Thú y phiêu lưu ký
Mình còn nhớ cái ngày cùng mẹ cẩn thận lên google tra cứu điểm chuẩn đại học qua các năm để cân nhắc kĩ càng trước khi điền nguyện...
Mới ngày nào còn chập chững bước vào cánh cửa đại học, vậy mà giờ đây cánh cửa ấy sắp sửa khép lại, và mình cũng như bao sinh viên năm cuối khác đang chuẩn bị cho một cuộc hành trình mới đón chờ ở phía trước...
Lựa chọn để bắt đầu
Mình còn nhớ cái ngày cùng mẹ cẩn thận lên google tra cứu điểm chuẩn đại học qua các năm để cân nhắc kĩ càng trước khi điền nguyện vọng vào tờ đăng ký xét tuyển. Quả thực mình rất ngưỡng mộ các bạn cùng lớp phổ thông khi họ có đủ học lực và tự tin để đăng ký vào những trường top đầu ở Hà Nội, có người còn được học bổng đại học 100% ở nước ngoài ấy chứ. Còn với một cậu nhóc với học lực trung bình như mình lúc ấy thì cảm thấy mông lung trước tất cả các con đường mà bản thân tự vạch ra...
Phải chăng là do ý trời hay cái duyên dẫn lối, mình tình cờ mò tới trang tuyển sinh của Học viện nông nghiệp Việt Nam, nơi mà cách xa nhà ở nội thành Hà Nội hơn 20 cây số. Và đột nhiên mình dừng lại và có một chút suy ngẫm khi đọc tới chuyên ngành "Thú y". Mình bỗng nhớ về những lần đưa con Pu béo đi ra phòng khám, nhớ về cái cách mà các bác sĩ ở đó khám và chữa bệnh, chẳng hiểu sao mình lại thấy bức tranh về một ngày được chăm sóc cho các "boss" và "hoàng thượng" lại hiện rõ đến thế. Và thế là 5 năm đại học của một chú bé đần bắt đầu như vậy đấy.
Quá trình học tập
Mình bắt đầu những năm tháng đại học với việc tập dậy từ 5 giờ sáng mỗi ngày vì cần tới hai tuyến xe buýt mới có thể đặt chân tới trường cho kịp tiết 1 lúc 7h sáng. Điều này tạo cho mình thói quen tốt đó là sự kỷ luật (thú thật hôm nào được nghỉ học mình vẫn thích ngủ hơn). Những chuyến xe buýt đã dần trở thành người bạn tri kỉ của mình trên chuyến hành trình này.
Sinh viên thú y cũng sẽ khởi động cho mình với những môn học đại cương mà gần như đã quá phổ biến tại các trường đại học như triết học Mác-Lênin, toán cao cấp, xác suất thống kê...Bên cạnh đó, chúng mình còn có những "món điểm tâm" khác như hóa phân tích, hóa hữu cơ, sinh học đại cương, hóa sinh đại cương...những môn học xem chừng có vẻ khó nhai với những ai đến từ khối xã hội như mình.
Sang đến năm thứ 3, mình bắt đầu được tiếp xúc với các môn cơ sở ngành và một vài môn chuyên ngành với những cái tên rất học thuật như sinh lý động vật, miễn dịch học thú y, dược lý học thú y, vi sinh vật học thú y, bệnh nội khoa và bệnh ngoại khoa thú y...
Ngoài việc được trang bị các kiến thức chuyên môn, chúng mình còn được trang bị những kỹ năng nghề nghiệp của một bác sĩ thú y thông qua các buổi học thực hành trên phòng thí nghiệm, nơi mình tìm hiểu về cấu tạo của các cơ quan trong cơ thể động vật cũng như một số loại vi khuẩn. Điều thú vị nhất khi theo học thú y đó là những đợt thực tập giáo trình và rèn nghề lâm sàng, thường sẽ kéo dài trong khoảng 1 tháng. Những đợt thực tập tại cơ sở như trang trại hay phòng khám thú y thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ đối với tất cả sinh viên thú y. Chúng mình không chỉ được tiếp xúc và làm quen với môi trường làm việc, tính chất công việc của một bác sĩ thú y sau khi ra trường mà còn được gặp gỡ và học hỏi kinh nghiệm từ những tiền bối đi trước, đôi khi còn được lắng nghe những câu chuyện thú vị đến từ khách hàng nữa.
Và quá trình học tập của sinh viên thú y sẽ khép lại với khóa luận tốt nghiệp, khác với một số trường khác thì tất cả các sinh viên thú y của Học viện nông nghiệp Việt Nam 100% đều phải làm khóa luận tốt nghiệp chứ không có hình thức thi tốt nghiệp. Khi đến thời gian làm khóa luận, khoa chuyên môn sẽ có thông báo về việc phân công giảng viên hướng dẫn thực tập tốt nghiệp cũng như đề tài mà các sinh viên sẽ phải nghiên cứu trong khoảng thời gian này. Đây là khoảng thời gian mà các sinh viên sẽ cần cố gắng phát huy hết kiến thức trong suốt 5 năm học, vừa để hoàn thành tốt khóa luận tốt nghiệp, đồng thời tranh thủ thời gian để trau dồi kỹ năng chuyên môn của bản thân.
Sau khi cầm trên tay tấm bằng bác sĩ thú y (riêng ngành thú y sẽ tốt nghiệp với bằng "bác sĩ" chứ không phải là "cử nhân" như các ngành đào tạo khác) cũng là lúc mỗi người sẽ quyết định xem mình sẽ bắt đầu cuộc phiêu lưu mới như thế nào. Theo như những gì mình được cung cấp trong buổi gặp mặt sinh viên đầu khóa, đa phần các sinh viên thú y ra trường có nguyện vọng trở thành bác sĩ thú cảnh (có cả mình nữa), những ai nhà có trang trại hoặc yêu thích cuộc sống trong trang trại có thể đi theo hướng làm kỹ thuật viên tại các trang trại gà, lợn hoặc bò sữa. Hàng năm, có rất nhiều doanh nghiệp tới với trường mình để tuyển dụng trong ngày hội việc làm, đặc biệt là các công ty, doanh nghiệp lớn liên quan đến ngành thực phẩm và chăn nuôi như C.P, Cargill, JAPFA...cũng khiến cho số sinh viên quyết định đi theo hướng này cũng tăng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, một số bạn cũng tìm ra được cho mình những lối đi riêng vô cùng thú vị như làm việc tại các sở thú, viện hải dương học hoặc các vườn quốc gia (phù hợp những ai yêu động vật hoang dã) hay làm nghiên cứu viên tại phòng thí nghiệm của các công ty thuốc thú y hay công ty sản xuất vaccine...Với những ai có đủ điều kiện cũng như kiến thức và kĩ năng, hoàn toàn có thể tự tin xin các học bổng cao học và sau đó trở thành những thạc sĩ, tiến sĩ đầu ngành.
Thế nào là một bác sĩ thú y "giỏi"?
Đây là câu hỏi mà dường như bất cứ sinh viên thú y nào cũng nghĩ đến, và mình thì chắc chắn không thể nào trả lời được câu hỏi này, bởi lẽ nếu nói về kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm thì mình là con số 0 tròn trĩnh, và chính mình cũng đang cố gắng để tìm ra đáp án cho câu hỏi trên.
Nếu theo như giáo trình môn bệnh nội khoa thú y, thì một bác sĩ thú y phải biết con bệnh và biết thuốc, có nghĩa là nắm được thể trạng, tiền sử bệnh lý của con vật và hiểu được dược lực học, dược động học của thuốc để có hướng điều trị phù hợp. Khác với con người có hai giới tính nam và nữ, từng cá thể động vật khác nhau không chỉ về giới tính mà còn về cấu tạo giải phẫu cũng như hoạt động trao đổi chất hay khả năng miễn dịch... Theo ý kiến cá nhân mình, một bác sĩ thú y "được việc" tối thiểu cần phải làm được hai việc đó là chẩn đoán và điều trị. Còn để trở thành bác sĩ thú y "giỏi", mỗi người sẽ có một cái nhìn khác nhau. Có lẽ trong mắt một chú bé đần như mình, thì các thầy cô luôn là những bác sĩ thú y "giỏi". Họ không chỉ có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn mà còn có năng lực nghiên cứu cũng như óc sáng tạo, niềm đam mê cháy bỏng với nghề qua những đề tài khoa học, công trình nghiên cứu của mình.
Nếu năm ấy mình không chọn thú y...
Thời điểm viết những dòng này, mình nhận ra rằng thực chất mình chọn ngành thú y không phải vì mình yêu động vật và muốn trở thành bác sĩ, hay là vì thu nhập cá nhân. Đơn giản mình đăng ký theo học ngành thú y lúc ấy hoàn toàn là nghe theo cảm tính.
Từ nhỏ mình đã mong muốn được đi theo bước chân của người cha trở thành bác sĩ nhân y, mình luôn tự hào mỗi khi tả về công việc của bố trong các bài tập làm văn hồi tiểu học. Rồi mình mới nhận ra rằng, để trở thành một bác sĩ, dù là cứu chữa cho con người hay động vật, điều đầu tiên và tiên quyết là phải có một tình yêu thương đủ lớn với con người và động vật. Một thứ tình yêu mà có thể thúc đẩy người ta dành ra hàng năm đèn sách, hàng năm rèn luyện tay nghề và cả đời làm nghề. Nhưng mình lại không có thứ tình cảm ấy, hóa ra thứ tình cảm mà mình nghĩ là tình yêu dành cho động vật của mình chỉ dừng ở việc tắm cho con Pu và chơi với nó mỗi ngày.
Chưa kể tới lượng kiến thức khổng lồ trong chương trình đào tạo, nếu như một bác sĩ nhân y mất tới 6 năm học đại học còn chưa kể thời gian rèn nghề thì thú y cũng mất 5 năm để có tấm bằng, khoảng thời gian lâu hơn so với khối ngành kinh tế, xã hội học...Các môn học ngành y phức tạp không kém, đòi hỏi người học phải nắm rất chắc lý thuyết và thực hành, bởi thú y nói riêng hay ngành y nói chung vốn dĩ là ngành nghề không có chỗ cho sai lầm bởi hậu quả để lại liên quan tới tính mạng. Và với học lực của mình thì điểm tốt nghiệp của mình chỉ dừng ở loại khá...
Mình nghĩ quyết định theo học thú y với tính cách của bản thân là quyết định đầu tiên mà mình dám bước ra khỏi vòng an toàn của bản thân. Trước khi vào đại học mình không hề có chút quan tâm nào tới lĩnh vực này và cũng chẳng có năng khiếu hay tố chất phù hợp để trở thành bác sĩ thú y. Khi bước sang năm thứ hai, mình đã nhiều lần tự vấn bản thân rằng phải chăng mình đã gia nhập "hội những người chọn sai ngành"? Mình cảm thấy khó tiếp thu kiến thức vô cùng, bất kể là lý thuyết hay thực hành, chỉ có học phần tiếng Anh là mình hiểu được. Mình đã thẳng thắn tâm sự với mẹ, mình bắt đầu cảm thấy nản chí, và bức tranh mình được trở thành một bác sĩ thú y đã trở nên phai nhòa lúc nào không hay. Và chính câu hỏi của mẹ mình đã cho mình câu trả lời: "Nếu như con bỏ học thú y, con định làm gì tiếp theo?"
Chỉ có hai đáp án cho mình lúc đó, nếu như mình bỏ học hoàn toàn, mình sẽ phải đi kiếm một công việc không yêu cầu bằng cấp và cố gắng sống qua ngày, và phương án còn lại đó là theo học một chuyên ngành khác. Mình bỗng nhớ lại khoảnh khắc mình nhận được giấy báo nhập học của trường, mình còn mượn áo blouse của bố và chụp ảnh cùng con Pu nữa, mình muốn lưu giữ khoảnh khắc ấy để nhắc nhở bản thân rằng sẽ có ngày mình được mặc chiếc áo ấy với tư cách là một bác sĩ thú y. Đó là lý do tại sao lại có tuyến xe bus đồng hành cùng mình suốt 5 năm. Đó là lý do tại sao mình lại gặp được những người bạn vô cùng tài giỏi. Và đó chính là lý do tại sao năm đó mình chọn theo ngành thú y, bởi mình cần phải tiếp tục vững bước trên con đường mình đã chọn. Mình không chọn sai ngành, và cũng chẳng có gì sai bởi mọi thứ đều đến với ta bằng một lý do nào đó mà chỉ có ông trời mới giải thích được.
5 năm là một khoảng thời gian vừa đủ, không quá lâu để đợi chờ và cũng chẳng quá ngắn ngủi để nuối tiếc. Mình tự hào rằng mình là một chú bé đần vô cùng may mắn và hạnh phúc khi trao cơ hội được theo học ngành thú y, một ngành đào tạo ra những con người với tình yêu và sự nhẫn nại dành cho động vật, cũng đâu có "kém sang" so với bác sĩ nhân y. Thú y đã dạy cho mình nhiều bài học quý giá không chỉ ở kiến thức chuyên môn. Đó là sự bình tĩnh, nhẫn nại khi làm việc với những người bạn bốn chân khó tính. Đó là sự tỉ mỉ, cẩn thận trong các cuộc phẫu thuật. Đó là sự tinh tế và khôn khéo khi giao tiếp với chủ vật nuôi. Mình cảm thấy bản thân cũng có cố gắng chứ không buông bỏ hoàn toàn dù có lúc nản lòng, bởi nếu không mình chẳng có lý do gì để ngày ngày dạy sớm rong ruổi trên xe bus 4 tiếng một ngày cả. Vậy là chuyến phiêu lưu của một sinh viên thú y đã đến hồi kết, còn chuyến phiêu lưu của một bác sĩ thú y chỉ mới bắt đầu...
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất