(...)
Ok thử tự sự kết hợp miêu tả nhé.
Tôi quyết định đi đến thư viện làm việc sáng hôm nay. Tôi nhận thấy mình đến quán Nhã Nam hơi nhiều, nếu đến thư viện thì tôi sẽ tiết kiệm được tiền hơn, chỉ cần tốn năm ngàn gửi xe và được ngồi cả ngày ở đấy. Nhưng tiền không hẳn là một yếu tố hoàn toàn quyết định. Tôi cũng muốn trải nghiệm làm việc ở đó sẽ như thế nào. Điều kiện vật chất, không gian, cảm xúc ở đó sẽ ra sao.
Đường đi đến thư viện gần hơn quán Nhã Nam rất nhiều. Nó nằm ngay trung tâm quận 1. Thật tuyệt khi có một thư viện cổ kính ở giữa lòng Sài Gòn. Nó nằm lặng lẽ như một con rùa trăm tuổi. Chỗ gửi xe ở đây cũng không đến nỗi tệ, người ta có giăng một tấm lưới ở trên để che nắng. Làm như vậy tuy đỡ được nắng nhưng xe để bên dưới sẽ rất hầm nóng, vào ngày mưa thì cũng sẽ bị ướt, những người không có cốp xe đựng nón bảo hiểm sẽ gặp phiền phức. Tuy vậy, nhìn chung nó khá ổn. Thứ tôi không thích khi gửi xe ở đây là người ta vẫn còn ghi phấn lên xe của khách, tôi rất ngại khi người ta vẽ lên xe mình. Vì vậy, với tôi đây là một điểm trừ rất lớn.
Tôi thích thiết kế của thư viện. Bên trên mảng tường là những họa tiết nhìn rất hay, tôi nhớ không lầm – và nhìn không sai – thì đó là một đầu của con lân, hoặc sư tử gì đó, kèm theo là những điểm nhấn màu tím đậm. Nếu một người không biết mình đang ở Sài Gòn, khi nhìn vào vẻ ngoài ấy sẽ tức khắc nhận ra đây là họa tiết của châu Á. Màu xi măng của mảng tường, kết hợp những họa tiết trắng và tím đậm làm điểm nhấn trông nó thật nghệ thuật. Khó mà tin nơi đây từng là một nhà tù. Thật thế, tôi đã làm lui tới đây nhiều lần nhưng vẫn cứ thắc mắc rằng người ta đã từng đau khổ như thế nào ở địa điểm này vậy? Không khí ở đây không còn vương một chút nào mùi hương của nhà tù. Giờ đây ta chỉ có thể thấy được mùi hương của sách vở, của học tập, của tiên tiến, của phát triển. Thi thoảng tôi vẫn cảm nhận được sự “đứng tuổi” của chốn này nhờ sự có mặt của các bác lớn tuổi. Họ vẫn lui tới đây, có người thì dẫn con cháu vào tham quan, có người thì vào tìm đọc, ở Nhã Nam thì hầu như chỉ có người trẻ.
Không gian ở đây rất yên tĩnh, từ trong phòng đọc cho đến khuôn viên ở ngoài. Đây là điểm tôi ấn tượng về thư viện. Cây cối xung quanh khuôn viên thư viện mọc sum sê, nếu vào đây vào một sáng sớm, khi vừa qua một cơn mưa đêm, ta sẽ được hưởng trọn cái trong lành đầy sinh khí. Dù cho được bao bọc bởi con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn và Nguyễn Trung Trực – những con đường một chiều luôn đông đúc, nhưng khi ngồi ngoài ghế đá của thư viện ta không thể nhận biết là mấy sự ồn ào ở ngoài. Tôi có cảm giác như mình – và những người ở đây – đang được sống trong một căn phòng khác, nơi mà chúng tôi được thỏa sức chìm đắm vào công việc của mình.
Khác với ở quán Nhã Nam, mọi người tới đây có khi không phải để học, họ đến để gặp bạn bè và cười nói xởi lởi, tạo không khí quán năng động. Đôi khi, ta có thể bị họ làm phiền vì tiếng ồn không cố ý. Thư viện thì nghiêm túc hơn, ai nấy đều im bặt cắm mặt mình vào sách, tài liệu hoặc laptop hay điện thoại, không hé môi nửa lời trừ khi cần. Lần đầu đến đây tôi đã bị ngộp bởi sự nghiêm túc này. Nên theo tôi, nếu ta cần một môi trường nhộn nhịp, năng động, tươi mát – nhưng vẫn tương đối yên tĩnh – thì Nhã Nam là một lựa chọn tốt. Còn nơi khi ta cần sự nghiêm túc cao độ, khi ta không còn thời giờ nào cho việc vui vẻ, khi ta cần đẩy hết sức mình cho nhiệm vụ cần giải, ta nên chọn thư viện vậy. Thêm nữa, wifi là một điểm cộng của Nhã Nam. Tuy cũng không mạnh mèo gì cho lắm, nhưng ít ra nó có thể cho tôi research thoải mái và nghe nhạc trên Youtube (tôi chưa có cơ hội thử xem phim ở đây). Wifi thư viện yếu đến mức không load nổi một trang tìm kiếm, có lẽ vì số lượng người dùng quá đông (ngay lúc này đây, tôi phải vừa gõ word vừa nghe nhạc offline có sẵn trong máy). Nên ta phải cân nhắc thật kĩ vấn đề này nếu muốn làm việc số trong thư viện. 
Nhà vệ sinh ở Nhã Nam hay thư viện đều ổn, cái nào tôi cũng thích. Ở Nhã Nam thì được cái trẻ trung, màu sơn, thiết kế đi liền với phong cách của quán. Còn thư viện thì theo kiểu của một trường học, một bệnh viện hay một cơ quan nhà nước nào đó – nơi mà chỉ cần thiết kế một cách căn bản nhất là được. Thậm chí nhà vệ sinh của thư viện còn có quạt nữa, không sợ bị ngộp.
Chuyện mượn sách nữa, ở Nhã Nam hay thư viện ta đều có thể mượn sách ở đấy để đọc tại chỗ. Nếu mang về thì ở thư viện ta phải trả một khoảng tùy theo số lượng sách mượn (ví dụ mượn một lần một cuốn thì 100k/năm), còn ở Nhã Nam thì tôi không biết có được về hay không, tôi chưa có dịp hỏi nhân viên ở đấy. Về chủ đề sách thì tôi nghĩ hai nơi cũng có điểm khác biệt, hầu hết sách ở Nhã Nam là những đầu sách hiện hành, tức ta có thể tìm ở bất cứ trang nào trên mạng. Do vậy, độc giả nào muốn tìm đọc những đầu sách mới ấy nên tìm đến đây. Thư viện thì không, đương nhiên, đó không phải là nhà sách, thư viện nhằm mục đích phục vụ học thuật và nghiên cứu chuyên sâu. Do vậy rất hiếm những đầu sách trẻ bây giờ, mà đa phần là những tài liệu chuyên ngành, những sách hiếm, những kinh điển dày cộm có khi còn to hơn một cái bàn nhỏ. Nên ta có thể thấy rõ thư viện không phải là nơi dành cho ai chỉ muốn vui thú phớt qua, mà dành cho những người thật cần đến sách vở, những thứ mà internet không thể tìm ra được.
(...)
Ngày 5/5/22 10:54 AM