Dịch từ bài viết của Richard Cooke trên Wired
---
Người ta từng nghĩ rằng bách khoa toàn thư mở là một ý tưởng sai lầm; nhưng bây giờ, có nhiều bằng chứng cho thấy nó thật sự hữu ích.

BẠN CÓ CÒN NHỚ HỒI WIKIPEDIA nghe như một câu chuyện tiếu lâm?
Trong mười năm đầu hoạt động, trang web này hệt như một câu chuyện cười, bao nhiêu câu chốt hạ là bấy nhiêu cái tiêu đề. Nhân vật Michael Scott của loạt phim The Office gọi đây là “kênh thông tin tốt nhất từ trước đến nay” vì “tất cả mọi người trên thế giới có thể tùy ý viết về mọi chủ đề mà họ muốn. Bởi vậy, bạn nên biết rằng mình đang được tiếp cận với nguồn thông tin tốt nhất có thể có.” Việc khen ngợi Wikipedia bằng cách khẳng định lại sứ mệnh của nó khác nào tự gọi mình là một thằng ngốc.
Khi ấy là năm 2007. Ngày nay, Wikipedia là trang web có số lượt truy cập cao thứ tám trên thế giới. Phiên bản tiếng Anh mới đây đã vượt mốc sáu triệu bài viết, với hơn 3,5 tỷ từ. Tốc độ biên tập là 1,8 từ/giây. Tuy nhiên, có lẽ điều đáng chú ý hơn cả ở thành công của Wikipedia là danh tiếng của nó vẫn không thay đổi bao nhiêu. Khi mới ra đời, trang web này đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích, nhưng dần dà, sự phát triển mạnh mẽ của nó đã dập tắt mọi “lời ong tiếng ve”. Trong mắt mọi người, việc thừa nhận rằng bạn vừa nhắc lại một thông tin tìm kiếm trên Wikipedia vẫn là một điều đáng xấu hổ. Dường như tất cả câu hỏi được nhai đi nhai lại từ giữa những năm 2000: Trang này sẽ hiệu quả chứ? Liệu có tin tưởng được không? Wikipedia có tốt hơn bách khoa toàn thư Britannica không? chỉ mang tính chất tu từ, bởi lẽ chúng đã được trả lời hết lần này đến lần khác một cách hết sức chắc chắn.
Dĩ nhiên, bị chỉ trích ngấm ngầm vẫn còn tốt chán so với việc làm của những trang web lớn khác thời nay. Hãy lựa chọn một sự kiện đình đám mà bạn thích trong vài năm trở lại đây - cuộc bầu cử Trump làm tổng thống Mỹ, Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu), bất kỳ vụ rò rỉ dữ liệu nào, thái độ mù quáng “ăn theo” cánh hữu hay những phát ngôn lãnh đạm trước Quốc hội, bạn sẽ cảm nhận được bàn tay nham hiểm của những đơn vị sở hữu nền tảng độc quyền. Mới cách đây không lâu, một xã hội công nghệ hóa lý tưởng còn là nguồn cảm hứng dồi dào thúc đẩy người ta nảy ra biết bao ý tưởng xuất chúng, nhưng giờ đây nó đã trở thành “khuôn vàng thước ngọc” đến mức chẳng dám tự xưng tên. Hầu như chẳng còn mấy ai bàn về sự tự do, kết nối và cộng tác - những tôn chỉ hào nhoáng rầm rộ vào những năm 2000, mà không nghĩ đến những thế lực tiêu cực sờ sờ trên internet.
Tuy nhiên, trong giai đoạn mà triển vọng của thung lũng Silicon có vẻ kém lung linh hơn trước, thì Wikipedia lại tỏa sáng rực rỡ.  Đó là trang web phi lợi nhuận duy nhất lọt top 10 và một trong những cái tên hiếm hoi lọt top 100. Wikipedia không đánh bóng tên tuổi bằng quảng cáo, không xâm phạm quyền riêng tư và cũng không biến thành nơi đả phá chủ nghĩa Đức quốc xã. Tương tự như Instagram, Twitter và Facebook, nó cho phép người dùng tự do sản xuất nội dung nhưng khác biệt nằm ở chỗ, thông tin trên Wikipedia không phải do một cá nhân đóng góp mà là nhiều người chung tay tạo nên và hướng đến lợi ích chung. Không chỉ dừng lại ở một bách khoa toàn thư, Wikipedia đã trở thành một cộng đồng, thư viện, một thể chế, thử nghiệm và tuyên ngôn chính trị, nhưng chính xác nhất có lẽ là một không gian công cộng trực tuyến. Đây là một trong vài trang web hiếm hoi còn giữ lại chút vệt sáng lý tưởng thoi thóp của World Wide Web thời sơ khai: một bách khoa toàn thư miễn phí, tập hợp toàn bộ tri thức của nhân loại, hầu hết đều do những tình nguyện viên không công gầy dựng. Bạn có tin nổi kiểu trang web như vậy đã thành công hay không?
Wikipedia không hoàn hảo. Vấn đề nằm ở chỗ đã có, rất nhiều là đằng khác, cuộc thảo luận chi tiết được mở ra ngay trên chính trang này, thường là trong những diễn đàn tự phê bình thẳng thắn xoay quanh các chủ đề như “Tại sao Wikipedia không thật sự xuất sắc”. Theo quan sát của một cộng tác viên, là vì “nhiều bài viết có chất lượng kém”. Một người khác lại băn khoăn rằng “cách đóng góp kiến thức dựa trên sự đồng thuận của Wikipedia có lẽ còn bất cập”. Người thứ ba nhấn mạnh “ai cũng quyền tự do truy cập, điều chỉnh và viết một bài như 'bút mực dành riêng cho loài mèo". Bên cạnh đó, đồng cảnh ngộ với thế giới công nghệ, Wikipedia cũng gặp tình trạng mất cân bằng giới tính. Theo các khảo sát gần đây, 90% biên tập viên tình nguyện của trang này là đàn ông. Phụ nữ và những cộng tác viên thuộc các bản dạng giới khác thường xuyên khiếu nại về việc bị người dùng trang web này quấy rối, trêu chọc, xâm phạm thông tin cá nhân, hack, thậm chí đe dọa sát hại. Tổ chức mẹ của Wikipedia nhiều lần thú nhận tình trạng này và tiến hành các bước tạm dừng hoạt động để khắc phục hậu quả. Vài năm trước, họ chi hơn trăm nghìn đô để triển khai một “chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng”. Nhưng bằng cách nào đó, các phương tiện khắc phục thiếu sót của Wikipedia, cả về mặt văn hóa lẫn độ phủ thông tin, đã phát huy tác dụng: hãy chứng kiến sự trỗi dậy của đội ngũ biên tập ủng hộ nữ quyền.
Những đổi mới của Wikipedia lúc nào cũng phản ánh đặc trưng văn hóa hơn là hướng đến mục tiêu có tính toán. Nó vẫn dựa trên nền tảng công nghệ hiện nay. Nhờ vậy, Wikipedia duy trì được một phương diện thường bị xem nhẹ và hiểu sai trong dự án: kiến trúc chủ yếu dựa vào cảm xúc. Wikipedia được xây dựng dựa trên mối quan tâm và phong cách cá nhân của đội ngũ cộng tác viên. Thậm chí, để không quá sướt mướt, bạn có thể nói rằng Wikipedia được làm nên từ tình yêu. Bằng niềm đam mê, các biên tập viên đã đào sâu vào những lĩnh vực tưởng như chẳng ai để mắt tới. Trên Wikipedia, bạn có thể tìm thấy thông tin giải thích cặn kẽ về hàng tá phần mềm thêu khác nhau, danh sách cầu thủ bóng chày đeo kính, bản phác họa tiểu sử ngắn gọn mà cảm động về Khanzir - chú lợn duy nhất ở Afghanistan. Không hề có kiến thức nào thật sự vô dụng, nhưng ưu điểm nổi bật nhất là Wikipedia đã kết hợp hài hòa rất nhiều sở thích khác nhau một cách thích hợp, để câu nói “Khá, khá đấy!” của Larry David được đưa ra làm ví dụ về phép điệp. Những lúc như vậy, ta cảm giác như tri thức trên internet phần nào đang khá lên một chút.
Ảnh minh họa: Michael Haddad
Một thách thức trong việc nhìn nhận rõ ràng giá trị của Wikipedia là việc so sánh nó với trang Bách khoa toàn thư Britannica, không chỉ có bản online hiện vẫn còn hoạt động mà cả bản giấy đã ngừng xuất bản từ năm 2012. Nếu gần đây bạn có bắt gặp từ Bách khoa toàn thư Britannica thì rất có thể chúng nằm trong một diễn đàn thảo luận về Wikipedia. Tuy nhiên, lần cuối bạn nhìn thấy cuốn sách đó là khi nào? Sau vài tháng tìm hiểu về Wikipedia, đồng thời đọc về Britannica, cuối cùng, tôi đã tận mắt trông thấy quyển bách khoa toàn thư đồ sộ đó bị vứt lăn lóc bên đường. Hai mươi bốn quyển bìa đỏ sậm ngăn nắp xếp chồng lên nhau, trông quá ư sang trọng trong buổi tiễn đưa chúng về nơi an nghỉ cuối cùng trên xe rác. Giá của một quyển bách khoa toàn thư mới vào năm 1965 là 10,50 đô, tương đương với 85 đô hiện nay nếu tính theo lạm phát. Bây giờ, chúng ế ẩm đến mức những cửa hàng từ thiện cũng chẳng buồn nhận quyên góp.
Chí ít, Wikipedia và Britannica đã từng được khai sinh từ một lý tưởng. Ý tưởng xây dựng một cuốn sách tổng hợp toàn bộ tri thức của nhân loại đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ và người ta vẫn không ngớt thảo luận xem có chất liệu nào lý tưởng hơn giấy chăng: H.G.Wells từng cho rằng microfilm (bản sao thu nhỏ) có thể là chìa khóa xây dựng nên thứ mà ông gọi là “Thế giới của bộ não”; Thomas Edison đặt hy vọng vào những lát nickel mỏng dính. Tuy nhiên, đối với hầu hết những người sinh ra ở thuở sơ khai của internet, bách khoa toàn thư vẫn là một cuốn sách, đơn giản và rõ ràng. Khi đó, việc đặt Wikipedia và Britannica lên bàn cân là chuyện dễ hiểu. Dĩ nhiên, mọi người sẽ chú trọng vào những ưu điểm của Britannica - được biên tập và kiểm tra theo quy trình nghiêm ngặt, danh sách tác giả cộng tác toàn là những nhân vật tiếng tăm lừng lẫy: ba tổng thống Mỹ, hàng loạt tên tuổi đạt giải Nobel, giải Oscar, tiểu thuyết gia và nhà phát minh. Nghi vấn đặt ra là liệu những tổ chức tay ngang có thể tạo ra một sản phẩm chất lượng dù chỉ bằng một nửa như vậy hay không. Wikipedia là nền tảng tri thức do cộng đồng đóng góp với số lượng không xác định. Cách thức vận hành này mãi đến năm 2005 mới được hai biên tập viên của WIRED nghĩ ra tên gọi cụ thể - crowdsourcing.
Cũng trong năm 2007, tạp chí Nature lần đầu tiên công bố một nghiên cứu so sánh trực tiếp hai bộ bách khoa toàn thư trên. Theo nghiên cứu, chí ít đối với các bài viết về lĩnh vực khoa học, hai nguồn thông tin này gần như “tám lạng, nửa cân”: số lỗi trung bình trong mỗi bài viết của Britannica là ba, trong khi của Wikipedia là bốn. (Britannica khẳng định rằng “đa số số liệu khảo sát của tạp chí… đều sai và gây nhầm lẫn”, nhưng Nature kiên quyết bảo vệ phát hiện của mình.) Chín năm sau, một báo cáo chính thức của trường Kinh doanh Harvard cho biết Wikipedia có xu hướng nghiêng về phía cánh tả hơn Britannica - chủ yếu vì các bài viết trên trang này thường dài hơn, do đó dễ có khả năng chứa những “mật hiệu” mang ý nghĩa ủng hộ. Tuy nhiên, định kiến này nhanh chóng bị bác bỏ. Một bài viết của Wikipedia càng được hiệu chỉnh nhiều thì nội dung càng trung lập. Theo các nhà nghiên cứu, “nếu dựa trên câu chữ thì trong nhiều năm qua, khuynh hướng chính trị của Wikipedia hầu như không thay đổi.”
Tuy nhiên, có những phát hiện quan trọng không được thể hiện trong các đối sánh trực tiếp mang tính định lượng. Chẳng hạn, trên thực tế, mọi người thường tra cứu trên Wikipedia hơn, còn bách khoa Britannica với chất lượng tuyệt hảo thường được xem là vật phẩm trưng bày hoặc tài liệu tham khảo. Quyển bách khoa toàn thư mà tôi nhìn thấy bên vệ đường được thiết kế rất đẹp. Tuy trang bìa hơi cũ một chút nhưng gáy sách vẫn chưa bung và các trang sách còn nguyên vẹn - những dấu hiệu tiết lộ rằng suốt 50 năm qua, nó hiếm khi được dùng đến. Sau khi nỗ lực hết sức để khuân sách về nhà càng nhiều càng tốt, tôi hiểu ra rằng nội dung của Britannica chỉ là liều thuốc vỗ về những tâm hồn hoài cổ.
Theo tôi nhận xét, những bài viết trong bộ Britannica số 65 có chất lượng khá tốt và sâu sắc, tuy nhiên, giọng điệu sắc bén “nửa mùa” có thể dẫn đến sự thiếu chính xác. Chẳng hạn, phần nói về hệ thống giáo dục của Brazil viết “chất lượng tốt hay xấu của hệ thống còn tùy thuộc vào số liệu thống kê mà họ đưa ra và cách diễn giải chúng”. Hầu hết tác giả biên soạn đều là đàn ông da trắng, và một số thông tin ngay lúc phát hành đã lỗi thời hết 30 năm. Năm 1974, nhận xét về một nửa giai đoạn ra đời của Britannica, nhà phê bình Peter Prescott viết “bách khoa toàn thư cũng giống như bánh mì: ăn càng sớm càng ngon; nếu không, chúng sẽ thiu trước khi kịp lên kệ”. Các biên tập viên Britannica mất cả nửa thế kỷ để cập nhật thông tin về điện ảnh. Trong phiên bản năm 1965, không có bài viết nào nhắc đến Luis Buñuel - một trong những vị cha đẻ của phim hiện đại. Có thể bạn cũng chẳng còn nhớ gì mấy về tivi. Trong khi đó, một mình nhà thơ Lord Byron lại độc chiếm hết bốn trang. (Xu hướng bảo thủ này không chỉ xuất hiện ở Britannica. Khi lớn lên, tôi nhớ mình đã đọc một bài viết về hẹn hò trên bách khoa toàn thư World Book và hết sức khó chịu vì bị quảng cáo sữa lắc làm phiền.)
Chưa kể, thù lao của những người biên soạn bách khoa toàn thư không hề thấp. Theo một bài viết trên tạp chí The Atlantic năm 1974, trung bình, các cộng tác viên của Britannica nhận được 10 cent/từ, tương đương 50 cent nếu tính theo tỷ giá hiện nay. Thỉnh thoảng, họ còn được tặng cả một bộ sách. Tuy nhiên, rõ ràng họ không mấy trân trọng những phúc lợi này; đội ngũ biên tập thường xuyên phàn nàn việc cộng tác viên giao bài trễ hạn, hành xử trẻ con, lười biếng và rất thiên vị. “Mấy người thuộc giới nghệ sĩ đều ảo tưởng là mình là viết khá lắm nhưng thực ra họ mới là người khiến chúng tôi đau đầu nhất.” - một biên tập trả lời tạp chí The Atlantic. Giả sử tính theo mức thù lao của Britannica, phiên bản tiếng Anh của Wikipedia cần đến 1,75 tỷ đô mới có thể “trình làng”.
Một hạn chế khác mà hiếm ai nhớ đến của những bộ bách khoa toàn thư này là: theo cách nào đó, chúng ngày càng bị cắt xén. Tổng độ dài của cuốn bách khoa toàn thư giấy tương đối hạn chế, trong khi lượng thông tin trên thế giới vẫn không ngừng tăng lên nên buộc phải lược bỏ và rút ngắn. Đây là một cuộc giằng co một mất một còn. Nếu bổ sung bài viết thì phải xóa bỏ hoặc giảm tải những thông tin hiện tại. Ngay cả các nhân vật đáng chú ý nhất cũng không thoát khỏi số phận chung; từ năm 1965 đến 1989, “đất” giới thiệu về nhạc sĩ Bach trong Britannica đã bị lược bỏ hai trang.
Đến khi internet xuất hiện, ý tưởng xây dựng một trang bách khoa toàn thư lưu trữ vô hạn không chỉ nảy ra một cách hết sức tự nhiên mà còn là việc đương nhiên phải làm. Tuy vậy, vẫn có nhiều người, kể cả các nhà tiên phong lập nên Wikipedia, nghĩ rằng dù sử dụng nền tảng mới nhưng vẫn nên giữ nguyên mô hình tổ chức tôn ti và việc biên soạn bách khoa vẫn do nhóm chuyên gia đảm nhận như Britannica đã làm.
Năm 2000, mười tháng trước khi Jimmy Wales và Larry Sanger đồng sáng lập Wikipedia, hai người bắt đầu xây dựng một website mang tên Nupedia với dự định thu thập bài viết của các học giả nổi tiếng và hiệu đính qua bảy vòng biên tập. Tuy nhiên, trang web này chẳng bao giờ thành công đi vào hoạt động. Sau một năm, số bài viết Nupedia thu thập chưa được đến 20. (Bản thân Wales cũng đóng góp bài viết trên trang này và ông chia sẻ với The New Yorker rằng việc viết “y như đang làm bài tập về nhà”) Khi Sanger nghe phong thanh có một phần mềm cộng tác tên là wiki - xuất phát từ gốc tiếng Hawaii wikiwiki  có nghĩa là "quickly" trong tiếng Anh, anh và Wales liền quyết định thiết kế một phương tiện nhằm thu thập tư liệu thô cho Nupedia. Ban đầu, họ nghĩ việc làm này cũng chẳng mang lại kết quả gì khả quan nhưng chỉ trong vòng một năm, Wikipedia đã có 20.000 bài viết. Đến lúc các máy chủ của Nupedia ngừng hoạt động vào một năm sau thì trang web ban đầu đã trở thành vỏ trấu, còn hạt giống mà nó nuôi dưỡng đã mạnh mẽ đâm chồi nảy lộc ngoài mong đợi.
Đầu năm 2003, Sanger rời khỏi Wikipedia. Trên tờ Financial Times, ông bày tỏ rằng mình đã chán ngấy “những trò châm biếm” và “những loại người vô chính phủ” - họ “phản đối ý kiến cho rằng bất kỳ ai cũng nên có một thẩm quyền mà người khác không có”. Ba năm sau, anh thành lập một trang web đối trọng với Wikipedia - Citizendium - được nhìn nhận như một sân chơi dành cho những cây bút chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư. Cùng năm đó, một biên tập có tầm ảnh hưởng khác của Wikipedia, Eugene Izhikevich cho ra đời Scholarpedia, trang bách khoa toàn thư chuyên về chủ đề khoa học, chỉ mời chuyên gia cộng tác và có bình duyệt. Citizendium rất vất vả trong việc thu hút nguồn tài trợ lẫn cộng tác viên và hiện đang hấp hối. Scholarpedia khởi đầu với tham vọng ít mạnh mẽ hơn, hiện sở hữu chưa đến 2.000 bài viết. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là nguyên nhân tại sao các trang web này thất bại. Chúng đều đối mặt với một vấn đề cơ bản mà dường như chưa tìm ra cách giải quyết - vấn đề mà Nupedia vấp phải và Wikipedia đã vượt qua: Hầu hết chuyên gia không muốn đóng góp không công cho một bách khoa toàn thư trực tuyến miễn phí.
Thử thách trong việc biên soạn bài viết cho bách khoa toàn thư xuất hiện ở cả những lĩnh vực có rất nhiều chuyên gia và có vô số tư liệu để khai thác. Chẳng hạn, hoàng đế Napoleon Bonaparte là đề tài của 10.000 cuốn sách. Tuy nhiên, có lẽ số lượng sử gia tận tụy viết về lịch sử nước Pháp nói chung sẽ nhiều hơn số người viết về bất kỳ một nhân vật lịch sử cụ thể nào. Và cho đến nay, những học giả đó, ngay cả người nghỉ hưu hay đặc biệt là những người nhiệt tình cũng không muốn tiết lộ về thù lao của mình. Bài viết về Napoleon trên trang Citizendium dài khoảng 5.000 từ, chưa hề được biên tập trong sáu năm qua và bỏ sót các sự kiện quan trọng như trận chiến mang tính quyết định Borodino với số thương vong lên đến 70.000 người và chiến công của Napoleon II. Ngược lại, bài viết về Napoleon của Wikipedia dài khoảng 18.000 từ, khai thác và tổng hợp thông tin từ hơn 350 nguồn.
Các trang web thay thế cho Wikipedia còn để lộ một vấn đề khác khi sử dụng mô hình tổ chức theo chiều dọc: Vì đội ngũ cộng tác viên quá mỏng nên độ phủ của thông tin không đồng đều và khó bổ sung các lỗ hổng. Bài viết về khoa học thần kinh trên trang Scholarpedia không hề nhắc đến khái niệm serotonin hay thùy trán. Trên trang Citizendium, Sanger không chịu công nhận những nghiên cứu của phụ nữ là một hạng mục lớn và việc đặt ra quy định là “quá nghiêm túc”. (Hiện tại, anh nói rằng “không chỉ riêng các nhóm nghiên cứu của phụ nữ mà có quá nhiều nhóm chồng chéo lên nhau”) Trái lại, một bách khoa toàn thư được xây dựng theo hệ thống ngang thay vì dọc sẽ có khả năng tự điều chỉnh (mọi người tự chỉnh sửa bài viết cho nhau). Bất kể là chủ đề nhạy cảm về mặt chính trị hay thâm thúy khó hiểu, số đông đều sẽ đi đến sự thống nhất. Trong phiên bản Wikipedia tiếng Anh, đặc biệt đối với những chủ đề gây tranh cãi như George W. Bush hay Jesus Christ, số lượt điều chỉnh bài viết đã lên đến hàng nghìn lần.
Nói cách khác, Wikipedia không phải là tòa thành xây trong một đêm mà là thành quả “kiến tha lâu đầy tổ”. Nhìn những chú kiến bé nhỏ tỉ mỉ nhặt nhạnh từng hạt thóc khiêm tốn, không ai nghĩ được rằng dự án có thể mở rộng quy mô. Tuy nhiên, chính sự kiên trì “tích tiểu thành đại” đã biến Wikipedia trở thành kho tàng tri thức vô hạn. 
Ảnh minh họa: Michael Haddad
Tập thể người hùng của Wikipedia không phải là những gã khổng lồ trong lĩnh vực của mình. Họ được gọi là WikiGnomes - các biên tập viên chịu trách nhiệm ủi sạch lỗi chính tả, sắp xếp gọn gàng bài viết theo chuyên mục và loại trừ những hành động phá hoại. Công việc này thường không lương nhưng không hẳn là chẳng gặt hái được niềm vui nào khác. Đây chính là xuất phát điểm của các tình nguyện viên Wikipedia và nhiều nội dung của trang web này. Theo một bài báo đăng trên tạp chí Management Science năm 2017, độ dài cho phép chỉnh sửa trung bình trên Wikipedia chỉ là 37 ký tự - nghĩa là bạn chỉ cần tốn một vài giây.
Tuy nhiên, từ khởi điểm đó, nhiều tình nguyện viên bị lôi cuốn tìm hiểu sâu hơn về văn hóa của trang web. Trên các trang Talk, họ thảo luận về cách biên tập. Trên trang User, họ chia sẻ về sở thích và khả năng của mình. Một số người dẫn đầu bảng xếp hạng biên tập viên. Vài cá nhân ưu tú trở thành quản trị viên. Mặc dù có khoảng 250.000 người chỉnh sửa nội dung Wikipedia mỗi ngày nhưng chỉ có khoảng 1.100 tài khoản được cấp quyền quản trị. Trang web này đủ sâu sắc và phức tạp và một minh chứng là bản hướng dẫn và đề xuất của nó dài đến 150.000 từ. Khi biên tập, các thành viên tận tâm nhất của Wikipedia buộc phải đóng vai luật sư, viện dẫn những tiền lệ và biện luận cho quyết định thêm, bớt, sửa, xóa của mình. Tương tự như pháp luật, thường có nhiều trường phái diễn giải khác nhau. Hai trường phái lớn nhất trên Wikipedia là Xóa bỏ và phái Cộng thêm. Phe Xóa bỏ chủ trương bỏ bớt bài viết, chú trọng chất lượng hơn số lượng, đề cao uy tín hơn là tiện dụng. Phe Cộng thêm thì ngược lại, chủ trương bổ sung thêm nhiều bài viết.
Hầu hết biên tập viên tận tụy nhất, bất kể thuộc trường phái xóa bỏ hay cộng thêm, đều là dấu gạch nối giữa chuyên gia và nghiệp dư: những người nhiệt tình đóng góp. Bạn có thể tưởng tượng họ giống như một railfan hay trainspotter (người đam mê xe lửa). Các tình nguyện viên Wikipedia vẫn chưa thống nhất thuật ngữ nào chính xác hơn. Kiến thức của họ về xe lửa có lẽ hơi khác so với một kỹ sư hay nhà nghiên cứu lịch sử đường sắt, nhưng bạn sẽ không thể rành rẽ bằng một trainspotter hay đáng tin cậy  bằng một railfan. Dù sao đi nữa, họ vẫn là kiểu chuyên gia hợp pháp. Trước đó, họ đã chia sẻ những kiến thức dân gian mà mình tích lũy được trên các diễn đàn trực tuyến, radio và tạp chí chuyên ngành. Wikipedia là đơn vị đầu tiên khai thác chúng. Bài viết về chiếc tàu hơi nước nổi tiếng Flying Scotsman dài 4.000 từ, hàm chứa lượng thông tin tỉ mỉ đáng kinh ngạc, từ những mốc thay số con tàu, các đời chủ sở hữu, tấm làm chệch hướng khói và quá trình phục hồi, được thực hiện bởi những cộng tác viên có hiểu biết uyên thâm khó ai bì kịp về quá trình hoạt động của xe lửa. (“Người ta cho rằng đầu máy xe lửa A4 đã xuống cấp nghiêm trọng hơn phụ tùng do áp lực vận hành cao hơn khi được nâng lên 250 psi.”)
Nói một cách hoa mỹ, bản thân sức mạnh này chính là một loại động cơ, được liên tục nạp nhiên liệu bằng lòng nhiệt huyết mạnh mẽ gần như trở thành đam mê. Ban đầu, nhiều bài phê bình về các bài viết tham khảo được máy tính trợ giúp này bày tỏ sự quan ngại rằng một phẩm chất quan trọng của con người sẽ bị loại bỏ để nhường chỗ cho cách tường thuật sự thật nhàm chán. Năm 1974, một bài báo đăng trên tạp chí The Atlantic dự đoán chính xác về nỗi lo lắng này: “Dĩ nhiên, một cộng đồng được máy tính hỗ trợ đắc lực sẽ cho ra đời những bài viết chính xác hơn trí tuệ của một cá nhân. Tuy vậy, dù sự chính xác tạo nên niềm tin gắn kết độc giả với đội ngũ cộng tác viên nhưng tính độc đáo, thanh nhã và thú vị mới là phẩm chất đặc biệt khiến cho việc học hỏi trở thành một hoạt động đầy hấp dẫn. Và đó không phải là những phẩm chất mà chúng ta có thể tìm thấy trong cộng đồng.” Tuy nhiên, Wikipedia vẫn toát lên vẻ thú vị, thanh nhã và độc đáo qua nguồn tri thức dồi dào, phong phú, đặc biệt khi nó được chăm chút bằng tinh thần nhiệt huyết tràn trề và những chi tiết trau chuốt tỉ mỉ (đôi khi vô ích) biến trang bách khoa toàn thư trở thành một công trình đẹp đẽ.
Trong bài viết về cuộc cách mạng tình dục, có một dòng (đã bị xóa đi) rằng: “Đối với những người không sinh ra ở thời kỳ này, có lẽ thật khó tưởng tượng việc quan hệ vào những năm 1960 đến 1970 tự do như thế nào.” Bài tiểu sử vô danh rút gọn đó là mục tiêu hấp dẫn để biên tập, nhưng cũng là chút di sản còn sót lại sau cuộc cách mạng tình dục, một sự phản ánh đầy nuối tiếc về một giai đoạn tự do đã không còn tồn tại. (Người biên tập đã ghi chú “cần tham khảo các nguồn khác” cũng tham dự vào câu chuyện đó.) Nhờ bài viết về Frank Knopfler Macher - nhà trí thức chống cộng, chúng ta biết rằng “những cuộc độc thoại tự do qua điện thoại vào đêm muộn (ông thường đến gặp các cộng sự và thường xuyên hơn là những nhân vật phản diện) vẫn còn là điều bí ẩn qua hàng thập kỷ trong giới tri thức nước Úc. Tiểu thuyết gia người Hong Kong Lillian Lee, như chúng ta được biết, luôn tìm kiếm “tự do và hạnh phúc chứ không phải danh tiếng”.
Giới “trí ngủ” vốn nổi tiếng là những kẻ không biết đùa, nhưng đối với cộng đồng cộng tác viên của Wikipedia, óc hài hước lại là chìa khóa để duy trì tinh thần hợp tác bền bỉ - yếu tố định vị dự án. Có lẽ họ không cần hiểu cặn kẽ về lịch sử của tập tục dựng con dê bằng rơm khổng lồ trong các thị trấn Thụy Điển vào mỗi dịp Giáng sinh nhưng bài viết về chú dê Gävle đã điểm qua về số phận từng năm của nó. Bài viết chủ yếu liệt kê chính xác những mốc thời gian mà chú dê bị đốt, cách đốt và giải pháp bảo vệ mới được đặt ra hằng năm kể từ năm 1966. (Theo báo cáo năm 2005, con dê “bị những kẻ vô danh hóa trang như ông già Noel và chú bé bánh gừng bắn tên châm lửa đốt cháy".)
Tại sao các tình nguyện viên Wikipedia sẵn sàng cống hiến hàng nghìn giờ lao động không lương (khác nào việc đốt cháy chú dê bằng rơm khổng lồ)? Bởi lẽ họ không xem đó là một công việc. Năm 2008, Wales phát biểu trên trang web Hacker Noon, “người ta đã hiểu lầm khi cho rằng họ làm không công. Không phải, là họ đang giải trí miễn phí.” Theo một khảo sát năm 2011 thực hiện với 5.000 cộng tác viên Wikipedia, “để giải trí” là một trong những lý do chính để họ đóng góp website này.
Đó là lý do tại sao phần “sân sau” của Wikipedia - các trang Talk, bài bình luận, chính sách… lại tràn ngập những câu chuyện tiếu lâm. Chúng ta đã quá quen với tính chất nghiêm túc và nghiêm trọng mà bách khoa toàn thư gây ấn tượng lúc đầu. Thật khó lòng tưởng tượng một kho tàng kiến thức của nhân loại lại tồn tại một chính sách mang tên “Đừng có láu cá” (sau này được sửa lại thành “Đừng có ăn gian”). Tuy nhiên, cách thể hiện bộc trực như vậy cũng hướng đến mục đích cụ thể, tương tự như mục đích khiến các cộng tác viên Wikipedia sưu tầm và ăn mừng “Những cuộc chiến tưng bừng nhất của giới biên tập”. Trong số đó có bài viết về cuộc xung đột trường kỳ của tổ tiên ca sĩ Freddie Mercury, nguồn gốc của món salad Caesar, cách phát âm chính xác họ tên của nữ nhà văn J.K.Rowling (“có lẽ vì nghe nó na ná như “trolling” chăng?”), câu chữ của một số tiêu đề (“con mèo này có thật sự đang mỉm cười?”) và mức độ nổi tiếng cần thiết để xuất hiện trong danh sách các nhân vật phản diện hư cấu.
Rất ít kiến trúc sư của một bách khoa toàn thư thế giới nghĩ đến việc tạo ra một diễn đàn hài hước, và nếu họa hoằn mà họ có thực hiện thì không ai đoán được rằng nó sẽ đóng vai trò quan trọng thế nào. Tuy nhiên, đối với Wikipedia, những câu chuyện tếu táo này vô cùng quan trọng. Chúng xoa dịu căng thẳng và nuôi dưỡng tinh thần hợp tác vui vẻ. Chúng khuyến khích tất cả mọi người giữ tính khiêm nhường. Chúng cũng khích lệ người ta đọc nhiều hơn và chỉnh sửa kỹ lưỡng hơn. Nó đại diện cho sự trở lại đáng ngạc nhiên của những công trình tham khảo của Thời kỳ Khai sáng giai đoạn sơ khai. Theo từ điển của Samuel Johnson biên soạn năm 1755, định nghĩa về sự “nhàm chán” là “cảm giác không vui vẻ; không thú vị: ví dụ, biên soạn từ điển là một công việc nhàm chán.” Có lẽ cuốn từ điển quan trọng nhất của thời kỳ hậu hiện đại, Encyclopédie, bị cấm vì chứa những nội dung châm biếm và đả kích giáo hội: mục từ “cannibals” (ăn thịt đồng loại) tham khảo chéo đến từ “giáo hội”.
Nếu việc tiếp tục so sánh Wikipedia với Britannica là một sai lầm thì đánh giá Wikipedia với những trang web khác cùng nằm trong top 10 cũng ngớ ngẩn không kém. Wikipedia nên đóng vai trò là một mô hình cho nhiều dự án xã hội nhưng bài học của nó không thể áp dụng vào môi trường thương mại. Đây là một doanh nghiệp phi thương mại, không có nhà đầu tư hay cổ đông ủng hộ, không có yêu cầu phải phát triển tài chính hay phá sản, và không có áp lực phải liên tục chạy đua tích trữ dữ liệu và duy trì lợi thế AI bằng mọi giá. Trong đám cưới của Jimmy Wales, một trong những trợ lý danh dự đã ca ngợi anh là nhân vật nổi tiếng của internet duy nhất không phải là tỷ phú.
Dù vậy, trang web này đã hỗ trợ đắc lực cho những ông lớn ngành công nghệ, đặc biệt nhờ sự phát triển của AI. Giấy  phép tự do khai thác nội dung và kho thông tin phong phú của Wikipedia cho phép những lập trình viên tìm kiếm thông tin nhanh hơn, ít tốn kém và rộng hơn bất kỳ tập dữ liệu độc quyền nào từng có. Khi bạn đặt câu hỏi cho phần mềm Siri của Apple hay Alexa của Amazon, Wikipedia sẽ hỗ trợ đưa ra câu trả lời. Khi bạn tìm trên Google một địa điểm hay nhân vật nổi tiếng, Wikipedia thường thông báo cho “bảng kiến thức” xuất hiện ngay bên cạnh những kết quả tìm kiếm.
Những công cụ này đã được tạo ra nhờ một dự án mang tên Wikidata - bước đi đầy tham vọng tiếp theo nhằm hiện thực hóa giấc mơ quá khứ - xây dựng một “Bộ não của toàn thế giới”. Dự án này do một nhà khoa học máy tính người Croatia và biên tập viên Wikipedia - Denny Vrandečić khởi xướng. Vrandečić say mê nội dung của Wikipedia nhưng cảm thấy khó chịu vì người dùng không thể đặt những câu hỏi yêu cầu khai thác kiến thức từ nhiều mục khác nhau. Vrandečić muốn Wikipedia có thể trả lời các câu hỏi như “20 thành phố lớn nhất trên thế giới có nữ thị trưởng là thành phố nào?” Những kiến thức này đều có sẵn trên trang web nhưng chúng bị ẩn đi. Để tìm được chúng “sẽ phải tốn rất nhiều công sức”.
Dựa trên một ý tưởng xuất hiện trong thời kỳ đầu ra mắt internet - “trang web ngữ nghĩa”, Vrandečić bắt tay vào tổ chức và bổ sung tập dữ liệu của Wikipedia để từ đó, chúng có thể tự tổng hợp kiến thức. Giả sử có nhiều cách để thu thập thông tin về phụ nữ, thị trưởng và thành phố theo quy mô dân số, thì một truy vấn được mã hóa chính xác có thể tự động trả về kết quả tên của 20 thành phố có nữ thị trưởng. Vrandečić từng biên tập Wikipedia bằng tiếng Croatia, tiếng Anh và tiếng Đức nên anh nhận ra các hạn chế trong việc chỉ sử dụng gợi ý bằng tiếng Anh. Thay vì vậy, anh chọn lập trình bằng mã số. Bất kỳ thông tin tham khảo nào nằm trong quyển Treasure Island có thể được gắn với mã Q185118 hoặc màu nâu có mã là Q47071. 
Vrandečić cho rằng việc lập trình và gắn mã đáng lẽ nên do robot thực hiện, nhưng cho đến nay, trong 80 triệu mục thông tin được thêm vào Wikidata, có gần phân nửa do các tình nguyện viên thực hiện. Tinh thần đóng góp nhiệt tình của cộng đồng khiến cho hai nhà sáng lập Wikidata cũng phải kinh ngạc. Hóa ra, việc biên tập Wikidata và Wikipedia khác nhau đủ nhiều để đôi bên không tranh giành cộng tác viên của nhau. Wikipedia thu hút những người thích viết lách, còn Wikidata hấp dẫn những người thích kết nối các gợi ý, giải đố và hoàn thiện. (Giám đốc sản phẩm của Wikidata - Lydia Pintscher sau khi xem phim về vẫn tự tay sao chép danh sách diễn viên từ cơ sở dữ liệu điện ảnh thế giới (IMDb) vào Wikidata theo những thẻ phân loại phù hợp.)
Những nền tảng như Google và Alexa vẫn nỗ lực cung cấp câu trả lời tức thì cho vô số câu hỏi ngẫu nhiên nhưng Wikidata sẽ là một trong những công trình quan trọng liên kết thông tin trên thế giới lại với nhau. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng hệ thống này vẫn bị lỗi - đó là lý do tại sao Siri vội vàng cho rằng quốc ca của Bulgaria là Despacito, nhưng quy mô triển vọng của nó đã vượt trội hơn Wikipedia. Những dự án phụ của họ nhắm đến việc phân loại từng chính trị gia, từng bức tranh trong mỗi bộ sưu tập công khai trên thế giới và từng gen trong bộ gen của con người thành một dạng dễ tìm kiếm, dễ tiếp thu và dễ đọc.
Dĩ nhiên, Wikidata không thể thiếu những trò đùa tinh quái. Chẳng hạn, tác giả Douglas Adams được gán cho mã số là Q42. Trong quyển truyện của Adams mang tên The Hitchhiker's Guide to the Galaxy, một nhóm thiên tài đã sáng chế ra chiếc máy tính vĩ đại và có sức mạnh phi thường mang tên Deep Thought. Họ yêu cầu nó “giải đáp câu hỏi cuối cùng của cuộc đời, của vũ trụ và vạn vật.” Hóa ra, đó chính là con số 42. Từ một thoáng ý thức về niềm vui và suy nghĩ không tưởng đến việc xây dựng nên một thứ không tưởng và mạnh mẽ như bộ não của thế giới, là lý do vì sao bạn nên biết rằng mình đang sở hữu nguồn thông tin tốt nhất có thể có từ Wikipedia.

k.