"Chúng ta thích chia ra 2 phe vì chẳng đứa nào muốn nhận mình vừa là victim vừa là aggressor, nghe nó chối lắm! Nhưng thực tế, bọn mình vừa là victim vừa là aggressor của nhau thôi."
(Artwork của Alisa Vu)
Mình đã viết bài này từ vài ngày trước nhưng bận quá, cứ trì hoãn hoàn thiện và đăng. Bẵng đi cũng đã gần một tuần, giờ này đăng lên chắc cái nhiệt của topic đã giảm. Câu chuyện lắng dần, hàng tá drama khác đã nổi lên những mình vẫn muốn đăng bài này vì kinh nghiệm tham vấn & hỗ trợ chữa lành của mình cho thấy:
Hầu hết khách hàng của mình đều gặp khó khăn khi làm việc với những tổn thương trong quá khứ hơn so với các vấn đề phát sinh ở hiện tại.
Bài này mình viết không để chỉ trích Giang Ơi, Zoie, cô giáo hay tập thể lớp cấp 2 đấy mà hướng đến 2 mục đích chính: Chia sẻ những suy nghĩ của mình xung quanh sự việc & kinh nghiệm xử lý những tổn thương trong quá khứ.

Về chuyện "Giang Ơi bị bắt nạt"

Có mấy điểm mình muốn nói đến ở đây như sau:

1. Giang Ơi lên sóng truyền hình kể chuyện thời cấp 2 từng bị bạn bè tẩy chay, ruồng bỏ, muốn sang Anh du học

Không sai một dấu phẩy, đây là toàn bộ tiêu đề bài viết mà Zoie và các bạn cấp 2 của Giang chia sẻ với chủ trương: kể chuyện một chút thì vui, kể lể nhiều chút không vui tí nào! Những người chia sẻ tập trung vào 2 điểm chính: Giang Ơi không bị tẩy chay mà tự cô lập vì cả tập thể đều rất hòa đồng thân thiết đến tận bây giờ và Giang Ơi lớn rồi, đừng đóng vai nạn nhân nữa, hãy bước tiếp với năng lượng tích cực mà bạn ấy đang lan tỏa!
Hold on! Trước khi đi xa hơn mình rất thắc mắc về cách đặt tiêu đề của Kênh 14: Giang Ơi lên sóng truyền hình kể chuyện... Không biết có ai nghĩ giống mình không nhưng khi đọc tiêu đề này, mình cảm giác tác giả cũng có chút thiên kiến nào đó cho rằng Giang Ơi kể lể chuyện cá nhân công khai. Có thể mình nhạy cảm nhưng cụm từ "lên sóng truyền hình" khiến mình có những liên tưởng như vậy. Trước khi Zoie share bài, mình đã lướt qua tiêu đề này một lần và có suy nghĩ: Ủa, tưởng kể một lần rồi nhỉ?
Khi sự việc nổi lên, một số bạn bình luận theo hướng (mình lười cap ảnh lắm, có quan tâm chắc các bạn cũng đã đọc qua rồi nên thứ lỗi cho mình không lấy chèn dẫn chứng):
- Đhs có mỗi chuyện đó đem ra kể suốt.
- Ôi bị bắt nạt mà được qua Anh du học mình cũng muốn các bạn ạ!
- Giang ơi vừa bán mũ với túi nên ăn mày quá khứ tìm chút tình thương ấy mà!
Sau đó, như bao phi vụ hóng hớt khác, mình quyết định xem số IELTS FACE OFF có Giang Ơi tham gia (link ở trên) để xác minh xem cô bạn có cố tình kể lể xin thương hại từ 500 anh em hay không. Câu trả lời nhận được khá thất vọng với một đứa thích hóng drama như mình: Giang có vẻ không cố tình nhắc lại chuyện cũ. Nếu xem kỹ, bạn sẽ thấy Đặng Tùng đặt câu hỏi về động cơ đi du học và Giang chỉ trả lời về chuyện bị bắt nạt như lý do. Số đó Giang Ơi cũng nói rất nhiều chuyện nhưng chi tiết được đưa lên báo chỉ có: Giang Ơi lên sóng truyền hình kể chuyện thời cấp 2 từng bị bạn bè tẩy chay, ruồng bỏ, muốn sang Anh du học.!!?? (mình biết báo chí thích chọn chi tiết nổi bật nhưng ở đây chi tiết này, với mình, có vẻ hơi huyền cơ định hướng)

2. Một người tẩy chay còn hiểu được chứ cả lớp không ai chơi cùng thì phải xem lại cái nết

Tư duy lạ lùng, thú vị nhỉ? Truyền thuyết kể rằng: Ở một vương quốc nọ có một nhà hàng thịt chó rất ngon và đông khách. Một ngày, mụ phù thủy bán thịt dê cạnh đó nghĩ: Cứ thế này thì thiên hạ ăn thịt chó hết thì mình bán thịt dê cho ma nào? Mụ bèn đóng giả thực khách đến quán thịt chó, gọi một set chó lên mâm đầy đủ chả, luộc, lòng, nướng, rựa mận, không quên lá mơ, chuối xanh và nước chấm mắm tôm gia truyền. Ăn uống no say mụ thả nhẹ vài chú ruồi vào bát mắm, chụp ảnh up lên group "Hội suốt ngày đói ăn vương quốc A" review thảm hại về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của quán. Chưa hết, mụ còn phù phép cho tất thảy những vị khách ruột của quán gặp chứng "Ảo giác thấy ruồi trong mắm tôm". Kể từ đó, khách quen bớt dần, khách lạ thì rén, quán thịt chó nổi tiếng nấu ngon nay trở thành quán "ngon mà bẩn", ít ai dám vào.
(Những khách quen bị trúng lời nguyền "Ảo giác thấy ruồi trong bát mắm tôm". Artwork của Alisa Vu)
Hiệu ứng đám đông hay tên gọi thân mật hơn "hiệu ứng chó hùa" xảy ra ở bất cứ đầu và mình đoán chắc ai trong chúng ta cũng đã từng chứng kiến điều này. Thời đi học, nhất là thời của 9x trước đây, để tránh bị bạn bè soi và xa lánh, chúng ta có thể không dám giơ tay trả lời một câu hỏi khó, nhuộm hồng cả mái đầu hay chơi với đứa mà phần lớn cả lớp không muốn chơi.
Tư duy nói trên có thể đúng trong trường hợp cả tập thể đó không ai biết nhau, không thể giao tiếp với nhau, mỗi cá nhân chỉ quen Giang Ơi một cách độc lập!
Mình không bênh vực Giang nhưng cũng không đồng tình với cách suy luận nực cười của một số bạn. Friendlist của mình có một số bạn làm truyền thông, đã từng hợp tác và khen Giang ngất trời nhưng khi sự việc xảy ra cũng up story, chia sẻ status, bài viết tỏ ý thất vọng, không ngờ và cho rằng Giang Ơi 2 mặt, thảo mai. Mình không hiểu!

3. Đọc bình luận thấy cô giáo cũng không phải dạng vừa đâu

Với mình, thật khó để ngay lập tức kết luận Giang bị bắt nạt thông qua việc cô giáo dạng vừa hay dạng to! Điều duy nhất mình thấy rõ ở đây là: Giang Ơi CÓ CẢM GIÁC BỊ BẮT NẠT và tập thể lớp còn lại (bao gồm cả cô giáo) CÓ CẢM GIÁC BỊ VU OAN & BƠ ĐẸP. 
Một ngày sau khi vụ việc được biết đến rộng rãi, Facebook của cô giáo (và cả Zoie) bị tấn công. Cô giáo phải tạm khóa tài khoản. Nhiều bạn vào inbox, bình luận trên post của Zoie và cô giáo để lăng nhục, sỉ vả hoặc nhẹ hơn là trách móc: Nhà giáo nhân dân mà phát ngôn thế này thì thôi cũng xin tạm biệt nền giáo dục nước nhà!
Ở đây, tiêu chuẩn vô hình về một nhà giáo nhân dân là gì? Mình không biết! Chỉ thấy cô giáo bình luận khá xì tin, hờn dỗi với học trò cũ. Cách cô và cả Zoie dùng từ rất lịch sự, nếu có gì bất ổn thì nó nằm ở sắc thái câu chữ hơi hướng mỉa mai, trách móc và thách thức. Nhưng cách nói chuyện đó, mình thấy ở tất cả các cuộc hội thoại trên giảng đường, tại công sở và ở khắp mọi nơi. Nó chẳng thể quy kết rằng: Giang Ơi bị cô giáo bắt nạt hay đì thực sự. Giang Ơi có thể là một cô học trò không được lòng giáo viên nhưng giáo viên cũng không phải là thánh mẫu. Môn học Tâm lý giáo dục ở các trường sư phạm chỉ chiếm một phần trong một học kỳ nhưng chúng ta đòi hỏi sự bao dung hoàn hảo giữa người với người thì e rằng hơi khó! 
(Come on, giáo viên cũng là người mà! Artwork vẫn của Alisa Vu)
Giáo viên đó không thích hoặc có thể là ghét Giang Ơi nhưng hồi đó, cô cư xử như thế nào, chúng ta đều không biết!
Với phụ huynh, con cái trong một nhà còn có đứa thương đứa ghét huống hồ là học sinh trong một lớp chủ nhiệm. (Nói đến vấn đề này, mình nghĩ lúc nào hết lười, mình sẽ viết một bài phân tích về lý do tại sao chúng ta ghét một người dù họ chẳng làm gì quá đáng dưới lý thuyết 7 tấm gương quan hệ và tâm lý học phóng chiếu, yo!)
Thật khó để biết sự thật vì tâm trí có thể bịa chuyện và trí nhớ của chúng ta có thể đẻ ra hàng nghìn phiên bản khác nhau! (Series Explained của Netflix có tập: Memory nói cái này này. Ngoài những giờ hóng drama xem cái này vui lắm các bác!)

4. 15 năm rồi mà tập thể đó vẫn chưa dừng tẩy chay một người

Đây là trăn trở giữa đêm khuya của Vũ Dino - bạn thân Giang Ơi khi chị mình bị vướng vào scandal.
Hồi xem Pinocchio, mình nhớ có 1 chi tiết mà biên kịch cứ lặp đi lặp lại. Đó là đẩy nhân vật vào một tin đồn nguy hiểm buộc họ phải chứng minh mình vô tội, khi nhân vật đó thắc mắc: "Tại sao tôi phải chứng minh một sự thật?" thì phóng viên/ cảnh sát đáp: "Vì cậu liên quan đến vụ việc này và công chúng luôn muốn biết sự thật đã được chứng minh thay vì một giả thuyết giống thật." Nhớ đợt drama của Chipu và Quỳnh Anh Shyn, không ai liên quan trực tiếp lên tiếng. Chỉ có những người bạn thân đóng vai người kể chuyện cho dư luận. Giang Ơi có thể không cần giải thích, không cần lên tiếng nhưng theo quan điểm riêng mình nghĩ Giang có thể làm điều gì đó để cộng đồng fan không công kích đối phương, cũng không làm mọi chuyện tệ đi! Ảnh hưởng của người nổi tiếng lớn như thế nào, mình nghĩ Giang hiểu rất rõ.
Với vai trò là một người quan sát, mình thấy các bạn KOLs thường có cách xử lý là im lặng hoặc thanh minh thanh nga với mục đích để dư luận không hướng rìu về mình. Nhưng cách nào cũng không ổn! Im lặng thì vấn đề vẫn ở đó và tạo ra những vết thương mà thanh minh vì mình thì cũng quá ích kỷ. Giang có thể nói xin lỗi khán giả vì đã có trải nghiệm không đáng và hi vọng mọi người không nên tấn công ai. Giang đã lớn và rất ổn! Vậy thôi. Từ "Sorry" trong tiếng Anh mình hiểu là "rất tiếc", nói xin lỗi ở đây không phải tôi nhận tôi sai mà tôi rất tiếc vì đã khiến bạn có một trải nghiệm không mấy vui vẻ. (Mình thấy chị giáo dạy thiền có clip này về việc xin lỗi rất hay nhé)
Mình có thể hiểu cho việc Vũ Dino thương chị nhưng không hiểu lý do Vũ Dino đăng story này. Là người có nền tảng marketing, lại đang là KOL, mình nghĩ Vũ Dino thừa hiểu sức nặng những phát ngôn của mình. Thế nào là "chưa dừng tẩy chay"? Thế nào là "lạm dụng từ năng lượng tích cực"? Cách Vũ Dino phát biểu có thể lại là một ngòi nổ cho một cuộc bắt nạt, tẩy chay những người ở bên kia chiến tuyến của Giang Ơi. Và với mình, cách đó thật ngớ ngẩn!
Tóm lại vẫn là câu chuyện "biết rồi, khổ lắm nói mãi": Ngưng phán xét, miệt thị (đặc biệt là miệt thị qua mạng) trước khi tìm hiểu toàn bộ câu chuyện.
Dừng lại một giây thôi và trả lời câu hỏi: liệu mọi chuyện có đang diễn ra như mình nghĩ rồi hẵng hành động!
Bạn hành động để chống bắt nạt nhưng đừng để rơi vào cái bẫy trở thành một kẻ bắt nạt mang danh công lý!
Đồng nghiệp xịn xò thích nói đạo lý của mình đã từng phát biểu trong một cuộc thảo luận về bạo lực giới: "Mình sống nhị nguyên quen rồi, cái gì cũng quy ra tốt - xấu, đúng - sai, trai trên - gái dưới. Bạo lực sẽ không còn tồn tại khi mình xóa bỏ được cái từ bạo lực và một đống định nghĩa liên quan như bắt nạt, tẩy chay, bạo hành, blabla. Mà mấy thứ đó đang được định nghĩa khi nào? Khi có một bên là aggressor - kẻ gây hấn, bên kia là victim - nạn nhân. Ối giời ơi, anh nói thật, chúng ta thích chia ra 2 phe vì chẳng đứa nào muốn nhận mình vừa là victim vừa là aggressor, nghe nó chối lắm! Nhưng thực tế, bọn mình vừa là victim vừa là aggressor của nhau thôi. Lắm sự!"

Về việc xử lý tổn thương trong quá khứ

Bài dài quá rồi nhỉ? Thôi mình đi vào trọng tâm luôn.
Lý do mình kết nối chuyện Giang Ơi với việc xử lý tổn thương là vì mình thấy thương Giang, thương cả cô giáo và những người bạn của Giang. Mình thấy họ đều đang mắc kẹt trong những cảm xúc cũ, mô thức cũ và có thể bạn, người đọc bài viết này cũng vậy!

Tại sao cần xử lý tổn thương trong quá khứ (hay buông bỏ/ thả lỏng/ chữa lành đứa trẻ bên trọng)?

Tâm lý học thì dùng từ sang chấn (trauma), tổn thương (suffering) trong quá khứ, tâm linh thì gọi là đứa trẻ bên trong, Chúa bên trong, vân vân và mây mây. Dù gọi là gì thì tất cả đều chỉ những cảm xúc đã xuất hiện trong quá khứ của chúng ta. Tâm linh thì gọi là những tắc nghẽn, tắc nghẽn không được khai thông thì dòng chảy không được xuyên suốt và con người không được trải nghiệm hoàn toàn thực tại, sống động với thực tại, luôn cảm thấy ấm ức và có điều gì đó sai sai. Phân tâm học thì coi đó là những cảm xúc chưa được gọi thành lời, chưa được nhận biết. Con người hiểu thế giới bằng cách kể chuyện (Yuval Noah Harari bảo thế) và nếu không tìm được ngôn ngữ, hình ảnh để gọi tên những cảm xúc đó, cơ thể hoặc tâm trí chúng ta sẽ tìm cách kể (thường là những cách mang tính tự hủy, cực đoan).
(Artwork: Alisa Vu)
Một ca trị liệu mình được đọc có mô tả: Một kỹ sư liên tục đâm vào người, đột ngột bỏ việc, nghỉ chơi, giả chết nhưng không có bất cứ vấn đề tâm thần nào tìm đến một nhà phân tâm học. Sau một quá trình trị liệu vật vã đã nhận ra anh ấy bị bạo hành từ năm 2 tuổi (khác với những gì được cha mẹ kể lại). Chịu đựng bạo hành trong lúc còn quá nhỏ, lúc anh ta không có khả năng để diễn tả những cảm xúc hoảng sợ, đau đớn đó với những người khác đã khiến anh ta hình thành cơ chế: Miêu tả câu chuyện của mình bằng cách khiến đối phương có cảm nhận như những gì anh ta cảm nhận thời đó (bao gồm sốc, đau đớn, bị bỏ rơi,...). Anh ta lớn lên và hành xử theo cách đến chính mình cũng không hiểu nổi vì những sang chấn đó.
Một ca trị liệu khác, nhẹ nhàng hơn: Một cô gái gặp vấn đề về chờ đợi. Cô ấy không thể chờ đợi bất cứ ai. Mỗi khi bạn bè hay người yêu đến muộn, dù là mấy phút hay lý do gì cô cũng có thể nổi xung lên, ném đồ đạc và giận dỗi mấy ngày. Quá trình tham vấn giúp cô phát hiện rằng: Thưở nhỏ, đã có một lần mẹ cô ấy đến đón muộn. Lúc đó, lớp học thêm kết thúc đã được 10 phút nhưng mẹ vẫn chưa đến và chẳng may trời nổi giông. Khi mẹ đến đã hối hả xin lỗi khiến cô quên mất việc kể lại nỗi sợ. Cô bé nhỏ sợ hãi mưa giông năm đó đã ôm cảm giác ấy lớn lên và đánh mất nhiều mối quan hệ vì mô thức phản ứng với sự chờ đợi bất thường.
(Artwork: Alisa Vu)
Những ca trị liệu sử dụng phân tâm học thường không đưa ra định hướng mà cố gắng đào sâu câu trả lời đã có bên trong chúng ta từ rất lâu. Những câu trả lời ngụy trang dưới hình hài của những tổn thương/ những cảm xúc chưa được gọi thành tiếng. 
Bạn có thể nói rằng: Ui tuổi thơ tôi bình yên lắm bạn mình ơi! Chúc mừng bạn! Nếu bạn hài lòng với cuộc sống hiện tại thì không có gì tuyệt vời hơn. Nhưng tin buồn là trẻ nhỏ rất dễ bị tổn thương, nếu không xoa dịu tổn thương tức khắc, chúng sẽ hình thành những mô thức mà chúng ta sử dụng để phản ứng với thực tại! Dễ thấy rằng, trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta chẳng hiểu tại sao mình lại hành xử kỳ cục lạ lùng như vậy!
(What doesn't kill you makes you strongerrrr) Artwork: Alisa Vu
Những tổn thương đó được chia thành Big Traumas (sang chấn lớn) và Small Traumas (sang chấn nhỏ). Sang chấn lớn có thể kể đến như bị cưỡng hiếp, bị bạo hành nặng nề,... Chúng là những nỗi đau lớn mà chúng ta không thể nào quên và cũng là những vấn đề dễ chữa lành hơn hết. Trong khi đó, Small Traumas thì nguy hiểm hơn cả! Đó là những tổn thương mà chúng ta thường dễ quên như bị đọc trộm nhật ký, bị tụt quần trước lớp, ăn phải thằn lằn trong canh rau ngót,... Và vì dễ quên, thật khó để đi xuống phần tiềm thức, gọi nó lên và buông nó đi!
Có một câu quote mình rất thích nói rằng: "Accidents are the ways we learn to master our mind to heal our soul."

Những cách mình sử dụng để xử lý tổn thương?

Chấp nhận mình có những tổn thương, những phần tối cần phải làm việc & chấp nhận tiến trình đang dang dở

Đây là bước quan trọng nhất, khó nhất đối với mình và rất nhiều khách hàng của mình. Chúng ta thường không muốn thừa nhận mình sai, mình yếu đuối, mình cũng là nguyên nhân. Chúng ta thường muốn đóng vai nạn nhân, là người đúng, là người yếu đuối nhưng luôn có bệ đỡ hoặc siêu cường nhân, siêu mạnh mẽ.
(Artwork: Alisa Vu)
Mình hiểu, hiểu tất cả những điều đó. Mình đã từng là kẻ bắt nạt và là đứa bị bắt nạt hồi còn đi học. Sau này khi lớn lên, tìm đến với chữa lành, mình vẫn cứng đầu cứng cổ không chịu nhận những điều đó! Nhưng khi tỉnh hơn rồi, điều đầu tiên mình làm là nhẹ nhàng với bản thân, chấp nhận sự thật rằng mình sinh ra và lớn lên, được nuôi dưỡng trong một môi trường trái ngược với những kiến thức, niềm tin mới mẻ này. Và mình cho mình thời gian. Mình không quá mong chờ hoặc bám chấp vào sự thay đổi, cũng không ép mình buông bỏ ngay. Mình kiên nhẫn với chính mình.
Chấp nhận những mảng tối bên trong, vốn là bước đi tiến bộ lắm rồi. Cứ bước chậm, ắt sẽ đến đích.
Artwork: Alisa Vu
Trong một bài viết nói về Buông bỏ, cô giáo dạy thiền của mình có viết: 
" Buông: không phải là mặc xác mọi thứ muốn ra sao thì ra, kiểu tôi chả làm gì nữa chùm trăn ngủ đến chết thì thôi, buông hết... Khồng! Hãy liên tưởng Buông với hành động bắn cung. Bạn cài mũi tên, giương cung, nhắm đến mục tiêu, căn lực, chỉnh hướng, rồi bạn buông tay. Thời điểm bạn buông tay, bạn không còn kiểm soát được bất cứ điều gì nữa, mọi việc còn lại nằm ngoài khả năng của bạn, vì thế bạn có căng thẳng về nó cũng chẳng để làm gì, phần của bạn đã xong. Kể cả trường hợp bạn bắn trượt, ân hận hay nuối tiếc cũng chẳng để làm gì. Nếu đó vẫn là mục tiêu của bạn, thì nên bình tĩnh mà bắn phát nữa, căng thẳng thì xác định là trượt tiếp.
---
Trong cuộc sống cũng vậy, bạn làm hết sức mình rồi, làm một cách chân thành rồi nhưng việc không diễn ra như bạn mong muốn, bạn bị đánh giá thế này thế kia, hoặc ai đó không ở lại với bạn... thì bạn buông, bởi bạn không kiểm soát được kết quả. Nhưng bạn bình an vì đã làm hết sức mình với các nhận thức và nguồn lực ở thời điểm đó.
---
Nếu mục tiêu của bạn là hạnh phúc, hãy coi bắn cung như một môn thể thao, một trò chơi, bạn theo đuổi điều này điều kia vì vui, vì nó phấn khích, vì nó thử thách và kích hoạt khả năng bên trong bạn. Bạn không bị trò chơi trói buộc hay sở hữu."

Dũng cảm tìm về những tổn thương thông qua các công cụ/ kỹ thuật tâm lý đơn giản

Có rất nhiều cách để chúng ta tìm về những tổn thương trong quá khứ, nhận biết nó để xử lý. Như một cuộc đại phẫu, chúng ta mở vết thương ra, tìm kiếm những khối u và lấy nó ra. Bước này giống như cách chúng ta mở vết thương và xác định khối u vậy.
Với khách hàng, mình thường dùng các bộ bài Tarot để đọc lên những nguyên nhân ở tầng vô thức, những vấn đề thực sự. Mình cũng hướng dẫn họ thực hành thiền theo cách phù hợp hoặc viết (journaling)/ vẽ/ bất cứ thứ gì khiến họ chú tâm nhất, kể cả trồng vườn. Như đã nói ở trên, chúng ta hiểu và học hỏi từ cuộc sống thông qua kể chuyện. Viết, vẽ, làm vườn, thiền, nấu ăn một cách chú tâm giúp chúng ta giao tiếp với chính mình và gọi ra những vấn đề. Ban đầu, bạn có thể chỉ thấy toàn rác, những suy nghĩ, hình vẽ kiểu: hôm nay ăn gì? ôi bao cao su tăng giá nhanh thế?.... nhưng hãy kiên nhẫn! Khi mặt hồ sạch rác, bạn sẽ thấy đáy hồ trong suốt và sự thật nằm ở đó. Chỉ một dòng chữ trên 3 trang giấy ngớ ngẩn cũng có thể là câu trả lời mà bạn tìm kiếm. Đừng sợ hãi, đừng nản chí. Làm việc với bản thân chưa bao giờ là dễ dàng nhưng cũng chưa bao giờ là vô nghĩa!
Artwork: Alisa Vu
Gần đây mình có học được một kỹ thuật gọi là EFT (Emotion Free Technique) và dùng nó để gọi tên các tổn thương. Mình thực hành kỹ thuật này với khách, với bạn bè và cảm thấy rất hiệu quả. Nhưng để chia sẻ mình sợ mình sẽ viết dài quá. Mình recommend các bạn tham gia lớp của cô mình (không PR) hoặc inbox mình (miễn phí) nhé! Mình luôn sẵn lòng.
Gợi ý khác là các bạn có thể xem xét là thực hành theo cuốn The Artist's Way (tiếng việt: 12 tuần phóng thích năng lượng sáng tạo) nhé!

Học buông bỏ từ những điều nhỏ nhất

Nếu bạn nào đã đọc về Oneness hoặc Law of One có thể sẽ biết: Tất cả mọi điều đều là năng lượng, đều là một. Học cách buông bỏ dần giống như cách bạn tích lũy năng lượng tích cực một cách từ tốn. Buông bỏ những điều nhỏ nhặt vật lý nhất như đồ dùng, quần áo không cần thiết đến những suy nghĩ, cảm xúc, mối quan hệ quá rườm rà sẽ giúp bạn tạo không gian đón chào những điều tích cực hơn.
Đừng phán xét, đánh giá, chỉ trích bất cứ suy nghĩ, hình ảnh nào xuất hiện, chỉ cần nhận biết để chúng đến và đi mà thôi. 
Quay lại chuyện Giang Ơi, nếu bình tĩnh một chút Giang có thể tìm thấy những vấn đề thực sự nằm ở bản thân và giải quyết chúng. Tính cách đặc điểm luôn đi theo cặp ưu & khuyết. Việc mà chúng ta có thể kiểm soát tốt là cân bằng năng lượng trong đặc điểm đó để hài hòa với cuộc sống.
Mình nghĩ Giang có thể move on bằng cách này hay cách khác và hãy để câu chuyện cũ được yên ổn sống ở vị trí mà nó phải sống. Và mình nghĩ, Giang đang làm điều đó rất tốt rồi.
Với mình, làm việc với bản thân, xem mình là nguyên nhân (không phải là tội nhân) thay vì là nạn nhân và giao tiếp rõ ràng là chìa khóa tháo gỡ mọi khúc mắc.
Lại nhắc đến cô giáo, mình rất tâm đắc một đoạn cô viết:
"Vậy cần làm gì để câu chuyện đỡ bế tắc?
Chúng ta cần thoát khỏi việc đổ lỗi cho người khác, thoát khỏi vai nạn nhân. Tất nhiên, câu chuyện có nhiều yếu tố và có thể có những bằng chứng rõ ràng là bạn đang bị người khác khiến cho lao đao, đau khổ. Nhưng chỉ tập trung vào lỗi lầm của người khác khiến câu chuyện rất bế tắc.
Tôi không thành công vì số tôi đen.
Tôi khổ vì đời khốn nạn.
Tôi ra nông nỗi này vì người ta không hiểu cho tôi, không yêu tôi...
Thay vào đó, hãy đặt câu hỏi: sự việc đã như vậy rồi, tôi cần làm gì? Hoặc tôi muốn điều gì xảy ra? Tập nhìn câu chuyện ở nhiều góc độ khác sẽ giúp chúng ta dần sáng rõ."

Cái gì khó quá đừng bỏ qua, hãy tìm người làm cùng

Ngoài kia, rất nhiều người đang làm công việc trị liệu, tham vấn, chữa lành và bên cạnh bạn luôn có những người sẵn sàng lắng nghe với sự HIỂN DIỆN cao nhất, hãy tìm đến họ và yêu cầu được giúp đỡ nhé. Đừng bỏ cuộc vì bạn xứng đáng được sống một cuộc sống nơi bạn luôn bình an với bản thân dù chuyện gì đã xảy ra!
Chúc các bạn có một hành trình chữa lành ý nghĩa <3
Tất cả các Artwork mình dùng đều của bác Alisa Vu aka chị iu của mình nhé!