Quê tôi có bài hát bắt đầu bằng câu "Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm." Câu hát này được sáng tác có lẽ là vì cứ hễ trời vào mưa là nước ở xứ Quảng nổi lên ngay. Không riêng gì Quảng Nam, các tỉnh miền trung lân cận đều chỉ có hai mùa mưa và nắng. Mùa nắng thì chói chang khô cháy cả tóc, mùa mưa thì nước trút xuống ngập cả nóc. Năm nay, cứ thế, đến hẹn lại lên, mưa lại về, lũ lụt lại đến. Có điều là to hơn mọi năm một chút.
Trong những năm gần đây, khi mạng xã hội phát triển, hình ảnh về lũ lụt miền trung được đưa lên, khắp nơi biết đến. Nhiều người chưa sống ở vùng lũ, thấy những cảnh đấy sẽ thắc mắc không biết lũ lụt cứ về như vậy hằng năm thì người ta sống ra làm sao? Ở đâu thì tôi không biết, còn người dân quê tôi mấy chục đời nay - không phải mấy chục năm nay đâu - họ đều đã sống cuộc sống như vậy rồi.
Quê tôi, cứ khoảng ba nhà thì sẽ có một nhà có chiếc ghe nhỏ. Mùa khô thì cứ treo nó lên chái nhà sau hè để che nắng che mưa cho lũ gà. Mùa lũ thì thả xuống làm phương tiện đi lại. Mà thực ra có đi lại được lâu đâu, chỉ xài được vài ba ngày thì phải treo lên lại vì nước rút, hết lụt. Nhưng họ vẫn giữ chứ không thể bỏ hẳn, vì đó là phương tiện vô cùng cấp thiết trong vài ba ngày lụt lội đó. Những ngôi nhà được xây dựng cũng tính đến chuyện lũ lụt. Nhà nào cũng sẽ cao hơn mặt đường đi ít nhất một mét. Trong nhà thì phải có cái gác lửng nhỏ, nước vào nhà thì dọn lên đó mà ở tạm mấy hôm rồi xuống. Chuồng nuôi heo bò gà có khi còn cao hơn cả nền nhà ở. Để khi nước lên không phải lo nghĩ nhiều tới mấy con vật nuôi này. Còn nhà nào thực sự thấp quá và không có điều kiện thì mùa lũ họ chuyển sang mấy trường học gần đó sống tạm ít hôm. Các trường học, kể cả trường tiểu học đều thường có 2 tầng. Mùa lũ dùng làm nơi tránh lụt rất tốt.
Cái gác nhỏ ở tạm ngày lũ, gần như quê tôi nhà ai cũng có.
Nếu đã chuẩn bị được như thế thì cuộc sống ngày lũ lụt có khổ không? Vẫn khổ lắm chứ. Có cực không? Cực chết mịa luôn. Nhất là lúc dọn đồ đạc trong nhà lên cao để không bị ngâm ướt nước. Càng hiện đại, đồ dùng trong nhà càng nhiều. Giường nệm, bàn ghế, sofa, tivi, máy giặc, tủ lạnh, quạt máy, bình nóng lạnh, rồi còn vài ba chiếc xe máy... tất cả không thể ngâm nước, phải chuyển chúng lên cao. Mà ở thời điểm đó thì ban đêm đâu được ngủ, rồi còn phải dốc sức dọn đồ. Đến khi mệt ra thì rất dễ cấu gắt chửi rủa. Cái gì bám được vào để chửi là sẽ chửi ngay. Nước vào rồi thì nước sẽ rút ra, lại dọn nhà, bùn đất. Lại phải khiên đồ đạc xuống lại. Nhà nào lười thì cứ để đó đến hết mùa mưa lụt.
Lũ lụt hằng năm như vậy nên nó cũng đã trở thành một nét sống quen thuộc. Người dân quê tôi thường chuẩn bị sẵn một hủ mắm, dưa cà muối cho mùa mưa. Bữa ăn thực đơn giản với món kho quẹt, dưa trộn. Không phải bữa ăn phải như vậy vì thiếu thịt cá đâu. Ngày mưa lũ thì thịt cá nhiều lắm, thậm chí nhiều hơn cả ngày thường. Nhưng các loại rau thì thiếu nhiều, ăn thịt cá không có mùi thơm từ rau thì nó không ngon tí nào. Nên thịt cá vẫn không ngon và đậm đà bằng mấy món đơn giản ấy. Lý do nữa là vào mưa ướt, củi lửa khó khăn, nấu mấy món thịt cá ấy tốn công nhiều lắm (hoặc vì nó tốn kém). Ăn cái gì nhanh gọn lẹ là được, mỳ tôm cũng là một thứ khá ổn. Chịu khó trong vài ba ngày lũ lụt thôi mà.
Bữa ăn bình thản của bà Liễu, khi đã quá quen, những con lũ lụt có vẻ chẳng còn là vấn đề.
Nếu mọi thứ chỉ là cuộc sống ngày lũ thì sẽ chẳng có gì đáng lo ngại cả. Nhưng lũ lụt thường đi kèm những thứ khác. Đặc biệt là khi liên quan đến tính mạng con người. Ai cũng biết khi nước lên thì chỉ nên ở nhà thôi. Nhưng có những tình huống bắt buộc như việc trượt ngã chấn thương lúc dọn đồ đạc sẽ cần cấp cứu. Cho nên cái đáng sợ nhất mùa lũ lụt là có cộng cùng với gió lốc bão. Khi bên dưới là nước và gió lốc xuất hiện ở trên thì chẳng thể chạy đi đâu cả. Có những chuyện kể của mấy cụ quê tôi ngày xưa về chuyện khi nước lên cao, họ ở trên gác và bão cùng lúc kéo tới. Cách họ làm đơn giản là lấy dây buộc vào người rồi buộc đầu còn lại vào cột nhà. Cách này có thể không cứu được họ, nhưng giữ được không để xác họ trôi mất tích trong trường hợp nhà bị sập đổ. Mùa lũ cũng là mùa được nghỉ học thường xuyên, vì nếu để bọn trẻ ra đường đến trường là tăng nguy cơ. Bọn học sinh thì thích chuyện nghỉ học này lắm. Được đi chơi lội nước khắp xóm. Và cũng chính việc đi chơi này đã có biết bao nhiêu đứa trẻ bị nước cuốn trôi.
Quê tôi có một đoạn đường quốc lộ, nơi mà nước lên sẽ chảy tràn qua rất xiết. Những người từ nơi khác đi qua thường rất chủ quan khi thấy đoạn đường này, người ta có thể lội bộ và nước chưa đến đầu gối. Thấy thế là họ chạy xe máy qua. Xe máy đi dưới nước rất chậm, tay lái sẽ không thể điều chỉnh đúng hướng, hơn nữa còn không thấy được mặt đường. Thế là bị đẩy trựt ra khỏi lòng đường, nước cuốn trôi. Vấn nạn này gặp nhiều đến nỗi giờ cứ nước vừa tràn qua đường trên mắt cá chân là sẽ có bảo vệ chặn hai đầu đường không cho ai qua nữa.
Khi nước vào nhà thì chiếc ghe nhỏ cũng sẽ vào nhà theo.
Vì cuộc sống khó khăn vậy, nên người dân miền trung rất chắt chiu trong việc tiêu pha cũng như chú tâm trong việc tiết kiệm. Nếu kiếm được kha khá tiền, họ thường dùng một số rất ít để mua sắm này nọ, còn lại là dành dụm. Xong rồi khi đủ sẽ đổ một chỉ vàng, để dành cho những việc đại sự như xây nhà mới hay tổ chức đám cưới con cháu. Đồ dùng trong nhà luôn quý giá với người miền trung, thứ họ chắt chiu lắm mới sắm được. Mùa lũ lên thường có sự kêu gọi vận động di tản tránh lũ, nhưng chẳng mấy ai đóng cửa nhà bỏ đó mà đi đâu, vì họ còn phải lo đồ dùng trong nhà không để nó thấm ước nước hoặc trôi mất. Thế nên vẫn thường xảy ra trường hợp lũ lên quá cao so với dự tính chủ quan của người dân. Họ bị mắc kẹt lại ở nhà, không điện, không đèn, không báo được ai đến cứu giúp. Ngày nay họ cũng vẫn cái tính như vậy, nhưng đỡ hơn là vì gần như nhà nào cũng có điện thoại để gọi. Nhưng đội cứu hộ thì cũng có hạn, nên những việc đáng tiếc vẫn cứ xảy ra.
Nếu bạn làm công việc hỗ trợ, quyên góp tặng tiền mặt cho người dân vùng lũ và nghĩ họ sẽ mua sắm mấy thứ như chăn mền, áo ấm thì bạn đã nhầm. Với tính chắt chiu, họ sẽ cất giữ số tiền đó theo cách mà tôi kể ở trên. Và vẫn tiếp tục ăn món kho quẹt qua ngày thôi. Mẹ tôi là một người điển hình lớn lên với cuộc sống khó khăn của miền trung. Mặc dù cuộc sống bây giờ có khá hơn, nhưng cái thói quen chắt chiu vẫn còn đó. Nếu bữa ăn trong nhà còn thừa một chút đồ ăn, cơm hay canh. Bà sẽ đậy lại đó, không bỏ đi, có thể qua tận ngày hôm sau, trong bữa ăn mới, bà sẽ lại ăn chúng đầu tiên, miễn sao chúng vẫn còn ăn được. Việc này lại sinh cho tôi một thói quen, tôi sẽ thường sẽ cố ăn sạch tất cả các nồi, không chừa lại một hạt cơm nào. Và tôi rất ghét cái thói chừa lại miếng cuối cùng trên đĩa của nhiều người.
Nói thế thì nếu quê tôi không có lũ lụt, liệu cuộc sống có tốt hơn không? Tôi xin nói thẳng là không. Đa số người dân quê tôi là nông dân, tôi sống cạnh một cánh đồng hoa màu rộng mênh mông. Phía bắc không xa cũng là một cánh đồng lúa nước cò bay thẳng cánh. Nếu không phải là nông dân, bạn sẽ chẳng quý cái lũ lụt. Khi nước lên, các loại gây hại như chuột, dịch bệnh, sâu bọ, châu chấu sẽ bị nước cuốn trôi, tiêu diệt. Đất phù sa, đất bùn non cũng theo lũ về phủ lên các cánh đồng. Nếu không có lũ, thì mùa sau sẽ là một mùa không tốt, có khi là mất mùa. Trước mùa mưa, đất hoa màu thường bỏ hoang cả tháng, không trồng cây gì cả - vì sắp vào mùa lũ - cỏ mọc xanh um, mấy đàn bò thì thích khoảng thời gian này lắm. Nhưng nếu không có lũ, cỏ sẽ không chết, và việc dọn chúng cho mùa vụ mới sẽ là cực hình. Người nông dân thì thường không có nghĩ xa, họ chọn việc đơn giản là dùng thuốc diệt cỏ. Sâu bọ nhiều thì họ sẽ dùng khá nhiều thuốc trừ sau. Nhưng các bạn biết mấy thứ này chẳng tốt lành gì đâu đúng không.
Cánh đông hoa màu cạnh nhà tôi, mùa lũ lên nó sẽ là một cánh đồng nước mênh mông.
Nói đến lũ lụt, thật khó để bỏ qua chủ đề về câu chuyện thủy điện. Tôi sẽ viết về chuyện này dài một chút. Thời đại internet bùng nổ, dân vùng lũ được biết đến nhiều hơn. Những người sống trong sự cực khổ mùa lũ cũng sẽ có nhiều nơi để kêu than và chửi rủa hơn. Và họ thường tìm một thứ gì đó để than cho cái cơ cực của mình. Và thủy điện được mang vào câu chuyện này. Nếu lấy kinh nghiệm sống của tôi cạnh cánh đồng hoa màu ở Quảng Nam, tôi sẽ dám chắc rằng từ những ngày có thủy điện ở thượng nguồn thì lũ lụt ít hơn, mức độ cũng thấp hơn. Những cơn lụt tiểu mãn - lượng mưa lớn bất thường trái mùa làm nước lên cao lúc hoa màu đang tươi tốt - cũng giảm hẳn. Nếu có những con nước thì chúng cũng lên nhanh nhưng rút đi khá lẹ, không còn kéo dài như trước đây. Cái lý do duy nhất trong chuyện này có lẽ là người ta cần một thứ gì đó để đổ lỗi cho cái cơ cực của bản thân họ thôi. Năm nay mưa miền trung lớn kỷ lục, ghi nhận trong một tuần từ ngày từ 6/10 là khoảng 2600mm. Người ta không biết rằng lượng mưa cường độ 500mm đến 700mm nó kinh khủng khiếp như thế nào đâu. Lượng mưa trung bình năm miền trung chỉ vào khoảng 2000 đến 2500mm. Bạn có thể thấy lượng nước mưa trung bình năm đã đổ xuống trong một tuần ở trên. Nhưng năm nay lũ ở Quảng Nam không vượt kỷ lục, thậm chí nó còn cách kỷ lục cũ hơn một mét nước nữa. Thế mới thấy được cái làm được của các hồ thủy điện. Tất nhiên hồ thủy điện không thể ngăn lũ hoàn toàn, và người ta chỉ biết rằng khi các hồ thủy điện ngưng giữ nước (xả tràn) thì lũ sẽ lên. Các tờ báo đánh vào lòng hậm hực của người dân bằng những câu kiểu như: "Nhiều thủy điện Quảng Nam xả lũ 5000m3/s, nước các sông dâng cao". Nhưng họ đâu biết rằng ở những thời điểm nhạy cảm như vậy thì Q-xả luôn thấp hơn hoặc bằng Q-đến thôi. Họ chỉ biết Q-xả bao nhiêu, nhưng không hề biết Q-đến của nó nhiều cỡ nào, và lượng xả nó còn phụ thuộc vào lượng nước đang có ở hồ. Nhưng có ông kỹ sư nào dám đứng ra phản biện đâu, vì bên kia chiến tuyến là quá đông và quá cảm tính. Đi ngược dòng dư luận như thế thì chịu sao thấu. Thật buồn là có cả những người thân của tôi cũng có cách suy nghĩ như vậy, nhưng tôi không thể giải thích cho họ hiểu được. Cái cơ cực đã làm họ hiểu theo cách mà họ muốn hiểu. Bây giờ không thể lấy cái lý lẽ để thuyết phục sự cảm tính được.
Nếu người ta chỉ tin điều họ muốn tin thì những dữ liệu như thế này cũng là vô nghĩa. 
Bây giờ ở vùng chỗ tôi ở Quảng Nam, các thời điểm nước lên luôn được báo trước, và dự báo được mức nước sẽ lên đến đâu dựa vào mức xả của các hồ. Luôn có các công điện thông báo về các vùng hạ nguồn trước khi xả. Do vậy người ta sẽ biết trước thời điểm nước sẽ lên và mức nước dự tính đến đâu để dễ dàng ứng phó. Mà thực ra thì trong vài năm gần đây vùng chỗ tôi có cơn lũ nào ra hồn đâu, mùa màn vì thế mà cũng bị ảnh hưởng theo. Năm nay thì hơi nhiều nước tí, nông dân chống lũ khá cực, nhưng ai có vẻ cũng hài lòng. Nước còn chưa rút hết mà người ta đã đòi chèo ghe ra coi đất đai ngoài kia bồi lở thế nào rồi.
Vào những thời điểm nhạy cảm, lượng xả sẽ không nhiều hơn mức nhận về. Luôn có công điện báo về vùng hạ lưu. Bạn sẽ không thấy những thông tin này trên báo chí đâu. 
Nhiều người lại có ý nghĩ rằng sao các hồ thủy điện không xả hết nước vào ngày nắng, để ngày mưa chứa được nhiều hơn. Như thế mới chống được lũ. Nhưng như tôi đã nói ở trên, thứ nhất là nông dân thì cần mùa lũ. Điều thứ hai thật cũng khá nực cười vì thủy điện người ta làm ra để chạy điện và điều tiết nước chứ có dùng chống lũ hết được đâu. Nếu bảo xả hết rồi năm đó không có mưa thì nước đâu mà xài. Việc xả cũng phụ thuộc vào nhiều bên nữa. Quan trọng nhất là bên khí tượng thủy văn dự báo lượng mưa trong vài ngày tới.
Nói về thủy điện, tôi có thử tìm hiểu chút về hồ Hòa Bình. Ngày xưa tôi được học địa lý thì đó là công trình trị thủy lớn nhất nước. Từ ngày có thủy điện thì vùng hạ lưu sông chẳng còn mấy lũ lụt. Nếu bạn quen biết thế hệ cũ, từng sống vùng hạ lưu sông Đà thì hỏi thử xem về chuyện lũ lụt hồi đó thế nào nhé. Tôi cũng không rõ, vì đó không phải nơi tôi sống.
Nói thêm về hồ Hòa Bình một chút, có thể nói là thủy điện đã gánh cả đất nước trong những năm 90. Miền bắc lúc có thủy điện Hòa Bình thì điện xài dư dả. Nhưng các vùng miền phía trong thì không như vậy. Tôi nhớ ngày thằng nhóc 8-9 tuổi đã vác dái chạy cả cây số giữa trưa hè đến nhà có bình điện ắc-quy để xem bộ phim Võ Tắc Thiên được chiếu trên tivi lúc đó. Xóm tôi cũng có tivi chứ, nhưng điện thì cắt luân phiên, tuần có điện 1-3 ngày nên không thể coi liên tục. Lúc đó cuộc sống không thể thiếu cái đèn dầu, mỗi sáng thức dậy móc mũi là thấy một lớp bồ hóng đen kịt bám bên trong. Rồi sau đó một công trình có tầm nhìn chiến lượt kế tiếp thủy điện Hòa Bình là đường dây 500kv được xây dựng. Đó là lý do tôi nói thủy điện Hòa Bình đã gánh cả đất nước trong những năm 90.
Thủy điện Hòa Bình xứng đáng là công trình thế kỷ của Việt Nam
Nhưng bây giờ điện vẫn không đủ xài, nhà ở phố thì tôi nghĩ cứ hai nhà lại có 1.5 cái máy lạnh mà mùa hè chạy hết công suất. Máy quạt thì chạy cả đêm, kể cả trời lạnh thì vẫn bật quạt rồi lại đắp chăn thò lỗ mũi ra ngoài mà thở, sướng không chi bằng. Nhưng điện thì có hạn, điện nhiệt than thì nguyên liệu không dồi dào gì, điện gió thì gần như không thể, điện mặt trời thì quá mất ổn định, muốn ổn định thì lại cần pin-rồi xong đến khi thải ra lại là vấn đề môi trường nghiêm trọng. Cái tôi tiếc nhất trong những năm gần đây là dự án điện hạt nhân đã bị dừng. Không có ông nào dám quyết một công trình nhiều vốn và phải hơn 10 năm xây dựng ấy. Nếu xây dựng được thì nó có thể sánh ngang tầm cỡ Hòa Bình và 500kv ngày xưa về tầm chiến lược. Nhưng đây còn là vấn đề chính trị vô cùng nhạy cảm, thật khó. Thế hệ chúng ta có vẻ sẽ không được hưởng điện hạt nhân, nhưng tôi sẽ bắt đầu dạy con cháu mình rằng cái nguồn năng lượng an toàn, sạch sẽ, lâu dài và ổn định mà các con cần theo đuổi trong tương lai là điện hạt nhân.
Về lại với câu chuyện với lũ lụt. Quê tôi có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống chung vỡi lũ. Đấy là một điều may mắn. Nhưng ở một số nơi khác thì không và dẫn đến thiệt hại khá nhiều. Việc mọi người kêu gọi hỗ trợ quyên góp để đến với những người cần sự giúp đỡ ở vùng lũ là một điều vô cùng quý báu. Người miền trung chất phát, ăn nói có phần bổ bả, nhưng tính tình bên trong vẫn chịu khó kiên cường. Cùng với sự giúp sức của cả nước, họ sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này thôi, như cách mà ông bà tổ tiên họ đã từng. Tôi tin là vậy.
-ThanhCj-