Trong giao tiếp, người nào tinh ý sẽ cảm nhận được tâm tư tình cảm thực sự của người đối thoại với mình. Bởi con người thường có xu hướng bộc lộ một cách vô thức những cảm xúc sâu kín nhất trong quá trình tương tác. Khi hạnh phúc, đối phương sẽ cảm nhận được sự tươi vui, năng lượng tích cực truyền tải trong từng lời nói, từng câu chữ của bạn; Ngược lại, khi buồn bực, một bầu không khí tiêu cực sẽ bao trùm câu chuyện, thấm đẫm trong văn phong và bộc lộ qua mọi ngôn từ được lựa chọn diễn đạt.

Khi đọc các bài viết của Tonard, thứ cảm xúc đặc trưng nhất đọng lại trong tôi luôn là thái độ Hằn Học và Cay Nghiệt. Từ những bài viết đầu cho đến gần đây, sau khoảng thời gian rất lâu tôi không còn thường xuyên ghé thăm Spiderum. Văn phong tác giả vẫn vậy, không thay đổi so với hồi chủ yếu tranh luận xoay quanh các chủ đề về văn học. Từ ngày đó, tôi đã chứng kiến cái cách bạn sử dụng bài viết của mình như phương tiện để bạn có cơ hội thể hiện kiến thức trong lĩnh vực sở trường của mình, từ đó làm bàn đạp bộc lộ sự thù hằn cá nhân rõ rệt đối với với xã hội – 1 tập hợp đám đông mà bạn luôn nhắc đi nhắc lại là Ngu Dốt.
Các bài viết sau này, dù các chủ để bắt đầu trở nên đa dạng, nhưng tựu chung vẫn luôn bám sát 1 tư tưởng lớn xuyên suốt bất di bất dịch về sự khinh miệt mãnh liệt dành cho tầng lớp bình dân đa số trong xã hội – 1 tầng lớp mà tôi rất nghi ngờ về việc bạn không phải là một phần tử trong số đó.
Đối với bạn, chỉ có sự lý tính và khách quan, cùng cơ sở lý luận chặt chẽ mới là mấu chốt đi đến tận cùng chân lý của mọi vấn đề - Cái mà đám đông cảm tính sẽ không bao giờ hiểu được. Độc giả của bạn đồng tình với bạn có lẽ cũng chính bởi cái sự "khách quan thuần túy" này - Điều mà đối với tôi, một cách thật đáng tiếc, lại không phải. Đó cũng chính là chủ đề tôi nói đến trong bài viết này của mình – Thông qua hình thức phản biện bài viết gần đây nhất của bạn về sự kiện Trạng Tí.
Đối với topic Trạng Tí, trước đó tôi đã đọc được 1 comment phản biện rất chất lượng và chặt chẽ mà vì 1 lý do nào đó bạn đã không phản hồi. Bài viết mới nhất của bạn đăng cũng không nhằm mục đích bảo vệ các luận điểm đã bị bẻ gãy trong bài viết đó. Thay vào đó, bạn mở đầu bằng việc đi sâu phân tích những khía cạnh pháp lý của vụ kiện giữa đơn vị phát hành bộ truyện – tác giả - và sự tham gia sau đó của đội ngũ sản xuất phim chuyển thể của Ngô Thanh Vân.
Sau khi đọc xong phần này, tôi cảm thấy không cần thiết phải đi sâu tranh luận với bạn. Đơn giản bởi tôi thấy bạn đang lờ đi 1 thực tế rằng, nguyên nhân chính yếu dẫn đã đến việc khán giả tẩy chay bộ phim sắp công chiếu, KHÔNG xuất phát từ vấn đề tranh chấp tác quyền giữa tác giả với đơn vị phát hành; mà chủ yếu đến từ sự biến tấu đầy tranh cãi của đạo diễn phim chuyển thể đối với những nội dung mà khán giả cho rằng đi ngược lại tinh thần yêu nước truyền thống của dân Việt.
Bên cạnh đó, mức độ tẩy chay bùng nổ gần đây cũng xuất phát từ chính sự phẫn nộ của khán giả trước những phát ngôn ngông cuồng của vị đạo diễn này đăng trên mạng xã hội.
Việc đi sâu phân tích về tính chính danh pháp lý của đơn vị sản xuất, cho thấy 2 khả năng: Hoặc bạn đã không theo dõi sát sao sự kiện, hoặc bạn đang cố tình dẫn dắt để người đọc sa đà vào việc tranh luận xoay quanh những nguyên nhân thứ phát. Ám chỉ sự tẩy chay hiện giờ duy chỉ bắt nguồn từ vấn đề tranh chấp liên quan đến pháp lý, điều mà trên thực tế - không đơn giản chỉ có như vậy. Chính vì điều này, mọi diễn giải còn lại của bạn trong phần đầu, về bản chất không đóng góp thêm thông tin gì mới mẻ cho người đọc, ngoài việc giúp bạn ngụy biện đánh tráo khái niệm, nhằm mục đích khiến người đọc xa rời thực tế định kiến của dư luận đối với sự kiện này cho đến thời điểm hiện tại.
Ở phần 2, luận điểm chủ đề chính bắt đầu từ sự phê phán nhân vật, từ đó phê phán tác giả, và cuối cùng là phê phán toàn bộ tinh thần của bộ truyện. Các luận cứ bổ trợ được sử dụng nhằm 1 mục đich duy nhất, đó là chứng minh hình tượng nhân vật Trạng Tí về bản chất "gian manh", "khôn lỏi", thậm chí người viết còn thể hiện quan điểm cá nhân của mình cho rằng nhân vật Trạng Tí "không hề tương xứng với cái danh thần đồng".
Đối với phần này, tôi sẽ phản biện dựa trên những luận cứ bạn liệt kê trong bài.
Phần A: TÍ Ở LÀNG 
- Luận cứ 1: "Với bạn bè, Tí không khiến chúng tiến bộ lên".
Ai đọc Thần Đồng Đất Việt cũng biết không chỉ có mình Tí tỏa sáng với trí thông minh của mình. Dần, Sửu, Mẹo, thậm chí cả ông đồ cha của Mẹo - Một người về bản chất chẳng có tài cán gì, đã cùng Trạng Tí năm lần bảy lượt giúp triều đình đối phó với những âm mưu hiểm độc của triều đình phương Bắc. Trong khi Tí đỗ Trạng Nguyên, Dần, Sửu, Mẹo cũng đỗ Hương Cống. Đặc biệt trong các tập 46: Sứ Tàu Khiếp Vía, hay 47: Cứu tinh Dần béo - chính là những thời điểm các nhân vật thứ chính làm nên dấu ấn. Theo bạn, những chi tiêt này có phải nhờ tấm gương Trạng Tí để những nhân vật này trở nên tiến bộ lên không?
- Luận cứ 2: "Với dân làng, Tí không khiến họ tốt đẹp hơn"
Luận cứ này ấu trĩ ở chỗ, tuyến nhân vật dân làng đóng vai trò là diễn viên quần chúng trong bộ truyện. Vậy mà bạn cũng cố lôi vào để bổ trợ cho luận điểm của mình.Không những vậy, bạn còn lôi những chi tiết phụ không phải điểm nhấn chính trong truyện làm dẫn chứng để bắt bẻ tác giả. Điển hình như đoạn Tí ngồi uống rượu với ông xã bạc.
Xin nhắc lại, chủ đề chính bạn muốn đề cập đến ở phần này chính là phê phán tinh thần của bộ truyện. Nhưng dẫn chứng bạn sử dụng lại là là nhưng chi tiết vụn vặt, không đóng vai trò làm ví dụ đại diện cho cái "tinh thần truyện" mà bạn nói tới. Các chi tiết đó chỉ đơn gỉan đóng vai trò như những nét chấm phá làm tăng thêm sự hài hước dí dỏm trong từng tập truyện.
Trong trường hợp bạn nghiêm túc đến mức lên án cả bộ truyện chỉ vì chi tiết phụ trợ giả dụ như “cổ súy trẻ vị thành niên uống rượu” chiếu theo góc nhìn của bạn, tốt nhất, nên làm đơn kiện lên ban kiểm duyệt vì đã cho xuất bản tập truyện. Nhân tiện. tôi khuyên bạn nên dành thời gian tham khảo thêm và viện dẫn các chi tiết tương tự xuất hiện trong truyện Doraemon, ở các tập Nobita và bạn bè của mình nhậu nhẹt xay xỉn, làm căn cứ bổ trợ để tăng thêm tính thuyết phục cho đơn kiện.
- Dẫn chứng 3: "Tí là 1 bần nông mang căn tính ghét người giàu vô lối và chơi khăm 1 cách độc ác" 
Luận cứ này mang đậm tinh thần chủ quan của người viết, thể hiện qua việc sử dụng các tính từ và trạng từ chỉ trạng thái cảm xúc mạnh mẽ  như "vô lối"  hay "độc ác".
Thông qua dẫn chứng tập 7: Trừng trị gian thương" – Chi tiết Tí bày mưu cho dân làng đập nát thau vại của mụ Tám Tiền, bạn chứng minh quan điểm của mình bằng việc khẳng định "Tí đã xúi giục dân làng làm chuyện phi pháp trên tài sản hợp pháp của người kinh doanh". Để hiểu một cách sâu sắc chi tiết này, chúng ta cần nhìn vào bối cảnh của tập truyện.
Tập 7 bắt đầu bằng thời điểm cả làng Tí mới trải qua trận lụt. Ngoài ra, chúng ta cũng cần nhớ rằng timeline truyện Thần Đồng Đất Việt diễn ra vào thời kỳ phong kiến, thời điểm mà khái niệm tình làng nghĩa xóm còn khăng khít, thời mà cái vại nước vẫn còn là một trong những vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt của mọi gia đình Việt.
Chính vì vậy, hành vi của bà Tám Tiền - Tăng giá vô tội vạ mặt hàng thiết yếu bán cho dân làng (1) và cũng chính là hàng xóm của mình (2), trong hoàn cảnh ngặt nghèo sau khi cả làng vừa trải qua thiên tai lũ lụt (3) rõ ràng là hành vi chỉ có ở phường gian thương, không chỉ đơn thuần là “một người kinh doanh hợp pháp” như anh mào đầu.
Không xét đến tính đúng sai ở thời điểm hiện tại, tư tưởng "gian thương phải bị trừng trị một cách thích đáng" được xem là phù hợp chiếu theo hệ tư tưởng "lá lành đùm lá rách" truyền thống của dân Việt. Tư tưởng này là đúng kể cả với tầng lớp triều đinh – quan lại, tổ chức đã ban hành những hình phạt nghiêm khắc nhất dành cho bọn gian thương – Và cũng định kiến rằng đây chính là tầng lớp thấp nhất trong “Tứ dân” - giai tầng xã hội ở thời kỳ quân chủ phong kiến (Sỹ - Nông – Công – Thương).
Do vậy, anh không thể nói tư tưởng “bần hèn” này chỉ xuất phát từ tầng lớp mạt hạng trong xã hội – mà không có được sự đồng tình của tình lớp cai trị thể hiện qua những luật lệ hà khắc ban hành trong lịch sử đối với tội buôn gian bán lận. 
Ngoài ra, yêu cầu một hành động lý tính trong bối cảnh con người xã hội vẫn còn nặng tinh thần "phép vua thua lệ làng”, nghe có vẻ hơi khắt khe và thiếu logic đối với nhân vật và tác giả, bạn có đồng tình với tôi không – hả người  luôn trọng logic khách quan thuần tuý?
Màn đối đáp thông minh của Cả Mẹo trước sứ Tàu
- Luận cứ 4: Về quan điểm "Tí khinh ghét người giàu" 
Dẫn chứng bằng chi tiết diễn ra ở tập 30, bạn nói rằng Tí “trừng trị vị Tiến Sỹ giàu có mà không trừng trị chủ nhà trọ -  Người có tư tưởng trọng giàu khinh nghèo”, dựa vào đó kết luận rằng “Tí căm ghét người giàu” (?!)
Trước tiên, tôi tự hỏi, chẳng lẽ sự hống hách của vị tiến sỹ ở trong tập này không phải 1 lý do chính đáng dẫn đến hành động chơi khăm của Tí?
Tiếp theo, ở chi tiết dưới đây, đã chứng minh bản chất người chủ khách trọ không có tư tưởng "trọng giàu khinh nghèo" như bạn nhận định, mà đơn giản chỉ bởi chính gã tiến sỹ đã chơi trò "lấy tiền đè người":
Ở vào vị trí người kinh doanh, việc ưu tiên lợi nhuận âu cũng là điều dễ hiểu. Chỉ khi chừng nào cả 2 cùng bỏ ra 1 số tiền tương tự mà Tí vẫn bị phân biệt đối xử, thì đó mới thế hiện chính xác tư tưởng tham phú phụ bần của người chủ khách trọ.
Điều khiến tôi bất ngờ nhất trong phần này, chính là việc một người có quan điểm "khách quan thuần túy" như bạn mà lại cho rằng  "cốt lõi vấn đề rõ ràng nằm ở tư duy coi trọng kẻ nhiều tiền, và tư duy đó đại diện qua người chủ nhà trọ" - Sau khi đã đọc hết những chi tiết tôi vừa viện dẫn ở trên.
Đối với hành vi gian thương của bà Tám tiền trong tập 7, bạn cho đó là “quyền lợi chính đáng của người kinh doanh hợp pháp”. Thậm chí trong tập 44, bạn lên án việc Tí phá quán ăn chỉ phục vụ người giàu của bà Tám Tiền là bởi vì “người kinh doanh luôn có quyền từ chối phục vụ bất kỳ ai” . Tại sao đến tập này, với 1 hành động tương tự ở mức độ nhẹ hơn rất nhiều, bạn đã có thể xoay chuyển góc nhìn 180 độ khi nhận định rằng người đáng lẽ ra Tí phải trừng phạt phải là người chủ khách trọ? Chúng ta có thể nhìn thấy ý đồ áp dụng tiêu chuẩn kép của tác giả bài viết khi đọc đến phần này. 
PHẦN B – GIAI ĐOẠN TÍ LÀM QUAN TRONG TRIỀU. 
Tôi sẽ tóm tắt cảm nhận của mình đối với toàn bộ nội dung phần này bằng 1 đoạn văn dưới 500 từ. Bởi vì sau khi trải nghiệm sự hằn học quen thuộc của bạn thông qua những luận điểm ở phần đầu, một thứ cảm xúc mới mẻ lần đầu xuất hiện, đó là sự bất ngờ. Tôi đặc biệt bất ngờ khi thấy sự non nớt và ngô nghê của bạn đối với những góc nhìn xoay quanh chủ đề liên quan đến chính trị trong bộ truyện. Chính sự bất ngờ này đã làm vốn từ vựng vốn có trong tôi bay đi hết sạch.
Mặc dù Tonard là con một người mà tôi nhận định mang những đặc điểm tính cách không hề dễ chịu. Nhưng tôi chưa bao giờ cho rằng bạn không đủ thông minh để tránh không bao giờ phát ngôn ra những câu đại loại như:
"Tại sao Tí không dùng cái tài và cái danh của mình để kẻ gian lộ mặt trước vua?"
"Tại sao Tí không dùng quyền hành của mình để xử lý con gái tế tướng?"
"Tại sao Tí không giúp con tể tướng hướng thiện?"
"Tại sao Tí ở THƯỢNG TẦNG rồi,  lại phải dùng trò bẩn mà không dùng trí tuệ và quyền hành của mình để kéo đất nước đi lên?"  
Ở đây, khoan bàn đến thực tế truyện tranh là dòng tác phẩm siêu thực, do vậy không nhất thiết phải tuân theo các quy tắc luật lệ bám sát ngoài đời. Riêng những câu tự hỏi đi vào lòng đất ở trên đã đủ dữ kiện để người ta kết luận về sự hiểu biết chính trị của bạn đang ở mức nào. Chốn quan trường hiểm ác và khắc nghiệt là đúng và xảy ra ở bất cứ thể chế chính trị nào trên Trái Đất – Nó bất biến trong mọi khoảng không - thời gian trong suốt chiều dài lịch sử loài người. Một sự thật hiển nhiên mà ở đó bạn cho rằng cách giải quyết quân tử đường hoàng 1+1=2 mới là đúng đắn chính trị, thì quả là 1 món quà trời cho các đối thủ chính trị của bạn, nếu bạn được ngồi vào vị trí chính trị.
Cuối cùng, về sự gian manh và lươn lẹo, do bài viết đã dài gần 3000 từ, và cũng bởi tôi cũng đã hết hứng thú tranh luận sau khi đọc phần 2 của bạn, tôi chỉ để lại 1 vài hint nho nhỏ để bạn cùng độc giả của bạn chiêm nghiệm về những đức tính bạn gọi là đáng xấu hổ này. Liệu có liên quan, hay mang lại lợi lộc gì cho người Việt hay không. Tôi xin dừng bút ở đây, tạm biệt và cám ơn tất cả những người đã kiên nhẫn đọc đến dòng này.
The Jacquerie
Guns, Germs and Steels