Hôm trước tôi đi ăn cùng nhóm bạn cũ, gặp lại cô bạn mà 2 năm rồi chưa gặp. Cô bạn tôi vẫn như trước, tóc dài, dáng thon thả mảnh khảnh. Điểm khác biệt đáng kể nhất ở vẻ ngoài, ngoài gu thời trang thời thượng hơn, là nước da trắng mịn giờ trở nên đỏ với nhiều nốt mụn và thâm. Cô ấy mới đi nặn mụn về.
Vừa nhìn thấy tôi là cô bạn thốt lên "Ôi da T kìa, T ơi làm sao hết mụn thế chỉ mình với." Cô ấy ngạc nhiên cũng phải thôi vì người bạn đó đã chứng kiến mấy năm tôi xoay xở với mụn và đồ skincare mà không đi đến đâu. Mấy đứa em họ của bạn tôi cũng tham gia buổi liên hoan đấy và cũng gặp tình trạng mụn khá nặng.
"Chị có uống thuốc không?" - Một trong hai người em họ hỏi tôi.
"Chị không."
"Thế chị dùng thuốc bôi à?"
"Không, chị chẳng dùng gì cả."
"Nhưng mà T chăm skincare lắm." - Cô bạn tôi lên tiếng giải thích. Xong mới quay qua tôi hỏi - "Phải không T?"
"Không, t chẳng dùng gì cả. Toàn rửa mặt bằng nước lã."
"Điêu đúng không. Không tin đâu."
Tôi chẳng biết phải phân trần ra sao. Vì bàn ăn đông người rôm rả chuyện trò nên tôi không muốn đi sâu vào chuyện của mình. Có nói tôi cũng chỉ có thể bảo do tôi ăn uống lành mạnh, ngủ đủ và không thức khuya thôi. Nhưng tôi nói vậy cũng chẳng giúp gì được cho bạn vì những cái đó còn ai lạ nữa?
Rồi cuộc trò chuyện cũng đổi hướng sang một chủ đề khác.
Có điều tôi nhận ra, thời đại này nhiều người tin vào thuốc còn hơn cả tin vào cơ thể mình. Không biết có phải do cô bạn tôi là người học dược không mà có vẻ gắn bó với thuốc hơn nữa. Từ hồi còn đi học tôi đã thấy bạn mình dành dụm tiền mua hoạt huyết dưỡng não và các loại thực phẩm chức năng rồi.
cre: pinterest
cre: pinterest
Trong nhóm có vài người khác cũng học dược hoặc làm việc ở spa, thi thoảng câu chuyện lại xoay sang việc đi peel da hay phục hồi da ở chỗ này chỗ kia. Họ hay nói tới thuật ngữ hoặc các chất sử dụng cho da mà tôi chẳng hiểu. Một người đang uống Iso - loại thuốc trị mụn nổi tiếng hiệu quả do tác dụng mạnh nhưng cũng để lại nhiều hệ quả tiêu cực đáng lo ngại. Cô bạn tôi mắng em ấy là sao lại uống loại nặng thế nhưng cô bé kia giải thích rằng do bác sĩ kê đơn. Sau đó tôi mới biết rằng nếu đi khám da liễu, rất nhiều bác sĩ sẽ kê loại thuốc ấy.
Mọi người vẫn thường bảo có mụn là sức khỏe có vấn đề, vì làn da giống như một bộ lọc, ngoài việc che chở còn bài tiết chất độc để bảo vệ cơ thể. Nghĩa là nếu muốn hết mụn triệt để, thay vì "trị mụn" - biểu hiện của một vấn đề trong cơ thể, chúng ta cần giải quyết nguyên nhân gây ra mụn - gốc rễ vấn đề đó.
Từ kinh nghiệm của tôi và nhiều người từng chia sẻ, chỉ cần ngưng nạp độc tố vào người, để cơ thể có cơ hội tự làm sạch và tái tạo thì nhiều vấn đề sẽ thuyên giảm, thậm chí dừng hẳn (bao gồm cả nhiều bệnh tự miễn). Tuy nhiên, nhìn lại cũng thấy rất khó để nhận thức được điều này, chưa nói tới việc thực hiện. Với sự bùng nổ của truyền thông và mạng xã hội hiện nay, người ta bị kích thích để tiêu dùng quá mức trong mọi phương diện đời sống, từ ăn uống, giải trí cho đến chăm sóc sức khỏe. Không rõ từ bao giờ việc chăm sóc da, tóc, cơ thể theo một quy trình cụ thể lại được cho là đương nhiên đến thế.
Liệu có mấy người dừng việc tiêu dùng lại và hỏi: Ngay từ ban đầu, cuộc sống phức tạp đến thế ư? Cơ thể chúng ta liệu có yếu đuối đến mức cần từng ấy sự hỗ trợ từ bên ngoài không? Những lời khuyên của KOLs, các tập đoàn lớn, những ngành công nghiệp đồ ăn nhanh và dược mỹ phẩm liệu xuất phát từ lợi ích của ai? Họ mong muốn bạn trở nên tốt hơn, không phụ thuộc vào họ, hay họ mong bạn tiếp tục quay lại mua sản phẩm của họ để họ ăn nên làm ra?
Quay lại câu chuyện uống thuốc trị mụn, cô bạn tôi hiểu rõ tác dụng phụ của thuốc Iso, nhưng đối với thuốc bôi ngoài da, cô có vẻ rất sẵn lòng sử dụng. Tuy tôi không có kiến thức y khoa, tôi hiểu một điều cơ bản rằng da không chỉ bài tiết mà còn hấp thụ và thẩm thấu. Nghĩa là những gì chúng ta bôi lên da đều sẽ ngấm qua lớp biểu bì và tiến sâu vào cơ thể. Có thể tác động của một chất khi thấm qua da không nhanh và mạnh bằng đường uống, nhưng không có nghĩa rằng chúng không ảnh hưởng tới cơ thể.
Việc "ngừng đưa độc tố vào cơ thể" không chỉ bao gồm thói quen ăn uống, môi trường (ánh sáng xanh, không khí, nguồn nước), cường độ áp lực, mà còn cả cách bạn cho "da" ăn. Mọi người thường chú trọng vào "thải độc" - một điều quan trọng và cần thiết - nhưng dễ quên mất việc cần làm trước đấy - đó là dừng đầu độc bản thân một cách vô thức. Khi cơ thể được giải thoát khỏi gánh nặng gây ra do độc tố, nó sẽ tự tìm cách thải độc để cứu lấy mình.
Có một vài quy tắc khá đơn giản tôi hay dùng để tự nhắc bản thân tránh khỏi cám dỗ tiêu dùng. Khi mua đồ ăn và đồ dùng cho da, tôi sẽ luôn đọc bảng thành phần để dọa mình sợ, vì tôi không thể hiểu hết những thành phần trong các gói xúc xích, bánh kẹo hay đồ ăn nhanh, hoặc dầu gội, sữa tắm (VD như chất bảo quản, chất tạo màu, chất tạo hương, hàng loạt các chất đánh số 451, 320,...). Khi đi uống bên ngoài, tôi cố gắng tạo thói quen gọi nước ép không đường (nếu không nhắc nhân viên, hầu hết các quán đều cho đường hoặc tệ hơn là siro ngô) hoặc một món tôi biết rõ thành phần (VD như chanh mật ong). Tôi cũng sẽ ưu tiên sản phẩm có hạn sử dụng ngắn hơn (VD khi mua bánh mì, tôi sẽ mua ở bánh để được 2-3 ngày ở tiệm bánh thay vì mua bánh gối staff để được 10 ngày trong siêu thị). Tất nhiên thi thoảng tôi vẫn nhắm mắt ăn những gì mình thích, nhưng một khi đã hình thành thói quen cảnh giác với những thứ mình tiêu thụ thì cái "thi thoảng" ấy cũng tự động ít đi.
Sau khi tránh xa khỏi độc tố đủ lâu, cơ thể sẽ tự làm sạch và trở nên nhạy cảm với những chất lạ. Tôi đã tự cảm nhận được điều đó. Đến lúc đấy tôi mới nhận thức sâu sắc mình đã từng vô tình khiến cơ thể nhiễm độc nặng đến mức nào - mà một trong những lời cầu cứu của cơ thể được gửi đến thông qua mụn.