Dịch từ bài gốc của Ben Faccini trên Aeon
---
Nỗi sợ lớn nhất của tôi khi lớn lên giữa miền nông thôn hoang vu nước Pháp, vùng Nam thung lũng sông Loire, là bà mẹ người Anh của tôi sẽ nói bằng tiếng mẹ đẻ và còn to tiếng. Tôi có thể lượng thứ cho những chiếc nón cói tự bện và váy xống mỏng te đương lúc đội hình các bà mẹ trong vùng trước cổng trường vẫn mặc lên người yếm chống thấm còn lấm tấm bùn, rượu và sốt cà chua tùy theo từng mùa, nhưng tôi luôn nheo mắt mỗi khi bà sử dụng tiếng Anh ngoài bốn bức tường nhà. Trên đường từ trường về nhà, dọc các lối băng qua vườn nho, kể cả với lũ bạn vẫn lởn vởn quanh, tôi tưởng như vẫn nghe thấy thứ tiếng Anh inh ỏi của mẹ vọng hắt ra từ các mặt đá.
Sự quân bình ngôn ngữ thời thơ ấu của tôi được cố định bởi vô vàn các phân vùng nhân tạo. Tiếng Anh là ngôn ngữ sử dụng trong khuôn viên bốn bức tường nhà. Tiếng Pháp ở trường, và gần như tất cả mọi thứ khác diễn ra bên ngoài gia đình - trừ trường hợp sử dụng trong giao tiếp cá nhân với các anh em trai. Rồi có tiếng Ý - ngôn ngữ tôi gắn với cha, thứ ngôn ngữ tôi bó hẹp trong những chuyến viếng thăm nước Ý thường xuyên, và những bản tình ca Napoli nồng nàn mở inh ỏi trên xe.
Bên dưới các ngữ giới kia tồn tại trong tôi nhu cầu muốn ngụy trang ẩn nấp vào bất kể khung cảnh nào. Trong các chuyến sang Anh thăm nhà ngoại, tôi chỉ dùng tiếng Pháp với ít ỏi vài người; ở Ý, tôi chỉ bám vào đúng các chủ đề đã thông thạo, phòng khi các nguyên âm tiếng Anh hay tiếng Pháp khiến người ta biết tôi là món lai dối trá. Bản dạng an toàn là một tấm mặt nạ gồm có ba bộ mặt.
Tới lượt mình làm cha, tôi cho rằng nói chuyện với lũ trẻ sinh ở London bằng tiếng Pháp từ lúc sinh ra sẽ tự nhiên khiến chúng song ngữ. Không hề. Hay lén lút chỉnh toàn bộ DVD sang tiếng Pháp, hay đọc chúng nghe những quyển Asterix hay Tintin trước khi đi ngủ. Từng có lúc tôi luôn hình dung cảnh mình giao tiếp với chúng bằng tiếng Pháp. Còn trong các mộng mơ tơ tưởng, cùng sự giúp sức của các anh chị em họ, tiếng Ý cũng đang sắp sửa ghép tự nhiên vào giữa tiếng Anh và Pháp của lũ trẻ, và cuộc tình ngôn ngữ tay ba lúc tôi lớn lên sắp sửa lặp lại.
Mang tiếng Pháp vào cái phương trình gia đình lẽ đương nhiên chỉ càng khiến nó thêm rắm rối. Nó làm hỏng giờ dùng bữa, thường gây ra những đối thoại lệch lề, đem so bì tiếng Pháp của tôi với tiếng Anh của cả nhà. Nó khiến lũ trẻ cảm thấy bị đánh giá, bị thách đố. Và bất kể ngày càng nắm trọn vẹn tiếng Pháp hơn, chúng sẽ tìm lý do lý trấu để đi sau lưng tôi dăm ba bước trên đường tới trường nhằm không nghe phải chuyện của tôi. Chúng bịt hai tai mỗi khi CD Nhóc Nicolas được mở trên xe. Chúng khéo léo tránh né phải giao tiếp với những người bạn và thành viên trong gia đình dùng tiếng Pháp bằng cách bắt chước hoàn hảo cái lối nhún vai người Wales, đôi khi còn kèm theo những âm “r” đặc sệt Paris, hoặc ngậm mồm như hến chẳng nói tiếng nào. Hầu hết các đối thoại của chúng đều không vận dụng gì tới lời lẽ. Một ngón cái giơ hay ụp xuống, đi theo một nụ cười thánh thiện, thường giải quyết được vô vàn vấn đề.
Giả như lũ trẻ nhà tôi theo học một ngôi trường tiếng Pháp, hay giả như chúng tôi sống tại một quốc gia nói tiếng Pháp, liệu mọi thứ có khác đi không? Chẳng dễ có một câu trả lời “có hay không” ở đây. Các nguyên liệu như mái ấm, môi trường, văn hóa, thực hành thường xuyên, học tập và động cơ thôi thúc cần được hòa trộn bên trong một chiếc vạc ngôn ngữ, duy trì trong một giai đoạn kéo dài, để cho một ngôn ngữ bắt rễ. Bà ngoại người vợ Ăng-lê của tôi lớn lên trong một gia đình ngoại quốc di cư ở Trung Quốc và dùng tiếng Hoa tới tận 13 tuổi. Sau khi trở về Anh, bà mất hoàn toàn vốn tiếng Hoa.
Lũ trẻ nhà tôi chẳng nằm ở trọng tâm ảnh hưởng ngôn ngữ đồng hội tụ như tôi ngày trước. Tôi phải chấp nhận mình không thể tái thiết cái tương liên tự nhiên của các ngôn ngữ vốn thiết yếu để trang bị cho chúng tính song ngữ hay thậm chí đa ngữ. Thậm chí tôi còn, quá quắt thay, e rằng lũ trẻ nhà mình có khi còn chẳng dùng ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Anh.
ảnh của Denis Charlet/AFP/Getty
ảnh của Denis Charlet/AFP/Getty
Từ lúc đến trường cho tới khi vào đại học, rồi đi làm và đi đó đi đây cho một cơ quan Liên hợp quốc nhiều năm, tôi đã tự tạc nên chính mình nhờ vào nhiều ngôn ngữ khác nhau, theo những con đường mà chúng dọn trải vào chốn vô định. Giờ tôi có thể tự tin nói rằng các cuộc chiến hoa hòe hoa sói từ thời thơ ấu đáng giá từng chút một. Hiểu biết đa ngôn ngữ có thể dung dưỡng sự linh hoạt, một sự chú tâm dành cho thế giới và thấu hiểu về khác biệt văn hóa. Hiểu biết này có thể giúp ta hiểu được sự hình thành và bận tâm của các quốc gia, hun đúc một sự gắn kết sâu sắc và hân hoan hơn với người ngoài. Thiếu đi ngôn ngữ, tôi cảm thấy như thể lũ trẻ sẽ khuyết đi một chi tối quan trọng bên cạnh tứ chi, khập khà khập khệnh tiến qua cuộc sống, bị giằng khỏi di sản và các tiềm năng vô biên của thế gian.
Chứng kiến tình cảnh khó xử của tôi, gần đây một người bạn Ý sống ở London ngỏ rằng tôi cứ bỏ phăng việc cho lũ trẻ biết thêm một ngôn ngữ khác đi là xong. Anh chỉ ra rằng, tiếng Anh giờ đây đã có một vị thế kiên cố trên toàn thế giới. Có lẽ gì để một đứa trẻ sinh ra trong môi trường Anh ngữ phải học một thứ tiếng khác khi ngày nay có gần 2 tỷ người đã sử dụng tiếng Anh? Cuộc đối thoại điển hình ngày nay trong thương giới, dù giữa người Nga, Peru hay Ai Cập, đều bằng tiếng Anh. Đó là thứ ngôn ngữ hầu hết khách du lịch sử dụng. Nó là thứ ngôn ngữ học sinh cắp sách tới trường trên toàn thế giới đang học. Trong các kỳ nghỉ gia đình, tiếng Anh ắt hẳn tựa như một thứ chìa khóa vạn năng nhiệm màu, xuyên biên giới nào đó với lũ trẻ của chúng ta; ở Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp hay Thụy Sĩ, các chủ tạp hóa và lễ tân khách sạn mở lời với chúng ta bằng tiếng Anh, thậm chí còn chẳng hỏi ta từ đâu tới.
Một trình độ tiếng Anh tối thiểu ngày nay được chấp nhận đồng loạt như một tiên đề cơ bản của bất kỳ nền giáo dục nào. Với không ít người, trình độ ấy nằm trên cả tiếng mẹ đẻ, hay một ngôn ngữ thứ hai hay thứ ba. Dù vậy, thực tế này cắt đặt người Anh ngữ bản xứ đơn ngữ ở đâu? Chính việc người bản xứ ngày nay đã thua xa về số lượng so với người phi bản xứ đang làm thay đổi quyết liệt các tương quan áp dụng của tiếng Anh. Bức tranh về một tương lai chỉ có duy nhất tiếng Anh của người bạn người Ý dành cho lũ trẻ nhà tôi quả thật đệ ra vô khối vấn đề.
Tình trạng đơn ngữ ở nhiều phần nước Mỹ, Úc và Anh Quốc - nơi tỉ lệ nghiên cứu ngoại ngữ ở cấp đại học và dưới đại học hầu hết đều tiếp tục giảm không ngừng - nghịch lại với thực tiễn trên toàn khắp thế giới. Song ngữ và đa ngữ là các đặc điểm thường ngày của một loạt rất nhiều quốc gia. Ở Morocco, nhiều giáo viên tôi từng công tác cùng có thể dễ dàng chuyển từ tiếng Darjia, một phương ngữ Ả Rập, sang tiếng Ả Rập chính quy, và rồi chuyển sang một trong nhiều ngôn ngữ Berber du mục khác, và rồi sang tiếng Pháp. Ấn Độ, theo trang web Ethnologue, có 461 ngôn ngữ, Papua New Guinea có 836 ngôn ngữ, và Cameroon 280. Ở Scandinavia và Hà Lan, tiếng Anh được học từ thủa bé cùng tiếng mẹ đẻ là một lẽ đương nhiên. Ở Lebanon, nhiều người quyện tự nhiên tiếng Ả Rập, tiếng Anh và Pháp vào mọi cuộc giao tiếp.
Từng có một thời tại Anh, trong suốt thập niên 1970, việc nuôi con song ngữ hay đa ngữ thậm chí còn bị dè bỉu bỉ bai. Người ta cho rằng làm như vậy khiến việc trưởng thành trí tuệ và thụ đắc ngôn ngữ trở nên phức tạp. Tôi có nhiều người bạn gia đình đa quốc gia mất luôn khả năng song ngữ bởi lối tư duy này. Ngày nay họ lại khuyến khích đúng cái sản phẩm ngược lại của tư duy kia. Các nghiên cứu của Khoa Ngữ học Lý thuyết và Ứng dụng của ĐH Cambridge lại cho thấy rằng trẻ song ngữ sở hữu một ưu thế đặc biệt so với các bạn cùng trang lứa đơn ngữ trong giao tiếp ở trường, trong tính linh hoạt nhận thức lẫn ý thức về cách tạo thành ngôn ngữ. Nghiên cứu của các nhà tâm lý học Ellen Bialystok và Michelle Martin-Rhee ở ĐH York, Toronto, cũng ghi nhận sự kích thích tăng cường của song ngữ đối với khả năng nhận thức. Nghiên cứu công bố năm 2004 của họ dành cho đối tượng trẻ chưa vào lớp 1 cho thấy trẻ song ngữ vượt mặt trẻ đơn ngữ trong các bài tập xử lý thông tin hình ảnh và ngôn ngữ xung đột nhau.
Ở một nghiên cứu khác, năm 2007, Bialystok và đồng nghiệp của bà còn đi xa hơn, nghiên cứu tác động của song ngữ trên một nhóm 400 bệnh nhân Alzheimer. Nghiên cứu cho thấy rằng những người song ngữ mắc bệnh có thể tự điều khiển tốt hơn so với những người đơn ngữ mắc cùng căn bệnh này; có vẻ ảnh hưởng của bệnh được điều hòa tốt hơn. Một nghiên cứu năm 2013 do các nhà nghiên cứu ĐH Hyderabad và ĐH Edinburgh được thực hiện trên người mắc Alzheimer ở thành phố đa ngữ Hyderabad, Ấn. Nhóm nghiên cứu đánh giá 648 người, trong số đó 391 song ngữ. Kết quả thu được dường như cho thấy những người sử dụng hai ngôn ngữ bắt đầu mắc triệu chứng sa sút trí tuệ hơn những người đơn ngữ trung bình 4 năm rưỡi. Đa nhiệm nhận thức đến từ việc sử dụng nhiều hơn một ngôn ngữ được xem là đóng một vai trò bảo vệ ngăn chặn bệnh sa sút trí tuệ.
Từ trải nghiệm của bản thân tôi, học một ngôn ngữ khác dọn nền cho một sự tò mò và cơi mở rộng rãi hơn đối với các quá trình học tập nói chung. Nó tiến triển để thành ra một niềm tò mò có thể củng cố khái quát cuộc sống. Khi còn bé, rõ ràng còn bởi chính tình trạng cách biệt ở vùng nông thôn, tôi thường bỏ ra hàng nhiều giờ ườn ra trên cỏ cao quan sát côn trùng và xếp từ trong đầu, nối kết ý nghĩa từ các thứ tiếng khác nhau, nô giỡn với các chọn lựa và cắt ghép, phân loại, tái lắp. Tôi nhớ lượt mình được tôi luyện trong lời phàn nàn của cha rằng chả có từ tiếng Anh nào nói sướng miệng bằng chữ tant pis tiếng Pháp. “Tệ quớ” “thây kệ” hay “ừ thì thôi” chẳng thật sự diễn tả được hết nghĩa, và các cử chỉ theo kèm chắc chắn cũng không giống hệt nhau.
Cái thứ ngữ số học này lại tối cần thiết về sau khi tôi làm việc ở Nhật trong ít tháng và cố sức hiểu ra những cốt lõi nhất của một thứ ngôn ngữ chẳng sao nhận ra được nổi. Cái thứ ngữ học ấy cũng truyền vào giai đoạn tôi học tiếng Ả Rập. Kết thúc tôi vẫn chỉ bập bõm, nhưng lại được hỗ trợ bởi thực tế rằng từ lâu sự thích nghi với từ ngữ đã và vẫn luôn là modus operandi của mình. Tôi chưa từng biết thế nào là trợ động từ, chia tính từ theo danh từ hay câu giả định nhồi vào đầu ở các cấp lớp trường làng ở Pháp, nhưng lại hấp thu các cơ chế vận hành của chúng một cách vô thức, và dường như tạo cho một linh động thường trực trong cách dụng ngữ.
Người Ai Cập lão niên kể lại cách mà ở Alexandria, hồi đầu thế kỷ 20, họ đổi qua lại giữa tiếng Ả Rập, Pháp, Anh, Ý và Hy Lạp, tùy theo những gì đang thực hiện và đối tượng đang cùng giao tiếp. Đa ngôn ngữ là cả một lối sống với nhiều người, một nền văn hóa tựu chung. New York hồi thế kỷ 19 có tới những bảy tờ báo viết bằng tiếng Yiddish, cùng nhiều tờ khác bằng tiếng Ý, Thụy Điển, và tiếng Đức. Như cả nước Mỹ nói chung, New York từng là quê hương của những túi đa dạng ngôn ngữ trù phú cho tới khi chúng dần tiêu tan vào một cái lò luyện. Từ Jakarta tới Johannesburg tới Los Angeles, các lát cắt xã hội ngày nay thuộc các đại đô thị vẫn nửa đực nửa cái khoản áp dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Các bản đồ ngôn ngữ trên cõi Twitter của New York và London cho thấy tính đa ngôn rõ nét này; đằng sau những sọc vạch đa sắc màu, những hợp lưu của giao thương, nhập cư và du lịch, xoắn vặn và chan hòa vào nhau, quét các ngôn ngữ đi theo chúng. 
Một người bạn Syria của tôi thạo năm thứ tiếng - Ả Rập, Anh, Pháp, Hy Lạp và Tây Ban Nha - vẫn duy trì truyền thống sinh sôi nảy nở của đa ngữ dụng. Cô giải thích với tôi rằng cô hay dùng tiếng Anh cho công việc, tiếng Pháp dành cho bạn bè và thảo luận chính trị, tiếng Tây Ban Nha cho âm nhạc và thư giãn, Ả Rập dành cho mái ấm, gia đình và chửi rủa, và tiếng Hy Lạp cho các kỳ nghỉ. Với cô, có tồn tại một sự linh hoạt vững tâm mỗi khi hoán đổi thường xuyên giữa các ngôn ngữ - sự hoán chuyển các diện mạo văn hóa khác nhau có thể xảy ra.
Mỗi ngôn ngữ đem lại một lăng kính đơn nhất qua đó ta kiến giải trải nghiệm kinh qua. Vào thời điểm Nelson Mandela qua đời năm 2013, họ nói nhiều về chữ ubuntu, một từ thuộc tiếng Nguni Buntu có thể thu gọn trở thành khái niệm về lòng nhân hay tình bằng hữu ta sẻ chia với những con người khác. Rõ ràng với những người hiểu tiếng Nguni Buntu và các ngôn ngữ cùng phả hệ, khái niệm này còn trù phú hơn nhiều. Vô số ngôn ngữ sở hữu một thang biểu diễn đạt phong phú tương tự, vốn thoát ra khỏi dịch thuật khắt khe hay tính phai nghĩa. Sử dụng một ngôn ngữ khác chính là cách đích thực duy nhất để cảm thấy sự vẹn toàn này.
Lẽ đương nhiên, chuyện ta sử dụng một ngôn ngữ khác làm hé mở những định nghĩa mới và những nền văn hóa mới đồng thời còn tạo ra cả một cách tư duy cụ thể luôn có thể chỉ là một nếp sáo mòn. Cái mẫu số quy đồng cho rằng tiếng Đức thiên bẩm phù hợp với âm nhạc, tiếng Quan thoại cố định tư duy toán học tốt, tiếng Pháp hay Ý dành cho tình yêu và thi ca, tiếng Anh chỉ dùng trong nếp thường ngày và kinh doanh buôn bán, vân vân. Người đời thậm chí còn bảo rằng Hoàng đế La Mã Thần thánh, Charles đệ Ngũ, dùng tiếng Tây Ban Nha trước Chúa, tiếng Ý trước đàn bà, tiếng Pháp trước đàn ông, và tiếng Đức cho lũ ngựa. Người bạn Syria của tôi cũng có thể nói rằng chính sự thiếu khép buộc vào một ngôn ngữ đơn lẻ là thứ cho chúng ta thoát ra khỏi bất kỳ khái niệm ngôn ngữ phổ quát về ngôn ngữ. Tự do cất tiếng đa ngôn.
Ngôn ngữ gây ra bộn ra rắc rối với những người thân thuộc thời thơ ấu của tôi bởi các biên cương tôi gắng sức đào quanh bản dạng đều vướng mắc, và gây ra xung đột nội tại. Một người Catalan, hay Basque hay Kurd không chút nghi ngờ sẽ có vô vàn điều để chia sẻ về chủ đề này; chẳng hạn, bất tương giữa ngôn ngữ chính thức và tiếng mẹ đẻ tạo ra sự bất xứng, từ đó khiến chuyện học hành trở thành một chốn gây tổn thương. Những người Berber ở Bắc Phi, các nhóm  thổ dân Mỹ Latin là một trong số rất nhiều dân tộc gánh chịu tính đơn lệch này. Lịch sử dựng nước rải quanh các đớn đau ngôn ngữ: sự áp chế tiếng Pháp ở Louisiana thập niên 1970 và 1980, sự nghiến bỏ tiếng Breton ở Pháp sau Đại chiến thứ Nhất, sự thanh trừng tiếng Wales vào thế kỷ 19, sự ngột ngạt tiếp diễn các ngôn ngữ Bản địa tại Úc.
Mối đa quan hệ giữa ngôn ngữ, văn hóa và bản dạng khiến sự đa dạng ngôn ngữ toàn thế giới càng trở nên quý giá. UNESCO ước rằng già phân nửa trong số 6.000 ngôn ngữ trên thế giới có thể biến mất vào cuối thế kỷ 21. Mỗi ngôn ngữ, nhất là tiếng thổ dân bản địa, chính là các bể chứa tri thức chưa từng được chạm vào, và khi người ta ngừng sử dụng một ngôn ngữ, minh triết - trong các lĩnh vực y học, khoa học, nông nghiệp và văn hóa, cùng các cách nhìn điển trưng đặc dị về thế giới - không thể vãn hồi cũng chóng biến mất theo. Dự án Bảo tồn Ngôn ngữ bị đe dọa Hans Rausing, dưới sự hỗ trợ của Trường Nghiên cứu Đông Phương và Châu Phi ở London, giương cao lời kêu gọi lạnh người “Bởi mỗi từ ngữ sau cùng mất đi là mỗi thế giới mất đi theo…”
Trong nghiên cứu hiện hành tên gọi Ngôn ngữ thổ dân bản địa như Công cụ Thấu hiểu và Bảo tồn đa dạng sinh học, UNESCO chỉ ra một nghiên cứu về tộc Amuesha vùng Peru thượng Amazon trực tiếp liên hệ sự thiếu vắng người bản ngữ với sự sụt giảm đa dạng mùa vụ trong vùng. Các nghiên cứu thuộc ĐH Tiểu bang Penn và Oxford, công bố năm 2012 ở Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, cũng nhấn mạnh mối quan hệ giữa sự biến mất ngày càng tăng tốc của các chủng động thực vật với sự biến mất được dự báo của ngôn ngữ trên thế giới. Các khu vực dễ bị mất đi da dạng sinh học nhất chính là những nơi ngôn ngữ đang dần mất đi. Hơn 4.800 ngôn ngữ trên thế giới tập trung ở các vùng có độ đa dạng sinh học cao.
Ngôn ngữ gãy vỡ và khu biệt thường xuyên, thế nhưng tốc độ tuyệt chủng gia tăng nhanh chóng ngày nay quả là đáng quan ngại. Ta không thể trách toàn bộ quá trình này vào sự phát tán không ngừng của tiếng Anh. Chính xác hơn, phải nói tới các tác động của quá trình toàn cầu hóa đã khiến tiếng Anh hưởng lợi và từ đó áp chế tính đa dạng và địa phương hóa. Đằng sau sự bá chủ của tiếng Anh là một bình minh u ám mới, lúc các đặc tính văn hóa và thực hành của các ngôn ngữ thiểu số có nguy cơ bị san phẳng. Và thứ ngôn ngữ gắn với sự tẻ nhạt ấy là thứ tiếng Anh ngày càng quốc tế hơn: toàn cầu hóa và tiếng Anh âu yếm cộng sinh nhau.
Cái thứ biển báo khách sạn luôn gây lúng túng cho người Anh bản xứ ở nước ngoài - “Khi xảy cháy hãy báo động tất cả khách cư trú” hay “Không có con nít trong hồ bơi” - là những nhánh tẻ không hề vô hại chút nào. Tiếng Anh trong dạng thái pha trộn toàn cầu không chỉ vượt khỏi hiểu biết của người bản ngữ, mà còn hóa thành một đám khói mù ắp đầy biệt ngữ chẳng rõ được danh tính hay ai mới là chủ sở hữu. Tiếng Anh xưa, với những lớp lang dầy dựng của trưởng thành, đã chẳng hề hay biết sản sinh ra một thứ phái sinh vô gốc rễ, thực dụng vừa không ngừng giãn nở, hút cạn tinh chất ra khỏi chính thứ ngôn ngữ đã sản sinh ra nó, đồng thời làm khánh kiệt các ngôn ngữ khác trong cùng quá trình này. Theo cách mà Ikea thay thế đồ gỗ nội thất trên toàn thế giới, cái thứ tiếng Anh giản tiện toàn cầu này, trợ thủ bởi sự rộng khắp của công nghệ, đang xóa bỏ sự đặc thù và khiến sự đồng nhất càng thêm màu mỡ.
Ít năm trước, Jean-Paul Nerriere, một cựu chuyên viên marketing ở IBM, đã nhào ra một thứ tiếng Anh tinh giản cho người không phải bản xứ ông tự gọi là Globish (theo đúng đặc tính tiếng anh toàn cầu, khái niệm này từ đó trở về sau đã lan truyền.) Không như các ngôn ngữ nhân tạo như Esperanto, Globish được xem như một công cụ thực tiễn hơn là một ngôn ngữ mới. Globish hình thành nên từ cái địa hạt ngôn ngữ sẵn có mà người nước ngoài sử dụng tiếng Anh sử dụng chung. Tương lai của tiếng Anh như một nối ngữ (lingua franca) có lẽ cũng giống như vậy: một phụ bản giản tiện hay lai tạp dễ sử dụng, trong đó sắc thái và thi tính không còn cần thiết. 
Ấy thế mà, nghịch lý thay, tính toàn cầu và, rốt cuộc, sự tầm thường tăng tiến của tiếng Anh toàn cầu lại khiến các ngôn ngữ khác dần dà bước ra khỏi bóng tối. Hy vọng điều này sẽ mang lại sức sống mới mẻ cho đa ngữ và song ngữ, hay, chí ít, sự đa dạng hóa trải nghiệm thụ đắc ngôn ngữ một lần nữa. Mai mỉa thay, và bất kể những va vấp công nghệ dự đoán từ trước, các máy dịch liên ngôn ngữ - kế thừa của Babel Fish - còn có thể tạo ra những lối dẫn mới vào bức tranh ngôn ngữ thế giới. Chẳng hạn, NTT Docomo, một hãng viễn thông Nhật, được cho là đang tạo ra kính dịch trực tiếp vào dịp Thế Vận Hội Tokyo 2020 cho phép quá trình giao tiếp song phương bằng phiên dịch diễn ra trực tiếp và đồng thời. Các lối dẫn này có thể còn tạo ra một không gian hít thở mới cho đa dạng ngôn ngữ, một dịp để tái thẩm vô vàn cách chúng ta vận dụng để diễn tả về thế giới.
Tôi không thể phủ định hiệu dụng của tiếng Anh, cũng không thể phủ định vai trò của nó trong thế giới đa giao kết ngày nay. Tuy nhiên sự ưu trội của nó lại không đủ thoái đi nhu cầu sử dụng các ngôn ngữ khác của lũ trẻ nhà tôi. Trái lại, sự trỗi dậy của thứ tiếng Anh toàn cầu càng buộc người bản ngữ phải gắn kết sâu hơn với tiếng nước ngoài. Trừ khi tôi thị phạm, lũ trẻ nhà tôi hoàn toàn sẽ chẳng có chút lợi thế ngôn ngữ nào sất nếu đem so với hàng tỉ người khác thành thạo tiếng Anh cũng như các ngôn ngữ của riêng họ, và còn hơn thế nữa.
Bảo đảm lũ trẻ có thể thành thục ít nhất tiếng Pháp giao tiếp là một mục tiêu tôi tự đặt ra cho bản thân, bất luận các cản trở. Một sự việc mới vừa qua đã trao cho tôi lý do để hy vọng. Ở một phiên chợ đông London, khi nghe tiếng hét háo hức bằng tiếng Pháp, chúng tôi dừng xe và chứng kiến vài cậu trai chơi bóng đá trong sân vườn. Một nhóm các ông bố áo xống ngon nghẻ theo sát chúng chơi đùa tại một trung tâm cộng đồng gần đó. Lũ trẻ và cha chúng xuất thân từ các quốc gia Châu Phi nói tiếng Pháp, Bờ biển Ngà, Congo, Guinea. Nhác thấy hứng thú của con trai tôi, họ hỏi nó có muốn chơi cùng không. Khi bóng được đá qua lại, tôi nghe con tôi dùng tiếng Pháp, không chỉ một mà những nhiều lần.
Trong ít ngày sau đó, ham thích của lũ trẻ nhà tôi dành cho Châu Phi vẫn cao vợi. Chúng online để tìm kiếm hình ảnh Benin, Burkina Faso, Congo (cả Cộng Hòa, lẫn Cộng hòa Dân chủ Congo), Madagascar, Mali, Senegal, Togo, Gabon, ít ỏi trong số nhiều quốc gia Pháp ngữ khác trên khắp Phi lục. Tôi cũng tìm thấy một góc nhìn khác để lần đầu tiên mở lời trước mắt lũ trẻ - một góc nhìn chỉ ra vô vàn khả năng giao tiếp và khám phá điều khác biệt. Nhờ vào thứ ngôn ngữ tôi nói cùng với chúng, lũ trẻ đã thoáng nhận ra con đường khả dĩ tiến vào sự mênh mông và phi đơn tính bao la của thế gian.
Cái sự phi đơn tính không đo đếm được này chính là cái bị đe dọa bởi các cơn cuồng phong của toàn cầu hóa và các căng thẳng xảy ra trên thế giới. Cái chết của ngôn ngữ có cùng triệu chứng với vô vàn các khủng hoảng mà hành tinh này đang tham gia, về môi trường, về văn hóa và kinh tế. Một từ ngữ mất đi cũng như một cái cây bị đốn hạ; một ngôn ngữ biến mất, một khung cảnh hoang trơ khác lại xuất hiện. Gốc rễ về quá khứ, tua xoắn bám vào tương lai, tất thảy đều đang bị xén phăng.
Trong Kinh Thánh, sự đốn ngã tháp Babel được cho là đã gây ra khởi đầu cho sự thiếu thông hiểu và hoang mang lẫn nhau của loài người. Thế nhưng dường như cái hỗn hợp Globish-và-tiếng-Anh-thu-gọn chẳng thể nào tái hiện được nổi chút hài hòa. Lịch sử nội chiến ở các quốc gia đơn ngữ chắc chắn chỉ ra thực tế trái ngược. Và giữa một thời buổi khi mà khác biệt bị công kích từ mọi phía, và số sinh viên theo học tiếng nước ngoài đang rơi rụng dần ở nhiều quốc gia theo Anh ngữ, niềm ao ước được trò chuyện với lũ trẻ bằng một thứ tiếng khác không phải tiếng Anh chính là một cách để nói rằng sự đa ngữ và đa dạng trên thế giới thật sự quan yếu.
k.