Thừa cân béo phì mùa covid ở trẻ nhỏ
Thừa cân béo phì không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình mà còn có nguy cơ tăng khả năng lây nhiễm và làm trầm trọng các biểu hiện của nhiễm covid cũng như tăng khả năng bị còi xương ở trẻ.
Thừa cân, béo phì là gì?
Theo định nghĩa của bộ y tế, thừa cân-béo phì (TC-BP) là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Trẻ bị TC-BP chủ yếu là do dinh dưỡng bất hợp lý và ít hoạt động thể lực. Năng lượng khẩu phần ăn vào vượt quá năng lượng tiêu hao theo nhu cầu cơ thể, do đó phần năng lượng dư thừa được chuyển thành mỡ tích lũy trong các tổ chức, dẫn tới TC-BP.
Mùa dịch, trước chủ trương 5K để phòng tránh dịch của nhà nước, kết hợp thực trạng giãn cách xã hội kéo dài, trẻ không được ra ngoài, không đến trường, không có các hoạt động thể thao ngoài trời khiến cho năng lượng tiêu hao giảm đáng kể. Thêm vào đó, tư tưởng ăn ngon, ăn đồ giàu dinh dưỡng để lấy sức chống dịch của nhiều bố mẹ đã vô tình làm trầm trọng thêm vấn đề thừa cân, béo phì của con. Thực tế những đồ bổ dưỡng như yến sào, hải sản,... rất giàu protein và lipid, là những chất sinh năng lượng lớn, trong khi mùa dịch, những hoạt động thể chất của trẻ giảm, khiến cho cán cân năng lượng ngày càng lệch: nguồn năng lượng đầu vào tăng, năng lượng tiêu hao giảm dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì của trẻ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người bị béo phì có nguy có những triệu chứng nặng khi mắc covid - 19 hơn và giảm khả năng sống sót khi bị nhiễm so với người không thừa cân béo phì. Những người bị thừa cân béo phì thường có tình trạng viêm mãn tính mức độ thấp và rối loạn hệ vi sinh đường ruột (rối loạn sinh học). Những người bị viêm có nguy cơ mắc phải Covid cao và nghiêm trọng hơn so với những người khỏe mạnh, đồng thời, có nghiên cứu chứng minh rằng hệ vi sinh vật đường ruột cơ bản có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân nhiễm Covid-19. Ví dụ: Faecalibacterium prausnitzii, có vai trò kiểm soát tình trạng viêm, bị giảm ở bệnh nhân béo phì khiến cho mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 tăng lên ở đối tượng này.(*) Như vậy, thừa cân béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ lây nhiễm của các con mà còn khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn nếu chẳng may trẻ bị nhiễm.
Do đó việc kiểm soát cân nặng, cụ thể là mỡ thừa trong mùa dịch là việc làm rất cần thiết của tất cả mọi gia đình. Chính Bộ y tế cũng đã có những nội dung, khuyến nghị về “Mục tiêu kép: phòng ngừa Covid-19 và thừa cân béo phì”.
Thừa cân, béo phì cũng làm tăng nguy cơ còi xương ở trẻ
Với những trẻ thừa cân béo phì, nhu cầu canxi cũng như các khoáng chất, vitamin khác cao hơn trẻ bình thường, do vậy trẻ thường ở trong tình trạng thiếu hụt canxi, thêm vào đó việc thiếu các khoáng chất vitamin hỗ trợ quá trình chuyển hóa canxi khiến giảm khả năng hấp thu canxi từ thực phẩm hoặc viên uống bổ sung. Lâu dần dẫn tới còi xương.
Ngoài ra, trẻ thừa cân, béo phì thường ít vận động, gặp khó khăn khi vận động nên hệ cơ - xương không được tập luyện khiến xương khớp yếu, các đầu sụn không được kích thích làm giảm quá trình sản sinh sụn cũng như khoáng hóa của xương, dẫn tới xương không dài ra và độ đặc của xương cũng giảm.Cuối cùng, với những trẻ bị thừa cân, béo phì, bố mẹ thấy con bụ bẫm hoặc con thừa cân, chỉ quan tâm vấn đề giảm cân nặng của con mà bỏ qua việc bổ sung các khoáng chất, vitamin cần thiết, làm cho con có chế độ dinh dưỡng mất cân bằng không hợp lý cũng khiến cho tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của con cao hơn.
Để hạn chế thừa cân béo phì, chúng ta cần làm gì?
Điều quan trọng nhất trong hành trình điều trị cũng như phòng ngừa thừa cân béo phì đó chính là cân bằng cán cân năng lượng. Cơ thể chúng ta có:
Năng lượng đầu vào = Năng lượng tiêu hao + Năng lượng dự trữ
Năng lượng dự trữ chính là lớp mỡ dự trữ trong cơ thể, khi quá nhiều sẽ sinh ra mỡ thừa. Phòng ngừa thừa cân, béo phì chính là đảm bảo nguồn năng lượng dầu vào xấp xỉ với nguồn năng lượng tiêu hao, để điều trị thì cần tiêu hao nhiều năng lượng hơn nạp vào. Do đó, chúng ta cần quan tâm tới 2 yếu tố sau:
1. Năng lượng đầu vào - chế độ dinh dưỡng:
Trẻ cần được ăn đủ bữa với đa dạng các loại thực phẩm đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Với những bạn đang bị thừa cân, béo phì nên tránh xa những đồ ăn vặt đồ ăn nhanh như bánh ngọt, đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga,... Đồng thời tích cực ăn hoa quả, rau xanh bổ sung khoáng chất, vitamin và chất xơ cho cơ thể. Nếu cần thiết, nên có sự tư vấn từ chuyên gia có chuyên môn để đạt được hiệu quả tốt nhất.
2. Năng lượng tiêu hao - chế độ luyện tập:
Trong hoàn cảnh không thể tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời, bố mẹ có thể tìm những bài tập thể dục tại chỗ, trong nhà cho các con tập theo. Việc vận động thường xuyên, đều đặn với mức độ vừa phải giúp con tiêu thụ lượng năng lượng đã nạp vào, đồng thời kích thích sự phát triển của cơ xương giúp xương dài và chắc khỏe.
Để làm được những điều trên, sự đồng hành và cổ vũ từ bố mẹ và các thành viên khác trong gia đình rất quan trọng. Trẻ nhỏ có xu hướng học tập theo những gì người lớn làm, nếu như bố mẹ yêu cầu con ăn uống khoa học, ít ăn đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, cần ăn nhiều rau xanh nhưng bố mẹ lại thường xuyên ăn hamburger, uống nước ngọt thì con sẽ không hợp tác, dẫn tới tâm lý từ chối, nếu bố mẹ ép buộc làm con bất mãn sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ về sau. Tương tự như vậy, những hoạt động tập thể dục, thể thao trong nhà cũng nên có sự tham gia đầy đủ của các thành viên trong gia đình, tạo không khí vui vẻ khiến con có hứng thú và yêu thích các hoạt động thể thao hơn. Dần dần không chỉ con mà cả gia đình sẽ cùng xây dựng được thói quen sinh hoạt lành mạnh, tốt cho sức khỏe lâu dài.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất