Trí Thông Minh Tốt Nhất Không Phải Là Nhân Tạo
Những giải pháp thông minh đến từ con người thông minh
Cuối tuần vừa rồi mình và anh bạn ngồi nói chuyện với một nhân viên cấp cao của một tỉnh, là họ hàng xa của mình. Sau đoạn hội thoại ngắn về tình hình sức khỏe, gia đình, như thường lệ chúng tôi bàn đến chủ đề vĩ mô hơn như các chính sách kinh tế xã hội, trong đó nói nhiều nhất là về xây dựng đô thị thông minh.
Cụm từ "đô thị thông minh" được chính phủ và báo chí nhắc nhiều trong những năm gần đây, sự nổi lên của nó đồng hành với sự trỗi dậy của cụm từ "cách mạng 4.0". Anh nhân viên chính phủ chia sẻ rằng việc xây dựng đô thị thông minh không dễ dàng, có quá nhiều công nghệ mới để học, mọi người muốn tự động hóa mọi thứ: camera an ninh thông minh, đèn đường có cảm biến ánh sáng tự bật tắt, xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến.
Ngoài ra sự khó khăn còn đến từ việc trước đây tỉnh không làm hệ thống đồng bộ, mỗi mảng quản lý lại sử dụng một nhà thầu khác nhau (các nhà thầu thường là VNPT, FPT, Viettel), bây giờ muốn liên thông dữ liệu thì phải gỡ từng khúc một, có nhiều chỗ phải đập đi xây lại.
Tuy vậy bạn của mình, một người sống ở Úc nhiều năm, nhận xét rằng:
- Thật ra có nhiều cái đâu cần công nghệ tân tiến để trở nên tốt hơn. Ví dụ nhé, giao thông ở Sài Gòn rất hỗn loạn bởi vì mọi người không có đèn riêng cho việc rẽ trái. Ở ngay các ngã tư lớn, chỉ cần đèn xanh là mọi người có thể đi thẳng hay rẽ trái, rẽ phải, và những người rẽ trái hoặc quay đầu sẽ chặn những người đi thẳng ở chiều ngược lại, dẫn tới ùn tắc ở ngã tư. Bây giờ chỉ cần làm đèn tín hiệu rẽ trái riêng là sẽ đỡ hơn nhiều. Việc này chẳng cần dùng A.I (trí thông minh nhân tạo) gì cả, mà lại không hề khó khăn để làm.
Rồi anh cũng nói đến biển báo tốc độ. Biển tốc độ ở Việt Nam vừa cắm vô lý vừa không rõ ràng. Anh đi ở quốc lộ 51 từ Đồng Nai về Bà Rịa - Vũng Tàu, cả một quãng đường dài hơn 60km mà chỉ có chưa đến 5 biển báo tốc độ, khiến cho người mới đi đường đó hoàn toàn không biết phải đi bao nhiêu cho hợp lý. Đã vậy ô tô chạy nhanh thường chạy làn trong cùng bên tay trái, nhưng biển báo lại cắm ở trên vỉa hè bên tay phải, mà đường thì rất lớn với hơn 4 làn xe chạy mỗi bên, khiến cho mọi người rất khó nhìn biển báo. Anh nói rằng anh thấy rất nhiều bảng chỉ dẫn trên quốc lộ nhưng tuyệt nhiên không thấy được biển báo tốc độ, cứ như tốc độ giới hạn là một thông tin mật cần phải giấu.
Trong khi đó ở bên Úc cứ đi tầm 1km đến 2km sẽ có một biển báo tốc độ và biển báo này được đặt hoặc ở hai bên đường hoặc là treo trên cao cho tất cả xe đều thấy. Tất cả những việc này không đòi hỏi công nghệ gì cao siêu.
Ngoài ra anh nói có một điều thú vị là có biển cảnh báo công trường phía trước, yêu cầu tốc độ di chuyển 5km/h. Biển báo này rất kỳ quặc vì ai cũng biết rằng không xe nào, kể cả xe đạp, có thể đi chậm như vậy. Nhưng con số 5km/h cứ được giữ nguyên, cứ như người ta vẫn giữ tư duy thời nghèo khó là đi chậm là phải dắt xe đi chứ không được lái.
Xong anh cười bảo rằng:
- Xin lỗi anh nếu em nói anh nghe xúc phạm chứ em nghĩ bên Úc thành phố người ta thông minh không phải vì công nghệ đâu, mà là vì quản lý của người ta thông minh thôi.
Những nhận xét của anh bạn bên Úc làm mình nhớ đến một điều mình học được khi làm trong ngành phần mềm, đó là không phải giải pháp nào tốt nhất cũng đến từ code. Thậm chí khi những người BA/Product bắt tay vào giải quyết vấn đề, mọi người nên cố gắng tìm giải pháp không cần code hoặc sử dụng ít code nhất có thể. Ở trong rất nhiều trường hợp vấn đề đến từ việc không hiểu người dùng hơn là do sản phẩm IT thiếu tính năng. Ví dụ trong một lần đánh giá sản phẩm, mọi người trong nhóm nhận thấy rằng tỷ lệ người dùng quay lại website đang thấp và đề xuất bổ sung các tính năng mới để giữ chân họ lại như làm tính năng tích điểm, thêm một số minigame. Tuy nhiên đội marketing sau đó khảo sát người dùng và thực hiện nghiên cứu trên thị trường thì phát hiện rằng người dùng ít quay lại website là vì công ty hầu như không tương tác với họ, cụ thể là không gửi nhiều email đến người dùng. Một giải pháp email marketing đã được đưa ra ngay sau đó: các email template được làm nghiêm túc và đàng hoàng hơn, nội dung cô đọng và hấp dẫn hơn, và tần suất cũng như số loại email được gửi đi tăng nhiều hơn.
Kết quả là tỷ lệ người dùng quay lại website sau 3 tháng đã tăng hơn cao hơn so với trước trong khi website gần như không bổ sung tính năng nào mới. Giải pháp email marketing này có chi phí rất thấp mà tính hiệu quả thì vượt trội.
Quay lại câu chuyện xây dựng đô thị thông minh, dường như các lãnh đạo Việt Nam đang coi công nghệ tân tiến như một liều thuốc thần giúp làm tan biến các vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay như: quy hoạch đô thị, an toàn giao thông, an sinh xã hội, mà không nghĩ rằng vấn đề lớn nhất đến từ con người, chính xác là các quy trình, văn bản luật pháp ban ra. Các thành phố tân tiến trên thế giới như Singapore, Seoul, Melbourne, London, Amsterdam đã trở thành đô thị thông minh từ trước khi Internet và trí thông minh nhân tạo ra đời.
Và ngay cả khi Internet đã phát triển thì chính phủ cũng không tận dụng nó hoàn toàn hiệu quả. Ví dụ tiêu biểu nhất cho điều này là chính phủ hầu như chưa bao giờ gửi email thông báo cho toàn dân. Hãy dành 1 phút nhớ lại: có bao giờ bạn nhận được email từ chính phủ hoặc điền thông tin email trong các đơn thủ tục hành chính? Đây là một điều tưởng chừng rất nhỏ nhưng rất bất ngờ là chính phủ Việt Nam chưa bao giờ hỏi về email của người dân. Bạn của mình lái xe quá tốc độ bên Auckland, New Zealand ngay hôm sau nhận được email thông báo xử phạt từ cảnh sát. Còn ở Việt Nam, bạn phải chờ vài tháng để nhận được thư thông báo xử phạt gửi về nhà. Giờ thì tân tiến hơn, người dân có thể tự tra cứu xem mình có bị phạt nguội không? Nhưng tại sao không thể gửi email thông báo phạt, mà phải bắt công dân tự tra cứu?
Người bạn bên Úc trong câu chuyện của mình cũng nhận được email từ hội đồng thành phố Melbourne nơi bạn đang sống thông báo về các thay đổi trong chính sách cũng như thuế, phí. Tất cả các quy định về chống dịch Covid đều được gửi qua email. Bản thân mình không còn ở New Zealand nhưng vẫn nhận được các thông báo liên quan tới việc bỏ yêu cầu đeo khẩu trang khi tham gia giao thông công cộng.
Vậy bạn đã nhận được bất kỳ email thông báo nào từ các sở cảnh sát, bộ ngành hay địa phương bạn đang sinh sống? Chính phủ liên tục nhắc về công tác truyền thông, tuyên truyền mạnh mẽ, gần gũi với người dân, phát huy sức mạnh công nghệ 4.0 nhưng tuyệt nhiên không bao giờ chọn email là phương thức liên lạc với người dân, rất tiện lợi về mặt công nghệ mà chi phí thấp hơn nhiều so với các giải pháp khác. Thay vào đó ở Hà Nội, người ta lại chọn phát triển "loa phường 4.0". Đây là dấu hiệu của sự thiếu kiến thức cơ bản về công nghệ, về nghệ thuật liên lạc cũng như tư duy giải quyết vấn đề.
Tuy vậy khó mà trách được từng cá nhân khi mỗi người lại bị trói chặt bởi một quy trình 0.4 mà họ buộc phải tuân theo.
Khi mình hỏi anh nhân viên chính phủ về việc xây dựng giao thông công cộng ở Vũng Tàu, anh nói mọi thứ không thể nhanh được. Ai cũng biết rằng muốn phát triển đô thị văn minh hiện đại thì phải phát triển được mạng lưới giao thông công cộng tốt. Tuy nhiên bất kỳ đề án nào của tỉnh cũng phải cần được phê duyệt, mà tốc độ phê duyệt thì rất lâu. Mà với quy trình hiện đại, nhân viên ở dưới không bao giờ dám làm nhanh một thứ gì cả, tất cả mọi việc đều phải "chờ xin ý kiến". Nhân viên cấp thấp nhất chờ xin ý kiến của sếp anh ta, sếp anh ta lại phải hỏi xin ý kiến ở sếp trên cao hơn cấp thành phố, sếp cấp thành phố thì hỏi xin ý kiến cấp tỉnh, cấp tỉnh thấy khó quá thì xin ý kiến chỉ đạo Trung ương. Rồi lại một vòng tròn ngược lại: từ Trung ương ngược xuống tỉnh rồi ngược xuống thành phố. Sau khi Trung ương cho ý kiến, tỉnh lại phải họp về ý kiến đó, rồi nếu có sửa đổi lại phải trình ngược lại, cứ đi như vậy vài vòng thì mới đạt được sự đồng thuận, sau đó mới bắt đầu bắt tay....lên kế hoạch. Và một vòng lặp tương tự lại được áp dụng cho kế hoạch.
Các bạn có thể đọc thêm một số bài viết liên quan tới quy trình xử lý của chính phủ hiện nay:
Anh nói rằng người dân thì được làm những gì luật không cấm, nhưng nhân viên chính phủ thì chỉ được làm những gì luật cho phép. Mà những gì luật cho phép thì hạn hẹp, nên thông thường mọi người muốn làm nhanh thì phải ráng lách, hoặc sáng tạo, mà sau vụ Việt Á vừa rồi ai cũng sợ không dám lách gì cả, nên tất cả mọi thứ đình trệ lại vì giờ không ai biết phải làm gì.
Quy trình làm việc không có một chút gì thông minh này này chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vấn đề chúng ta được nghe nói đến gần đây: bệnh viện thiếu thuốc vì không dám đấu thầu do phải làm đúng luật, đúng quy trình. Các tỉnh cắt biên chế giáo viên trong khi số học sinh tăng lên, giáo viên và y bác sĩ bỏ nghề vì cảm thấy bị đối xử bạc bẽo, giao thông công cộng mãi không phát triển được.
Kinh nghiệm làm việc cho thấy những công ty tin rằng chỉ cần có công nghệ tân tiến hiện đại là họ sẽ giải quyết được mọi vấn đề của khách hàng là những công ty thường sớm thất bại. Những công ty thành công nhất là những công ty biết rằng trí thông minh tốt nhất họ có không đến từ các thuật toán mà đến từ những người họ chọn vào và môi trường làm việc họ tạo ra. Chừng nào chính phủ Việt Nam tin vào năng lực của mỗi nhân viên của họ hơn công nghệ, thực sự nghiêm túc phát triển các tài năng đó (đi học chính trị không được tính là phát triển chuyên môn) chừng đó các đô thị ở Việt Nam mới thực sự trở nên thông minh.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất