đó, đây là một phần của họ, và sẽ tiếp tục đi theo họ trong suốt cuộc đời. Ngoài ra, còn có một số quan niệm cho rằng, tự kỷ chỉ có ở trẻ nhỏ, và rằng "lớn lên sẽ hết". Trên thực tế, chính bởi vì những quan niệm này, có rất nhiều người tự kỷ trưởng thành phải đối diện với những trở ngại liên quan đến tự kỷ (trước khi nhận được chẩn đoán) mà không biết tại sao mình lại như vậy. (InPsychOut)
Tác giả Devon Price viết cuốn sách Unmasking Autism (Gỡ bỏ mặt nạ Tự kỷ), đào sâu vào chiến lược "đeo mặt nạ" ở những người Tự kỷ chưa được chẩn đoán. Những lời tác giả viết như sau:
Tôi phát hiện hàng nghìn người Tự kỷ giống như tôi. Họ phát hiện khuyết năng của mình ở tuổi trưởng thành, sau nhiều năm bối rối và ghê tởm bản thân. Khi là trẻ con, những người Tự kỷ này vốn rõ ràng đã lúng túng, nhưng thay vì được giúp đỡ, họ lại bị trêu chọc. Cũng như tôi, họ hình thành những chiến lược để hòa nhập, như nhìn lên trán người đối diện để giả vờ như đang nhìn vào mắt, hay ghi nhớ những kịch bản giao tiếp dựa trên TV.
Nhiều người Tự kỷ vụng trộm này tìm đến trí tuệ hay các tài năng khác để giành lấy chấp nhận từ người khác. Có những người trở nên thụ động. Bên dưới mặt nạ khiêm tốn, chuyên nghiệp mà họ xây dựng nên, cuộc đời họ đang vỡ tan thành từng mảnh. Nhiều người trong số đó mắc chứng tự hại, rối loạn ăn uống và nghiện ngập. Hầu hết họ đều bị trầm cảm, ám ảnh bởi một cảm giác trống rỗng sâu thẳm. Cả cuộc đời tạo nên bằng sự bất tín vào bản thân, căm ghét cơ thể mình, và sợ hãi những khao khát của mình.
Quả thực trải nghiệm đọc Unmasking Autism đã mang lại sự cân bằng mà tôi chưa từng có trước đây. Liệu tôi có hội chứng phổ tự kỷ không? Có lẽ không có câu trả lời chính xác, vì điều kiện hiện tại không cho tôi tiếp cận chẩn đoán. Nhưng có sự bình an khi biết rằng tôi khác biệt, tôi sẽ mãi mãi khác biệt. Tôi chỉ thấy thoải mái nhất bên những người khác biệt như mình. Hiểu rằng mình có nhu cầu như một người Tự kỷ, tôi để mình thoải mái phát ra những âm thanh vô nghĩa, gõ bàn tay hoặc đập cánh tay mỗi khi vui thích hoặc lo lắng, căng thẳng (những hoạt động trước đây phải kiềm chế vì xấu hổ).
Lần đầu tiên tôi đối mặt với sự thật về bản thân, và dập tắt được giọng nói sợ hãi trong đầu mình. Việc thế giới có chấp nhận tôi hay không không còn quá quan trọng, tình bạn với những người yêu mến và chấp nhận tôi mới là điều đáng trân trọng, gìn giữ.
Nếu bạn nghĩ rằng bản thân hay người thân của mình cũng có khác biệt gần giống với Tự kỷ ở người trưởng thành, bạn có thể tìm hiểu trên mạng hoặc qua cuốn Unmasking Autism bằng tiếng Anh. Nếu ai đó dường như luôn bị "lệch" trong giao tiếp hay hành vi, hãy dịu dàng và đừng phán xét, bởi vì có lẽ họ đã rất cố gắng để diễn tập phong cách giao tiếp đó nhằm được người xung quanh chấp nhận.
Mình không có chuyên môn hay hiểu biết nhiều về Tự kỷ, nhưng mong muốn chia sẻ một góc nhìn đã giúp mình chấp nhận bản thân và chiến thắng trong chặng đường tiếp theo tới hạnh phúc.