Dreamers và Realism

Không tính đến những dòng sách như kinh tế, hay kiến thức, non-fiction,... có một cuộc tranh luận đã diễn ra từ lâu giữa những dòng sách tiểu thuyết ( kinh điển lẫn không kinh điển ) và sách kỹ năng ( self-help ). 
Mỗi khi bắt gặp một bài viết trên mạng về việc một quyển sách có hay hay không, có mang lại bài học gì bổ ích không. Thì mình đều rất hay bắt gặp những tranh luận bị chèo lái chủ yếu bởi hai phe như thế này.
Những người đọc tiểu thuyết thường nhận xét rằng những quyển sách kỹ năng chỉ là loại sách viết rất “hời hợt”, hoặc là “thực sự chẳng giúp ích gì nhiều”... còn phe đọc sách kỹ năng thường có thể phản bác rằng những kẻ đọc tiểu thuyết thực chất toàn “thiếu thực tế”, tin vào “những câu chuyện được lý tưởng hóa quá mức” hay nói ngắn gọn nhất, là “mơ mộng”.
Vậy giữa Những kẻ mộng mơ ( Dreamers ) và những người theo chủ nghĩa hiện thực ( Realism ) này, là ai học được bài học?

Sức mạnh của ngôn từ và những câu chuyện

Thấy không, Buck? Chúng ta không chỉ chuyển thư từ, chúng ta mang sự sống, truyền đi hy vọng, mang cả tình yêu.
Đây là trích dẫn từ bộ phim Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Jack London, nói về cuộc đời của một chú chó nhà khổng lồ mang tên Buck
Trong một phân cảnh, Perrault ( một người đưa thư ) đã định nghĩa công việc của mình như thế này: “We carry lives, we carry hope, we carry love.” 
Mọi người đều có thể thấy sức mạnh của ngôn từ có thể lớn đến nhường nào kể từ khi nhân loại phát minh ra chữ viết vào thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên. Nếu dùng đúng cách, một công việc bình thường cũng có thể trở nên cao quý như vậy. 
Trong thế kỷ 21 này thì chắc là không còn nhiều người viết thư nữa, nhưng hãy thử hình dung công việc ấy cao quý đến nhường nào trong thế kỷ trước.
Khi đang ở giữa trận Trân Châu cảng, một người lính vẫn có thể hằng tuần gửi những bức thư của mình về để thông báo với gia đình rằng anh vẫn ổn, khiến cho bố mẹ ngày đêm lo lắng cho cậu con trai của mình có thể phần nào yên tâm. Người đưa thư đã thực sự chuyển cả tình yêu và hy vọng của những người lính đó.
Tất nhiên hiện tại thì Mark Zuckerberg hay Larry Page có thể giúp bạn nhanh hơn nhiều, với tốc độ ngang bằng với ánh sáng.
Sức mạnh của tiểu thuyết chính là đến từ những câu chuyện hay - ngôn từ - và cách phối hợp nhịp nhàng hai yếu tố này của những kẻ xuất chúng
Sức mạnh của ngôn từ thì chúng ta đã chứng minh rồi nhưng còn những câu chuyện hay? Bao nhiêu bạn đang đọc bài này có thể ngay lập tức nhớ ra cách mà Newton tìm ra trọng lực?
Đúng rồi, ông đang ngồi đọc sách dưới một cái cây và “Bịch!!!”, một quả táo rơi vào đầu, thế là hàng loạt câu hỏi nảy ra trong đầu ông và nhà khoa học vĩ đại này tìm ra cách mà mặt trời đã giữ chân trái đất, và cũng là cách trái đất giữ chân chúng ta.
Nhưng qua thời gian người ta đã bắt đầu kể câu chuyện ấy cùng với một phần hé mở mới cho các bạn, rằng đó không hoàn toàn là sự thật, đó chỉ là câu chuyện mà Newton nghĩ ra và ông muốn mọi người nhớ đến mình theo cách đó.
Đó là cách cuộc sống vận hành, một câu chuyện hay có thể đem lại ảnh hưởng cực kỳ lớn, thậm chí là thay cả đổi cuộc đời của một người. Và người đó sẽ lại bắt đầu tạo ra những câu chuyện.
Những cuốn tiểu thuyết được đánh giá cao chắc chắn đều bao gồm đầy đủ ba yếu tố này: Đại Gia GatsbyThe GodfatherSuối NguồnTên Của Đóa HồngRừng Nauy, Mật mã Da Vinci và nhiều nữa. "Đánh giá cao” là bởi vì có hay hay không còn tùy vào cảm nhận mỗi cá nhân.

Tôi muốn bạn đọc cuốn sách này mỗi ngày

Trong khi tiểu thuyết cung cấp cho chúng ta một câu chuyện hay, để bạn tự rút ra bài học từ đó, đồng ý hoặc không đồng ý. Thì ngoài những quyển lai lai giữa hai thể loại như “Người bán hàng vĩ đại nhất thế gian”... dòng sách Self-help thường không được như vậy, một số quyển cũng sẽ kể cho chúng ta nghe những mẫu chuyện nhưng vào cuối thường bảo chúng ta chính xác việc cần làm là gì.
Khi người mua cảm thấy giá quá cao, bạn hãy chuyển phương thức bán hàng, kể cho họ nghe những lợi ích và những khuyến mãi tuyệt vời đang diễn ra.
Khi đứng trên sân khấu, chỉ cần tưởng tượng hết thảy các thính giả đang trần như nhộng thì sẽ không còn sợ nữa.
“Khi…. thì…."
Dòng sách này thường nhắm đến những người đã đi làm, có ít thời gian và muốn cải thiện bản thân nên tất cả những “yếu tố không cần thiết” khác đều sẽ được loại bỏ. Một câu chuyện dài dòng, chi tiết, sâu lắng, cuộc đời các nhân vật, một bài học hay sẽ đọng lại trong lòng bạn theo năm tháng.
Hơn nữa việc các câu chữ, cách dùng từ, cách chuyển câu văn cũng có thể nhiều khi khiến cho người đọc cảm thấy không mượt mà. Bởi vì tác giả đa số sẽ từ một lãnh vực khác ngoài viết văn. Họ sẽ cố gắng truyền tải đầy đủ, chính xác dụng ý của mình hơn là trau chuốt câu chữ.
Đây cũng là một dạng sách vừa đọc - vừa thực hành, hơn là đọc để cảm nhận.
Trong Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie cũng viết rằng ông ấy muốn bạn đọc cuốn sách này mỗi ngày và cố gắng thực hành theo nó nếu có thể.

Tiếp nhận và lựa chọn

Đến đây có thể bạn đã thấy được tại sao đôi khi những kẻ mộng mơ lại va chạm với những người muốn cải thiện bản thân mình nhiều hơn là va chạm với những người đọc các dòng sách khác.
Bởi vì hai dòng sách này đối lập hơn cả nhưng thực ra cả hai đều cùng chung mục đích, mưu cầu các bài học, cải thiện bản thân mình, chỉ là khác nhau phương thức.
Một dòng sách được tạo ra với mục đích truyền tải những câu chuyện hay, mang lại những bài học có thể tồn tại theo thời gian, thậm chí là cùng lúc truyền tải những kiến thức của nhiều lãnh vực khác như các tiểu thuyết trinh thám lịch sử của Dan Brown điển hình.
Một dòng sách được tạo ra để bạn thuần cải thiện những kỹ năng mềm mỗi ngày, cách chúng ta nói chuyện với đồng nghiệp, xử lý mâu thuẫn, xem xét bản thân, giúp chúng ta có thể thay đổi trong thời gian ngắn và củng cố mỗi ngày. 
Môi trường là một phần giúp định hình ý thức.
Giả định chúng ta vẫn còn ở lứa tuổi học sinh, chỉ có ăn với học, thì lựa chọn Trong Gia Đình hay Kẻ Trộm Sách có vẻ là khả thi. Suy cho cùng chúng ta đều muốn đọc được một câu chuyện hay với một bài học có thể khiến chúng ta nhớ đến dù là nhiều năm sau này.
Việc khi ra rạp xem phải một bộ phim dở và rồi bỏ về giữa chừng, lý do cũng phần nào tương tự.
Giả định khi chúng ta đã đi làm, mỗi ngày chỉ có khoảng 10-30 phút để đọc sách, để có thể đọc hết 21 bài học cho thế kỷ 21 của Yuval Noah Hahari sẽ mất thời gian khá nhiều ( chưa tính đến những ngày chán nản hay việc đọc mà không hiểu ).
Nếu đọc quá nhiều tiểu thuyết mà không tiếp xúc nhiều với môi trường và mọi người xung quanh, khả năng chúng ta bị “lý tưởng hóa” trong tâm lý và xa rời với thực tại là hoàn toàn có thật. Nhưng nếu chỉ đọc non-fiction và self-help nhiều khả năng chúng ta sẽ cư xử cứng nhắc và máy móc.
Cả hai đều sẽ học được bài học cho mình chỉ cần mục đích của bạn không phải là cầm sách lên chụp hình post facebook hay instagram. Quan trọng chính là bản thân muốn đọc và muốn học.
Đây chính là lúc nên bỏ đi những tranh luận kiểu này và tập trung vào vấn đề thật sự quan trọng, cho dù bạn cho dòng sách nào, hãy nhớ - đọc, phân tích, chọn cho mình một niềm tin và kiểm nghiệm nó.
Suy cho cùng đó là mục đích chung nhất để chúng ta học bất kỳ thứ gì không phải sao? Dù là từ sách, từ người khác, hay kể cả là phim ảnh.