Đức Thích Ca Mâu Ni từng nói: "Có khoái lạc và có an lạc. Hãy từ bỏ cái đầu tiên để đạt tới cái thứ hai."
Nếu chia cấp bậc và bổ sung thêm vào câu nói của Ngài, sẽ tồn tại ba bậc từ thấp tới cao: Một là khoái lạc, hai là hạnh phúc, ba là an lạc.
Có thể thấy, hạnh phúc được chêm vào giữa, bởi lẽ hạnh phúc được tách ra từ khoái lạc nhằm dễ phân tích và giúp các bạn hình dung tốt hơn.
Khoái lạc, hạnh phúc và...
Khoái lạc, hạnh phúc và...
Đầu tiên, khoái lạc thuộc về bản năng, về sinh lý bản năng. Nó là dạng năng lượng thấp nhất và hời hợt nhất. Đó có thể là tình dục, cơn thèm ăn hay những hoạt động kích thích trong cuộc sống. Khoái lạc luôn bị lệ thuộc vào bên ngoài, còn con người là nô bộc của khoái lạc.
Bạn sẽ bị phụ thuộc vào ai đó, miễn là họ mang đến cho bạn tình yêu và kích thích, hay phụ thuộc vào vật chất, miễn là thỏa mãn cái tôi và khiến nó sung sướng.
Khoái lạc còn dạy bạn cách xảo quyệt và khôn lỏi, khiến bạn lợi dụng người khác để đạt được lợi ích cho mình, trong khi việc sử dụng ai đó là hành động thô bạo. Người vợ sử dụng người chồng vì sự đảm bảo về tài chính, người chồng sử dụng người vợ cho nhu cầu tình dục cá nhân. Đa số ai cũng có mục đích nào đó khi quen biết, thân thiết với một người.
Khoái lạc khiến bạn thống trị và bốc lột người khác dưới danh nghĩa yêu thương và quan tâm, bạn thấy thống khoái khi được dạy đời người khác và được tùy ý điều khiển họ theo ý muốn của mình. Các bà mẹ kiểm soát đứa con, các ông bố quyết định tương lai con mình mà chẳng quan tâm nó thực sự cần gì.
Bởi vậy, gần cả thế giới đang chạy theo khoái lạc, kể cả những ngôi sao hay vĩ nhân nổi tiếng. Hàng tỷ người đang sa đọa và mãi mãi mặc kẹt tại đó, cùng "góp sức" biến thế giới này thành mồ chôn của xung đột, thâu tóm và chiến tranh.
Bạn sẽ trở thành nô lệ hoặc nhà độc tài, nếu cứ chạy theo những cơn hoan lạc và sung sướng nhất thời, trong khi những thứ đó chỉ là...tạm bợ.
Dù sớm hay muộn, chúng sẽ sớm qua đi, chẳng gì có thể tồn tại vĩnh viễn, và bạn sẽ phải tìm kiếm thứ gì đó thú vị hơn, bị cuốn vào một vòng lặp vô tận.
Khoái lạc là xiềng xích trói buộc, mãi mãi cầm tù tâm hồn khi mặc sức kiểm soát cả đời bạn, để cắm đầu chạy theo những hữu ngã bên ngoài. Vì thế, khoái lạc nhất định không phải là mục đích của cuộc sống.
Khoái lạc chỉ mang đến sự đau khổ dài lâu, từ những vui sướng trước mắt.
Khoái lạc chỉ mang đến sự đau khổ dài lâu, từ những vui sướng trước mắt.
Thứ hai, các bạn cần quan tâm tới hạnh phúc, thứ được tách ra từ khoái lạc. Khoái lạc là cấp độ sinh lý, còn hạnh phúc mang tính tâm lý. Hạnh phúc dường như mang nhiều ý nghĩa và có phần thanh tao hơn (tự loài người cảm thấy thế).
Hạnh phúc không dừng lại ở những xúc cảm như ân ái, ăn uống trên thân thể phàm tục, hạnh phúc hướng đến những áng thơ, sự duy mỹ và tao nhã. Hạnh phúc mang đến sự giàu có về tinh thần khi bạn tạo ra những giá trị đạo đức hay cống hiến hết mình xã hội, là cảm giác thỏa mãn khi làm được những điều gì đó tốt đẹp, đáng quý.
Hạnh phúc giúp bạn tự chủ, giúp thế giới hướng đến những giá trị Chân - Thiện - Mỹ, phần nào tạo dựng một thế giới thêm tốt đẹp và văn minh hơn so với khoái lạc thông thường.
Nhưng hạnh phúc hay khoái lạc thì cũng chỉ xuất phát từ một gốc, đều thuộc về nhu cầu và bản năng của con người, khoái lạc là bản năng hoang sơ nhất, là phần "con" trong "con người", còn hạnh phúc thì có vẻ văn hóa và tinh tế hơn khi nó được ví như đặc ân trao cho phần "người".
Chúng ta có thể nói rằng khoái lạc là mức độ thấp nhất của hạnh phúc, và hạnh phúc là đỉnh cao của khoái lạc.
Tất nhiên, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, nó vẫn cần điều kiện để được kích hoạt và chỉ duy trì trong một thời hạn nào đó, nó không vĩnh viễn, thế nên chẳng ai có thể hạnh phúc suốt từ sáng tới tối, năm này qua năm khác mà không có đau khổ cả. Và loài người cũng chỉ là những nô lệ để theo đuổi hạnh phúc, tìm kiếm chút gì đó tốt lành để tận hưởng cho cái tôi riêng.
Hạnh phúc - Bất hạnh luôn phân cực và tâm trạng bạn sẽ dao động hệt như con lắc không ngừng giữa hai thái cực này. Bạn sẽ không thể yên ổn, bình an nếu trạng thái của tâm luôn dao động và biến đổi.
Vậy nên hạnh phúc vẫn chưa phải là đích đến cuối cùng của cuộc đời. Khi nó phân tách, có thể xé toạc nội thân của bạn ra nếu không cẩn thận. Đa phần mọi người sẽ dừng lại và thỏa mãn ở cấp độ này sau khi có nhận thức về những điều ý nghĩa hơn, vượt lên trên cái khoái lạc tầm thường, nhưng họ vẫn rơi vào cái bẫy ban đầu, rằng bản thân đã đạt được tới đỉnh cao, yên ổn trong nó và sẽ vô cùng mãn nguyện.
Tôi sẽ gọi thứ hạnh phúc này chỉ là tạm bợ, nó chưa phải là "hạnh phúc thực sự" mà loài người cần hướng tới, vì vẫn còn tồn tại một phép màu của tạo hóa, của vũ trụ đang hiển hiện xung quanh ta.
Vì vẫn còn một tồn tại "cao cấp" nữa...
Hạnh phúc sẽ nhiều giá trị lâu dài và tốt đẹp hơn.
Hạnh phúc sẽ nhiều giá trị lâu dài và tốt đẹp hơn.
Tồn tại cao cấp đó chính là sự an lạc, là đỉnh cao của cuộc đời. An lạc là cảm giác vô cùng khó đạt, an lạc chỉ đến khi bạn đạt tới điểm sâu nhất của đời sống. Chỉ khi cái tôi của bạn vĩnh viễn biến mất, như thể bạn không còn tồn tại.
Đức Phật gọi đó là “Niết Bàn”. Chấm dứt tồn tại chính là Niết Bàn; khi ấy, bạn hoàn toàn trống rỗng tựa như bầu trời. Ngay tại khoảnh khắc bạn đạt tới trạng thái vô tận đó, tâm hồn bạn tràn ngập ánh sáng của các vì sao; cuộc sống trở nên mới mẻ tuyệt vời. Bạn đã được sinh ra một lần nữa.
Khoái lạc và hạnh phúc rất ngắn ngủi, nó đo đếm bằng thời gian, nó chỉ là “một khoảnh khắc sống”. Còn an lạc mới là phi thời gian, nó là vô tận.
Khoái lạc trói buộc, biến con người thành nô lệ, hạnh phúc giải phóng con người một chút khỏi xiềng xích, nhưng chỉ một chút.
Khoái lạc khiến con người bị phụ thuộc, hạnh phúc mang đến một chút tự chủ, nhưng không hoàn toàn tự do.
Còn an lạc là sự tự do vĩnh hằng, là viên mãn, giải phóng con người khỏi mặt đất đọa đầy, chắp cánh bạn đến với thiên đàng hoan ca. Nơi bạn sẽ trở thành ánh sáng và là niềm vui vô tận.
Khoái lạc, hạnh phúc có bắt đầu và có kết thúc. Nhưng an lạc là vĩnh cửu.
Khoái lạc, hạnh phúc đến rồi đi, an lạc đến mãi mãi và cũng ra đi mãi mãi.
Khoái lạc khiến bạn trở thành nô bộc, hạnh phúc cho bạn thêm chút tài sản. Còn an lạc biến bạn thành người chủ của tâm hồn mình, tận hưởng trọn vẹn cuộc đời mình.
Vậy nên, an lạc sẽ là điều nhân loại cần hướng đến, từng chút cố gắng mỗi ngày. Vượt lên trên khoái lạc để nếm vị ngọt của hạnh phúc, rồi bức phá khỏi chút trói buộc còn lại để đạt được sự an lạc, một hạnh phúc viên mãn.
An lạc không cần phụ thuộc vào điều gì cả, chỉ đơn giản là tự tại và vĩnh cửu.
An lạc không cần phụ thuộc vào điều gì cả, chỉ đơn giản là tự tại và vĩnh cửu.
An lạc đã luôn tồn tại trong bạn, chỉ là bạn không nhận ra, an lạc còn tồn tại trong muôn loài, trong những sinh vật mà không có một bộ não quá đối phức tạp như loài người chúng ta.
Hãy nhìn loài chim hay bông hoa xem, chúng nó có an lạc không? Tụi nó sẽ luôn líu lo và tỏa hương cả ngày vì tụi nó vốn phải như thế.
Những sinh vật khác ngoài loài người không có ý thức nên chúng sẽ luôn "An lạc một cách vô thức".
Chúng không tìm kiếm sự an lạc, không nỗ lực để loại bỏ cái tôi mà tự nhiên sinh ra vốn đã thế, vì chúng làm gì có cái tôi, chẳng biết tới đau khổ hay bất hạnh, chẳng có cái muốn và cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, ngoài việc sống an lạc.
Vì chúng không có ý thức như loài người, cái ý thức và cái muốn của con người dẫn dắt loài người đi trên con đường của khổ đau, nếu vẫn còn chạy theo cái muốn cá nhân, vĩnh viễn không thể hạnh phúc.
Chỉ đến khi học cách biết đủ (điều ai ai cũng khuyên nhau), ta sẽ "giáng cấp" cái muốn cá nhân xuống vô thức, "nâng tầm" khoái lạc và hạnh phúc đơn thuần thành thành "hạnh phúc thật sự", ngang với một con chim hay bông hoa, để từ sự tĩnh lặng đó sẽ đưa ta đến an lạc.
Khi cái tôi và cái muốn không còn tồn tại, ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vĩnh viễn, vì lúc đó ta chẳng còn lựa chọn nào khác, như loài chim và bông hoa kia.
Hạnh phúc (nói đến hạnh phúc thật sự - Sự an lạc) bao xung quanh ta một cách tự nhiên như không khí, như bầu trời. Hạnh phúc không phải là thứ phải đi tìm; nó là chất liệu của vũ trụ bao la. Hãy thưởng thức nguồn năng lượng tuyệt vời ấy. Bạn phải nhìn thẳng vào nó, đối diện trực tiếp với nó. Chỉ cần lơ đãng mong cầu hão huyền, bạn sẽ lập tức đánh mất nó. Tình yêu cuộc sống sẽ lan tỏa trong tâm hồn bạn. Mặc cho thời gian trôi đi, tình yêu ấy vẫn tồn tại. Điều mà bạn đạt được là sự sâu sắc toàn diện. Và hoa sẽ nở, bài hát sẽ ngân vang…” - Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm
P/S: Bài viết này được lấy ý tưởng, trích dẫn (40%) từ những lời giảng và triết lý của Osho - một bậc thầy mình vô cùng ngưỡng mộ, về quan điểm, góc nhìn đa chiều về hạnh phúc, sự an lạc. Bài viết luôn tôn trọng bản quyền và giữ nguyên ý nghĩa, thông điệp cốt lõi của ngài.
Đồng thời, mình cũng đã chắt lọc nội dung, sắp xếp câu từ của người dịch là Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm (20%), cụ thể là biên tập nội dung, chắt lọc ý tưởng, ngoài ra còn thêm thắt vào đó văn phong cá nhân (40%) để hòa chung với triết lý của Osho, tạo nên một bài viết thú vị nhằm truyền tải thật nhiều giá trị tốt đẹp đến bạn đọc.
Cảm ơn các đọc giả và mong rằng bài viết sẽ mở ra một góc nhìn mới về hạnh phúc, nhân sinh cho các bạn, để thêm hạnh phúc và bình an.
Thân ái.