Chuyện là, sau khi nhận ra tôi đang bị mắc kẹt trong trạng thái sống tồn tại, tôi dứt khoát chuyển mình, cố gắng vực dậy, xốc lại tinh thần và một lần nữa - tôi gục ngã. Diễn biến tóm gọn lại là tôi bắt đầu nuông chiều bản thân để quên đi vấn đề của mình để rồi lại tự trách mình, cứ vậy mà lặp lại đến nỗi tự tôi cũng thấy chán ngán bản thân. 
Tôi còn nhớ tôi đã khóc rất nhiều sau khi xem bộ phim Everything Everywhere All at Once, tôi thấy mình như Evelyn - sống lay lắt living-under-my-potential. Trong tất cả cuộc đời tôi có thể sống, phiên bản hiện tại có lẽ là tồi tệ nhất - tôi thầm nghĩ. Tôi đã luôn sống một cuộc đời song song - cuộc đời mà tôi phải sống và cuộc đời tôi không thể sống.
Những cuộc đời mà tôi bỏ lỡ khiến tôi bỏ lỡ cuộc đời.
Trong nỗ lực vùng vẫy để tinh thần khá hơn, tôi vô tình tự dìm chính mình xuống và chỉ vỡ lẽ ra điều này sau khi đọc bài viết Những điều tốt đẹp nhất trong đời đều trái ngược.
Có một bài tập trong chương trình huấn luyện lực lượng SEAL của Mỹ được gọi là "chống chết chìm" - bạn sẽ bị trói tay ra sau lưng, buộc hai chân vào nhau và ném xuống một bể bơi sâu 3m nước. Khi vừa bị ném xuống nước, rất nhiều người hoảng loạn, la hét để được vớt lên bờ, một vài người vùng vẫy đến khi no nước hoặc ngất lịm. 
- Càng vùng vẫy để nhô đầu khỏi mặt nước bạn càng chìm nhanh hơn - Càng hoảng loạn bạn càng mất sức và mất ý thức nhanh hơn.
Vượt xa hơn cả một bài test thế lực, chống chết chìm là một bài test khả năng kiểm soát cảm xúc của những người lính mới trong hoàn cảnh khắt nghiệt. 
Mẹo chống chìm ở đây là thực sự làm cho bạn chìm tới đáy bể. Từ đây, bạn chỉ cần đẩy nhẹ thân mình khỏi đáy và một chút động lực để quay trở lại mặt nước. Ngay khi trở lên mặt nước, bạn có thể hít nhanh một chút dưỡng khí và bắt đầu quá trình lại từ đầu. 
Bài tập chống chết chìm không yêu cầu bạn có sức mạnh phi thường, bạn thậm chí chẳng cần biết bơi. Ngược lại, nó yêu cầu bạn cần kĩ năng không bơi, thay vì chống lại những quyluật vật lý tìm cách nhấn chìm bạn, bạn cần buồng bỏ và dùng chúng để tự cứu lấy mình.
Kỹ năng BUÔNG BỎ KIỂM SOÁT là một trong những kỹ năng quan trọng nhất cần được rèn luyện, không chỉ ở SEAL mà cả trong cuộc sống. 
Hầu hết chúng ta đều cho rằng mối quan hệ giữa nỗ lực và thành quả là một - một. Chúng ta làm việc gấp đôi sẽ cho kết quả gấp đôi, hy sinh gấp đôi sẽ nhận được yêu thương gấp đôi. Tuy nhiên, mọi chuyện chỉ đơn giản như vậy với những nhiệm vụ mang tính lặp lại như đánh răng, lái xe, dọn nhà,...Nhưng đối với những nhiệm vụ càng phức tạp đòi hỏi cố gắng từ tinh thần hoặc cảm xúc thì quan hệ giữ nỗ lực và thành quả trở nên nghịch đảo và theo quy luật hiệu suất giảm dần.
Hiệu suất giảm dần là bạn càng làm một thứ gì đó nhiều, thành quả bạn nhận được càng ít. Giả sử, có một người bạn là điều cần thiết, có một nhóm bạn thì tuyệt vời nhưng có 10 so với 9 người bạn cũng chỉ thay đổi một xíu cuộc đời bạn, tất cả những kích thích khác cũng tương tự - mạng xã hội, game, ăn, ngủ, tình dục... rồi bạn cũng sẽ quen dần với ngưỡng thỏa mãn mới và cần những kích thích cao hơn để thấy "sướng". Nên nhiều khi cách để hạnh phúc không phải là sở hữu nhiều hơn hay làm nhiều hơn, đôi khi là ít đi và bớt kiểm soát đi.
Khao khát một trải nghiệm tích cực là một trải nghiệm tiêu cực; chấp nhận một trải nghiệm tiêu cực là một trải nghiệm tích cực. 
Mark Mason
1. Kiểm soát
Ta càng cố gắng kiểm soát cảm xúc hay những ham muốn nhất thời, ta càng thấy bất lực bấy nhiêu - giống như kéo dãn dây thun, bạn tự nhủ “Không được không được không được…”, cho đến khi bạn bỏ cuộc “Okay, được rồi tôi bỏ cuộc”, sợi dây thun đó sẽ bật lại bạn và sự thỏa mãn lúc này được nhân lên nhiều lần so với thực tế. Sự thỏa mãn này không đến từ bản chất hành động đó mà đến từ việc bạn ngừng ép buộc bản thân. Vậy nên, chúng ta càng chấp nhận những cảm xúc và thôi thúc, chúng ta càng biết định hướng và xử lý chúng.
2. Tự do
Mong muốn có nhiều tự do hơn trớ trêu thay giới hạn chúng ta theo nhiều cách. Ta chỉ thực sự tự do khi ta giới hạn chính mình—bằng việc chọn và tuân theo một vài điều trong cuộc sống. Giả sử nếu như bạn muốn nhiều thời gian tự do cho bản thân hơn bạn phải tự kỷ luật bản thân để không tốn thời gian xao nhãng trong 8 tiếng làm việc, dậy đúng giờ, hoàn thành mọi việc đúng hạn. 
3. Hạnh phúc
Mong cầu hạnh phúc chỉ khiến ta thêm bất hạnh. Như Tứ diệu đế trong Phật giáo về việc đau khổ là một phần của cuộc sống, rằng đau khổ có thể kết thúc và có một con đường dẫn tới sự chấm dứt của đau khổ. 
- Khổ đế: Sự thật về đau khổ (dukkha) - Tập đế: Nguyên nhân của đau khổ (samudaya) - Diệt đế: Chấm dứt đau khổ đi kèm với chấm dứt tham ái (nirhodha) - Đạo đế: Con đường giải phóng chúng ta khỏi đau khổ (magga). 
4. An toàn
Cố gắng khiến mình cảm thấy an toàn hơn tạo ra nhiều cảm giác bất an hơn. Ngược lại, trở nên thoải mái với sự bất định lại cho phép ta cảm thấy an toàn. Việc luôn cố gắng bấu víu vào sự an toàn khiến bạn tốn năng lượng quá nhiều để duy trì cảm giác an toàn. Tưởng tượng bạn mong muốn có cảm giác an toàn trong mối quan hệ nên giám sát người yêu 24/7 nhưng chính bạn lại tự cầm tù chính mình trong cảm giác bất an mỗi khi không thể bên cạnh họ. 
5. Tình yêu
Với hầu hết mọi người, tình yêu nghĩa là bạn phải làm những gì tôi muốn - Không, tình yêu có nghĩa là họ có thể làm việc họ muốn và chúng ta lựa chọn yêu họ. - Sadhguru
Bạn càng thả lỏng và buông bỏ những điều nằm ngoài tầm kiểm soát, bạn càng có nhiều năng lượng để theo đuổi và cố gắng cho những thứ trong tầm tay mình.
Không phải là đầu hàng trước những khó khăn mà đầu hàng trước sự thật rằng thế giới đôi khi nằm ngoài tầm với của chúng ta, chúng ta nhỏ bé và chỉ là một chấm nhỏ nhoi giữa dòng chảy vô tận của thời gian. Có một giai đoạn tôi còn để hình nên the pale blue dot để nhắc tôi nhớ tôi chỉ là 1 chấm nhỏ xíu trong vũ trụ trời đất này.
Tác giả còn đề cập đến những khía cạnh khác các bạn có thể đọc thêm nha.
Trở lại câu chuyện về những nỗ lực vùng vẫy để thoát khỏi mớ cảm xúc hỗ loạn này, tôi nghĩ bài học của tôi trong giai đoạn này là cho phép bản thân được thả lỏng, được dấn thân vào nỗi sợ và sự bất định - ngay khi nghĩ rằng ta sắp chết chìm, khoảng khắc ta chạm đáy bể, hãy phóng mình trở lại và tin tưởng rằng, rồi mọi thứ sẽ ổn thôi. 
Phải chăng cái cách ta vỡ tan định nghĩa ta đã sống thế nào Phải chăng cái cách ta đứng lên định nghĩa ta sẽ sống ra sao