Bức thư số 1: Hãy kiếm cho mình một động lực và giữ niềm tin con nhé!
Chào con! Bố viết dòng này gửi đến con ngày bố vừa qua tuổi 20. Thật ra, nếu cứ gượng ép bản thân nghĩ đến thứ xa xôi quá thì ta sẽ chẳng làm được gì cả, ngay cả việc viết đôi dòng tâm sự như này vậy.
Khi những dòng này được lách cách đánh trên máy tính, bố đang ở một nơi xa xôi quê hương mình - cái nơi mà tấp lập chỉ dành cho giới trẻ. Đôi khi bố có suy nghĩ là chẳng biết từ khi nào thành phố lại trở thành nơi chỉ dành riêng cho những người trẻ, là nơi họ đặt cả thanh xuân, cả tuổi trẻ của mình để cống hiến và để hiểu nổi một hệ thống xã hội mà trong đó họ chỉ như một chấm đen, đủ để "nhô lên cho xã hội đếm đầu" (như bà nội con hay nói). Ừm thì "đâu tự nhiên mà có đường, người ta đi mãi cũng thành đường" con ạ. Người ta tập trung ở đây vì một chút văn hóa lâu đời, rồi đông dần đông dần thành một quần thể người sống loi nhoi, giày xéo lên nhau trong một cái bể cá vô hình chặt hẹp. Bố là một trong số đó, bố còn trẻ để có thể biết được nơi nào thật sự dành cho mình.
Nhưng, trên tất cả, bố có một niềm tin to lớn rằng bố sẽ trở thành một người bố hạnh phúc với một người vợ dễ mến và những đứa con đáng yêu. Bố hiểu rằng niềm tin là nên có căn cứ và căn cứ đó phải dựa trên những lý do cụ thể, đủ lớn để trở thành một lý do. Bố tin rằng như thế bởi bố là một người đàn ông ngay thẳng và tình cảm. Sự ngay thẳng này có lẽ phần nào thừa hưởng từ ông nội - một người sống cả đời chẳng bao giờ khiến người khác phải nghi ngờ. Còn sự tình cảm trong bản chất lại đến từ một nơi khác. Nó bắt nguồn từ sự thiếu thốn tình cảm dẫn đến thèm thuồng quá độ.
Bố nhận ra mình đã từng cố gắng níu giữ những con người không thật sự thương mình, hiểu mình. Họ ở bên bố chẳng qua là vì những lợi ích cụ thể hay tình cơ nào đó chứ chẳng hề có sự đồng cảm. Nhưng rồi khi đã suy nghĩ đủ, bố biết rằng có những mối quan hệ kéo dài theo thời gian nhưng nếu không lành mạnh thì nên chấm dứt. Người ta đến với nhau trong một mối quan hệ hoàn toàn có thể là từ 2 cách, có thể là đồng cảm hoặc cũng có thể là lợi ích. Nhưng để có thể lâu dài thì bắt buộc phải có sự thấu hiểu, tôn trọng và phải là nơi tạo niềm tin vào cuộc sống cho nhau.
Ở thời của bố, thật may mắn khi internet đến rất đúng lúc, nó đến khi người ta bắt đầu cần nó để tạo dựng nên những sự kết nối vô cùng quan trọng cho cả xã hội. Bố không như những đứa trẻ thành phố và cũng không có điều kiện để có thể lên cấp 1 nhà có máy tính, lên cấp 2 dùng smartphone giống chúng nó được. Đổi lại, bố có một tuổi thơ hồn nhiên, vô tư. Dù có phải lao lực từ sớm bán quán, chở hàng kiếm tiền phụ gia đình rồi đến mất mát về vật chất, tình cảm thì bố vẫn nhận được phần nào sự trong trẻo của tuổi thơ.
Ngồi một mình trong một ngôi nhà trọ nhỏ nhắn giữa thành phố hoa lệ này, bố hiểu rằng "hoa là cho người giàu, lệ cho người nghèo". Nếu giàu, ông bà nội của con có thể lên đây khám bệnh bằng oto riêng, vào bệnh viên được chăm sóc bằng những gói khám bệnh đặc biệt. Nếu giàu, Bác M và bác N của con có thể mở nhà hàng to đùng ở bên phố, có thể sống với đam mê của mình, rồi từ đó ốm đau bệnh tật của bác và anh chị con cũng chỉ còn là chuyện nhỏ. Và cả bác H nữa con ạ, nếu giàu, ừm nếu giàu thì có lẽ bác con vẫn còn bên cạnh bố đến giờ phút này.
Bố chẳng ngại gì để mà nói rằng bố nhớ chị mình và cứ nghĩ về chị, bố lại khóc... .Những chuyện về bác H là những câu chuyện không thể nào quên nên có lẽ bố sẽ kể cho con sau. Có điều nhân thể đây, bố cũng muốn nói với con một điều, một điều nên là kim chỉ Nam cho cuộc sống : Nếu không có được hạnh phúc dễ dàng thì hãy lấy đau thương làm động lực để sống tiếp. Bố đã từng trải qua những thứ tồi tệ nhất trên đời với một con người là mật đi người họ yêu thương nhất. Nhưng bố không gục gã, bố không tự vẫn để ra đi với họ, bố không tin vào điều đó, bố không tin có thế giới bên kia. Điều bố tin là cuộc sống vẫn còn cơ hội cho mình, bố nói điều này trong sự tự hào trên câu hứa với chị mình. Bố hứa sẽ trường thành hơn, biết suy nghĩ hơn và bố đã làm được.
Muốn trưởng thành hơn phải hành động thật nhiều, muốn biết suy nghĩ hơn thì phải suy nghĩ thật nhiều. Bố đã làm cả hai thứ đó thay vì chỉ nói suông. Bố chấp nhận việc mình là một sinh viên yếu kém của một ngôi trường yếu kém y chang. Bố chấp nhận nó để biết đường mà cố gắng nhiều hơn. Bố học không giỏi và cũng ghét cái thể loại giáo dục cũ rích, xa rời thực tế (mong đến thời con đã khác). Thế nên bố chọn đi làm, đi trải nghiệm và tự học những thứ mình muốn. Đừng bao giờ "ghét học" con ạ, chỉ nên ghét môi trường học thôi. Xã hội là một cái xe đạp, là một động cơ vĩnh cửu, không đạp thì sẽ đổ và cũng chắc chắn sẽ không bao giờ ngừng vận động, thay đổi liên tục. Con người thời này cũng thế, có một đoạn rất hay trong cuốn sách bố đọc (cuốn Homo Sapiens), đại loại là: Nếu là một người sống vào năm 1020 và ngủ đông để thức dậy vào năm 1120 thì có lẽ cuộc sống của anh ta sẽ vẫn thế và không cần mất nhiều thời gian để thích nghi lại. Tức là vào năm 1020 mọi người vẫn sống phụ thuộc vào nông nghiệp, vẫn cái hệ thống nhà nước phong kiến, vẫn "con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa". Còn nếu một người ngủ đông vào năm 2020 mà thức dậy vào năm 2120 thì chắc có lẽ anh ta khó lòng mà thích nghi nổi, cuộc sống mới sẽ là một bố phim khoa học viễn tưởng, một thế giới dystopia đúng nghĩa đen với anh ấy.
Thế đó, ta nên cảm thấy may mắn khi được sinh ra ở thế kỷ 21 này. Khi mà xã hội không ngừng luân chuyển, con người cũng lên luân chuyển theo để tìm kiếm cơ hội. Cái khó bây giờ không còn là việc tìm kiếm khả năng thay đổi cuộc đời mà là khả năng biết làm chủ chính mình, biết cách sống để cho sức khỏe thể chất và tinh thần được ổn định. Nếu sức khỏe ổn thì mọi thứ sẽ đi vào guồng của nó, chắc chắn bản thân sẽ có được những điều mình thực sự muốn và có khả năng đạt tới.
Hà Nội, thứ tư ngày 15/03/2022.