Chào các bạn, mình là thế giới bình thường hoặc người bình thường, hoặc gì cũng được. Đọc câu đầu tiên thì có lẽ bạn đã biết rằng bài viết này được viết ra bởi một nhân cách khác (?) của mình, vì từ văn phong đến chủ đề mình muốn nói hoàn toàn không ăn nhập gì với các bài viết trước của mình.
<i>#bynormalworld 🌊</i>
#bynormalworld 🌊

Đầu tiên thì, tại sao chúng ta bắt đầu đọc sách?

Mình không biết, mỗi người có lý do khác nhau để bắt đầu đến với con đường đọc sách. Mình bắt đầu đọc sách vì mình quá chán, và mình đã bỏ dở việc đọc sách khi tìm được thứ làm mình thích thú hơn. Bẵng đi một thời gian, mình lại quay trở về với việc đọc sách, và lý do lần này của mình cũng không giống lần trước. Lần này mình đọc sách vì crush mình nói rằng, cậu ấy đọc sách vì cậu ấy muốn thông minh hơn. Tuyệt vời, vậy thì mình cũng sẽ đọc sách, vì đọc rồi mới có cái để bắt chuyện kéo gần hơn mối quan hệ này.
Một cuốn sách cực kỳ nổi tiếng của Napoleon Hill là Think and Grow Rich. Bản tiếng Anh của cuốn sách gồm 176 trang và 89,175 từ. Với tốc độ đọc trung bình 250WPM thì một người có thể đọc xong cuốn này sau 6 giờ đồng hồ. Nhưng, tác giả của cuốn sách thì mất đến 20 năm từ lúc thai nghén đến khi hoàn thành. Vậy là nếu đọc quyển này, mình sẽ có được lượng kiến thức và kinh nghiệm mà Napoleon tích lũy trong 20 năm.
Được rồi, đó là top comment trên Quora, mình nghe thì có lý nhưng mình không thấy áp dụng được vào bản thân. Vì mình có thể vừa đọc vừa xem phim, hoặc kể cả có chăm chú đọc mình cũng không hiểu được tác giả viết vậy là có ý gì. Nhưng mình thông minh hơn chút, mình hiểu, và hiểu xong cũng vứt đấy còn cuộc đời mình thì vẫn vậy. Thế là, sau khi thấy vô vọng với crush, mình cũng chẳng quan tâm đến đọc sách nữa luôn.
Nhưng rồi, vào một đêm nọ, mình được tặng file ebook sau khi mua GPRS với giá 15k. Đó là ebook của một bộ truyện ngôn tình, và bộ ngôn tình đó cũng là lần đầu tiên mình tiếp xúc với... văn học (sẽ có ý kiến phản đối nhưng đây vẫn là một dạng văn học – văn học tiêu thụ nhanh, mình nghĩ vậy). Mình vẫn nhớ bộ truyện đó là Bộ Bộ Kinh Tâm của Đồng Hoa, giống như tên bộ truyện, việc đọc từng bước thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của mình. Sau đó, mình đọc rất nhiều các bộ truyện khác, có những bộ mình chê trách và chỉ trích rất nhiều, có những bộ mình lại cực kỳ tâm đắc và viết trích dẫn vào trong cuốn sổ trang trí bởi bút 7 màu. Mình tiếp tục chuyển hướng từ ngôn tình sang... đam mỹ, và đúng rồi đó, mình vẫn tiếp tục đọc những tác phẩm văn học tiêu thụ nhanh (giống phim thần tượng mỳ ăn liền vậy hihi). Nhưng, trong mỗi nhánh đam mỹ cũng được chia ra thành nhiều cấp bậc, mình tiếp xúc với những tác phẩm và tác giả có chiều sâu hơn. Mình bắt đầu hình thành phẩm vị đọc và chỉ lựa chọn những đầu truyện thực sự có đầu tư về mặt nội dung (ý tưởng, thiết lập,...) và ngôn từ (sự trau chuốt trong việc lựa chọn từ ngữ, cách miêu tả, tự sự, biểu cảm,...). Trong chính khoảng thời gian say mê với đam mỹ, mình bắt đầu tập viết. Từ những bộ truyện dài kỳ đầu tiên chỉ vỏn vẹn mấy trăm từ, đến những truyện ngắn dài hơn 30 nghìn từ, mình may mắn nhận được sự ủng hộ từ người qua đường trên mạng. Số tiền đầu tiên mình kiếm được cũng là từ viết truyện cho báo Trà Sữa Cho Tâm Hồn.
Đọc nhiều trong một vòng tròn tác phẩm có sự giới hạn về nội dung khiến mình sinh ra cảm giác nhàm chán. Vì khi đọc đi những nội dung lặp lại vô cùng tận, mình cũng không thể phát triển thêm được gì và không có ích trong công cuộc viết lách đã trở thành niềm đam mê của mình. Nhưng nếu dừng đọc, mình sẽ bị chặt mất nguồn cảm hứng và khả năng sáng tạo ngôn từ, vậy nên mình vừa đọc vừa... phẫn uất =)))
🔔 Vậy, tóm lại là, mình nghĩ lý do để ta bắt đầu đọc sách hay lý do ta nên đọc sách đều chỉ xuất phát từ bản thân ta. Ta không thể cưỡng ép mình cho đến khi tình cờ nhận ra những gì ta đọc được trong sách có ích hay có ảnh hưởng đến cuộc sống của ta. Ví dụ như mình tìm được niềm đam mê cũng như khả năng "trời phú" của mình nhờ viết lách, và viết lách lại có mối quan hệ mật thiết với đọc sách – cho nên, mình đọc sách và phải đọc sách!

Chúng ta nên đọc loại sách nào?

Như mình đã kể ở trên, mình bắt đầu từ ngôn tình và đam mỹ của Trung Quốc. Đây là hai thể loại bị ruồng rẫy và phê phán cực nhiều trong những người đọc sách. Có rất nhiều bài báo, cuộc tranh luận này nọ nổ ra để tranh cãi xem rốt cuộc những tác phẩm trong hai thể loại này có đáng để coi là văn học không? Thậm chí, những người đọc chúng còn bị coi là "cá biệt" giữa những người đọc sách... Quả thực mình đã trăn trở rất nhiều về điều này, mình đã từng che giấu việc mình đọc đam mỹ bằng một loạt đầu sách best-seller nghe đã thấy vô cùng uy tín. Rồi sau đó, mình đọc các tác phẩm đạt các giải thưởng hàn lâm uy tín trên thế giới. Thời gian đầu, mình cảm thấy rất mệt mỏi vì những trang sách này đều không phải những gì làm mình hứng thú. Việc cưỡng chế bản thân chọn lựa những đầu sách này đã bào mòn đi ham muốn được đọc của mình, đẩy mình dần xa cách với việc đọc, khiến việc đọc giờ đây chỉ còn là cực hình với mình. Mình lại ngưng việc đọc khi cảm thấy quả oải với những áng văn chương của thời đại ấy.
Điều lạ kì là quá trình đọc đam mỹ đã nuôi dưỡng nên niềm say mê với đọc sách của mình, khiến mình cảm thấy cuộc đời trống trải vô cùng nếu thiếu đi những trang sách. Giai đoạn ấy mình cũng gặp phải khó khăn trong cuộc đời, đến mức mình nghĩ muốn chấm dứt sinh mệnh luôn. Ngay giữa sự lụi tàn của sự sống, mình lại lật giở cuốn truyện mình từng đọc, và một lần nữa bị cuốn theo dòng chảy của câu chữ. Không những thả cho mình chiếc phao cứu sinh vững chắc, mình còn nhận ra rằng, việc mình lựa chọn đọc gì đi chăng nữa thì đều là quyền của mình và mình hoàn toàn có thể hãnh diện về những gì mình đọc được. Chúng không vô bổ như người ta nói, chúng cho mình năng lực ngôn ngữ cùng khả năng tư duy để sáng tạo ra thế giới tưởng tượng của riêng mình, chúng dạy mình những cảm xúc về muôn loại tình cảm trong xã hội, chúng chỉ mình thấy những dáng vẻ từ đẹp đẽ nhất đến tồi tàn nhất của con người. Hoặc, ít nhất là, chúng chữa lành thương tổn trong trái tim mình, khiến xói mòn hay vết cắt đang bắt đầu thối nát ở trái tim được tưới tắm bởi mưa xuân.
Không có loại sách nào là vô bổ và đáng bị khinh miệt khi đọc, kể cả... truyện sex... Chỉ có thế giới trong sách là vô tận và luôn trưởng thành dần cùng cuộc đời mình. Vậy nên, khi mình tích lũy thêm nhiều trải nghiệm trên đường đời, những câu chuyện trong đam mỹ không còn đáp ứng đủ cơn thèm sách của mình. Mình tiến đến với các tác phẩm là tiểu thuyết ở mức cao hơn, những áng văn đạt các giải thưởng lớn. Yasunari Kawabata với "Xứ Tuyết", Kenzaburo Oe với "Tuổi 17", Natsume Soseki với "Tôi là con mèo" - "Từ dạo ấy" - "Người đi đường", Haruki Murakami với "Lắng nghe gió hát" - "Phía nam biên giới phía Tây mặt trời",... (Toàn tác phẩm Nhật vì hồi đó hình như công việc chính là wibu công việc phụ là hủ nữ). Những tác phẩm này đã mở ra trước mắt mình một thế giới, nơi mà những cảm xúc yêu ghét của mình đều đạt tới cực hạn, nơi mà mình vừa yêu tha thiết tư tưởng ẩn sau nhưng lại ghét đến run người trước những mối quan hệ và hành động ghê tởm. Thế giới văn chương trong mình lớn hơn bao giờ hết, ở đó không chỉ đơn thuần là tình yêu sau cuối, mà bao trùm tình yêu hay cái chết còn là sự ảnh hưởng và vùng vẫy với thời cuộc. Hóa ra, văn chương có thể diệu kỳ tới vậy, qua một tập truyện không quá dài cũng có thể làm sống lại cả một nước Nhật giao thời mình chưa từng có ký ức hay thông tin trong đầu.
🔔 Sự chuyển mình của những lựa chọn cũng lại đến từ bản thân, trải nghiệm và mong muốn, cùng với nhu cầu đọc phong phú hơn sẽ dẫn đến những trang sách mới. Tại sao mình phải đọc sách non-fiction vì mọi người bảo đọc sách fiction là vô dụng? Tại sao mình phải thay đổi trải nghiệm đọc sách của mình để thỏa mãn nhu cầu của người khác? Bỗng nhiên nói đến đây, mình lại liên tưởng đến cuộc khủng hoảng bản sắc nam ở Nhật Bản, khi những người đàn ông buông xuôi giữa thời thế của sự giao thời phương Đông - phương Tây, khi những người làm chủ gia đình lại trở nên bê tha và lạc lõng ngay trong một xã hội cộng sinh đương chuyển mình. Với trải nghiệm ít ỏi của mình, mình không dám chắc một cuốn sách non-fiction có thể mô tả đầy đủ và tinh tế những xúc cảm bóp nghẹt những gã trai Nhật Bản thời ấy.

Mình nói lắm thế để làm gì?

Tóm lại, thông điệp của mình chỉ giản đơn là: Hãy đọc khi bạn thấy mình muốn đọc và cần đọc. Hãy đọc những gì bạn thích vì kể cả những thứ rỗng tuếch cũng có một bài học nào đó. Hãy đọc cho bạn, thay vì cho người khác.
P/S: Seneca cũng bảo vậy, hehe ^^