Tìm được gì trong chiếc vỏ ốc?
2 tháng vừa qua là khoảng thời gian có nhiều thay đổi (có lẽ là nhiều nhất) trong cả năm 2020 của mình. Nếu như những dạo trước, sự...
2 tháng vừa qua là khoảng thời gian có nhiều thay đổi (có lẽ là nhiều nhất) trong cả năm 2020 của mình. Nếu như những dạo trước, sự thay đổi phần lớn đến từ cuộc sống xung quanh mình, tạo nên ảnh hưởng đến bản thân mình, thì lần này, sự thay đổi đến từ bên trong chính bản thân mình. Mình có cách nhìn nhận, cách thấu hiểu với bản thân rõ ràng hơn – để tìm hiểu về chiếc vỏ ốc mà ngày xưa mình muốn thu mình trong đó, rồi mạnh mẽ bước ra khỏi nó, và đến giờ thì tìm cách quay về, quan sát, xem xét, tìm hiểu, lắng nghe, và thấu hiểu chính chiếc vỏ ốc của mình. Tuy vậy, thay vì một lần nữa thu mình vào chiếc vỏ ốc, mình muốn đối diện với tất cả những gì trong đó: những điều nhạy cảm, những thứ cảm xúc lo sợ, yếu đuối, những tiềm năng không ngờ tới đang ẩn giấu, và cả những điều xinh đẹp được giữ gìn từ thuở xa xưa, lặn sâu trong vỏ ốc, ngủ yên dưới lòng biển cả.
Từ bé, mình vẫn hay nghe mọi người nói: “Đừng thu mình trong vỏ ốc”. Mình đồng ý với quan điểm không nên thu mình trong vỏ ốc – vùng an toàn của bản thân, và mình luôn khát khao được khám phá thật sâu và thật rộng thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mình nghĩ bên cạnh việc khám phá thế giới bên ngoài, thì việc tìm hiểu chiếc vỏ ốc của bản thân là một điều rất quan trọng, và có lẽ đối với những người có xu hướng hướng nội thì điều này có lẽ sẽ đóng vai trò lớn trong cuộc sống hàng ngày. Mình luôn nghĩ (và có lẽ có khá nhiều người có cùng quan điểm này với mình) là trong mỗi người – hay trong mỗi chiếc vỏ ốc – đều có một vũ trụ. Tìm hiểu chiếc vỏ ốc chính là khám phá, tìm hiểu bản thân mình.
Để hiểu cách vận hành của chính mình
Khi đối diện với nội tâm chính mình, quan sát sự đáp trả (responses) của cảm xúc và lối tư duy của bản thân với những tác động (stimuli) bên ngoài, chúng ta sẽ biết được cách vận hành của chính mình như thế nào. Từ đó sẽ thấy được những điểm mạnh để phát huy (ví dụ như cách tư duy sáng tạo, cảm xúc tích cực,…), thấy được những điểm yếu cần phải chú tâm (ví dụ như sự kiềm chế cảm xúc tiêu cực, lối tư duy còn nhiều thiên lệch – biased thinking), và từ đó giữ cho bản thân lối tư duy mở (open mindset) để đón nhận những cách nghĩ, quan điểm mới.
Một chú ý nho nhỏ trong việc xác định bản thân là ai là hãy tránh cách định nghĩa rập khuôn (stereotype) nhiều nhất có thể. Trong cuốn Thinking Fast and Slow của Daniel Kahneman (một cuốn sách tuyệt vời về chủ đề tâm lý học – critical thinking), có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng con người rất dễ mắc phải những stereotypes về tính cách. Một số ví dụ cho những stereotypes phổ biến là: người hướng nội thì có khả năng giao tiếp xã hội kém hơn người hướng ngoại, việc bản thân có xuất hiện cảm xúc buồn là dấu hiệu của việc sống tiêu cực, hay bản thân là người có thiên hướng cảm tính (intuitive tendency) thì không thể làm những công việc đòi hỏi tư duy logic, yêu cầu lối suy nghĩ biện luận (critical thinking),… Hãy giữ lối tư duy mở, hãy đa dạng hóa tính cách và hạn chế tối đa việc định nghĩa bản thân bằng những từ ngữ rập khuôn.
Để hiểu bản thân mình muốn gì
Việc tìm hiểu bản thân muốn gì không chỉ liên quan đến định hướng nghề nghiệp, mà còn liên quan tới lối sống hàng ngày – cách để biết bản thân cần ưu tiên cái gì, và để làm sao cho mỗi ngày được trôi qua một cách đủ đầy và cân bằng nhất. Mình đã từng list ra một danh sách dài những thứ mình thực sự muốn, và rồi sau đó hướng những hành động.
Đây là một cách giúp bản thân mình hạn chế phung phí thời gian. Khi biết được mình muốn gì, mình có xu hướng ưu tiên những công việc/ hành động liên quan đến điều mình muốn, và có thể nói ‘không’ với những lời mời không thực sự cần thiết, và có thêm một chút ‘sức mạnh’ để hạn chế những hành động tạo nên khoảng thời gian trống.
Để hiểu bản thân mình phù hợp với điều gì
Hiểu những gì bản thân muốn chưa đủ, mà chúng ta cần phải đối chiếu với cả những gì mình phù hợp. Sự phù hợp đến từ cả hoàn cảnh và môi trường bên ngoài, cũng như bên trong vỏ ốc – bên trong chính mình. Hoàn cảnh bên ngoài có thể là gia đình, thời gian, địa điểm, xu hướng xã hội; hoàn cảnh bên trong có thể là xu hướng tính cách (personality oriented), điều kiện sức khỏe, cơ chế nạp năng lượng (nạp năng lượng từ việc giao tiếp, từ sự ồn ào, náo nhiệt; hay nạp năng lượng bằng cách ở một mình; hay những cách khác….). Để tìm cách làm gì để mang lại những outcomes – những giá trị tốt nhất cho bản thân, việc kết hợp những điều bản thân muốn, những điều bản thân cần, và những điều bản thân mình phù hợp là những yếu tố rất quan trọng.
Tuy vậy, đa phần sự phù hợp chỉ mang tính tương đối, tính tạm thời khách quan, và có thể thay đổi một cách chủ quan. Khi hiểu về chiếc vỏ ốc, chúng ta có thể biết những gì mang lại cho chúng ta năng lượng, mang lại sự bình yên, những gì đối với chúng ta là thử thách, hiểu được những gì chúng ta cần làm để ‘vượt qua chính rào cản của mình’. Từ cấp 3, có một câu cô giáo mình nói mà mình vẫn nhớ đến đến bây giờ: “Rào cản duy nhất đến từ chính bản thân mình”.
Và quan trọng nhất, để tôn trọng chính mình
Mình từng có một thói quen rất xấu – đó là so sánh bản thân mình với người khác, và soi bản thân mình trong người khác. Đó là lý do trước đây mình rất tự ti, và thấy so với những tiêu chuẩn xã hội xung quanh, so sánh mình với các bạn thì mình không hoạt náo, không xinh đẹp, không có cá tính mạnh, cũng không phải kiểu truyền năng lượng cho cả nhóm. Và khi mình hiểu mỗi người đều có một vũ trũ riêng, có những vỏ ốc khác nhau, có những điều thú vị khác nhau, và mình bắt đầu mải mê khám phá vỏ ốc của chính mình thay vì thường xuyên so sánh bản thân với người khác.
Việc đi sâu vào khám phá bản thân cũng hạn chế việc over self-doubt và self-criticism, tức là việc tự vấn và tự chỉ trích quá đà. Khi mình thấy bản thân không phải lúc nào cũng ‘bắt nhịp’ được những câu chuyện trendy của mọi người, hay khi cảm thấy ‘kiệt quệ’ năng lượng sau những buổi hoạt động nhóm, những cuộc đi chơi, tiệc tùng (những thứ mà vẫn thường được cho là phương pháp giải trí, mang lại năng lượng), hay cảm giác khó tìm được những ai ‘bắt sóng’ được với mình, thay vì tự trách ‘Liệu có phải kỹ năng xã hội mình kém?’ hay ‘Liệu có phải do mình không chịu hòa nhập?’, ‘Có chuyện gì xảy ra với mình vậy?’, ‘Liệu suốt ngày tìm cách ở nhà, ở một mình có khiến mình bị cô lập/ thiếu bạn/ thiếu network không?”,… và ba vạn chín nghìn nỗi bất an khác như ngày xưa, thì bây giờ mình tôn trọng sự khép mình, sự hướng nội của bản thân hơn.
Sau một khoảng thời gian dài với ngày nào cũng dành thời gian từ sáng đến tối muộn và những phần trăm năng lượng hướng ngoại ít ỏi còn lại ở ngoài với làm việc nhóm, dự án xã hội, câu lạc bộ, các hội nhóm bạn bè, đi làm thêm, và trong những buổi đêm trống rỗng và cạn năng lượng, mình mới dần nhận ra việc ngồi lại đối diện với bản thân – việc đi tìm vỏ ốc để hiểu chính mình quan trọng đến nhường nào. Mình tìm thấy niềm vui, thấy cơ hội phát triển bản thân, kết nối với mọi người, với xã hội theo những cách khác chứ không ép mình vào những việc rút cạn năng lượng của mình, đồng thời vẫn không ngừng học cách cân bằng cuộc sống – cân bằng thời gian khám phá thế giới và thời gian khám phá vỏ ốc của chính mình.
Một chú ý nho nhỏ nữa của việc tìm hiểu, khám phá bản thân. Khám phá bản thân khác với đề cao cái tôi cá nhân. Tìm hiểu bản thân cần một tư duy mở – tức là vừa tìm ra đặc tính và tiêm năng của chính mình, vừa sẵn sàng đón nhận những luồng ý kiến, đóng góp bên ngoài, cũng như xem xét sự phù hợp của hoàn cảnh; còn việc đề cao cái tôi là một biểu hiện của lối tư duy đóng, không đón nhận sự thay đổi tích cực.
Việc tìm hiểu chiếc vỏ ốc trong lòng biển cả của chính mình giúp bản thân có cơ hội mở rộng tư duy (mindset), tạo bên lối tư duy thịnh vượng (abundance mindset) và phát triển từ cốt lõi bên trong. Khám phá chiếc vỏ ốc khiến bản thân không ngừng vận động, không ngừng phát triển, tránh sự đứng yên một chỗ, tránh để bản thân mình là rào cản chính mình. Không hiểu rõ bản thân dễ tạo nên rào cản cho chính mình – và khi mình tự nhốt bản thân trong một cái lồng vô hình, thì dù có đi đâu, dù có ở trong môi trường tốt thế nào, cái lồng vẫn ở đó cản trở sự phát triển của bản thân thôi.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất