Tích cực độc hại là gì?
[Bài viết của tác giả Kendra Cherry trên trang verywellmind, mình thấy ý nghĩa nên bưng về dịch ^^. Xem bài viết gốc tại link này....
[Bài viết của tác giả Kendra Cherry trên trang verywellmind, mình thấy ý nghĩa nên bưng về dịch ^^. Xem bài viết gốc tại link này. Cảm ơn và Happy Reading!]
Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là niềm tin rằng, dù cho hoàn cảnh trở nên tồi tệ hay khó khăn thế nào, mọi người nên giữ những suy nghĩ tích cực. Đây là một cách tiếp cận theo kiểu "Good vibes only" (chỉ có những cảm xúc tốt được chấp nhận) đối với cuộc sống. Và trong khi sống lạc quan và thường xuyên suy nghĩ tích cực cũng có một số lợi ích nhất định, tích cực độc hại thay vào đó lại chối bỏ những cảm xúc đau khổ để duy trì một vỏ bọc vui vẻ, thường là tích cực giả tạo.
Tích cực độc hại đẩy suy nghĩ tích cực đến thái cực của vơ đũa cả nắm quá mức. Kiểu suy nghĩ này không chỉ mỗi tập trung vào tầm quan trọng của sự lạc quan, nó xem nhẹ và phủ nhận một cách cứng nhắc bất kỳ dấu vết nào của cảm xúc con người nếu chúng không phải là cảm xúc hạnh phúc hoặc tích cực.
Các dạng tích cực độc hại
Tích cực độc hại có thể biểu hiện ra theo nhiều hình thức khác nhau. Dưới đây là một số ví dụ mà bạn có thể đã gặp trong cuộc sống của mình:
Khi có điều gì đó tồi tệ xảy ra với bạn, chẳng hạn như khi bạn bị mất việc, mọi người bảo bạn là “phải luôn lạc quan chứ” hoặc “hãy nhìn vào mặt tốt của vấn đề”. Tuy những nhận xét như vậy thường chỉ nhằm để thể hiện sự quan tâm của người nói, nhưng mặt khác chúng cũng có thể dập tắt đi bất cứ điều gì bạn có thể cần chia sẻ với họ về những gì bạn đang phải trải qua.
Sau khi bạn trải nghiệm những mất mát trong cuộc đời, mọi người nói với bạn rằng "mọi thứ xảy ra đều có lý do cả thôi". Mặc dù mọi người nói như vậy vì họ tin rằng họ đang an ủi bạn, đây cũng là một cách để né tránh nỗi đau của người khác.
Khi bạn tỏ ra thất vọng hoặc buồn bã, một ai đó nói với bạn rằng "hạnh phúc luôn là một lựa chọn". Câu nói này có ý như là nếu bạn đang cảm thấy những cảm xúc tiêu cực, thì đó là lỗi của chính bạn khi không “chọn” để được hạnh phúc.
Những câu nói như vậy thường có chủ ý tốt — mọi người chỉ là không biết nói gì khác và không biết làm sao để tỏ ra đồng cảm. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải công nhận rằng những cách phản hồi này có thể trở nên tai hại.
Trong tình huống lạc quan nhất, những câu nói như vậy có thể là những lời tán dương sáo rỗng giúp bạn được giải thoát để không phải đối mặt với cảm xúc của người khác. Trong tình huống tồi tệ nhất, những câu nói này cuối cùng lại mang tính chế giễu và đổ lỗi cho những người thường xuyên phải đối mặt với những tình huống vô cùng khó khăn.
Tích cực độc hại khiến cho mọi người không nhận được sự hỗ trợ đích thực mà họ cần để chống chọi với những gì họ đang phải đối mặt.
Tại sao tích cực độc hại là tai hại
Tích cực độc hại thực sự có thể gây hại cho những người đang trải qua thời kỳ khó khăn. Thay vì có thể chia sẻ những cảm xúc chân thật của con người và nhận được sự ủng hộ vô điều kiện, người ta thấy cảm xúc của mình bị gạt bỏ, phớt lờ hoặc hoàn toàn không được tôn trọng.
Tích cực độc hại mang tính chế giễu: Khi ai đó đau khổ, họ cần biết rằng cảm xúc của họ được tôn trọng, ít ra thì họ có thể tìm thấy sự nhẹ nhõm và tình yêu thương ở bạn bè và gia đình của mình. Tích cực độc hại nói với người ta rằng những cảm xúc mà họ đang cảm thấy là không thể chấp nhận được.
Tích cực độc hại khiến người ta cảm thấy tội lỗi: Nó gửi một thông điệp rằng, nếu bạn không tìm ra cách để cảm thấy tích cực, ngay cả khi đối mặt với bi kịch, thì bạn đang làm sai rồi.
Tích cực độc hại né tránh cảm xúc đích thực của con người: Tích cực độc hại hoạt động như một cơ chế tránh né. Khi những người quanh ta bộc lộ kiểu hành vi này, họ có thể tránh được những tình huống cảm xúc có thể khiến họ cảm thấy không thoải mái. Nhưng đôi khi chúng ta hướng kiểu suy nghĩ đấy lên bản thân, hấp thu những ý tưởng độc hại này vào đầu óc. Khi chúng ta cảm thấy những cảm xúc đau khổ, chúng ta xem thường, chối bỏ và phủ nhận chúng.
Tích cực độc hại ngăn cản sự trưởng thành: Nó cho phép chúng ta tránh cảm nhận những điều có thể khiến ta đau khổ, nhưng nó cũng làm chúng ta mất đi khả năng đối mặt với những cảm giác đầy thách thức mà cuối cùng có thể khiến ta trưởng thành và hiểu biết sâu sắc hơn.
Câu thần chú “Good vibes only” có thể đặc biệt cứa lòng trong những thời điểm mà một người đang trải qua khủng hoảng bản thân dữ dội. Khi người ta phải đương đầu với những tình huống như những rắc rối tài chính, mất việc làm, bệnh tật, hoặc mất đi một người thân yêu, thì việc bảo với họ rằng họ cần phải nhìn vào mặt tốt đẹp của vấn đề có thể là hết sức tàn nhẫn.
Ta hoàn toàn có thể lạc quan khi đối mặt với những trải nghiệm khó khăn và những thử thách trong cuộc đời. Nhưng không cần thiết phải bảo với những người đang trải qua chấn thương tâm lý rằng hãy luôn lạc quan, hay những người này cũng không cần phải cảm thấy rằng họ đang bị đánh giá vì không duy trì một cách nhìn nhận cuộc đời theo hướng sáng sủa.
Các dấu hiệu
Tích cực độc hại thường khó để nhận biết, nhưng bằng việc học cách nhận ra các dấu hiệu có thể giúp bạn xác định được kiểu hành vi này một cách tốt hơn. Một số dấu hiệu bao gồm:
Phủi sạch các vấn đề thay vì đối mặt với chúng
Cảm thấy tội lỗi vì mình buồn, tức giận hoặc thất vọng
Che giấu cảm xúc thật của bạn đằng sau những câu trích dẫn tốt đẹp (kiểu "When life gives you a lemon, make some lemonade" - Người dịch) mà có vẻ dễ được xã hội chấp nhận hơn
Che giấu hoặc ngụy trang cảm giác thực sự của bạn
Xem nhẹ cảm xúc của người khác vì họ làm bạn khó chịu
Chế giễu người khác khi họ không có thái độ tích cực
Cố gắng trở nên khắc kỷ hoặc "vượt qua" những cảm xúc đau đớn
Làm thế nào để tránh tích cực độc hại
Nếu bạn đã bị ảnh hưởng bởi sự tích cực độc hại — hoặc nếu bạn nhận ra loại hành vi này ở bản thân — thì có một số việc bạn có thể làm để phát triển một cách tiếp cận lành mạnh và mang tính khích lệ hơn. Một số ý tưởng bao gồm:
Quản lý cảm xúc tiêu cực của bạn, nhưng không được phủ nhận chúng. Cảm xúc tiêu cực có thể gây căng thẳng khi không được kiểm soát [1], nhưng chúng cũng có thể cung cấp thông tin quan trọng có thể dẫn đến những thay đổi có lợi trong cuộc sống của bạn.
Có một cái nhìn thực tế về những gì bạn nên cảm thấy. Khi đối mặt với một tình huống đầy áp lực, việc bạn cảm thấy căng thẳng, lo lắng hoặc thậm chí sợ hãi là điều bình thường. Đừng mong đợi quá nhiều từ bản thân. Tập trung vào việc tự chăm sóc chính mình và thực hiện những điều có thể giúp cải thiện tình hình của bạn.
Việc cảm nhận được nhiều cảm xúc khác biệt cùng một lúc là điều bình thường. Nếu bạn đang đối mặt với một thử thách, bạn có thể cảm thấy lo lắng về tương lai và cũng hy vọng rằng bạn sẽ thành công. Cảm xúc của bạn cũng phức tạp như chính tình huống mà bạn đang trải qua vậy.
Tập trung lắng nghe người khác và thể hiện sự ủng hộ. Khi ai đó thể hiện một cảm xúc khó khăn, đừng đóng cánh cửa với họ bằng những câu nói sáo rỗng độc hại. Thay vào đó, hãy cho họ biết rằng những gì họ đang cảm thấy là bình thường và bạn luôn ở đó để lắng nghe.
Để ý tới cảm xúc của bạn. Việc theo dõi các tài khoản mạng xã hội “tích cực” đôi khi có thể là nguồn cảm hứng, nhưng hãy chú ý đến cảm giác của bạn sau khi xem và tương tác với nội dung đó. Nếu bạn cảm thấy xấu hổ hoặc tội lỗi sau khi xem các bài đăng kiểu “nâng cao tinh thần”, đó có thể là do sự tích cực độc hại. Trong những trường hợp như vậy, hãy cân nhắc việc hạn chế sử dụng mạng xã hội của bạn.
Hãy cho phép bản thân cảm nhận cảm xúc của chính mình. Thay vì cố gắng trốn tránh những cảm xúc khó khăn, hãy cho phép bản thân cảm nhận chúng. Những cảm xúc này là thực, xứng đáng được tôn trọng và rất quan trọng. Chúng có thể cung cấp thông tin và giúp bạn nhìn nhận ra những thứ liên quan đến một tình thế mà bạn cần nỗ lực để thay đổi.
Điều này không nhất thiết có nghĩa là bạn nên hành động theo mọi cảm xúc mà bạn cảm thấy. Đôi khi điều quan trọng là phải ngồi với cảm xúc của bạn và cho bản thân thời gian và không gian để xử lý tình huống trước khi bạn hành động.
Vậy nên, khi bạn đang phải trải qua một điều gì đó khó khăn, hãy nghĩ đến những cách để truyền tải cảm xúc của bạn một cách hiệu quả. Viết nhật ký. Nói chuyện với một người bạn. Nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần diễn đạt những gì bạn đang cảm thấy thành lời đã có thể giúp giảm cường độ của những cảm giác tiêu cực đó rồi [2].
Vài lời từ trang Verywell
Tích cực độc hại thường khó để nhận biết, và tất cả chúng ta đều có kiểu suy nghĩ này vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Tuy nhiên, bằng cách học cách nhận biết nó, bạn sẽ có thể loại bỏ kiểu suy nghĩ này một cách tốt hơn và cho đi (và nhận được) sự khích lệ chân thật hơn khi bạn phải trải qua một điều gì đó không hề dễ dàng.
Hãy bắt đầu chú ý đến những câu nói độc hại và cố gắng để bản thân và những người khác cảm nhận được cảm xúc của bạn, dù là tích cực hay tiêu cực./.
Tài liệu tham khảo:
1. Fischer AH. Comment: the emotional basis of toxic affect. Emot Rev. 2018;10(1):57-58. doi:10.1177/1754073917719327
2. Lieberman MD, Eisenberger NI, Crockett MJ, Tom SM, Pfeifer JH, Way BM. Putting feelings into words: affect labeling disrupts amygdala activity in response to affective stimuli. Psychol Sci. 2007;18(5):421-8. doi: 10.1111/j.1467-9280.2007.01916.x
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất