4 loại thức ăn trong Phật Giáo. Bạn đang mang chất độc vào người mà không biết? Và đây là cách để loại bỏ chúng.
Thức ăn là một trong những yếu tố rất quan trọng trong đời sống của con người. Và khi nói đến việc ăn, chúng ta chỉ biết đến việc ăn...
Thức ăn là một trong những yếu tố rất quan trọng trong đời sống của con người. Và khi nói đến việc ăn, chúng ta chỉ biết đến việc ăn qua đường miệng. Tuy nhiên, theo quan niệm của Phật Giáo, việc ăn mang ý nghĩa sâu rộng và bao hàm hơn thế nhiều: ăn chính là một cách sống, một cách để nuôi dưỡng bản thân và rèn luyện chính mình.
Theo Đức Phật, có 4 loại thức ăn chúng ta cần biết. Chúng là đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực.
Những thức ăn này là gì, nó có vai trò gì trong đời sống của chúng ta và tại sao chúng ta cần biết về chúng?
Ở bài viết này, mình xin chia sẻ những hiểu biết của mình về 4 loại thức ăn này, qua đó mình hi vọng các bạn sẽ có được một cái nhìn tổng quan hơn về việc ăn và có thể đưa ra những lựa chọn phù hợp với bản thân.
Loại thức ăn thứ nhất là đoàn thực, tức là những thức ăn đi vào miệng của chúng ta. Các bạn đều biết rằng, những gì chúng ta đưa vào miệng sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cơ thể.
Có những thức ăn thức uống khi đi vào cơ thể sẽ gây tàn phá và làm mất sự điều hòa trong cơ thể và khiến chúng ta bị bệnh. Đây là những thứ chúng ta không nên ăn.
Có những thức ăn thức uống lành tính và có tác dụng nuôi dưỡng; khi ăn vào chúng ta sẽ ngăn ngừa được bệnh tật, cơ thể khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Đây chính là thứ chúng ta cần ăn nhiều hơn mỗi ngày.
Loại thức ăn thứ hai là xúc thực. Mỗi người chúng ta có 6 căn. trên phương diện hình thức, con người có 5 giác quan là mắt (nhãn căn), tai (nhĩ căn), mũi (tỷ căn), lưỡi (thiệt căn) và thân (thân căn). Trên phương diện tinh thần, con người có Ý (ý căn) ghép vào thành lục căn. Lục căn tiếp xúc với âm thanh, hình ảnh, hương vị, cảm giác và suy nghĩ hằng ngày.
Bạn cần biết rằng việc tiếp xúc này cũng có nghĩa là chúng ta đang ăn, và nó có thể mang độc tố vào người. Ví dụ, khi xem phim hoặc đọc báo mạng, mắt có thể tiếp xúc với những hình ảnh ghê rợn. Hoặc khi bạn tiếp xúc với những người thường xuyên tức giận, hay than vãn, đổ lỗi và lười biếng. Hoặc khi bạn nghe những bài hát chia ly, tan vỡ. Những đoạn phim, hình ảnh, tin tức, con người, bài hát tiêu cực đó gây cho bạn những cảm giác như lo lắng, sợ hãi, tức giận, căng thẳng, căm thù, bạo động. Những cảm xúc tiêu cực kể trên chính là chất độc bạn đưa vào người.
Cũng có những bộ phim, bài viết, bài nói, câu hát mang lại cho bạn sự hiểu biết, yêu thương người khác, ý chí phấn đấu để trở nên tốt hơn, mong muốn làm những điều tốt cho xã hội. Bạn biết rằng mình nên tiếp xúc với những điều này mỗi ngày vì đây là những thức ăn giúp nuôi dưỡng thân và tâm.
Loại thức ăn thứ ba là tư niệm thực. Ðó là những nỗi ước ao bạn muốn thực hiện. Mong muốn được vào một trường đại học mà bạn mơ ước, hay mong muốn xây dựng 10.000 ngôi nhà chống lũ cho đồng bào miền Trung, những mong muốn như thế thâm nhập vào người ta giống như một thức ăn. Ước muốn mạnh sẽ giúp ta có năng lượng để thực hiện hoài bão.
Nhưng có những loại tư niệm thực làm cho ta khổ đau suốt đời. Như danh, lợi, tài và sắc. Đây là những loại thức ăn bạn nên tránh xa.
Muốn được mạnh khỏe và tươi vui, muốn được giúp đỡ cho gia đình và xã hội, muốn bảo vệ thiên nhiên, muốn trở nên tài giỏi để có thể làm được nhiều việc có ích cho đời, v.v.. thì đó là loại tư niệm thực có thể đưa tới an lạc, hạnh phúc. Bạn biết rằng đây là những tư niệm thực bạn cần ăn mỗi ngày.
Loại thức ăn thứ tư là thức thực. Theo quan niệm Phật Giáo, chúng ta là sự biểu hiện của thức, gồm có y báo và chánh báo. Chánh báo là con người gồm năm uẩn của bản thân họ và y báo thuộc hoàn cảnh chung quanh. Vì hành động từ nhiều kiếp xưa nên bây giờ một người có chánh báo này, với y báo này.
Nói một cách dễ hiểu, bạn chính là những gì bạn đã suy nghĩ, hành động, cảm nhận trong quá khứ. Chẳng hạn nếu bạn nghĩ bạn không có khả năng thuyết trình trước đám đông, bạn sẽ trở thành cái suy nghĩ đó bằng cách không chuẩn bị kĩ càng, không luyện tập trước nhiều lần cho thành thục. Bạn sẽ lo lắng, căng thẳng trước khi thuyết trình. Trong lúc thuyết trình thì bạn sẽ run rẩy, nói không được trôi chảy, quên trước quên sau. Hoặc nếu bạn hay thức khuya, ăn uống không lành mạnh, cơ thể bạn sẽ biểu hiện qua bề ngoài như bụng mỡ, mặt nổi mụn, mắt thâm quầng, thiếu tập trung, khả năng ghi nhớ kém, tâm trạng thất thường, khó chịu v.v...
Những gì ta thấy, nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, suy tư, tưởng tượng, tất cả những thứ ấy đều được tâm trí tiếp nhận, là những thức thực bạn đang ăn. Vì vậy bạn phải biết mỗi ngày chúng ta nhận vào tâm thức những món ăn nào để điều chỉnh và lựa chọn cho phù hợp.
Trên đây là 4 loại thức ăn được nhắc đến trong Phật giáo. Bạn hãy dành thời gian để nhìn lại, trong các loại thức ăn trên, những thức ăn bạn tiếp nhận có tính chất như thế nào? Chúng khiến bạn chán nản, lo sợ, căng thẳng, tức giận, căm thù; hay chúng khơi gợi những cảm xúc tích cực, giúp bạn cảm thấy được yêu thương, khiến bạn muốn làm những việc tốt, cho bạn năng lượng để theo đuổi đam mê và mục tiêu của bản thân?
Bạn có đang làm như việc như: xem phim, ảnh có nội dung bạo lực; hóng hớt drama của người nổi tiếng; ăn những thứ không có giá trị dinh dưỡng chỉ để thỏa mãn cơn thèm, thường xuyên nổi giận, lo lắng, sợ hãi v.v...?
Nếu bạn đang làm những thứ trên đây mà không suy xét cẩn thận, đã đến lúc bạn cần xem xét lại những gì bạn "ăn" hằng ngày. Hãy tự hỏi bản thân: "Mình muốn trở thành ai, mình muốn một ngày của mình trở nên như thế nào?". Chỉ khi bạn tự đặt ra câu hỏi đó và nghiêm túc trả lời, bạn sẽ chủ động chọn lọc những thứ có giá trị nuôi dưỡng, lành tính và tích cực để "ăn". Đồng thời bạn cũng loại bỏ những gì gây hại đến tâm trí, cơ thể và tương lai của bạn.
Khi bạn không có một mục đích nào trong đời, bạn không biết mình thật sự muốn gì và cần gì, bạn sẽ không ý thức về những gì bạn tiếp xúc. Vì thế, bạn sẽ tiếp nhận tất cả những gì đến với mình mà không có sự sàng lọc cẩn thận, bất kể điều đó có giá trị với bạn hay không. Bạn sẽ tiếp thu chất độc qua việc dành năng lượng, tâm trí và thời gian mỗi ngày để tiêu thụ những thông tin đầy tiêu cực hoặc làm những việc không có nhiều giá trị với bạn.
Mình xin chia sẻ câu chuyện của bản thân để minh họa cho những gì mình chia sẻ.
Từ khi ý thức được tất cả những điều này, mình đã tự hỏi bản thân liệu mình muốn trở thành một con người như thế nào. Và câu trả lời của mình là: mình muốn trở thành một người có tài năng, có đạo đức và có ích cho xã hội. Vì vậy, mình đã chủ động tìm hiểu, học hỏi, cải thiện bản thân và làm những gì trong khả năng mỗi ngày tiến gần hơn đến con người đó - một tôi-tương-lai lí tưởng. Tuy chặng đường đó vẫn còn xa lắm.
Để làm được điều đó, mình đã dành thời gian để làm thật rõ bản thân mình thật sự muốn gì. Sau khi xác định được mục đích của mình, mình đã thiết lập các mục tiêu, kế hoạch cho phù hợp. Và mình dựa trên những mục tiêu, kế hoạch đó để lựa chọn những thứ có giá trị với bản thân và làm những gì giúp mình tiến tới con người tôi-tương-lai đó.
Mình đã bắt tay vào thực hiện những điều quan trọng để biến mục tiêu của mình thành hiện thực, chứ không mơ mộng rồi không làm gì cả. Việc viết bài, dịch bài và chia sẻ với mọi người cũng nằm trong mục đích đó của mình.
Mình cũng bắt đầu bằng việc dọn dẹp lại newfeed của mình, bỏ like những trang không phù hợp, unfollow những người không có ý nghĩa trong cuộc đời mình (cả trên mạng lẫn ngoài đời).
Mình làm những gì mình thích và có ý nghĩa như đọc sách, đi bộ mỗi buổi sáng, thiền định, dịch bài và chia sẻ lên trang Blog cá nhân.
Mình học những thứ quan trọng trong đời sống như học về chữa lành, đầu tư, tài chính cá nhân, giao tiếp phi bạo lực... (Hì, đến giờ thì mình chưa học nhiều đâu, nhưng mình tin chắc khi bản thân tiếp tục những gì mình đang làm, sẽ trở nên giỏi hơn trong những gì mình học)
Mình chọn những thứ lành tính, tích cực và bền vững nhiều hơn. Mình cẩn thận với những gì mình đọc trên mạng, với những gì mình suy nghĩ và ăn hằng ngày.
Mình làm những điều trên một cách tự giác, không cần phải dùng quá nhiều kỉ luật, sức mạnh ý chí. Chỉ đơn giản là mình thấy chúng có giá trị thực tiễn đối với mình, và mình cảm thấy vui sướng, thoải mái và thích thú khi làm những điều này. Mình nghĩ, nếu bạn làm những gì có ý nghĩa với bạn, giúp bạn cảm thấy hạnh phúc, yêu đời, bạn sẽ tự nguyện làm điều đó thôi. Đây cũng chính là bí quyết để xây dựng những thói quen tốt của mình.
Nếu mình làm được, thì mình tin chắc bạn cũng sẽ làm được; chừng nào những gì bạn làm đều xuất phát tự lựa chọn của bạn.
Cuối cùng, mình hi vọng rằng, sau bài viết này mình đã giúp bạn hiểu được giá trị thực tiễn và ý nghĩa của việc "ăn". Vì thế hi vọng bạn sẽ ý thức hơn những thứ trong quá trình bạn ăn. Bởi vì bạn biết rằng chúng không đơn giản chỉ là những gì đi vào miệng ta, mà còn có những suy nghĩ, cảm xúc, những gì bạn xem, nghe, thấy và làm mỗi ngày.
Hãy luôn có ý thức về những gì bạn tiếp nhận và đưa ra những lựa chọn phù hợp với mục tiêu CỦA BẠN.
Sau cùng, mình chúc các bạn tỉnh thức để chọn lọc những điều tốt đẹp, tích cực và có giá trị nuôi dưỡng với bạn để "ăn" mỗi ngày.
Cám ơn các bạn đã đọc đến đây. Nếu thấy bài viết này có giá trị, hãy Commnent, Like và Share để bài viết đến được với nhiều người hơn.
Nguồn tham khảo:
Các bạn có thể theo dõi trang Facebook của mình để đọc thêm các bài viết và bài dịch mới nhất của mình nhé.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất