MÔN SINH HỌC LIỆU CÓ THỰC SỰ KHÔ KHAN VÀ LÝ THUYẾT SUÔNG?
"Sinh học khô khan vãi lều, học rồi ra đường làm được cái trò gì?" Nếu có ai nói với bạn câu đó thì hãy bẻ một cành đậu Hà Lan quất...
"Sinh học khô khan vãi lều, học rồi ra đường làm được cái trò gì?"
Nếu có ai nói với bạn câu đó thì hãy bẻ một cành đậu Hà Lan quất vào người nó... Chẳng qua là bạn không biết đó thôi, môn Sinh được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống, bạn chẳng cần là dân chuyên Sinh, dân Y dược, dân CNSH,... mới ứng dụng được môn Sinh.
Lấy ví dụ, bạn là một con người rất bình thường và bạn thích nuôi cá. Okay, nuôi cá thì cần gì? Một cái hồ cá, một con cá và nước... Nhưng mà con cá cũng là sinh vật sống, tức là nó cũng cần ăn vào và thải ra, nước sẽ bẩn, nhưng nếu thay nước nhiều thì cá sẽ bị sốc. Và đó là khi chúng ta cần mang sách Sinh học 12 bài "Chu trình địa hóa và sinh quyển", phần "Chu trình nitơ", khi cá tiêu hóa và thải ra các chất thải vào nước, các chất thải đó sẽ được chuyển hóa hầu hết thành NH3 (amoniac) rất có hại cho hầu hết các loài động vật, gồm con người, nhưng nếu có một số loại vi khuẩn chuyển hóa các hợp chất nitơ như vi khuẩn amoni hóa chuyển hóa NH3 thành các muối amoni (NH4+), các vi khuẩn nitrit hóa chuyển hóa muối amoni thành muối nitrit (NO2-), các vi khuẩn nitrat hóa chuyển hóa muối nitrit thành muối nitrat (NO3-), nếu hồ cá có trồng cây hoặc tảo thì chúng sẽ hấp thụ NO3- và NH4+, và cuối cùng là các vi khuẩn khử nitrat chuyển hóa NO3- trành N2, từ đó, khí N2 bay lên mặt nước và thoát ra khỏi hồ nuôi, đảm bảo hồ luôn sạch sẽ hết mức có thể. Nhưng không phải cái hô cá nào cũng tồn tại các loài vi khuẩn nói trên, đó là lý do người ta thường mua vi sinh ở các tiệm cá để cho vào hồ nuôi. Không chỉ trong nuôi cá làm cảnh, trong ngành nuôi trồng thủy sản, các hồ nuôi thủy sản nhân tạo nuôi cá mú, tôm thẻ, cá bớp, cá chẽm, cá rô,... người ta đều phải thêm vi sinh vật xử lý thức ăn thừa và NO2-, NO3-, NH3 vì chúng khá có hại cho cá.
Ơ mà nếu bạn là một con người đơn giản hơn nữa, không thích nuôi cá mà chỉ thích nuôi chó mèo thì sao? Môn Sinh giúp được gì không? Có đấy! Nếu các bạn xem phần "Chuyển hoá vật chất và năng lượng ở động vật", bài "Tiêu hóa ở động vật", bạn sẽ nhớ lại được rằng những loài vật có bộ răng gồm răng nanh, răng cửa và răng hàm, có ruột non ngắn và ruột tịt không phát triển,... chính là thú ăn thịt và chế độ ăn của chúng đa phần là protein có nguồn gốc từ động vật, từ đó bạn sẽ suy ra được chế độ ăn thích hợp cho các boss nhà bạn, tuy nhiên, nội dung trong sách chỉ là chung chung, cần tham khảo thêm nhiều nguồn. Mình thì nuôi mèo ta, chế độ ăn nó sẽ khác với mèo ngoại ở chỗ chúng có khả năng chuyển hóa và hấp thụ tinh bột tốt hơn các giống mèo ngoại như Anh lông dài, Ba Tư hay Toyger. nhờ vào quá trình sống chung và ăn chung chế độ với người Việt, tuy nhiên, hãy nhớ rằng, nguồn dinh dưỡng chính của chúng vẫn là thịt và chúng có khả năng tự săn mồi để ăn khi thiếu chất (nhưng điều này là không nên vì mèo nhà là loài tàn phá hệ sinh thái bậc nhất trên thế giới).
Thôi thì bây giờ lấy thêm cái ví dụ Sinh 10 nữa cho đủ bộ, để mọi người thấy không chương trình nào là thừa. Ví dụ, các bạn đang bị lạc ở một nơi khỉ ho cò gáy, bốn bề là biển, các bạn đang vật lột với nhiệt độ 40 độ C và cơn khát nước cực mạnh, và các bạn đã làm việc dại dột nhất chưa từng làm: Lấy nước biển để uống! Nước biển có nồng độ hòa tan các muối rất cao, dựa vào bài "Vận chuyển các chất qua màng sinh chất" của chương "Cấu trúc của tế bào", nước biển sẽ tạo ra môi trường ưu trương so với các tế bào niêm mạc trong cổ họng và nội tạng của bạn, uống nước biển đồng nghĩa với bạn tự rút nước ra khỏi tế bào niêm mạc trong cơ thể, và bạn còn có nguy cơ bị rối loạn về huyết áp, suy thận, mê sảng, loét niêm mạc và vô số vấn đề khác nữa. Thế thì làm gì? Nếu các bạn nhớ lại kiến thức Sinh 11, các loài thực vật có khả năng hút nước và trong cơ thể chúng đa phần là nước uống được, bạn có thể men theo rễ của nó để đào mạch nước ngầm, hoặc uống trực tiếp từ thân cây của nó bằng cách tước vỏ hoặc bổ ngang thân cây, cơ mà chỉ nên sử dụng những cây bạn biết rõ nó là cây gì thôi nhé, uống bậy ngộ độc chết đấy. Hoặc dựa vào hiện tượng thoát hơi nước ở lá cây, các bạn có thể trùm một túi nilon lên cành cây, buộc chặt lại, đợi đến... sáng mai là tha hồ nước mà uống.
Nói sơ qua như vậy để các bạn biết rằng môn Sinh học không hề khô khan và "lý thuyết suông", nó chỉ như vậy khi bạn nghĩ nó như vậy thôi. Peace!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất